;
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng, giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục có truyền thống lâu đời. Vậy vì sao phải ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới? Như vậy, có cần thiết không? Có ảnh hưởng không hay đến giáo dục truyền thống Phật giáo không?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Đúng là Phật giáo có một nền giáo dục truyền thống lâu đời. Nhưng không vì thế mà chúng ta tự cô lập với những thành tựu của khoa học công nghệ giáo dục hiện đại. Đạo hữu có thấy ngành nào hiện nay không ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại không, từ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, sản xuất đồ tiêu dùng, cả đến trong tiêu thụ, bây giờ khoa học công nghệ cũng đã thay đổi rất nhiều trong hoạt động, tập quán. Chẳng hạn, con người sử dụng diện thoại di động nhiều đến mức thay đổi chức năng sinh học các ngón trên bàn tay.
Bởi vậy, nếu gia đình Phật giáo không ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại, thì đương nhiên nền giáo dục Phật giáo của chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng lạc hậu, cô lập, dĩ nhiên là kém hiệu quả.
Thực ra, giáo dục Phật giáo bây giờ đã rất khác với nhiều trăm năm trước đây. Giáo dục Phật giáo chúng ta đã đi từ giáo dục nội bộ tự viện đến giáo dục trường lớp, chia ra nhiều bậc sơ cấp, trung cấp, đại học, có cấu tạo chương trình khoa học. Như vậy, không thể nói giáo dục Phật giáo là tách rời những thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại.
Hơn nữa, chúng ta ứng dụng khoa học công nghệ giáo dục hiện đại vào giáo dục Phật giáo là chỉ nhắm vào trước tiên lãnh vực phương pháp, cách làm, còn nội dung giáo dục Phật giáo truyền thống vẫn cố định theo đúng Phật pháp. Có nghĩa là chúng ta cũng nhắm đến chỉ một mục đích, nhưng bây giờ bổ sung những phương tiện hiện đại. Trước thì đi bộ, nay thì đi xe, đi máy bay… Xe hay máy bay được hiện đại hóa, thì chúng ta sử dụng theo đà cập nhật của xã hội. Có thể thí dụ như vậy để dễ hiểu.
CS MT: Kính bạch HT, HT có đánh giá như thế về việc giáo dục Phật giáo ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại?
HT TTT: Theo đánh giá chủ quan của riêng tôi, cũng có mặt giáo dục Phật giáo theo kịp những bước tiến của khoa học công nghệ giáo dục thời đại, nhưng nhiều mặt thì chưa.
Để góp phần xây dựng nền giáo dục Phật giáo hiện đại, tiên tiến, chúng ta sẽ tập trung thảo luận những điểm còn hạn chế, thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu khoa học giáo dục nhiều hơn nữa trong giáo dục Phật giáo.
Tuy nhiên, thầy lưu ý một điều, việc ứng dụng cũng cần có chọn lọc, phù hợp với những yêu cầu riêng của giáo dục Phật giáo. Không phải cứ thấy những gì là hiện đại, tiên tiến thì cứ nhắm mắt đưa vào giáo dục Phật giáo, không nghiên cứu, không suy tính.
Chính ở đây trách nhiệm của người làm Phật sự giáo dục Phật giáo là rất lớn, rất nặng nề. Nếu giáo dục Phật giáo trì trệ, lạc hậu về mặt phương pháp so với bước tiến của thời đại, thì khi đó, trách nhiệm của những người làm giáo dục Phật giáo rất nặng nề. Được thầy tổ đưa đi đào tạo ngành sư phạm, nhận thức nhiệm vụ của mình, thầy vẫn thường xuyên nghiên cứu về những thành tựu khoa học công nghệ giáo dục mới và làm sao để ứng dụng vào giáo dục Phật giáo Việt Nam.
Chúng ta đã trả lời câu hỏi có nên ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ giáo dục mới vào giáo dục Phật giáo hay không. Những câu hỏi tiếp theo sẽ khó hơn nhiều.
CS MT: Kính bạch HT, đó là những câu hỏi gì?
HT TTT: Chúng ta có thể có những vấn đề sau:
- Chọn những thành tựu khoa học công nghệ giáo dục nào để ứng dụng vào giáo dục Phật giáo.
- Đối với thành tựu khoa học công nghệ giáo dục được lực chọn, nên chú trọng ở những phần nào, mức độ ứng dụng ra sao, ứng dụng như thế nào?
- Có thể có những tác dụng phụ gì mà chúng ta cần hạn chế, ngăn ngừa.
- Những mục tiêu đề ra cho việc ứng dụng là gì.
- Quy trình ứng dụng cụ thể ra sao?
- Kết quả như thế nào là ứng dụng đạt yêu cầu, tác động tích cực vào việc phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam.
- Có thể chăng và làm cách nào để cải tiến các thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại không phù hợp với giáo dục Phật giáo trở nên phù hợp, thích ứng. Đối với các ứng dụng đã triển khai thì làm sao cho hiệu quả hơn.
CS MT: Kính bạch HT, vậy cấp học nào của giáo dục Phật giáo thích hợp cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học giáo dục hiện đại? Có phải là đi từ cấp học cao nhất?
HT TTT: Phật giáo là đạo của giáo dục. Do vậy, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại nên triển khai ở mọi cấp, mọi hình thức giáo dục, nhất là ở những hoạt động giáo dục có đông đảo người theo học như các khóa thuyết giảng Phật pháp định kỳ cho Phật tử. Một trong những mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại là triển khai rộng rãi, không nên giới hạn ở một cấp, một bộ phận nào đó.
CS MT: Kính bạch HT, làm sao biết thành tựu khoa học công nghệ giáo dục nào thích hợp với Phật giáo?
HT TTT: Vậy nên phải nghiên cứu, có thể từng trường hợp một. Có thể ứng dụng thử nghiệm (test). Nếu qua thử nghiệm mà có kết quả thì triển khai ứng dụng rộng rãi. Thực tế sẽ là câu trả lời tốt nhất.
CS MT: Kính bạch HT, viêc đưa thế học vào giáo dục Phật giáo vẫn bị nhiều ý kiến phản đối. E rằng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại vào giáo dục Phật giáo sẽ rơi vào tình trạng này?
HT TTT: Thầy xin lấy một ví dụ để dễ hình dung. Ngày xưa, cúng dường cho nhà chùa, có hình tượng “đội gạo lên chùa”. Ngày nay, nếu chúng ta dùng ô tô chở gạo đến chùa, thì có làm mất vẻ đẹp truyền thống Phật giáo không, hay nhờ đó mà chúng ta có nhiều thời gian hơn để tu học hay đọc kinh sách?
Chúng ta đã giải quyết xong vấn đề có nên ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại vào giáo dục Phật giáo hay không. Nếu trở lại vấn đề mâu thuẫn giữa thế học và Phật học thì lại rơi vào tình trạng lẩn quẩn tự cô lập giáo dục Phật giáo với tiến bộ của thời đại. Ở đây đừng lầm lẫn cứu cánh với phương tiện. Thành tựu khoa học công nghệ giáo dục hiện đại là thành tựu thế học, nhưng đó chỉ là phương tiện để chuyên chở kiến thức Phật học. Đâu phải chúng ta thay thế kiến thức Phật học bằng kiến thức thế học.
CS MT: Thành kính cảm ơn HT. Xin kính chào HT.
Minh Thạnh (thực hiện)
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.