;
>HT Thiện Tâm: Quyền lực mềm giáo dục là điều tất nhiên khi sở hữu hoạt động giáo dục
Với nội dung dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là quyền lực giáo dục, chức năng ảnh hưởng, các chiều kích của nó trong
khuôn khổ hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo, Phật giáo có cần quyền lực giáo dục không, nếu cần thì tại sao.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng (HT) xin HT giải thích thêm thế nào là quyền lực giáo dục. Phật giáo là tôn giáo từ bỏ quyền bính thế gian, thì có cần quyền lực giáo dục không?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Có lẽ đạo hữu làm lạ với cụm từ này.
Thực ra từ quyền lực có thể hiểu là từ từ “power” trong tiếng Anh. “Power” có thể dịch là sức mạnh.
Nếu nói sức mạnh giáo dục thì có vẻ quen thuộc hơn. Nhưng nói sức mạnh giáo dục thì dường như chú trọng đến tính chất, đặc điểm của giáo dục cùng với những tác động. Còn nói quyền lực mềm giáo dục thì thiên về khả năng của chủ thể nắm trong tay quyền lực này.
Quyền lực giáo dục là một loại quyền lực mềm. Quyền lực mềm là một khái niệm từ khoa học quan hệ quốc tế, được một nhà khoa học người Mỹ là Giáo sự Joseph Nye nêu ra lần đầu tiên và càng ngày càng được vận dụng rộng rãi trong nghiên cứu.Từ chỗ chỉ dùng trong khoa học quan hệ quốc tế, người ta đã sử dụng khái niệm quyền lực mềm cho các lãnh vực như văn hóa, khoa học, giáo dục.
Có khác một chút cách hiểu sức mạnh giáo dục như nhận thức từ lâu nay của giới học thuật, cách hiểu quyền lực mềm giáo dục được trình bày ở đây là lý giải, nhìn nhận sức mạnh giáo dục từ gợi ý của học thuyết quyền lực mềm.
Cách lý giải này là mới, nên sẽ có những vấn đề mới khi đào sâu. Đạo hữu hỏi sâu vào quyền lực mềm giáo dục ở thầy, với những nghiên cứu riêng của thầy về vận dụng học thuyết quyền lực mềm của Joseph Nye khi nghiên cứu về đặc điểm, tính chất, chức năng, tác động của giáo dục, đặc biệt là việc tạo ra quyền lực đối với người sở hữu, điều hành hoạt động giáo dục, có thể nói vui là đạo hữu đang nêu câu hỏi về “học thuyết quyền lực mềm giáo dục” của thầy Thiện Tâm rồi đó.
Luận án tiến sĩ của thầy tập trung nghiên cứu vấn đề chăm sóc giáo dục. Khi có hoạt động chăm sóc, thì trước hết với đối tượng được chăm sóc, ở người chăm sóc đã tự nhiên phát sinh ra những quyền hạn nhất định. Khi mở rộng vấn đề ra ở toàn lãnh vực giáo dục, thì sẽ có quyền lực giáo dục nói chung.
Quyền lực trước hết từ sự chăm sóc giáo dục, một hoạt động bố thí, xuất phát từ tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật, đương nhiên quyền lực giáo dục phù hợp với đạo Phật, một tôn giáo.
Còn nếu nhìn rộng hơn, đạo Phật là hoạt động văn hóa, thì quyền lực giáo dục là quyền lực mềm, quyền lực từ văn hóa, cũng hết sức phù hợp với đạo Phật.
Một đạo Phật có hùng lực là đạo Phật có quyền lực mềm, quyền lực giáo dục văn hóa, tâm linh. Người Phật giáo có quyền lực mềm Phật giáo là người có khả năng giáo dục Phật giáo, khả năng giác tha, khả năng hoằng pháp.
CS MT: Kính bạch HT, HT có nói đến “học thuyết Thích Thiện Tâm về quyền lực mềm giáo dục”. Xin HT cho biết chi tiết hơn.
HT TTT: Nói “học thuyết Thích Thiện Tâm về quyền lực mềm giáo dục” là nói vui, nói chơi thôi. Sức mạnh giáo dục là vấn đề đã được nhận thức từ rất lâu, nhưng ít được hệ thống thành lý luận.
Thậm chí người ta tránh đề cập thẳng vào vấn đề quyền lực giáo dục mà chỉ ngấm ngầm xem xét nó rồi đề xuất, triển khai thực thi những biện pháp liên hệ trong thực tế, để nắm lấy quyền lực mềm giáo dục, cũng như để khắc chế quyền lực mềm giáo dục.
Thầy gọi đùa là Học thuyết Thích Thiện Tâm là ý muốn nói thầy “làm liều” nghiên cứu thẳng vào vấn đề và sẽ không ngần ngại đưa ra những luận điểm riêng về vấn đề quyền lực giáo dục.
Thầy nói đùa là “Học thuyết Thích Thiện Tâm về quyền lực giáo dục” là ý cũng nói đây chỉ là nghiên cứu riêng, từ cá nhân thầy, và ở mức độ ban đầu.
Thầy có ý định sau khi nghiên cứu đạt kết quả một cách tương đối, thì sẽ viết một cuốn sách, trình bày rõ vấn đề, lịch sử, đặc điểm, tác động, hệ quả của quyền lực giáo dục như là một biểu hiện của quyền lực mềm. Nhưng chưa tới đâu, thì nhân vấn đề tôn giáo mở đại học tư, đạo hữu mở loạt bài phỏng vấn này.
Những luận điểm mà thầy nêu ra khi trả lời về quyền lực mềm giáo dục trong loạt bài phỏng vấn do đạo hữu thực hiện chỉ là bản nháp phác thảo sơ bộ ban đầu về việc nghiên cứu quyền lực mềm, nên học thuyết Thích Thiện Tâm về quyền lực mềm giáo dục ở đây đương nhiên phải đặt trong ngoặc kép, là nói chơi cho vui chỉ mới là những nét vẽ ban đầu thôi.
Nói “học thuyết quyền lực mềm giáo dục Thích Thiện Tâm” còn là hàm ý việc nghiên cứu quyền lực mềm giáo dục ở đây là từ một tu sĩ Phật giáo, phục vụ trước hết cho lợi ích Phật giáo, vì mục tiêu hoằng pháp lợi sinh. Vì đặt trong ngoặc kép nên gọi là học thuyết cho xôm tụ, chứ bỏ ngoặc kép đi thì gọi đúng là những quan điểm về sức mạnh mềm giáo dục của Hòa thượng Thích Thiện Tâm. Chỉ vậy thôi.
Chúng ta sẽ bàn vấn đề qua nhiều bài phỏng vấn. Nhưng vì trình bày dưới dạng bài phỏng vấn, đăng nhanh trên trang mạng, hướng đến đông đảo người xem là tu sĩ, tín đồ Phật giáo, kịp thời phục vụ cho đề xuất xây dựng hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam, nên chỉ sẽ đề cập đến những nét lớn của các quan điểm, không đi sâu vào những nội dung nghiên cứu phức tạp. Những nội dung như vậy xin hẹn ở một cuốn sách sẽ xuất bản khi có thuận duyên.
CS MT: Kính bạch HT, như vậy trước mắt HT sẽ đề cập đến những vấn đề gì?
HT TTT: Sẽ đề cập sơ nét:
- Quyền lực mềm giáo dục là gì? Đặc điểm, tính chất.
- Quyền lực mềm giáo dục đã được sử dụng thế nào và bị chế áp như thế nào?
- Quyền lực mềm giáo dục cần được người Phật giáo nhận thức như thế nào trong việc gìn giữ đạo Phật, hoằng pháp độ sinh?
- Người Phật giáo nên sử dụng quyền lực mềm giáo dục như thế nào, những hình thức cụ thể ra sao?
CS MT: Kính bạch HT, HT vừa nói quyền lực mềm giáo dục có quan hệ với việc giữ gìn đạo Phật. Gìn giữ đạo Phật là vấn đề mà con quan tâm. Vậy xin HT nói thêm về việc này.
HT TTT: Đạo hữu nôn nóng quá rồi đấy. Chúng ta cần phải biết về quyền lực mềm giáo dục, nội dung, tính chất, tác động của nó, rồi hẳn mới đi vào từng chiều kích, trong đó, có chiều kích giữ gìn đạo Phật.
Tuy nhiên cũng nói qua về điều đạo hữu quan tâm.
Khi nói đến quyền lực là đã nói đến ảnh hưởng, tác động, hoặc một hành động cố ý lên một việc gì đó, lên ai, lên một tiến trình nào đó.
Là một loại quyền lực mềm, giáo dục đương nhiên được sử dụng vào một mục tiêu như vậy. Điều đó, thầy sẽ nghiên cứu lý luận và tổng kết từ thực tiễn.
Nếu giáo dục được sử dụng để thay đổi tôn giáo của người theo đạo Phật, thì giáo dục đã vận dụng trong chiều kích quyền lực mềm, và mục tiêu của nó liên hệ đến điều mà chúng ta quan tâm: gìn giữ đạo Phật.
Thí dụ, một học sinh Phật tử học trong trường của một tôn giáo khác, từ bỏ đạo Phật theo tôn giáo khác đó là vì tác động của quá trình giáo dục, lại còn về nhà thuyết phục cha mẹ từ bỏ đạo Phật mà cải đạo, khi đó quyền lực mềm giáo dục đang vận hành theo hướng bất lợi cho đạo Phật.
Chúng ta nhận thức như thế nào về điều này và làm gì để hạn chế những tác động không có lợi cho đạo Phật trong trường hợp vận hành như thế của quyền lực mềm giáo dục.
Tìm hiểu một “học thuyết” thì không thể đi ngay vào những trường hợp cụ thể, nên xin dừng lại ở đây. Chúng ta còn phải nói chuyện nhau nhiều, rất nhiều.
CS MT: Xin thành kính cảm ơn HT. Kính chúc HT an lạc.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.
(thực hiện)