;
Đáp lại lòng mong mỏi của các bậc phụ huynh và các em học sinh, sư cô Thích Nữ Quảng Khiết, trụ trì chùa An Đức và ban lãnh đạo thôn Mỹ Đức, xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã tổ chức “Khóa sinh hoạt hè dành cho thanh thiếu niên” lần 2 với chủ đề “ Niềm tin tuổi trẻ - Định hướng ước mơ”.
Khóa tu diễn ra trong 3
ngày 15, 16 và 17 tháng 6 này. Tại khóa sinh hoạt hè, các em học sinh được học
hỏi rất nhiều điều từ các quý thầy, từ các chuyên gia nổi tiếng và được chơi những
trò chơi bổ ích với các người bạn cùng trang lứa. Vui mừng nhất là tham gia
không chỉ có các em ở huyện Tứ Kỳ mà còn có các học sinh từ các huyện khác của
tỉnh Hải Dương và cả các em bên Thái Bình cũng sang dự.
Khóa tu mùa hè năm nay
được tổ chức dành cho các em tuổi từ 12 đến 20 tuổi với rất nhiều hoạt động bổ
ích như: tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật, những nét cơ bản về giáo lý (qua đó
giúp các em hiểu rõ về Đạo Phật tránh rơi vào
mê tín dị đoan và giúp các em học hỏi những điều hay lẽ phải), biết ơn
công ơn, tình yêu thương, sự khó nhọc của cha mẹ dành cho mình. Tham gia hướng
dẫn khóa tu, ngoài sư thầy trụ trì còn có sự tham gia của quý tăng ni đến từ
các địa phương khác như: sư thầy Thích Đàm Quyết ( trụ trì chùa Cộng Nghiệp,
Kim Sơn, Ninh Bình), sư thầy Thích Nữ Quảng Phát ( trụ trì chùa Thiên Phúc, Quỳnh
Phụ, Thái Bình)…
Quan sát chúng tôi thấy,
các em rất thích thú khi được tham gia nhiều trò chơi dân gian bổ ích để phát
triển kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, vẽ tranh vì môi trường…
với sự hướng dẫn của sư thầy Thích Nữ Quảng Khiết và cô giáo Dương Lệ Nga. Buổi
sáng các ngày, các em cùng với thầy niệm Phật và buổi tối các em được tham dự
các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an, lễ hoa đăng cầu an, tri ân ông bà cha
mẹ...
Trong buổi lễ tri ân ông bà cha mẹ,
được nghe những câu chuyện về những tấm gương hiếu thảo, được thấu hiểu những nỗi
vất vả khổ nhọc, những tình cảm mà bố mẹ đã dành cho mình, các em không ai cầm được nước mắt,
một số em đã nên xám hối trước quý thầy.
Được quý thầy dạy :“Tội lỗi lớn nhất đời người là bất hiếu” . Tất cả các em đã xin hứa sẽ không bao giờ làm ba mẹ phiền
lòng, sẽ trở thành con ngoan trò giỏi. Một số em đã xin phép được gọi điện về
nhà nói lời xin lỗi tới bố mẹ mình.
Không những thế các em
được giao lưu, trò chuyện với nhiều chuyên gia, những người nổ tiếng, được giải
đáp những thắc mắc của mình. Đến với khóa tu mùa hè này, các em được nghe nói
chuyện về các chủ đề như: Giáo dục Phật giáo với thanh thiếu niên của Pháp sư
Vũ Duy Sinh, Phó giám đốc Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt, về ơn đức
sinh thành từ cô Nguyễn Thị Cự, giảng viên Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam, về
lịch sử Đức Phật Thích Ca của nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật học Nguyễn Kim Ngọc,
cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo, về tuổi trẻ và giá trị cuộc sống từ bác sĩ Kiều
Bạch Tuyết, trưởng khoa Đông y, bệnh viện đa khoa huyện Ninh Giang, về đọc sách
cùng con với nhà văn, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách
cùng con…
Vào ngày 17/6/2013, các
em được giao lưu với Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TW Hội Bảo vệ Quyền
trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty sách Thái Hà, một doanh
nhân Phật tử. TS Hùng nói chuyện với các em về chủ đề “ Niềm tin tuổi trẻ, định
hướng ước mơ”.
Với tài năng của 1 diễn
giả chuyên nghiệp và tấm lòng nhiệt huyết dễ nhận thấy của mình, Tiến sĩ Nguyễn
Mạnh Hùng đã truyền lửa cho các em, giúp các em có niềm tin, có định hướng cho
tương lai của mình. Trong buổi nói chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng liên tục
dành tặng cho các em những lời khen ngợi, những món quà đầy ý nghĩa để các em tự
tin vào bản thân mình. Mỗi em đươc lên nhận sách đều rất vui và xúc động. Trong
mỗi cuốn sách được tặng các em luôn trân trọng những lời đề tặng và chúc do
chính tay TS Nguyễn Mạnh Hùng viết ra. Những việc làm đó, tình cảm đó của Tiến
sĩ sẽ giúp các em nuôi dưỡng
ước mơ, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện bản thân để trở thành sinh viên
đại học, trở thành Tiến sĩ trong tương lai. Không những thế, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh
Hùng còn đan xen giữa giáo lý nhà Phật và tầm quan trọng của việc học, việc đọc
sách với việc khai mở trí tuệ, tiếp thu tri thức của các em.
Cuối buổi nói chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã mời từng em lên chia
sẻ cảm xúc của mình. Các em đã gửi
những lời yêu thương, những lời tri ân sâu sắc tới các quý thầy và các cô bác
công quả đã dành tình thương yêu, công sức của mình để tổ chức khóa tu này cho
các em.
Có đến vài chục em xung phong lên nói lên cảm xúc của mình. Mừng thay em nào
cũng được nhận được quà của thầy Hùng mang từ đất Phật Ấn Độ về. Các em vui lắm.
“Ở nước ngoài, học hết
lớp 9, tức hết cấp 2, học sinh đã chọn được nghề cho mình. Ở nhiều nước, khi có
chứng minh thư nhân dân các em đã sống tự lập. Vậy tại sao Việt Nam mình không
làm được điều đó? Các em có muốn học cách sống chủ động, tự lập, không dựa dẫm
không? Chúng ta phải thay đổi ngay hôm nay. Các em có đồng ý với thầy không
nào!” – Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự với các em.
Buổi chiều ngày 17/06
chúng tôi 3 sinh viên về tham gia khóa tu cùng thầy Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã
lên chia sẻ những kinh nghiệm học tập của mình. Tôi là 1 sinh viên cảu Đại học
Thương Mại, bạn Ngọc quê Nam Định, đến từ Đại học Ngoại thương và bạn Hảo đến từ
Đại học Bách khoa Hà Nội. Đặc biệt nhất là bạn Hảo cùng CLB yêu sách Thái Hà của
chúng tôi bị khuyết tật mà vẫn học hết mình để thi đỗ đại học và trở thành sinh
viên đang hết mình kiếm tìm và gom kiến thức. Thầy Hùng cùng chúng tôi giao lưu
với các em trong buổi chiều, cùng niệm Phật. Mấy trò chơi mà chúng tôi tổ chức
cùng các em vui lắm. Em nào cũng thích.
Việc tổ chức khóa tu
mùa hè tại chùa An Đức là một nỗ lực rất lớn của sư thầy trụ trì Quảng Khiết,
vì chùa còn nghèo, địa phương cũng nghèo và nhân dân ở đây ít biết đến Phật pháp. Được biết, sư thầy Quảng
Khiết là gốc miền Trung, tu học tại ni viện Phước Long, mới ra Bắc hoằng Pháp từ
năm 2010. Với năng lực và đức hạnh của mình thầy đã đem ánh sáng Phật Pháp đến
với đông đảo nhân dân tại đây.
