nguoiphattu.com Sáng ngày 14 tháng 06 năm 2017, nhằm ngày 20 tháng 05 năm Đinh Dậu, tại chùa Đại Từ Ân – thị trấn Phùng – huyện Đan Phượng – HN, Trường hạ Đại Từ Ân đã trang nghiêm tổ chức lễ khai pháp khóa an cư của trường Trung cấp Phật học Hà Nội, PL2561 – DL2017.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Cố vấn Ban giám hiệu trường Trung cấp Phật học Hà Nội, trụ trì chùa Đại Từ Ân, thủ tọa trường hạ; Thượng tọa Thích Minh Tín - Ủy viên thường trực BTS kiêm Trưởng Ban giáo dục Tăng ni GHPGVN Thành phố Hà Nội, Phó hiệu trưởng thường trực trường Trung cấp Phật học Hà Nội; Thượng tọa Thích Trí Như – Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Hà Nội; Đại đức Thích Tiến Thông – Chánh văn phòng trường Trung cấp Phật học Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni trong ban giám hiệu, chư tôn đức Tăng ni sinh trường Trung cấp và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử địa phương đã về tham dự buổi lễ khai pháp này.
Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của Thượng tọa Thích Minh Tín nhấn mạnh tầm quan trọng của việc an cư kết hạ đối với người xuất gia.
Sau đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có đạo từ tới toàn thể đại chúng. Hòa thượng chia sẻ mùa an cư kết hạ năm nay của Phật giáo Hà Nội gồm có 19 cơ sở tập trung an cư cho Tăng Ni thuộc 30 đơn vị Phật giáo quận, huyện, thị và trường Trung Cấp. Tất cả đều sẽ khai giảng bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đây là một bộ kinh quan trọng trong giáo lý Đại thừa, được tôn kính là "Tối Thượng Thừa Viên Giáo Diệu Pháp Liên Hoa Kinh". Đối với 12 bộ loại kinh Đại Thừa thì đây là bộ kinh Trùng Tụng và nói lên tư tưởng Nhất Phật Thừa của Giáo lý Phật đà trong hệ tư tưởng.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ cho chúng sinh thấy chúng sinh với Phật đều một nguyên gốc, nói lên tính bình đẳng trong Đạo Phật, Đức Phật là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành. Cho nên bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa dạy cho con người thành Phật.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gồm 28 phẩm sẽ được diễn giảng trong mùa an cư. Nếu chia theo Ngũ thời Bát giáo của Thiên Thai Tông thì đây thuộc thời Pháp Hoa Niết Bàn, tức là thời cuối cùng trong 8 năm cuối cùng Đức Phật thuyết pháp trước khi nhập Đại Bát Niết Bàn (5 thời). Nói về Giáo trong 8 giáo thì kinh này thuộc về Viên Giáo, cho nên mới gọi là "Tối Thượng Thừa Viên Giáo".
Hòa thượng cũng giới thiệu trong mùa hạ năm nay, đại chúng được nghe giảng về kinh Diệu Pháp Liên Hoa từ bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập. Các đời Tổ sư trước và sau ngài Cưu Ma La Thập thì rất nhiều nhà đại tài phiên dịch như trong bài tựa của ngài Đạo Tuyên luật sư đời nhà Đường đã nhắc tới.
Hòa thượng cũng chia sẻ về ý nghĩa khi thọ trì, đọc tụng, học hiểu và sự màu nhiệm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa qua tấm gương chư vị Tổ sư tiền bối. Đối với các Tăng Ni, Phật tử, về mặt giáo lý các vị cũng sẽ tiếp nhận được tư tưởng là chúng ta không tự ti, Long Nữ còn được thành Phật thì Phật tử cũng sẽ được thành Phật nếu biết tinh tiến tu tập. Thứ hai, các vị cũng sẽ thấy được sự màu nhiệm của Kinh Pháp Hoa. Từ xưa đến giờ, chư Tổ đã giảng dạy về mặt Lý thì giáo nghĩa sâu xa như vậy, còn về mặt Sự thì sự linh nghiệm của trì tụng Kinh Pháp Hoa, thọ trì, đọc tụng, quảng tuyên Pháp Hoa rất có công đức. Hay lịch đại tổ sư của Việt Nam, các Ngài cũng cho trì tụng Kinh Pháp Hoa vào các thời khóa các mùa trong năm tại các trường hạ và chùa tự viện. Thứ ba, ngoài Đức Phật nói Kinh Pháp Hoa thì nguyên thủy của bộ kinh cũng có thể từ các bài tụng rồi thành bài trường hàng, hay bài trường hàng này cô đọng thành bài tụng, 28 hay 27 phẩm, sau khi đại chúng học nhuần nhuyễn thì sẽ nghiên cứu chuyên sâu để hiểu hơn về các góc cạnh của Kinh Pháp Hoa.
