;
“Cây có cội, nước có nguồn” là truyền thống mang đậm tính nhân văn, thể hiện tinh thần tri ân và báo ân và đã in sâu trong tâm thức của mỗi người, đặc biệt là những người con Phật. Hôm nay được dự vào Chúng trung Tôn, là rường cột Phật giáo trong tương lai, thì không thể không kể đến ân đức sâu dày của Tổ thầy đã truyền trao giới thân tuệ mạng. Bên cạnh đó, nay được ngồi trong đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh mà tu học Phật pháp không thể không nhớ tới người đã khai sáng kiến tạo
Trên tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật, tri ân đến các bậc Tổ sư đã có công khai sáng, mở mang kiến tạo nên cảnh già lam trang nghiêm thanh tịnh, sáng ngày 3/12/2017 (nhằm ngày 16/10 năm Đinh Dậu), chùa Hoằng Pháp đã trang nghiêm long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 29 Cố Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sáng chùa Hoằng Pháp viên tịch. Hàng ngàn Tăng Ni Phật tử từ khắp mọi miền đất nước đã vân tập về chùa tham dự buổi lễ.
Từ những ngày trước lễ, quý thầy trụ trì các chùa, tự viện trong Tông phong chùa Hoằng Pháp cùng Phật tử các đạo tràng đã vân tập về chùa vấn an sức khỏe Thượng tọa trụ trì cũng như tham dự ngày Giỗ Tổ.
Đúng 9h00, trong tiếng trống Bát Nhã ngân vang, hai hàng Phật tử đã chắp tay trang nghiêm thành kính cung nghinh chư tôn đức quang lâm giảng đường để cử hành buổi lễ.
Sau khi giới thiệu chương trình, trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, hội chúng đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến bậc Đạo sư khả kính, Ngài đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Để nhìn lại cuộc đời và đạo nghiệp cao cả của Ngài, đại chúng đã được lắng nghe Đại đức Thích Tâm Kính, trụ trì chùa Tây Khánh (Thái Bình) đã thay mặt môn đồ pháp quyến, cung tuyên tiểu sử Cố Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử.
Để bày tỏ lòng biết ơn của hàng Phật tử đối với ân đức của Tổ sư, Phật tử Diệu Hảo đã đại diện cho hàng cư sĩ tại gia trình bày cảm tưởng về Sư Tổ. Kế đến, Thượng tọa trưởng BTC buổi lễ đã thay mặt cho chư Tăng bổn tự gửi lời tri ân đến chư tôn thiền đức Tăng Ni và quý Phật tử. Sau đó Thượng tọa đã có đôi điều sách tấn đại chúng trong sự tu tập thông qua cuộc đời của Sư tổ.
Sống và chết là điều tất nhiên của con người hiện hữu trên cõi đời này. Song chúng ta phải sống như thế nào có ích cho mình và người; chết như thế nào để lại tấm gương cho hậu thế noi theo học tập. Vì vậy, người trí cần phải suy nghĩ và cố gắng sử dụng khoản thời gian ngắn ngủi của kiếp sống giả tạm này sao cho phù hợp. Chúng ta phải hiểu được giá trị của sinh mạng để từ đó tinh tấn tu tập. Trách nhiệm của một vị xuất gia là “Trên cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, và Sư tổ của chúng ta là một người như thế. Cả cuộc đời Ngài tu hành nghiêm trì giới luật, khổ hạnh trong sinh hoạt hằng ngày, thực hành tinh thần lợi tha, luôn đem đến hạnh phúc cho mọi người và lợi lạc cho Phật pháp.
Nhưng để thực hiện được hạnh nguyện thành Phật độ chúng sinh không phải một sớm, một chiều mà thành tựu được, mà phải trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật đưa ra thí dụ: Có một tảng đá dài 1 do tuần, ngang 1 do tuần, cao 1 do tuần (1 do tuần, theo các nhà học giả đưa ra hai nhận định là khoản 27km hay 7km). Cứ một trăm năm, có một người lấy giẻ chùi 1 cái, chùi đến khi nào tảng đá đó mòn hết là được 1 kiếp. Thí dụ thứ hai: Có một cái thành bằng sắt dài 1 do tuần, ngang 1 do tuần, cao 1 do tuần chứa đầy hạt cải. Cứ một trăm năm, có một người đến lấy một hạt cải, lấy đến khi nào trong thành không còn hạt nào nữa là được một kiếp. Qua bài kinh, Thượng tọa đã nhận định cuộc đời của Sư tổ đã sớm hiểu được nghĩa lý trên mà Ngài tu hành rất tinh chuyên, lấy Lục độ Ba-la-mật (theo giáo lý Nam truyền là Thập độ Ba-la-mật) làm phương tiện cứu cánh trên bước đường hành trì. Vì vậy, trong sự tu tập cần phải có thời gian dài chuyên cần miên mật mới có thể thành tựu, không phải chuyện một sớm một chiều. Chính vì lẽ đó, không những người xuất gia mà cả người tại gia cần phải cân bằng tu phước và tu tuệ, hay nói cách khác là phước tuệ song tu. Có được như vậy, sẽ giúp cho chúng ta sớm thành tựu đạo quả, lý tưởng hoằng pháp lợi sinh. Tất cả những điều này đều được gói trọn trong cuộc đời của Sư tổ.
Qua đây, Thượng tọa đã khuyến tấn quý Phật tử phải lấy cuộc đời của Ngài làm gương để làm sao sống đúng, tốt đời đẹp đạo, làm lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong chương trình Giỗ tổ năm nay còn có sự góp mặt của ca sĩ Phương Thùy với ca khúc “Nhớ Ơn Thầy Tổ” (Sáng tác: Vũ Ngọc Toản), ca sĩ Thanh Hằng và Thanh Hà với ca khúc “Thầy Tôi” (sáng tác Chúc Hiếu, thơ Thích Phước Thịnh), ca sĩ Duy Linh với ca khúc “Cảm Niệm Ân Sư” (Sáng tác: Hà Mai Tân)
Kết thúc buổi lễ, Chư Tăng và Phật tử đã dâng hương tưởng niệm Giác linh Hòa thượng. Sau đó, mọi người cùng thọ trai trong không khí thắm tình đạo vị.
Cũng trong buổi lễ hôm nay, BTC đã gửi tặng quý Phật tử về tham dự DVD “Lễ Giỗ Tổ Cố Đại Lão Hòa Thượng Ngộ Chân Tử”, VCD “Năm Cấu Uế Của Tâm”, Lịch khóa tu chùa Hoằng Pháp 2018.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận: