Thiết nghĩ, chúng ta
may mắn được đức Thế Tôn khai thị cho biết cuộc đời là mộng mị, là duyên
sanh. Thế mà khi tiếp xúc với đời thường, chạm mặt với khổ đau, chúng
ta cũng không khỏi bàng hoàng tê tái, rõ là:
Loay hoay đã nữa kiếp người
Thu bay trên nửa nụ cười xôn xao
Rõ ràng mở mắt chiêm bao
Biết như mộng huyễn vẫn đau xé lòng.
Vì
sao vậy? Chẳng phải thuyền qua sông đã sẵn và chúng ta đã ra khơi từ
lâu lắm rồi sao? Tại sao đến bây giờ chúng ta vẫn còn loay hoay hoài
trong cảnh trường mộng mị? Phải chăng vì chúng ta chỉ luận đàm giáo lý
suông mà chưa hề tiếp nhận áp dụng luồng sinh khí giải thoát ấy vào cuộc
sống? Phải chăng chúng ta đã vô tình biến nó thành món đồ chơi cho trò
suy luận nhị nguyên. Cho nên bổn phận quan yếu và cấp bách của chúng ta
bây giờ là khẩn trương lên đường, đun nóng lại dòng nhựa sống của chánh
pháp trong lòng mình và lòng người nếu có rủi ro đã bị đông cứng. Chúng
ta không được phép để lý tưởng của đấng Từ Phụ vô tình biến thành một
xác ướp của lịch sử, nó phải được tiếp nối, hoằng dương phải làm cho nó
sống dậy, được phục sinh, được thân chứng và trực ngộ của bậc xuất trần
thượng sĩ trong giai đoạn mới. Có như vậy mới thể hiện được tinh thần
Phật pháp nhập thế của Đại thừa, từ đó mới xây dựng vững chắc ngôi nhà
chánh pháp, chuyển hóa xã hội, bởi vì “Phật pháp hưng vong, tăng đồ hữu
trách” (giáo pháp của đức Phật hưng thịnh hay suy yếu, Tăng tín đồ phải
có trách nhiệm). Là Thích tử Như lai dù ở thời đại nào, giai đoạn nào
cũng phải đặt nặng tinh thần trách nhiệm trước sự tồn vong của Đạo pháp.
Bởi tăng già là chỗ dựa tinh thần cho hàng thế tục, nên chúng ta cần
phải xả bỏ tất cả sự riêng tư nhỏ hẹp để hòa mình vào biển tuệ giác vô
phân biệt, cùng nhau bảo tồn Phật pháp, xây dựng xã hội tốt đẹp.
Ngày
nay, trước thềm kỷ nguyên công cuộc đổi mới, đất nước đã làm thay đổi
và thăng tiến trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, nhất là Việt Nam với cơ hội
phát triển đầy hứa hẹn. Trước ngưỡng cửa ấy, trách nhiệm và bổn phận của
người tu sĩ Phật giáo không thể thờ ơ, quay lưng với cuộc đời mà phải
nhìn vào thực tại bằng con mắt tình thương và trí tuệ. Mặt khác, chúng
ta cần phải phát triển đạo đức tâm linh để đem lại hòa bình an lạc cho
nhân loại.
Thật vậy, “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng
hóa”. Tăng Sĩ ngày nay muốn hoằng truyền chánh pháp “Tác Như Lai sứ,
hành Như Lai sự” phải trải qua sự đào tạo về Phật học lẫn thế học. Tăng
Ni trẻ ngày nay, ngoài kiến thức Phật học thường tỏ ra khá nhạy cảm với
vấn đề thời sự, kinh tế, văn hóa,... cho đến việc học ngoại ngữ, tin
học, kỹ thuật... Như thế, trào lưu của xã hội sớm đưa giới Tu sĩ vào con
đường nhập thế. Nhưng để trở thành một sứ giả của Như Lai trong giai
đoạn mới, bằng những kiến thức ấy chưa đủ mà còn phải có phẩm hạnh đạo
đức cao đẹp. Những yếu tố ấy chính là điều kiện quyết định sự thành bại
hưng vong cho cả Tăng đoàn nói chung và phẩm chất người tu sĩ nói riêng.