Hòa thượng mong muốn mỗi người khi học kinh này hãy biết ơn Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà thị hiện nơi đời đó là “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, công đức của chư Tổ đã hoằng truyền và xiển dương giáo nghĩa của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh như ngài Thiên Thai - Trí Giả Đại Sư, và tại nước ta lịch đại tổ sư cho đến ngày hôm nay đều phát tâm hoằng truyền, thụ trì và đọc tụng Kinh Pháp Hoa.
Qua đó, Hòa thượng cũng mong rằng, trong thời mạt pháp này, mỗi vị hành giả an cư hãy “giấy rách phải giữ lấy lề”, nhìn vào những công ơn to lớn của chư Phật, chư Tổ mà cố gắng tu học, trau dồi Giới – Định – Tuệ, cố gắng trong mùa an cư nhận được áo chỉ của bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, mang tư tưởng và đạo hạnh mình học được để trải khắp muôn nơi cứu độ chúng sinh, hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài.
Sau lời đạo từ của Hòa thượng, chư tôn đức Tăng Ni trong ban giám hiệu đã thực hiện nghi thức khai pháp, cung thỉnh thượng tọa Thích Tiến Đạt giảng bài pháp đầu tiên trong mùa hạ an cư PL2561.
Trong thời pháp thoại, Thượng tọa đã chia sẻ về nội dung chính của bộ kinh này. Bộ kinh Pháp Hoa được tôn xưng là chúng kinh chi vương, tức là đứng đầu trong các bộ kinh. Đây là bộ kinh đặc biệt quan trọng đối với Phật giáo đại thừa. Diệu Pháp Liên Hoa nghĩa là gì? Diệu là Phật tính, tâm sinh diệt là thô; chính pháp tối thượng vô thượng chính đẳng chính giác là Diệu, còn tà pháp và thế gian pháp là thô. Pháp là con đường, ở đây Diệu Pháp tức là con đường đạt đến Phật quả. Chính vì Phật quả vô thượng chính đẳng chính giác hay là tự tính Phật thì không thể dùng ngôn ngữ văn tự để truyền tải được cho nên kinh dụ Liên Hoa để dụ cho Tâm, cho nên pháp này lấy hoa ra làm dụ, hoa sen có đặc tính bất nhiễm thủy, tức là ở trong bùn mà không tanh hôi mùi bùn. Cho nên chúng ta nói đến Phật tính là nói đến ở thánh không tăng, ở phàm không giảm. Dù cho chúng ta đang là phàm phu ở trong địa ngục thì tự tính Phật của chúng ta cũng bản nhiên thanh tịnh, không thêm không bớt. Ở Phật không khác, ở chúng sinh không đổi, cho nên gọi là Liên hoa bất nhiễm thủy.
Trong Đạo Phật, hoa sen chính là một biểu tượng của Phật pháp. Đức Phật sinh ra bước đi trên hoa sen, thành Đạo trên tòa sen, thuyết một bộ kinh đặc biệt là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hoa sen là biểu tượng của Đức Phật nhưng cũng là biểu tượng tông chỉ của Phật pháp. Kinh này lấy thật tướng của các pháp làm thể.
Tông chỉ của kinh này nằm trong 4 chữ: Khai thị ngộ nhập. Toàn bộ kinh này, phẩm nào cũng có đầy đủ 4 nghĩa khai thị ngộ nhập. Đây chính là bản hoài của chư Phật, bởi như Đức Phật nói “chư Phật ra đời chỉ vì một mục đích duy nhất là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Do đó 49 năm thuyết pháp của Đức Phật, không ngoài một mục đích là chỉ cho chúng sinh tri kiến của Phật, hay là con đường thành Phật, hay tự tính Phật của mỗi chúng sinh. Cho nên chữ Đạo Phật chính là con đường thành Phật.
Nếu chúng ta tu theo kinh này sẽ thành nhất thiết chủng trí. Tức là nhất sinh thành Phật, tu theo Pháp Hoa một đời có thể chứng đắc được bất thoái chuyển vô thượng chính đẳng chính giác.
Bộ kinh này dạy cho Bồ Tát để tu thành Phật, đây là được mười phương hết thảy ba đời chư Phật hộ niệm.
Kinh Pháp Hoa được Đức Phật nói vào năm thứ 40 sau khi Đức Phật thành đạo là Ngài giảng kinh Pháp Hoa, tư tưởng Pháp Hoa trong 8 năm.
