;
Tham dự và cử hành nghi lễ húy kỵ có Đại đức Thích Quảng Duyên; Đại đức Thích Chúc Giác; Đại đức Thích Tâm Nguyện - Chư tăng BTS Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, cùng môn đồ Phật tử tín chúng.
Theo lược sử ghi lại và lời kể của các đệ tử tại gia Ngài, Tôn sư pháp danh Thích Nhật Sách, pháp hiệu Thích Tinh Cần, tục danh Hà Thế Hanh, Ngài sinh năm 1902, nguyên quán xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1916, mới 14 tuổi từ Quảng Bình xuất gia vào Cố đô Huế để tu học, bổn tính thông minh nhanh nhẹn, siêng năng cần cù, nên được các bậc tôn túc Hòa thượng yêu quý, đặc biệt là vị thầy bổn sư đã kèm cặp tu hành sớm trở thành một vị Tỳ kheo trẻ, tinh thông giáo lý Đức Phật lại có phẩm hạnh. Năm Ất Hợi 1935 tỳ kheo Thích Nhật Sách được bổ xứ ra Hà Tĩnh để hoằng truyền giáo pháp và xây dựng Phật pháp trên vùng đất này.
Tại đây, Ngài đã phối hợp với Thượng tọa Thích Mật Thể mở Trung tâm học Phật tại chùa Phật Học (xóm Đông Quế, thị xã Hà Tĩnh xưa, đầu đường 26/3, Tp. Hà Tĩnh khu vực sân vận động mới ngày nay) đây là Trung tâm Phật học đầu tiên của khu vực Nghệ – Tĩnh.
Theo lời của cố Phật tử Biện Văn Thiệu và một số vị thuộc hàng hậu học của Hòa thượng. Trung tâm này lúc đó có hơn 60 học viên là người xuất gia (sau này phải hoàn tục để lập gia đình) tham dự và hàng trăm Phật tử thường xuyên về đây nghe giảng giáo lý. Ngài trụ trì chính là ngôi chùa Cổ Lam (xóm Tịnh Trung, thị xã Hà Tĩnh xưa, cạnh Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh bây giờ). Ngài đã đặt chân đến hầu hết các chùa trên đất Hà Tĩnh, Ngài còn liên lạc chặt chẽ với Phật giáo miền Bắc để thỉnh mời các vị tôn túc vào bồi dưỡng, tăng thêm kiến thức Phật pháp cho Phật tử.
Sau năm 1945 Ngài phụ trách Tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh. Cách mạng thành công năm 1954 thực dân Pháp rút quân khỏi Đông Dương, Phật giáo miền Bắc kiện toàn, Ngài được tấn phong Hòa thượng và phụ trách Phật giáo Tỉnh hội Hà Tĩnh. Lấy chùa Phật Học làm trụ sở của Tỉnh hội.
Ngày 03 tháng 7 năm Ất Mùi,(ngày 20/8/1955) Ngài đã viên tịch, nay ninh phần và tháp mộ của cố Hòa thượng tọa lạc tại nghĩa trang xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng theo lời cố Phật tử Lệ Quảng tự Thanh Bình (đệ tử của Ngài, mất năm 2016) kể lại, cuộc đời hành đạo của Ngài trong giai đoạn này với vô vàn khó khăn, ngăn cách, cản trở do quan điểm, nhận thức và định kiến tiêu cực về tôn giáo lúc bấy giờ. Chính vì lẽ đó nên cho đến lúc này lịch sử Phật giáo Hà Tĩnh giai đoạn thập niên 40 – 70 chỉ còn các nhân chứng sống kể lại, mọi lưu bút sử sách, thông tin gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.
Hy vọng tương lai không xa, lịch sử Phật giáo tỉnh nhà được xuyên suốt giúp nguồn chảy Phật pháp càng mạnh mẽ, vững vàng, với niềm tự hào truyền thống cũng như tri ân các bậc tiền nhân “tử vì đạo” là nền tảng vững vàng cho tương lai tiếp nối và phát huy.
Tại buổi lễ, Chư tôn đức dâng hương bạch Phật cúng ngọ và cử hành tiến cúng Giác linh cố Hòa thượng thượng Nhật hạ Sách theo nghi thức truyền thống. Do điều kiện dịch bệnh nên buổi lễ húy kỵ chỉ có hơn hai mươi người tham dự.