Bởi vì “Chiếc áo không làm nên thầy tu” mà cần phải có oai nghi đĩnh
đạc mới hình thành nên một Tăng sĩ, tất cả những điều cần thiết ấy đều
lưu xuất từ sự hành trì giới luật trang nghiêm. Nhất là tinh thần
Bi-Trí-Dũng làm động lực cho mọi Phật sự, chúng ta hãy nuôi dưỡng niềm
thao thức giải thoát bằng nếp sống thanh cao, bằng thiểu dục tri túc.
Nhớ
lại, khi đức Bổn Sư sắp nhập Niết-bàn, Ngài tha thiết nhắc nhở hàng đệ
tử: “Này các Tỳ-kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng
tôn kính tịnh giới như người mù được mắt sáng, người nghèo được vàng
ngọc. Phải biết tịnh giới là bậc Thầy cao cả nhất. Như Lai ở đời cũng
không khác gì tịnh giới ấy”. Một tu sĩ trang nghiêm bằng giới luật là
mảnh đất tốt để tăng trưởng thiện pháp, để phát triển nhận thức chơn
chánh, để thấy rõ sự thật cuộc đời. Như thế, Tăng ni sinh nói riêng, Tu
sĩ nói chung cần phải vun bồi Tâm đức, Trí đức, Tuệ đức, và Hạnh Đức một
cách xứng đáng để không cô phụ lời dạy cuối cùng của đấng Từ Phụ. Hơn
nữa, Tăng Ni sinh trẻ chúng ta ngày nay còn là măng non, ngày mai chúng
ta sẽ là những bậc lương đống của Phật pháp. Vì thế, chúng ta nên vạch
cho mình một hướng đi mới, phục vụ tốt đạo đẹp đời, không gì khác hơn là
bằng con đường trang nghiêm giới thân, trau dồi huệ mạng. Nếu vị nào
còn cắp sách đến trường dù là Học viện, Cao Đẳng, Trung Cấp hay Sơ đẳng
Phật học, chúng ta hãy cố gắng học cho thật tốt tại trường, giữ gìn tứ
oai nghi, tứ sự phải tri túc, đừng xài phí của đàn na tín thí. Chúng ta
không đợi khi hết học rồi mới tu, mà phải tu ngay trong lúc học, học
trong sự tu. Trên tôn kính các bậc Tôn Sư, dưới giúp đỡ bạn đồng học, về
đến chùa ngoài việc lo học bài vở còn phải ổn định các thời khóa tụng
niệm, chấp hành nội quy tốt và làm tròn phận sự được giao phó. Nhất là
không được xao lãng những điều giới mình đã thọ lãnh, luôn thọ trì giới
luật, bởi công năng của giới là ngăn ngừa điều quấy, chấm dứt điều ác.
Chính vì thế, hướng đi của chúng ta mới có thể đem lại lợi ích cho mình
và người, giúp người tu tập thấy nhẹ nhàng thân tâm, an lạc trong từng
bước đi hơi thở. Từ đó biểu hiện ra ngoài một nếp sống văn minh, lịch
nhã phù hợp với nền văn hóa và văn minh của loài người. Như thế, một tu
sĩ Phật giáo nghiêm trì giới luật là tự thiết lập cho mình một phong
thái điềm tĩnh, thanh thoát, là tự tạo dựng niềm hạnh phúc thật sự ngay
trong hiện tại. Đây chính là cơ sở của niềm tin, của sự kính trọng khiến
cho Tăng sĩ càng vững bước trên con đường hoằng dương chánh pháp lợi
lạc quần sanh.
Vậy, đối với Tăng đoàn, chúng ta luôn ý thức rằng
cá nhân mình là viên gạch để xây dựng ngôi nhà Phật pháp, đồng thời là
bậc Thầy hướng đạo cho mọi loài, là người dẫn đầu trong việc khơi nguồn
Chân-Thiện-Mỹ. Cho dù ở đâu, bất cứ lúc nào, chúng ta cũng xứng đáng là
hình ảnh theo dấu chân của đấng Đạo Sư một cách tích cực và sống động.
Nếu mỗi cá nhân luôn biết mình là “Sứ giả Như Lai” với mục tiêu “Hoằng
pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” lên hàng đầu bằng cách tu trì
giới luật để tự trang nghiêm cho mình qua tinh thần tự tín và uyên thâm
Phật học. Có như vậy mới mong truyền bá Phật pháp đem lại niềm an lạc
thiết thực cho mọi tầng lớp xã hội trong giai đoạn mới.■
Nguồn Tập San Pháp Luân 27