;
Di ảnh Cố Đại lão Hoà thượng Thích Tôn Bảo (1895-1974)
Chứng minh và tham dự có Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thường; Hoà thượng Thích Trí Viên, đồng ủy viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP. Đà Nẵng; Hòa thượng Thích Từ Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự TP. Đà Nẵng; Hòa thượng Thích Bổn Đạt, viện chủ Tu viện Phổ Đà Sơn Canada; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Ban Trị sự GHPGVN TP. Đà Nẵng; Hoà thượng Thích Đồng Mẫn, trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, Hội An; Hoà thượng Thích Hạnh Mãn, trụ trì Quốc Tự Tam Thai, trưởng môn phái Lâm Tế Chúc Thánh TP. Đà Nẵng; cùng chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự TP. Đà Nẵng, Q. Hải Châu.
Chánh điện Tổ đình Sắc Tứ Vu Lan - Đà Nẵng
Tại buổi lễ, Chư tôn đức giáo phẩm đã thành kính dâng hương tưởng niệm, nhất tâm cầu nguyện Giác linh cố Đại lão Hòa thượng Thích Tôn Bảo cao đăng Phật quốc.
TT Thích Hanh Minh, ĐĐ Thích Hạnh Viên, đãi lao Hòa thượng phương trượng tác bach thỉnh sư
Thượng tọa Thích Hạnh Minh, trụ trì chùa Hoà Quang; Đại đức Thích Hạnh Viên, trụ trì chùa Long Thơ; đãi lao Hoà thượng Thích Như Thọ, phương trượng Tổ đình Sắc Tứ Vu Lan, pháp tử của cố Đại lão Hoà thượng Thích Tôn Bảo, đại diện môn phong pháp quyến đã dâng lời tác bạch cúng dường, ôn lại hành trạng và những đóng góp mà cố Hòa thượng Thích Tôn Bảo đối với Đạo pháp và Dân tộc.
Được biết, Đại lão Hòa thượng khánh sanh vào giờ Dần, ngày 17 tháng 9, năm Thành Thái thứ 7 (1895) tại làng Hương Quế, tổng Hương Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong nỗi niềm mong chờ của song thân và gia tộc. Nghiêm phụ là cụ ông Phạm Nhữ Ngôn. Từ mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trà. Hòa thượng được thân phụ đặt tên là Phạm Nhữ Hựu.
Theo gia phả, Ngài thuộc dòng dõi của danh tướng Phạm Ngũ Lão thời nhà Trần và Trung quân đô thống Phạm Nhữ Tăng. Sinh trưởng trong một gia đình mang dòng dõi công thần của nước nhà. Ngài được thắm nhuần tư tưởng ái quốc cùng nề nếp Nho gia lưu truyền nhiều đời. Lớn lên trong tình thương thuần hậu của cha mẹ, nên ngài thửa hưởng đức tánh hiền thục, ôn hòa.
Vốn có túc duyên nhiều đời với Phật pháp, năm lên 8 tuổi, được sự chấp thuận của song thân, ngài giả từ quê nhà, phát nguyện xuất gia. Được biết tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đức Tăng Cang Từ Trí là bậc mô phạm, tinh thông Kinh – Luật – Luận. Năm Nhâm Dần (1902), niên hiệu Thành Thái thứ 13, Ngài được Hòa thượng Tăng Cang Từ Trí chính thức nhận làm đệ tử và cho phép nhập chúng tu học tại Quốc tự Linh Ứng – tỉnh Quảng Nam.
Hoà thượng Thích Huệ Thường niêm hương tưởng niệm
Gia nhập vào nếp sống của Tăng già, Ngài không bao giờ trễ nãi hai thời công phu, luôn cần mẫn chấp lao phục dịch. Với bẩm tánh hiền hòa cùng sự kham nhẫn, Ngài được Hòa thượng Bổn sư vô cùng thương mến. Năm Giáp Dần (1914), khi tròn 20 tuổi, Ngài được Đức Tăng Cang chính thức thế độ, truyền giới Sa di phương trượng, ban pháp danh Chơn Tá, pháp tự Đạo Hóa.
Sau bao nhiêu năm tháng hầu thầy, tinh chuyên học luật. Vào năm Bính Thìn (1916), ngài được Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ Túc giới tại đại giới đàn Quốc Tự Tam Thai, do Đức Tăng Cang Từ Trí làm Đường đầu Hòa thượng, năm này Ngài tròn 22 tuổi. Từ đây, Ngài chính thức gia nhập vào đời sống của bậc Xuất Trần Thượng Sỹ. Nối pháp đời thứ 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 của Thiền Phái Chúc Thánh. Không lâu sau, Ngài được sơn môn cung cử làm Tăng Mục Quốc tự Tam Thai – Ngũ Hành Sơn.
Năm Tân Dậu (1921), Hòa thượng Bổn sư viên tịch, ngài cầu pháp với Tổ sư Phước Trí, được Hòa thượng phú pháp hiệu Tôn Bảo mà đương thời thường gọi là “ Ngũ Hành Tam Tôn ”.
Năm Giáp Tý (1924), Tổ sư Hưng Long - khai sơn chùa Vu Lan viên tịch, ngài được chư bô lão làng Hoá Khuê cung thỉnh về trụ trì. Từ đây, hơn 50 năm hoằng hóa độ sanh, cuộc đời ngài gắn liền với chốn Tổ này cho đến cuối đời.
Hoà thượng Thích Trí Viên cử hành nghi thức tưởng niệm
Năm Đinh Mão (1927), Ngài đại trùng tu chùa Vu Lan, xây dựng Tam quan, bi đình dưới sự hỗ trợ của Quan lại các tỉnh và vương quốc Cao Miên.