Nghe tâm sự của những
Phật tử tại đây, tôi mới biết rằng sư thầy Quảng Khiết là trụ trì đầu tiên của
chùa An Đức. Khi thầy về đây tiếp quản, quang cảnh chùa còn rất đơn sơ, cơ sở vật
chất yếu kém. Với tài đức của mình, sư thầy Quảng Khiết bắt tay ngay vào công
việc hoằng pháp, lợi sinh. Sư thầy đã nhanh chóng tìm hiểu phong tục tập quán của nhân dân miền Bắc để hòa nhập sống
như nhiều chư tăng ni miền Bắc khác. Dù chùa còn nghèo, nhưng thay vì trùng tu,
xây dựng chùa thì có bao nhiêu tiền, thầy đều dồn hết để xây dựng tăng phòng để
phục vụ cho khách thập
phương có nơi ăn chốn nghỉ, cũng như các nơi sinh hoạt cho học sinh tham gia
khóa tu mùa hè.
Bên cạnh đó, thầy còn tổ chức các khóa tu Bát quan trai cho hàng chục Phật
tử địa phương. Thầy
thường xuyên giảng pháp cho Phật tử và dân chúng. Thầy khuyên giải những khó
khăn mà các Phật tử gặp phải trong cuộc sống, giúp họ hết khổ, được vui, hóa giải nghiệp báo, vận hạn. Thầy dạy Phật tử và người dân rằng: “Đời không có tai họa, không có khổ não, mà chỉ tại chúng
ta gieo nhân chẳng lành nên mới có tai họa khổ não”. Lớp trẻ cũng được sư thầy
tạo điều kiện sinh hoạt tại chùa, tổ chức các buổi trò chuyện, chơi trò chơi
dân gian giúp các em tu dưỡng đạo đức và giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.
Không những thế, sư thầy Quảng Khiết còn thỉnh một số tăng ni, các bậc thiện tri thức về giảng
Pháp, chia sẻ với Phật tử, nhân dân địa phương về những chủ đề thiết thực giúp
nhân dân loại bỏ mê tín dị đoan, giúp cuộc sống của họ ngày càng an lạc, hạnh
phúc.
Chuyện này thật là quý đối với 1 ngôi chùa ở 1 vùng quê xa xôi.
Với tình thương vô bờ bến của mình với dân, thầy Quảng Khiết đã quyết tâm
vượt qua mọi sự khó khăn để tổ chức thành công khóa tu mùa hè năm 2012 vừa
qua mặc dù trước đó có nhiều người
còn nghi ngại, gây khó khăn. Thầy tâm sự :“Ở nông thôn, nhất
là địa phương
này, các em học sinh rất thiệt
thòi. Vì thế, thầy luôn vững tâm tổ chức khóa tu mùa hè để giúp các em trở
thành con ngoan, trò giỏi, trở thành người tài giúp ích cho quê hương, đất nước”.
Sư thầy cũng cho biết thêm “Năm nay nhà chùa có thêm rất nhiều nhân duyên tốt
lành, có nhiều bậc thiện tri thức nhận lời tham gia hỗ trợ như tiến sĩ Nguyễn Mạnh
Hùng, tiến sĩ Nguyện Thụy Anh... Đây là một cơ hội quý giá cho các em học sinh
nông thôn, qua các buổi giao lưu trên sẽ giúp các em định hướng ước mơ và có một
niềm tin mạnh mẽ về một tương lai thành công, hạnh phúc.
Trước khi chia tay chúng tôi sư thầy có dặn dò chúng
tôi:
“Công việc hoằng pháp rất gian nan nhưng chỉ cần có
tâm bồ đề kiên cố thì nhất định sẽ thành công. Phụng sự
chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
Chúng tôi cúi đầu đảnh lễ nguyện ghi nhớ lời sư thầy dạy dỗ và phát nguyện cùng thầy hoằng pháp, giúp ích cho chúng sinh. Đêm qua tôi ngủ rất ngon. Sự tham gia của chúng tôi cùng TS Nguyễn Mạnh Hùng trong khóa tu nơi vùng quê xa xôi này sao mà ý nghĩa đến vậy.
Đỗ Hữu
Sinh viên Đại học Thương Mại - thành viên ban chủ nhiệm CLB yêu sách Thái
Hà.