;
Hằng năm, cứ vào ngày 17/11 âm lịch, những người con Phật rộn ràng và háo hức đón chào ngày lễ Vía A Di Đà. Trong không khí những ngày cuối năm, ánh nến lung linh của ngọn lửa hồng từ bi được thắp sáng làm ấm lòng người. Đó là một trong những ý nghĩa đêm hoa đăng lễ vía A Di Đà.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Tp. Hà Nội; Đại Đức trụ trì Thích Quảng Hòa – Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, phó BTS huyện Văn Lâm, trưởng ban tổ chức đêm hội; Sư Cô Thích Đàm Mơ - Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, Phó ban HDPT tỉnh Hưng Yên cùng đại diện Chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa lân cận.
Về phía chính quyền có: Ông Đào Minh Tú - phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Ông Hoàng Văn Quế - Cục trưởng cục quản trị; Ông Phạm Văn Hùng – Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND xã Lạc Hồng; Bà Ngô Thị Lương – Phó bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cùng quý vị lãnh đạo đại diện các cấp chính quyền và hơn 600 nhân dân Phật tử trong vùng đã cùng về tham dự buổi lễ.
Sau khi cung thỉnh chư tôn đức quang lâm lễ đài, Đại đức trụ trì Thích Quảng Hòa đã tuyên đọc diễn văn khai mạc đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Khánh đản Đức Phật A Di Đà.
Đức Phật A Di Đà là giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc với 48 lời nguyện đại bi để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi luân hồi và ba đường dữ. Ngài đã không quản công tu hành và dùng phúc báo để trang nghiêm cõi Tịnh Độ. Đức Phật A Di Đà còn được gọi là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và vô lượng Công Đức. Ánh sáng từ bi của Ngài soi sáng khắp cả nhân gian và Ngài là một vị đạo sư dẫn dắt chúng sinh đang lầm đường lạc lối trở về với chính đạo. Do đó, là người Phật tử, đặc biệt là những hành giả tu hành theo pháp môn Tịnh Độ không thể không nhớ đến công đức của Phật A Di Đà tôn quý.
Sau khi lắng nghe quý thầy tuyên đọc 48 đại nguyện của Phật A Di Đà, cả đạo tràng cùng thành kính đối trước tôn ảnh của đức Từ phụ, trang nghiêm thành kính phát nguyện trọn đời niệm Phật, giữ vững niềm tin, học theo hạnh từ bi trí tuệ của Ngài để có được an lạc ngay trong thời khắc hiện tại và khi xả bỏ thân này sẽ sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc
.
Tiếp theo chương trình là nghi thức dâng hương của chư tôn đức chứng minh. Và giây phút thiêng liêng nhất của buổi lễ chính là nghi thức truyền đăng. Trước kim thân Đức Phật A Di Đà, ánh sáng từ ngọn nến trên tay Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã được truyền trao tới chư tôn đức Tăng Ni, và Thượng tọa trụ trì đã truyền ánh sáng đó tới hàng Phật tử. Từng ngọn nến được thắp sáng lên, trong không gian bao la rộng lớn, trong tiết trời giá lạnh, ngọn nến ấy tuy nhỏ nhoi nhưng lại có thể thắp sáng lên cả một vùng trời tối tăm. Ánh sáng lan tỏa mang hơi ấm đến mỗi người con Phật, xua tan đi giá lạnh của đêm đông, thắp sáng lên niềm tin, sự thông tuệ và khắc sâu vào lòng mỗi người con Phật.
.
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ, Hòa thượng chia sẻ với hàng Phật tử “Hôm nay, chúng ta vừa được cung kính lắng nghe 48 lời thệ nguyện đọc rõ ràng, rành mạch, cung kính. Chúng tôi và cả quý vị sau mỗi lời nguyện đều niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, không kể Tăng Ni hay là Phật tử, cho tới các vị quan khách không phải là Phật tử nhưng tín kính Đức Phật cùng thập phương nhân dân có mặt ở đây đều chung một lòng hướng về Phật, niệm lên hồng danh của Ngài.
Trong lúc xướng niệm đó, tâm tưởng nghĩ rằng: “Xin Đức Phật từ bi gia hộ, Ngài đã làm theo những điều nguyện đó, phát nguyện để được thành Phật thì con hôm nay cũng nguyện được theo chân Ngài. Bởi vì Ngài là Đức thầy mà chúng con là học trò noi theo, bởi vì Ngài là Đấng cha lành, chúng con là những đứa con nhỏ phải theo dấu chân cha”.
