;
Quang lâm và tham dự buổi lễ, về phía GHPGVN thành phố Hải Phòng có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS, trưởng Ban từ thiện TƯ GHPGVN, trưởng BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; TT. Thích Thanh Giác – Phó ban thường trực Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng.
Về phía lãnh đạo chính quyền thành phố Hải Phòng có sự tham dự của ông: Nguyễn Đình Bích – Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hải Phòng ; ông Lê Khắc Nam- Ủy viên ban thường vụ thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; ông: Dương Ngọc Anh – Phó trưởng Ban tôn giáo sở Nội vụ thành phố Hải Phòng, các ông bà lãnh đạo đại diện cho các cấp ủy đảng thuộc HĐND, UBND, UBMTTQVN quận Đồ Sơn, phường Ngọc Xuyên cùng lãnh đạo các sở ban ngành của thành phố Hải Phòng, Phật tử, du khách gần xa và nhân dân địa phương.
Công trình tháp Tường Long là một công trình gắn liền với đời nhà Lý ở thế kỷ thứ XI, được xây dựng vào năm 1058 dưới thời vua Lý Thái Tông. Được sự đồng ý của UBND thành phố Hải Phòng, cũng như được sự chấp thuận của GHPGVN thành phố Hải Phòng, Ngày 11/6/2008, UBND quận Đồ Sơn và GHPGVN thành phố Hải Phòng đã tổ chức lễ khởi công động thổ công trình tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia tháp Tường Long chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đến nay sau gần 10 năm xây dựng, công trình tôn tạo, tu bổ tháp Tường Long đã được hoàn thành để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2017 và kỷ niệm 10 năm thành lập quận Đồ Sơn. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 2000 m2 với các hạng mục: chánh điện, nhà Tổ, Tòa tháp cửu phẩm ( 9 tầng), bên trong tầng thứ nhất của tháp là pho tượng Phật A Di Đà tọa trên tòa sen bằng đá theo mẫu tượng Phật A Di Đà cổ tại chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh và các công trình phụ trợ khác.
Tháp Tường Long được xây dựng trên đỉnh núi Ngọc Sơn, ngọn núi đầu tiên trên dãy núi Cửu Long, thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp quốc gia là di tích khảo cổ, phế tích tháp Tường Long. Vào thời nhà Lý ( 1010 – 1255), đạo Phật trên Đất nước ta được tôn làm quốc đạo. Chính vì vậy, hàng nghìn công trình Phật giáo đã được xây dựng mà kỳ vỹ nhất là tháp Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long và tháp Tường Long – Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo Đại Nam nhất thống chí, tháp Tường Long cao 100 thước ( bằng khoảng 45m), dựng trên khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây, đặt trên đỉnh núi Ngọc cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài mục đích tôn giáo, tháp Tường Long còn có vai trò nữa là bảo vệ sự an nguy cho quốc gia. Thời kỳ đó, để có thông tin nhanh chóng từ biên ải về kinh đô nguy biến, triều đình xây dựng hàng loạt trạm quan sát trên đỉnh núi, khi có giặc xâm lăng, trạm này nhận tín hiệu của trạm kia để truyền về kinh thành.
Phát biểu tại buổi lễ cắt băng khánh thành công trình tôn tạo tháp Tường Long, ông Lê Khắc Nam Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã nhấn mạnh: Lịch sử của tháp Tường Long luôn gắn liền với lịch sử kiến trúc nghệ thuật thời Lý, đặc biệt là các công trình kiến trúc về tôn giáo đạo Phật. Tháp Tường Long không chỉ là một địa điểm văn hóa tâm linh của cả nước mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, bởi vậy mỗi người dân Hải Phòng cần phải bảo tồn, phát huy và gìn giữ quần thể kiến trúc phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn- Cát Bà- vịnh Hạ Long.
Kết thúc buổi lễ, lãnh đạo chính quyền thành phố Hải Phòng, lãnh đạo chính quyền quận Đồ Sơn và lãnh đạo GHPGVN thành phố Hải Phòng đã tổ chức cắt băng khánh thành công trình phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long – Đồ Sơn và dâng hương tại bảo tháp cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
khác.
Xin chia sẻ hình ảnh ghi nhận