;
Hội thảo dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng (HT) HT. Thích Nhật Quang, UV Ban Thường trực HĐCM GHPGVN, Trưởng ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm, Trưởng Ban Tổ chức; HT.TS. Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, GS.TS. Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; TT.TS. Thích Nhật Từ, UVTT HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đồng Trưởng Ban Tổ chức cùng Chư tôn đức Phó Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng hàng ngàn Tăng ni, Phật tử và nhân sĩ trí thức, quý học giả, nhà nghiên cứu đã đến tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo.
Phiên khai mạc Hội thảo đã được long trọng diễn ra tại Hội trường chính của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đại diện lãnh đạo Giáo hội, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ban lời huấn từ tại hội thảo.
Trong lời huấn từ của mình, Hòa thượng nhấn mạnh: “Tổ sư Thiện Hoa là nhân vật Phật giáo quan trọng, là nhà lãnh đạo và nhà giáo dục Phật giáo vĩ đại của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 20…Đặc biệt, Tổ sư Thiện hoa là một nhà lãnh đạo Phật giáo hết lòng yêu nước, thương dân, và hết lòng vì Phật giáo, vì Giáo hội”.
Tiếp theo đó, HT. Thích Giác Toàn đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Trong lời phát biểu, Hòa thượng Thích Giác Toàn đã nêu bật những đóng góp, những di sản, và tấm gương sáng ngời của Tổ sư Thiện Hoa đối với Phật giáo, đối với dân tộc trong thế kỷ 20 và mãi đến hiện tại cũng như tương lai sau này.
Cùng với đó, HT. Thích Nhật Quang – Ủy viên hội đồng chứng minh GHPGVN, Trưởng Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm đã có bài phát biểu về “Tổ sư Thiện Hoa và sự cải cách Phật giáo Việt Nam”. Bài phát biểu của Hòa thượng đã cho mọi người thấy một cách khái quát, rõ ràng về những vai trò, những đóng góp vĩ đại của Tổ sư Thiện Hoa trong các công tác cải cách sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp của Phật giáo cũng như những đóng góp của Tổ sư cho nhân dân, cho đất nước.
Và qua đó cũng đã làm rõ tầm ảnh hưởng của Tổ sư Thiện Hoa đối với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, người đã góp phần chấn hưng dòng thiền Trúc Lâm Việt Nam, bậc Tông chủ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Cũng trong phiên khai mạc, GS. TS. Lê Mạnh Thát đã phát biểu về “Tầm nhìn lãnh đạo của Tổ sư Thiện Hoa”. Bài phát biểu của Giáo sư đã làm sáng tỏ tài lãnh đạo, năng lực dẫn dắt cộng đồng Phật giáo, quần chúng nhân dân của Tổ sư Thiện Hoa trong bối cảnh Phật giáo suy vong, dân tộc loạn lạc.
Trước khi kết thúc phiên khai mạc, TT. Thích Nhật Từ Trưởng ban Tổ chức phát biểu tri ân sự quang lâm của Chư tôn thiền đức, Tăng ni, đại biểu và quý học giả đã tham dự buổi lễ. Thượng tọa cũng trình bày khái quát về chương trình hội thảo và địa điểm diễn ra các phiên hội thảo.
Sau phiên khai mạc chung, Hội thảo đã được diễn ra các phiên thảo luận riêng theo các chủ đề cụ thể của Hội thảo, gồm có 5 chủ đề chính như sau:
1. Tổ sư Thiện Hoa và vai trò chấn hưng Phật giáo
2. Tổ sư Thiện Hoa và cải cách giáo dục Phật giáo
3. Tổ sư Thiện Hoa và cải cách hoằng pháp
4. Tổ sư Thiện Hoa: Trước tác và phiên dịch
5. Di sản Tổ sư Thiện Hoa và Thiền phái Trúc Lâm
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 70 bài nghiên cứu mà các học giả, các nhà nghiên cứu đã gửi về cho Hội thảo. Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các học giả, các nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận với nhau để cùng nhau làm nổi bật vai trò của Tổ sư Thiện Hoa đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo, sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp, trước tác, dịch thuật và những di sản, những đóng góp của Tổ sư Thiện Hoa đối với đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
Hội thảo lần này đã góp phần làm cho mọi người hiểu rõ hơn về Tổ sư Thiện Hoa, một bậc thầy của hầu hết các bậc lãnh đạo Giáo hội trong hiện tại, một học giả, tác giả nổi tiếng và gần gũi với hầu hết những người học Phật qua những tác phẩm Phật học vĩ đại, trở thành kim chỉ nam cho những ai muốn tiếp cận, muốn học, muốn nghiên cứu giáo lý nhà Phật.
Tin/Ảnh: PSL-Minh Đức