Lời thệ nguyện của Ngài đọc lên để tất cả mọi hành giả nương đó mà tu tập. Từ nguyện của Đức Phật Dược Sư giáo chủ cõi phương Đông cho đến lời nguyện của Đức Phật Di Đà giáo chủ cõi phương Tây, chúng ta ngược dòng trở lại thời gian, hơn 2500 năm trước, khi Bồ tát Tất Đạt Đa còn đang tu khổ hạnh trong rừng già, sau khi đổi phương pháp tu, tới sông Ni Liên Thiền, trải cỏ Cát Tường dưới gốc cây Tất Bát La, cũng với lời thệ nguyện “Ta dù thịt nát xương tan, nếu không đắc đạo chẳng hề đứng lên”.
Để rồi 49 ngày sau, Bồ Tát đã giác ngộ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni để Phật giáo chúng ta chuẩn bị hướng vào ngày kỷ niệm đó là ngày 8/12 Âm lịch. Rồi cho đến các vị Bồ Tát như Bồ Tát đại hạnh Phổ Hiền với 10 điều nguyện, Bồ Tát Quán Thế Âm 12 điều nguyện, Bồ Tát Địa Tạng 2 điều nguyện.
Chư Phật, chư Bồ Tát phát nguyện để thành chính giác để độ chúng sinh thì hôm nay chúng ta cũng phát nguyện học theo điều nguyện đó để tin sâu, để cầu sinh Tịnh độ. Không phải cầu sinh Tịnh độ để ta bỏ thế giới này, bỏ quê hương đất nước này mà đi tìm nơi khác. Về được Tây Phương Cực Lạc là kết quả của việc tu tập ngay trong cõi đời hôm nay và kết quả mai sau.
Vậy thì trong cõi đời này, từ đất nước Việt Nam thân yêu này, xứ sở quê hương Hưng Yên này, chúng ta xây dựng để biến thế giới ngũ trược này trở thành ngũ tịnh hay biến thế giới Ta Bà khổ đau trở thành thế giới Cực lạc, một thế giới an lành trong hiện tại. Và từ thế giới an lành trong hiện tại, khi mãn kiếp con người, nhắm mắt xuôi tay, nhờ sức tu tập ở đời hiện tại, nhờ sức niệm Đức Phật Di Đà và Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Thế Chí cùng các vị Bồ tát ở cõi Liên Trì, tiếp dẫn chúng ta trở về cõi Cực Lạc Phương Tây”.
Trong đêm hội hoa đăng này, Hòa thượng cũng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về ý nghĩa của những ngọn đèn mà hàng Phật tử cầm trên tay. Đó chính là nói lên tinh thần tiếp nối ngọn đèn chính pháp của chư Tổ trong pháp môn tu trì niệm Phật. Ngọn đèn ánh sáng này như ánh sáng trí tuệ soi rọi tâm khảm của chúng ta cũng như ngọn đèn phá đi đêm đông giá lạnh, đóng băng trong lòng mọi người đó là ba độc tham, sân, si.
Giờ đây hơi Trí tuệ hâm nước nóng lên, ngọn lửa thắp sáng nóng lên để phá tan cục băng còn tồn tại trong mỗi con người. Chúng ta từ bấy lâu nay đều vì nó trong lòng mà trôi lăn trong vòng sinh tử. Nay sức nóng này phá tan đi cục băng này để trở về với chân tâm của mình mà mỗi con người đều có. Đêm hội hoa đăng này thắp lên ánh sáng còn một ý nghĩa nữa là khơi dậy lòng người quy tụ về chùa. Dịp hoa đăng này, quý vị Tăng ni và nhân dân Phật tử mới được gặp nhau.
Các vị quan khách, chính quyền, quý vị nhân dân không kể già, trẻ, gái, trai, sang, giàu, nghèo, hèn đều quy tụ về đây. Như vậy, tất cả mọi người con Phật, không phân biệt bất kỳ ai đều được ánh sáng từ bi của Đức Phật soi rọi qua ngọn nến bên cạnh chúng ta. Chúng ta hãy thắp sáng ngọn nến đó bằng trái tim của mình để mọi người luôn luôn có Phật hiện tiền.
Có Phật hiện tiền thì ma chướng sẽ bị tiêu tan. Có Phật hiện tiền thì làm mọi công việc luôn được thành tựu trong tuệ giác. Có Phật hiện tiền thì sống trong sự tỉnh thức, yêu thương và tất cả những thói hư, tật xấu đều tiêu tan. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta ngồi trong pháp hội này, ngồi trong Đêm hội Hoa đăng này mới thực sự có ý nghĩa.
Buổi lễ đã kết thúc trong tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” âm vang, trong niềm hỷ lạc của toàn thể hội chúng.