Năm Mậu Thìn (1928), Ngài được cung thỉnh là Đệ tứ dẫn thỉnh Thượng tọa tại Đại giới đàn chùa Sắc Tứ Từ Vân – Đà Nẵng do Đức Tăng Cang Phước Trí làm Đường đầu truyền giới.
Năm Canh Ngọ (1930), Ngài được cung thỉnh đảm nhiệm chức vụ Phó trị sự Chư Sơn tỉnh Quảng Nam kiêm Chánh kiểm tăng huyện Hòa Vang do Hòa Thượng Phổ Thoại làm trị sự trưởng.
Để tán thán công hạnh của Ngài đối với công cuộc trùng hưng chốn Tổ Vu Lan, vào năm Bảo Đại thứ 7 (1932), Hòa Thượng Phổ Thoại, Hòa Thượng Thiện Quả, Hòa Thượng Bảo Thọ, Hòa Thượng Hưng An đã cung tặng Ngài bức hoành với 4 chữ 人能道潤 (Nhơn Năng Đạo Nhuận).
Năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại thứ 9, Ngài đứng ra xin Triều đình ban Sắc Tứ cho chùa Vu Lan.
Năm Ất Hợi (1935), Ngài được cung thỉnh làm Đệ ngũ tôn chứng A xà lê tại đại giới đàn chùa Sắc Tứ Tịnh Quang – Quảng Trị do Hòa Thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ, Tăng Cang chùa Báo Quốc làm Đường đầu.
Với đạo phong thuần khiết, uy danh vang vọng, nên đầu thập niên 40, Ngài được Triều đình nhà Nguyễn sắc chuẩn làm Tăng Cang, khâm ban đao điệp, cai quản hai ngôi quốc tự Tam Thai – Linh Ứng.
Năm Ất Dậu (1945), Hội Phật học Đà Nẵng cung thỉnh Ngài giữ chức vụ Hội Trưởng. Cũng trong thời gian này, Ngài là nhà bảo trợ đắc lực cho Ban biên tập tạp chí Tam Bảo đặt tòa soạn tại Chùa Sắc tứ Phổ Thiên.
Khi Pháp tái chiếm Việt Nam, hoàng cảnh chiến tranh Pháp – Việt diễn ra khốc liệt, Ngài và tăng chúng phải lánh nạn, mãi đến năm Đinh Hợi (1947) mới hồi cư. Sau đó, Ngài bắt đầu công cuộc đại trùng hưng ngôi Tam bảo Vu Lan xuống cấp sau thời gian hoang phế. Năm Nhâm Thìn (1952), ngài chú tạo lại Đại hồng chung thay cho quả chuông đã thất lạc khi trước, dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Tăng cang Thiện Quả.
Quan cảnh Tổ đình Sắc Tứ Vu Lan hiện nay
Giữa thập niên 50, Ngài được Giáo hội Tăng già Quảng Nam – Đà Nẵng cung thỉnh làm Trị Sự trưởng và Chứng minh Đại đạo sư.
Năm Quý Mão (1963), tuy tuổi đã cao, nhưng Ngài vẫn là vị lãnh đạo tinh thần tối cao cho Tăng Ni Tín đồ Phật Giáo Đà Nẵng trong phong trào đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, chống lại chính sách độc tài gia đình trị của Ngô triều.
Năm Đinh Mùi (1967), Ngài được suy sử vào Thành viên Hội đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Cũng trong năm này, Ngài chính thức khởi công đại trùng tu Tổ đình Vu Lan theo lối kiến trúc chùa hội.
Năm Kỷ Dậu (1969), ngôi nhà tăng chùa Vu Lan được Ngài sửa đổi theo lối kiến trúc mới. Đồng thời, Ngài khai khẩn thêm đất để mở rộng chốn tổ, sửa sang lại nơi tăng chúng tu học.
Vào các năm Giáp Dần, Quý Mão, Ất Tỵ, Đinh Mùi (1962, 1963, 1965, 1967), Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng trong các tiểu giới đàn truyền giới Sa di được tổ chức tại Tổ đình Long Tuyền.
Năm Canh Tuất (1970), Ngài được cung thỉnh làm Đệ nhất tôn chứng Đại giới đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà do GHPGVNTN miền Vạn Hạnh tổ chức, giới đàn này Đại Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm Tân Hợi (1971), GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam và Ban giám đốc Phật Học viện Quảng Nam cung thỉnh Ngài làm Chứng minh đạo sư.
Năm Giáp Dần (1974), Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng đắc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Long Tuyền do GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam và Phật học viện sở tại tổ chức.
Bảo tháp tôn trí nhục thân Đại lão Hoà thượng Thích Tôn Bảo
Trong cuộc đời hành đạo của Hòa thượng, Ngài đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, duy trì mạng mạch của Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai. Ngài còn chú trọng đến việc giáo dục Thanh thiếu niên Phật tử. Vì thế, Ngài đã hoan hỷ đảm nhận làm cố vấn giáo hạnh GĐPT Hòa Thuận và chi đoàn Thanh niên Phật tử Thiện Huệ (cả hai tổ chức đều đặt trụ sở tại chùa Vu Lan).
Vào ngày 27 tháng 10 năm Giáp Dần (10-12-1974), lúc 11 giờ 45 phút, Ngài đã xả báo an tường trụ thế 80 năm với 58 mùa an cư kiết hạ. Nhục thân của Ngài được an trí trong bảo tháp tại khuôn viên Tổ đình Sắc tứ Vu Lan.