;
Nhân dịp kỉ niệm ngày vía Bồ tát Quan Âm Thành đạo (19/09/ÂL), ngày 13/09/Ất Mùi (25/10/2015) nhận lời thỉnh mời của Đại đức Thích Tâm Quán , HT.Thích Bảo Nghiêm-Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN – Trưởng Ban Hoằng pháp T.Ư – Trưởng BTS GHPGVN Tp Hà Nội đã quang lâm và có bài thuyết giảng chia sẻ cho khóa tu hàng tháng tại chùa Diên Quang- Bắc Ninh, với chủ đề “ý nghĩa 12 câu kệ trong kinh Diệu pháp Liên hoa Phẩm Phổ môn Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Mở đầu bài pháp thoại Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng nhất tâm cùng hướng về Bồ Tát Quán Âm qua lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn phẩm thứ 25, học theo hạnh nguyện của Ngài đã vì chúng sinh mà cứu khổ ban vui đến mọi người.
“Bồ-Tát” cũng có nghĩa là bậc giác ngộ trong chúng hữu tình, là bậc đang vận dụng những đạo lý và phương pháp mà chính bản thân Ngài đã giác ngộ được để thức tỉnh chúng hữu tình. Các vị trong 3 đời cũng phải trải qua tu Bồ tát hạnh lập thề nguyện để thành Phật, có những vị Bồ Tát nguyện suốt đời ở lại ngôi Bồ tát để cứu độ chúng sinh như Bồ Tát Quan Âm, Ngài nguyện rằng “nếu còn chúng sinh nào kêu khổ ở cõi sa bà này Ngài nguyện không thành Phật”.
Bồ tát Quán Thế Âm là Bồ Tát đa năng. Trong kinh Ngũ Bách Danh đã tán thán Ngài là “Một vị Bồ tát luôn hầu cận đức Phật Thích Ca ở cõi Sa bà để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh,và cũng là một vị hầu cận đức Phật A Di Đà ở cõi cực lạc Phương tây để đưa chúng sinh lên chín phẩm đài sen” Bồ tát Quan Âm luôn bên cạnh chúng ta cả hiện tại và kiếp mai sau, hình tượng Bồ tát Quan Âm đã được nhắc đến nhiều nhất trong hệ thống các kinh điển, là người Phật tử chúng ta đều phải luôn tôn thờ, cúng bái và noi theo hạnh nguyện của Ngài.
Phẩm Phổ môn là phẩm thứ 25 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa được đưa vào trong thời kinh Nhật Tụng bên cạnh các kinh điển đại thừa… Trong Kinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tán thán công hạnh của Bồ Tát Quán Âm, Ngài đã luôn lắng nghe tiếng khổ để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh vượt qua 7 tai nạn và thoát khỏi 3 tên độc, ban những điều an vui nhằm đưa chúng sinh trở về với bản thể của chính mình.
“Quán” tức là quán sát, “Thế” tức là đời, “Âm” tức là tiếng, vậy Quán Thế Âm tức là quán sát tiếng khổ của cuộc đời để độ cho người hết khổ. Ngài đã ứng hiện bằng hình tượng nghìn mắt nghìn tay, để chứng kiến nỗi khổ cũng như cứu vớt hộ trì cho chúng sinh thoát khỏi tất cả các khổ nạn.
Nếu chúng ta noi theo hạnh nguyện của Bồ tát là luôn mong cầu cho con người được bình yên mạnh khỏe , thân thể được an vui và luôn hướng về Bồ Tát Quan Âm thì lúc nào chúng ta cũng được an lạc tự tại không bao giờ còn khổ đau.
12 câu kệ trong kinh đã được Hòa thượng đọc và tóm tắt ý nghĩa khi Bồ tát Vô Tận Ý hỏi Phật về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Âm như thế nào, Đức Phật trả lời hãy nghe và suy nghĩ cho kỹ. Nội dung của phẩm nầy là nói về Hạnh Môn và uy lực hóa độ của Bồ Tát Quán Thế Âm.
1. “Dù ai khởi ý hại
Xô xuống hầm lửa lớn
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Hố lửa biến thành ao.
2.Hoặc trôi dạt bể lớn
Các nạn quỷ, cá, rồng
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Sóng cồn không chìm được.”
Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát này, dù vào trong lửa lớn, lửa đều được tan trừ, vì do sức oai thần của Bồ Tát Quán Âm. Các nạn như nước, lửa, hay niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, tức thì được giải thoát.
