;
Sau một thời gian các bài viết của chúng tôi về giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam chưa được sự quan tâm của bạn
đọc, thì mới đây, đã có một sự lưu tâm đặc biệt. Nói đặc biệt, vì vị bạn đọc quan tâm là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Tâm.
Hòa thượng đã mời tôi đến gặp, nghe tôi báo cáo những ý kiến liên hệ với loạt bài về giáo dục, có ý kiến chỉ đạo, góp ý về việc viết bài liên quan đến hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng thực ra đã quan tâm về vấn đề này từ rất lâu.
Ý kiến của hòa thượng hết sức xác đáng. Với cái nhìn của một nhà chuyên môn về giáo dục học, Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã đề nghị tôi điều chỉnh cụm từ “giáo dục xã hội” Phật giáo. Theo hòa thượng, ngài hiểu tôi dùng cụm từ “giáo dục xã hội Phật giáo” là để phân biệt với hoạt động giáo dục tu sĩ Phật giáo, hoạt động giáo dục gần như là duy nhất của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Nhưng hòa thượng cho rằng “giáo dục xã hội” lại có thể làm lầm lẫn với một trong 3 hoạt động giáo dục chính theo giáo dục học: giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình. Hòa thượng đề nghị một cụm từ rõ ràng hơn: “giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội”. Tất nhiên, tôi tiếp thu ngay ý kiến của hòa thượng, một ý kiến tinh tế trên nền tảng chuyên môn sâu sắc, làm sáng rõ khái niệm mà tôi muốn diễn đạt.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã tặng tôi quyển sách biên soạn từ luận án tiến sĩ của Hòa thượng có nhan đề “Giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em đường phố trong điều kiện hiện nay”, dày 214 trang, khổ A4.
Luận án tiến sĩ giáo dục học và lý lịch khoa học của Hòa thượng Thích Thiện Tâm (TS Nguyễn Thanh Thiện) in kèm luận án cho thấy sự quan tâm vô cùng đặc biệt của hòa thượng đối với giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội. Đó là sự quan tâm không chỉ của hướng lựa chọn ngành nghề theo học, mà đó là sự quan tâm cả đời cho hoạt động giáo dục.
Tôi hiểu, do vậy sự quan tâm của hòa thượng đối với loại bài viết về giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội của tôi. Việc bây giờ Hòa thượng mới cho tôi biết là vì hòa thượng muốn theo dõi kín đáo trong một thời gian.
Như vậy, đối với tôi ngoài việc là một vị lãnh đạo hệ phái Nguyên thủy, hệ phái tôi đang tu học, hòa thượng sẽ là một vị thầy hướng dẫn trong lãnh vực học thuật mà tôi hết sức quan tâm: giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội.
Đối với tôi, một Phật tử, quan tâm đến giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội, đã tốt nghiệp sư phạm và có một thời gian dạy môn ngữ văn, được sự hướng dẫn của một hòa thượng, tiến sĩ giáo dục học, đối với các bài viết về giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội, là điều vô cùng may mắn.
Hòa thượng dự kiến hàng tuần hay nửa tháng/lần sẽ dành cho tôi một buổi truyền trao ý kiến, giải đáp học thuật về giáo dục Phật giáo hướng ra xa xã hội. Tôi xin phép hòa thượng được biên soạn nội dung những buổi gặp gỡ và thọ học hòa thượng thành những bài phỏng vấn chuyên đề. Hòa thượng đã hoan hỷ chấp nhận.
Để có điều kiện đẩy nhanh tiến độ bài phỏng vấn, hòa thượng từ sự tin tưởng nơi tôi, có thể trong một số trường hợp sẽ không xem lại nội dung bài phỏng vấn mà cho đăng tải ngay khi hoàn thành.
Vì vậy, nếu trong loạt bài có sơ suất, thiếu sót về kỹ thuật diễn đạt thì đó là do ở tôi, Minh Thạnh.
Trong bài phỏng vấn đầu tiên tiếp sau bài giới thiệu này, cuộc phỏng vấn hòa thượng sẽ xoay quanh sự lựa chọn của hòa thượng đối với ngành giáo dục, một sự lựa chọn có thể là hình mẫu cho người tu sĩ Phật giáo.
MT
Thông tin thảo luận, phản hồi riêng: vinasat132@yahoo.com hoặc Vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh
(thực hiện)