;
Sáng ngày 27/11/2014 (nhằm ngày 6/10 Giáp Ngọ) Thượng tọa Thích Chân Tính cùng chư Tăng bổn tự đã cử hành lễ hằng thuận cho đôi thiện nam tín nữ: Chú rể Tịnh Trường sánh duyên cùng cô dâu Liên Nhung.
Nhận thức được ý nghĩa tổ chức lễ cưới tại chùa là tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể quay về nương tựa ba ngôi báu cũng như được sự gia hộ của chư tôn đức chứng minh. Từ xưa đến nay, ít nhiều trong tâm tưởng mọi người thường nghĩ rằng: đạo Phật là đạo của những người già, sắp chết. Hễ ở đâu có người mất là ở đó có thầy chùa, người nào ở trong chùa đều là những thành phần chán đời, thất tình,… Sự hiểu lầm này, vô tình làm cho đạo Phật bị ảnh hưởng không nhỏ đến những giá trị đích thực mà Phật giáo mang lại. Sự hình thành, phát triển đạo Phật đã khẳng định những lời mà đức Thế Tôn đã dạy trong suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài, tất cả đều hướng con người tiến tới giá trị cao đẹp, một công dân tốt trong xã hội. Từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, luôn mang trong mình sứ mệnh cao cả. Phật giáo đồng hành cùng dân tộc và hạnh phúc gia đình là một trong những ví dụ điển hình lợi ích thiết thực mà Phật giáo mang lại. Chuyển hóa những khổ đau, hóa giải những khúc mắc, sự hiểu lầm để giúp cho gia đình có được một cuộc sống tươi đẹp, hòa thuận yêu thương nhau. Nhất là những người Phật tử, luôn mong muốn gia đình sống theo những lời mà Phật đã dạy.
Trên tinh thần cao cả đó, dưới sự chứng minh của Chư tôn đức buổi lễ đã diễn ra thật trang nghiêm và long trọng. Sau khi được chư Tôn đức tăng chứng minh tuyên đọc ý nghĩa chiếc nhẫn. Đôi trẻ đã đọc lời phát nguyện, xác nhận là vợ chồng mãi mãi, luôn yêu thương trọn đời chung thủy với nhau.
Tiếp theo đó, Thượng tọa Thích Chân Tính đã có đôi lời nhắn nhủ đôi bạn trẻ trong ngày trọng đại này. Từ ý nghĩa về lễ hằng thuận, Thượng tọa giải thích hai chữ Hằng Thuận. Hằng là thường, là luôn luôn. Thuận là hòa thuận. Hòa thuận là gốc của an lạc, hạnh phúc. Gia đình nào luôn luôn hòa thuận là gia đình đó có hạnh phúc. Đồng thời, Thượng tọa đã chỉ cho cô dâu, chú rể cũng như toàn thể hội chúng thấy được muốn có hạnh phúc thực sự phải sống biết sống lục hòa theo lời Phật đã dạy:
1.Thân hòa đồng trú.
2.Khẩu hòa vô tránh.
3.Ý hòa đồng duyệt.
4.Kiến hòa đồng giải.
5.Lợi hòa đồng quân.
6.Giới hòa đồng tu.
Sáu pháp này là tiền đề, là nấc thang để chúng ta có những bước tiến vững chắc nhất trên con đường xây dựng một hạnh phúc gia đình, làm tròn bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình. Cũng trong buổi lễ này vấn đề thai giáo, dạy dỗ con cái khi trưởng thành đã được Thượng tọa đề cập đến cho đôi vợ chồng trẻ. Làm cha mẹ ai cũng mong muốn có được những người con ngoan hiền, thông minh, học giỏi. Điều đầu tiên, bậc cha mẹ phải biết sống một đời sống trong sạch, khắc kỷ thông qua việc thực hành năm nguyên tắc căn bản mà đức Phật đã dạy.
Cuối cùng, Thượng tọa chúc cô dâu, chú rể và toàn thể hội chúng luôn có cuộc sống an vui và hạnh phúc trong giáo pháp của đức Như Lai.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận: