;
Sáng ngày 13 tháng 11 năm 2023, nhằm ngày mùng 1 tháng 10 năm Quý Mão, tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (Số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống bảy ngày lần thứ XVIII - năm 2023.
Pháp hội do Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội tổ chức với sự tham dự của chư Tôn đức Tăng bản tự và đông đảo Phật tử xa gần. Được biết, Pháp hội sẽ được diễn ra trong 07 ngày, từ ngày 13 đến ngày 19/11 (mùng 1 đến mùng 7/10 ÂL).
Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cúng Phật
Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư một thời vào buổi sáng, một thời vào buổi chiều, một thời vào buổi tối và trưa cúng ngọ. Còn 8h00 sáng các ngày, chư Tôn đức sẽ quang lâm và thuyết giảng cho đại chúng nội dung, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tu tập theo kinh Dược Sư.
Hôm nay, trong buổi khai Pháp đầu tiên, nhận lời thỉnh mời của Hòa thượng trụ trì, Hòa thượng Thích Huệ Phước - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã quang lâm và có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng với chủ đề "Ý nghĩa của việc tu tập theo 12 lời nguyện của Đức Phật Dược Sư".
Trước khi vào bài giảng, Hòa Thượng Thích Huệ Phước nhắn nhủ tới đại chúng "Pháp hội Dược Sư được tổ chức nhằm gieo duyên cho quý Phật tử với Đức Phật Dược Sư. Để trong 7 ngày diễn ra Pháp hội sẽ có không khí, có cảnh giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư ngay tại nơi đây. Để báo đáp ân đức của Tam Bảo, với Đức Phật, với Hòa thượng trụ trì chùa Bằng và chư Tôn đức Tăng đã tổ chức Pháp hội này, các Phật tử cần cố gắng tinh tấn tu tập, tạo niềm tin với Đức Phật Dược Sư để cuộc sống an lạc, hạnh phúc".
Trong bài giảng, Hòa thượng giảng sư đã chia sẻ về một cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm mang lại sự an lạc cho chúng sinh. Đó là ở phương Đông có thế giới Tịnh Lưu Ly, giáo chủ là Đức Phật Dược Sư. Phương Đông là nơi mặt trời mọc, bắt đầu sự vận hành của cuộc sống. Còn phương Tây của Đức Phật A Di Đà là nơi mặt trời lặn, là kết thúc của một ngày.
Đời người có 3 vị Thầy lớn, đó là Thầy giáo, Thầy thuốc và Thầy chùa. Trong đó Thầy chùa là các vị Tăng Ni có trách nhiệm hướng dẫn đạo đức tâm linh cho hàng Phật tử nói riêng, và quần chúng nhân dân nói chung.
Muôn loại chúng sinh đều mang sự khổ đó là Bệnh. Đáp ứng nhu cầu giải quyết Bệnh của chúng sinh, Thuốc ra đời nhằm chữa thân bệnh, tâm bệnh. Còn nghiệp bệnh của chúng sinh phải nhờ vào giới đức mới chữa được. Cho nên Đức Phật Dược Sư vì mong cầu của chúng sinh đã lập ra 12 đại nguyện để kiến tạo cảnh giới Tịnh Lưu Ly. Muốn được về cảnh giới này, chúng ta cần tu tập theo 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư để áp dụng trong cuộc sống của mình, nhằm rũ bỏ lòng tham, sân hận, si mê, tà kiến...
Hòa thượng Giảng sư giải thích ý nghĩa của danh hiệu Đức Phật Dược Sư. Theo đó, Dược Sư nghĩa là Thầy Thuốc. Lưu Ly biểu thị cho tính trong suốt của ngọc, còn Quang chính là Ánh sáng. Đức Phật Giáo chủ của cõi Đông Phương với thân và tâm sáng, trí tuệ đức hạnh khắp muôn phương. Khi niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, trong từng tâm niệm, lời niệm Phật của chúng ta, phải giám sát, thanh lọc tâm để thân thanh tịnh. Ta niệm Phật, tụng Kinh Dược Sư tức ta uống thuốc của Đức Phật Dược Sư, dùng thuốc của Phật Dược Sư để chữa lành thân tâm trong tự thân mỗi người.
Tâm bình thường là tâm thanh tịnh. Tham dự Pháp hội Dược Sư tâm ta thanh tịnh. Tâm không bị mê hoặc bởi ngã căn. Bên ngoài không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Ở đâu có tâm niệm này ta đều có cơ hội được thâm nhập vào cảnh giới của Đức Phật Dược Sư. Mỗi người cần ý thức được trí tuệ và ánh sáng trong bản tâm con người mình, nhờ có ánh sáng của trí tuệ thấy được tâm ta, phúc đức, chính tà phải trái, nhân quả tội phúc...Muốn có trí tuệ này phải có tâm tha thiết thành kính hướng tới Đức Phật với hạnh nguyện của Ngài. Ta sẽ được Ngài che chở, tiếp nhận tuệ giác của Đức Phật Dược Sư.
"Mười phương Chư Phật thương chúng sinh như mẹ thương con. Nếu con thương mẹ, nghĩ về mẹ, mẹ con luôn gặp nhau. Đức Phật luôn thương chúng sinh, quan trọng ta có nhớ đến Ngài hay không mà thôi. Chúng ta tu tập phải khởi tâm tha thiết thành kính của mình, luôn niệm Phật để nhớ đến Ngài" - Hòa thượng Giảng sư chia sẻ.
Pháp hội chính là cơ hội để mỗi Phật tử tu tập, để rũ sạch những đau khổ của cuộc đời; tạo động lực để Phật tính trong ta lớn hơn.
Đức Phật muốn nhắc nhở mỗi người, khi ánh sáng phương Đông xuất hiện, bóng tối đêm dài được xua tan; tâm ta hướng về Tuệ giác, ý thức trở về bản thể thanh tịnh của mình, xa dần bóng tối của tà kiến, phiền não; thấy được rằng ta cầu tiến, cầu đạo để đi lên.
Tiếp theo, Hòa thượng Giảng sư đã giảng giải cho đại chúng về ý nghĩa trong từng hạnh nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Từ đó, Hòa thượng nhấn mạnh "Niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, tụng kinh Dược Sư, nghe chư Tăng Ni giảng Pháp để đưa Đức Phật Dược Sư vào trong tâm của chúng ta chứ không dừng ở hình tướng bên ngoài. Từ đó người Phật tử nương vào hạnh nguyện của Ngài với trí tuệ, tuệ giác và từ bi; nỗ lực đưa hạnh nguyện của đó vào trong cuộc đời để đem lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho mỗi người, gia đình và xã hội. Đó chính là ý nghĩa của Pháp hội Dược Sư".
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng Giảng sư truyền trao, đại chúng đã tụng thời Kinh Dược Sư đầu tiên dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tôn đức Tăng bản tự.
Buổi trưa, toàn thể đại chúng cùng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm, tỉnh thức và hòa hợp.
Trong chiều và tối cùng ngày, đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Dược Sư dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức Tăng bản tự, nguyện cầu thế giới hòa bình, Phật pháp xương long, nhân dân an lạc.
Kết thúc ngày Pháp hội đầu tiên, đại chúng ai nấy đều có niềm hoan hỷ vô biên. Hy vọng rằng, như lời nhắn nhủ của quý Thầy, đại chúng sẽ tinh tiến tu tập trong tuần Pháp hội này, để đưa ánh sáng trí tuệ và từ bi của Đức Phật Dược Sư soi rọi bản thể Phật tính của mình, để từ đây trí tuệ và từ bi được tăng trưởng, góp phần mang lại lợi lạc cho chính mình và cho cuộc đời.