Nói về kết cấu của bộ kinh, kinh Đại Thừa đặc biệt là kinh Pháp Hoa dùng ngôn ngữ biểu tượng, tất cả lời trong kinh là dùng ngôn ngữ biểu tượng, bởi Phật tính thì ly ngôn ngữ, ly văn tự, ly cả tướng trạng. Dùng ngôn ngữ, văn tự, tướng trạng không thể chỉ rõ cho chúng ta cái gì là Phật tính, cái gì là tự tính thanh tịnh. Nếu chúng ta chấp vào ngôn ngữ này sẽ không bao giờ thấy được ý nghĩa của kinh. Cho nên học kinh đại thừa là ý tại ngôn ngoại, tức là ý nghĩa nằm ngoài lời nói.
Điều đặc biệt nữa trong Kinh Pháp Hoa nói riêng và Kinh Đại Thừa nói chung là dùng hình ảnh biểu tượng để nói lên Lý trong đó (hay còn gọi là biểu pháp). Và điều quan trọng thứ ba đó là nội dung chuyển tải của kinh Pháp Hoa là suối nguồn xuyên suốt từ đầu đến cuối, không tách rời nhau, vô lượng nghĩa.
Thượng tọa khuyên đại chúng đọc Pháp Hoa đừng có mắc vào danh tự ngôn ngữ. Từ danh tự ngôn ngữ và những hình ảnh biểu tượng ấy, ta phải thấy được Pháp mà Đức Phật nói ở bên trong nó.
Kinh Pháp Hoa về mặt kết cấu có 28 phẩm, Thiên Thai Trí Giả Đại Sư chia nó làm 2 phần: 14 phẩm đầu thuộc tích môn, 14 phẩm sau thuộc về bản môn… Nhưng Thượng tọa đã giới thiệu một cách tiếp cận khác của bộ kinh này tới đại chúng, đó là chia kinh này thành 4 phần căn bản theo nguyên tắc Khai – Thị - Ngộ - Nhập.
Trong Kinh Đại Thừa, cách mà các Tổ kết tập kinh có 2 phương pháp: diễn dịch và quy nạp. Kinh Pháp Hoa dùng phương pháp diễn dịch, do đó phẩm quan trọng nhất trong kinh là phẩm đầu tiên, và chỗ quan trọng nhất là lời đầu tiên mà Đức Phật nói trong phần tựa. Câu đầu tiên trong Kinh Pháp Hoa đã nói toàn thể Pháp Hoa, Đức Phật đã nói từng tầng lớp một, bóc tách từng tầng lớp chân lý trong đó ra thì thấy được bản thể.
Cho nên phẩm đầu tiên là phẩm tổng yếu của toàn bộ kinh, nằm trong phẩm tựa. Sau phẩm tựa, từ phẩm thứ nhất đến phẩm thứ 10 chính là nằm trong nội dung “Khai Phật tri kiến”. Đến phẩm thứ 11 là phẩm hiện bảo tháp, phẩm này có một phẩm thuộc về phần “Thị Phật tri kiến”. Hai phần trên thuộc về Lý, hai phần sau thuộc về Hành. Do đó, từ phẩm thứ 11 cho đến phẩm thứ 22 thuộc về phần “Ngộ Phật tri kiến”. Từ phẩm thứ 23 đến phẩm thứ 28 thuộc về phần “Nhập Phật tri kiến”. Đầu kinh là Bồ Tát Văn Thù, cuối kinh là Bồ Tát Phổ Hiền, một vị là Đại Trí, một vị là Đại Hạnh, và Thập Nguyện Vương của Bồ Tát Phổ Hiền là nhất giả lễ kính chư Phật đến thập giả phổ giai hồi hướng chính là con đường ngắn nhất để chúng ta nhập Phật tri kiến.
Đây chính là chìa khóa để mỗi người học Pháp Hoa. Phần lớn chư Tổ và những người nghiên cứu kinh điển đều thống nhất quan điểm này. Tông Thiên Thai chia kinh ra làm hai phần là không sai, nhưng chư Tổ còn một cách chia nữa là tam chu cửu dụ (3 chu 9 dụ nghĩa sâu màu)
Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là con đường, là bản hoài xuất thế của chư Phật, là pháp bí yếu cuối cùng chư Phật thổ lộ, sau đó Ngài nhập Niết Bàn. Do đó, đây được coi là tổng kết toàn bộ 49 năm thuyết pháp của Đức Phật và đây là con đường ngắn nhất để tu hành thành Phật theo lời chỉ dạy của mười phương ba đời hết thảy chư Phật". Thượng tọa mong rằng đại chúng hãy học và hiểu rốt ráo ý nghĩa cao sâu, màu nhiệm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tu học tinh tiến giác ngộ để thành Phật.