;
Vĩnh Minh Tự Viện trong những ngày mừng Lễ Phật đản – ảnh: L.V
Nhiều người gọi đây là “xóm chùa”, “làng chùa” Đại Ninh.
Thôn Phú An, xã Phú Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vốn là vùng đồi núi hoang sơ, nằm dọc hữu ngạn sông Đa Nhim, cửa ngõ vào thôn gần cầu Đại Ninh (quốc lộ 20, cách thành phố Đà Lạt khoảng 42 km). Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Văn xã, xã Phú Hội cho hay: “Trước ngày đất nước thống nhất, vùng đất Phú An còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, chỉ có vài ba ngôi chùa, thạch thất ẩn mình sau rặng rừng già, càng về sau dân tứ xứ kéo nhau về đây định cư, lập nghiệp tạo thành khu dân cư khá sầm uất với nhiều chùa chiền, tịnh thất nên Phú An được mệnh danh là vùng “đất lành”, là “làng chùa”. Ông Mai Hữu Hòa, Trưởng phòng tôn giáo huyện Đức Trọng cho biết thêm: trên 14 xã, thị trấn của huyện có 165 cơ sở thờ tự Phật giáo thì riêng tại xã Phú Hội có 62 cơ sở (thôn Phú An 53 cơ sở), xã Ninh Gia (tả ngạn sông Đa Nhim) có 29 cơ sở. Toàn huyện có 650 chức sắc và tăng ni, riêng thôn Phú An đã có tới 492 vị, đây là điều hiếm có.
Một ngày ở làng chùa
Cổng tam quan Vĩnh Minh Tự Viện
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến thăm “làng chùa” Đại Ninh, từ quốc lộ 20 vừa mới rẽ vào thôn Phú An đã nghe tiếng chuông chùa ngân vang, văng vẳng từ các triền đồi tiếng gõ mõ, tụng kinh khiến lòng người cảm thấy thanh thoát, an bình. Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là Vĩnh Minh Tự Viện, ngôi chùa nổi tiếng nhất Phú An, tọa lạc trên ngọn đồi cao, xung quanh là không gian thoáng mát rợp bóng cây xanh rộng khoảng 10 ha. Tại đây Đại Đức Thích Nguyên Chánh đã cho chúng tôi biết quá trình hình thành “làng chùa” độc đáo này. Những năm đầu thập niên 1960, các hòa thượng Bửu Lại, Bửu Huệ và Thích Thiền Tâm đã tìm đến núi rừng hoang vu bên bờ sông Đa Nhim này khai sơn, dựng thạch thất để yên tĩnh tu hành. Sau đó, hòa thượng Thích Thiền Tâm cho xây dựng tu viện và chùa Hương Nghiêm (ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất này, bây giờ được gọi là Tổ đình). Còn Vĩnh Minh Tự Viện được thành lập bởi hòa thượng Thích Tâm Thanh (là học trò của 3 vị hòa thượng đầu tiên đến Phú An khai sơn) từ năm 1973, trên ngọn đồi cao bên cạnh chùa Hương Nghiêm.
Ban đầu hòa thượng Tâm Thanh chỉ xây dựng tịnh thất nhỏ để về tịnh dưỡng sau những ngày đi thuyết giảng. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1983 nhận thấy duyên hóa độ có nhiều thuận lợi, ông xây dựng chùa Vĩnh Minh Tự Viện. Theo các phật tử, từ khi Vĩnh Minh Tự Viện hình thành, cùng với tài thuyết giảng kiệt xuất của hòa thượng Tâm Thanh (nguyên Phó ban trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng) nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng khắp các làng quê quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, không chỉ tăng ni, phật tử trong huyện Đức Trọng mà cả tăng ni, phật tử nhiều tỉnh thành khác cũng lặn lội lên núi Phú An để được nghe thuyết giảng và thọ giáo quy y. Từ đó, người tứ xứ về đây ngụ cư, lập tịnh thất, tịnh xá để tu hành.
Làng chùa Đại Ninh chuẩn bị mừng Lễ Phật đản
Theo ông Mai Hữu Hòa (Trưởng phòng tôn giáo huyện), Phú An là vùng đất không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự luôn bảo đảm. Các tăng ni về đây lập nghiệp, tu hành đều tự lao động sản xuất, trồng cà phê, cây ăn trái để nuôi sống bản thân. Hầu hết các chùa, tịnh thất đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, gắn bó với chính quyền và Hội chữ thập đỏ huyện tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân quanh vùng. Điều đặc biệt nữa là các chùa ở đây luôn mở rộng vòng tay đón nhận trẻ em mồ côi, bất hạnh; các em đều được tạo điều kiện đến trường học hành, bên cạnh đó các tăng ni còn giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em trưởng thành mọi mặt. Xin nói thêm, lúc sinh thời hòa thượng Thích Tâm Thanh đã vận động ân nhân xa gần để làm gần 4 km đường bê tông nhựa nóng chạy dọc thôn Phú An, xây dựng chiếc cầu treo dài trên 200m bắc qua sông Đa Nhim, nối liền 2 thôn Phú An và Đại Ninh giúp cư dân qua lại dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt tai nạn giao thông vì không phải chèo thuyền qua sông.
Du lịch hành hương làng chùa
Cầu treo bắc qua sông Đa Nhim do hòa thượng Thích Tâm Thanh vận động xây dựng
Như đã đề cập, hiếm có nơi nào có “duyên” (chữ nhà Phật) như vùng đất Phú An, bởi vậy vào các dịp lễ tết, Vu Lan, Phật đản và rằm tháng giêng (lễ hội Pongour), rất nhiều du khách đến thăm “làng chùa” độc đáo này. Sau một ngày tham quan làng chùa Phú An, chúng tôi cảm nhận được những nét văn hóa độc đáo, phong phú. Tại chùa tổ Hương Nghiêm có tháp mộ 3 tầng khá đồ sộ của cố hòa thượng Thích Thiện Tâm. Đến với Phương Liên Tịnh Xứ, ngoài ngôi chùa uy nghi, rộng lớn với kiến trúc Đông – Tây kết hợp (đang được xây dựng dở dang), còn có bảo tháp 7 tầng đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi cao, nơi đây còn có tháp mộ của cố ni sư Thu Nguyệt (vị trụ trì chùa). Tại Vĩnh Minh Tự Viện có cổng tam quan xếp bằng đá, bảo tháp xá lợi Minh Tích Án khá uy nghi, cùng tượng Phật Niết bàn và nhiều tượng đài khác. Dọc theo hữu ngạn sông Đa Nhim còn có hàng chục ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, mỗi cái mỗi vẻ kiến trúc khác nhau vừa mang nét cổ kính vừa xen lẫn tính hiện đại như tịnh xá Ngọc Thành, các chùa Hương Sen, Dược Sư, Đạo Tràng Long Châu…
Đến với làng chùa Phú An du khách còn có thể tiếp cận những bậc chân tu lão thành như sư Tràng (tịnh xá Ngọc Thành), sư bà Hải Triều Am (chùa Dược Sư), Thượng tọa Thích Tâm Mãn… Trao đổi với chúng tôi, Thượng tọa Thích Minh Chiếu (Chánh đại diện Phật giáo huyện Đức Trọng) cho biết: “Các tăng ni, phật tử trên địa bàn luôn ý thức sống tốt đạo đẹp đời, chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Mỗi tháng 2 lần các Đại đức, tăng ni có 2 buổi quy tụ về chùa Hương Nghiêm (Tăng) và Đạo Tràng Long Châu (Ni) để bố tát thuyết giới (học giới luật nhà Phật), đây cũng là dịp để các tăng ni biểu lộ tinh thần gắn kết cùng nhau xây dựng đạo, đời tốt đẹp.
Rồi đây khi đập thủy điện Đại Ninh (cách làng chùa khoảng 1 km) xây dựng xong sẽ trở thành một thắng cảnh đẹp. Nếu các công ty lữ hành biết kết hợp du lịch – hành hương thì sẽ biến vùng đất Phú An, Đại Ninh thành địa chỉ du lịch hành hương thú vị.
Lâm Viên - Thanh Nien