Xưng Danh Hiệu Bồ Tát Được Cứu Khổ Thủy Nạn, nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ tát liền đặng chỗ cạn. Mọi người hãy luôn nhất tâm niệm Phật, thân tâm lễ bái. Niệm Quan Âm Bồ Tát để cho lửa không cháy, để cho nước không trôi là chúng ta luôn thường trực Bồ tát ở trong lòng, mỗi khi lửa sân khởi lên, lòng tham cũng bị trôi mãi, lửa và nước chính là tượng trưng cho ác nghiệp do đó tự mỗi bản thân phải luôn niệm Bồ Tát Quán Âm thì không bao giờ các ác nghiệp khởi lên mà sẽ được giải thoát và theo đó là sẽ có thiện nghiệp.
3. “Hoặc ở đỉnh Tu-di
Bị người xô ngã xuống
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Như mặt trời trên không.”
4. “Hoặc bị người ác đuổi
Ngã xuống núi kim-cương
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Không sây sứt mảy may.”
Ngài độ cho chúng sinh sẽ không bị xô đẩy từ trên cao xuống, bản thân chúng ta cũng không bao giờ hãm hại một ai và không bao giờ dèm pha lỗi xấu của người khác phải luôn tán thán công đức của mọi người thì người mình cũng được như vậy. Chúng ta hãy luôn sống với nhau bằng tâm từ bi thương yêu và bình đẳng, đừng bao giờ khởi ý niệm ác đem lòng ghen ghét và ghen tỵ với người khác.
5. “Hoặc bị giặc oán vây
Đều cầm dao toan hại
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Đều phát khởi lòng lành.”
Với mong muốn của Bồ Tát Quán Thế Âm giúp chúng sinh không tạo thêm ác nghiệp để mang đến nhiều niềm an vui cho mọi người. Nhờ sức niệm Quan Thế Âm, mọi nghiệp ác đều sẽ được khởi thành lòng thiện lành.
6.“Hoặc bị nạn khổ vua
Muốn hành hình sắp chết
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Dao liền gẫy từng đoạn.
7. Hoặc cầm tù, xiềng, xích
Tay chân bị gông cùm
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Bỗng nhiên được thoát khỏi.”
Nếu bị gông cùm xiềng xích niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để được cứu nạn đao binh gia hại: lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thời dao gậy của người kia cầm liền gãy từng khúc mà được thoát khỏi. Bồ Tát sẽ ứng cứu cho chúng sinh thoát khỏi nạn gông cùng, Mong các hành giả hãy theo gương Bồ tát để sống cuộc đời thanh bạch thì con người sẽ được thảnh thơi tự tại.
8. “Nguyền rủa các thuốc độc
Muốn làm hại thân mình
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Lại trở về người ấy.”
Chúng ta phải luôn một lòng tôn kính không bao giờ được nguyền rủa chửi bới hãm hại ai hoặc khởi ý ác nghiệp có như vậy chúng ta lúc nào cũng được an trú và yên vui. Sức niệm Quan Âm sẽ xóa tan những tâm địa ác tối.
9. “Hoặc gặp la-sát ác
Rồng độc, các quỷ dữ…
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Thời đều không dám hại.”
Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để được cứu nạn Quỷ dạ xoa và La sát. Nếu Quỷ Dạ Xoa cùng La Sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên xuống đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ tát thời các Quỷ dữ đó còn không có thể dùng mắt dữ mà nhìn và hại người, Vì cũng chính quỷ giữ tượng trưng cho tham sân si cho sự ác độc sẽ được gạn đục qua sức niệm Quan Âm.
10. “Nếu thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Chúng vội chạy nơi khác.
11. Rắn độc và bọ cạp
Lửa nọc độc bốc cháy
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Nghe tiếng chúng lánh xa.”
Với sức niệm Quan Âm thì sẽ không còn những ác thú, những điều độc hại xẩy ra với mỗi chúng ta.
12. “Mây, sấm sét, chớp giật
Tuôn mưa đá, mưa rào
Nhờ sức niệm Quán-Âm
Liền được trời quang tạnh..”
Khi lửa sân si sẽ được dập tan hết nếu chúng ta luôn luôn thường trực Bồ tát Quán Thế Âm trong lòng, hãy nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương, hãy yêu tất cả mọi người mà trước nhất yêu con người ta trước.
Hòa thượng cũng đã nhấn mạnh Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện xuống cõi đời để cứu độ chúng sinh, còn chúng ta cũng ở cõi đời này phải học và hành theo hạnh nguyện của Ngài để mang những điều an vui phúc đến muôn nơi.
Cuối cùng, Hòa thượng đã khuyến tấn đại chúng thực hành theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn dấn thân với đời, hòa nhập với đời để làm lợi ích cho đời. Đồng thời, hãy học đức tính "mắt thương yêu đời" (từ nhãn thị chúng sinh) để sống hòa hợp, đoàn kết với tất cả mọi người, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, gìn giữ nề nếp truyền thống Phật giáo vững bền.
Cẩm Vân