;
Buổi lễ có sự tham dự của Đức Phó Tăng vương Thái Lan, tăng thống, chủ tịch các hiệp hội, tổ chức Phật giáo, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Đại lễ Vesak (ICDV), Hiệp hội Quốc tế các trường Đại học Phật giáo (IABU), Chủ tịch các hội Phật giáo các quốc gia khác nhau, các nhà lãnh đạo Phật giáo, cùng đông đảo Phật tử khắp nơi trên thế giới.
Về phía Việt Nam có Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ - Chủ tịch GHPGVN; hai Phó Chủ tịch HT. Đào Như, HT. Thích Huệ Thông, TT. Thích Phước Nguyên, TT. Thích Minh Nhẫn, TT. Thích Phước Nghiêm. Về phía Việt Nam làm thành viên Uỷ ban tổ chức Quốc tế Vesak LHQ có Giáo sư Lê Mạnh Thát và TT. Thích Nhật Từ.
Đức Phó Tăng vương Thái Lan phát biểu
Mở đầu, Đức Phó Tăng vương Thái Lan phát biểu: "Phật giáo là đạo của hòa bình và tình yêu thương muôn loài." Ngài biểu dương sự tham gia của các cộng đồng Phật giáo quốc tế tại sự kiện quan trọng này, đồng thời nhớ lại sự kiện năm 1999 khi Hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận Ngày Lễ Tam Hội. Đây là lần thứ 19 tổ chức sự kiện này, riêng Việt Nam 3 lần.
HT. Brahmapundit phát biểu khai mạc
Ngoài phát biểu khai mạc của HT. Brahmapundit, phát biểu của Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Thailand thay mặt Thủ tướng Thailand. Lãnh đạo Phật giáo của 11 quốc gia lần lượt phát biểu. Những bài phát biểu này đóng góp vai trò to lớn cho sự thành công của đại lễ.
Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn có bài phát biểu chính, nhấn mạnh thông điệp hòa bình
Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn có bài phát biểu chính, nhấn mạnh thông điệp hòa bình, tiếng chuông Chánh niệm và giáo dục trị liệu của đạo Phật. Hòa thượng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thể hiện đạo đức trong xây dựng niềm tin, đoàn kết và sự phát triển của Phật giáo.
Hòa thượng cũng gửi lời mời đến các cộng đồng Phật tử quốc tế đến Việt Nam vào năm 2025 tham dự đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 20, được tổ chức tại TP.HCM.
Đại lễ Vesak năm nay không chỉ đánh dấu sự kiện trọng đại của Phật giáo mà còn ghi nhận sự tham gia của đông đảo đại biểu quốc tế đến từ 73 quốc gia.
Sau buổi lễ, các đại biểu sẽ tham gia vào các hoạt động khác gồm tọa đàm, triển lãm, và các nghi lễ Phật giáo truyền thống.
Có 4 diễn đàn quan trọng diễn ra vào buổi chiều. Diễn đàn 1: Áp dụng chánh niệm Phật giáo cho sức khỏe và hạnh phúc. Diễn đàn 2: “Con đường đi đến niềm tin của Phật giáo và quan hệ đối tác toàn cầu". Diễn đàn 3: Vai trò của phụ nữ Phật giáo trong việc xây dựng hòa bình và đoàn kết. Diễn đàn 4: Phát triển giáo dục Phật giáo trong thời đại toàn cầu hóa.
Với các hoạt động phong phú, Đại lễ Vesak LHQ 2024 là sự kiện Phật giáo thế giới quan trọng, góp phần củng cố niềm tin và đoàn kết Phật giáo, đồng thời thúc đẩy các giá trị đạo đức và tinh thần trong xã hội.
Ngọc Đông - PSO