;
Nhân dịp về tham dự lễ cắt băng khánh thành chùa Yên Hoành cũng như làm một số công tác Phật sự tại tỉnh Thanh Hóa, HT. Thích Bảo Nghiêm đã tới thăm Ban trị sự tỉnh. Nhân dịp này, nhận lời thỉnh cầu của Ban trị sự, chiều ngày ngày 26 tháng 7 năm 2015 nhằm ngày 11 tháng 6 năm Ất Mùi Hòa thượng đã có buổi Pháp thoại tới Chư tôn đức Tăng Ni đang an cư tại 3 địa điểm của tỉnh Thanh Hóa vân tập về Tổ đình Thanh Hà ( Trụ sở Ban trị sự tỉnh Thanh Hóa).
Buổi thuyết pháp hôm nay, Hòa thượng đã giúp các hành giả an cư ôn lại lịch sử cũng như truyền thống an cư trong suốt 45 mùa an cư khi đức Phật còn tại thế. Ngài là người chế ra luật cấm túc an cư và cũng chính Ngài đã thực hiện việc cấm túc an cư này. Về địa điểm an cư thì cần phải có đầy đủ 5 điều kiện sau: giao thông thuận lợi, môi trường an cư phải sạch sẽ, an cư ở nơi có an ninh trật tự ổn định, an cư tại nơi có dân cư trù phú và an cư ở nơi yên tĩnh, vắng lặng.
Trong suốt 45 năm thuyết Pháp độ sinh của đức Phật thì đức Phật cũng đã phải trải qua 45 mùa kết hạ, an cư cùng chúng Tăng. Mùa hạ năm đầu tiên ngay sau khi Tam Bảo được hình thành, đức Phật đã chế ra luật an cư và ý nghĩa của việc an cư, trong năm đó Ngài và 5 anh em Kiều Trần Như đã an cư tại Vườn Nai. Trong suốt 45 năm thuyết Pháp độ sinh thì Ngài đã đi khắp nơi để tiếp độ chúng sinh, chỉ đến khi thực hiện việc cấm túc an cư thì Ngài mới cùng chư Tăng an trú tại 1 địa điểm trong suốt 3 tháng mùa mưa. Sau khi mãn hạn thì Ngài lại cùng chư Tăng tiếp tục hóa độ chúng sinh không kể nơi đó là nơi thành thị hay nông thôn bởi cuộc đời của đức Phật và chư tăng thời đó là cuộc đời Du hóa.
Mùa an cư thứ 2, 3 và 4 thì Ngài và chư Tăng an cư tại thành Vương Xá nơi có tịnh xá Trúc Lâm do ông Cấp Cô Độc cúng dàng. Và chính từ nơi này Đức Thế Tôn đã cùng chư Tăng nhập hạ suốt 3 mùa an cư.
Mùa an cư thứ 5, đức Phật đã nhập hạ tại Ngôi Trùng Các Giảng Đường ở Đại Lâm ( gần thành Xá Vệ). Trong mùa an cư này, di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng với 500 Thích nữ đã cạo tóc, đắp y đến xin đức Phật cho nữ giới xuất gia. Như vậy đến mùa an cư này thì hội chúng Tỳ khưu Ni xuất hiện, giáo hội Tỳ khưu Ni đã được thành lập, tứ chúng đã có mặt kể từ đây bao gồm: Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.
Mùa an cư thứ 6, Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ khưu an cư mùa mưa tại núi Maṅkula
Mùa hạ thứ 7, vì lòng thương tưởng tới thân mẫu Ma Da nên đức Phật đã lên cung trời Đâu Suất để an cư, thuyết giảng cho thân mẫu của Ngài là vị thiên tử ở cõi trời Đâu Suất trong suốt 3 tháng mùa mưa. Sau khi nghe xong thời pháp, vị thiên tử đắc được thánh quả Tu Đà Hoàn.
Trong những năm tiếp theo, Ngài đã cùng chư Tăng thực hiện cấm túc an cư ở những nơi khác nhau với những sự kiện khác nhau để dần dần hoàn thiện luật cấm túc an cư.
Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh và trải qua 45 mùa an cư kết hạ, thời gian đã qua đi nhưng những bước chân của đức Phật và chư Tăng trên khắp nẻo đường thuyết Pháp, tế độ chúng sinh vẫn lưu lại cho hậu thế. Đó là hình ảnh đẹp, là tấm gương sáng về một bậc vĩ nhân duy nhất trong tam giới mà chúng ta cần phải học tập và noi theo.
Sau hơn 1 giờ nghe HT. Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng về lịch sử 45 năm an cư của đức Phật cùng chư Tăng, các hành giả an cư đã được hiểu thêm về lịch sử cũng như truyền thống an cư ngay từ thời đức Phật còn tại thế và việc cấm túc an cư đó vẫn tiếp tục được duy trì cho đến ngày hôm nay. Ngoài ra, qua đây các hành giả cũng hiểu thêm được vai trò, ý nghĩa của việc cấm túc an cư để từ đó trong suốt 3 tháng an cư, các hành giả cần phải cố gắng tinh tấn tu tập, trau dồi tam vô lậu học để quá trình an cư được thành tựu, viên mãn theo đúng chính pháp.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận: