;
Linh Long là ngôi chùa cổ có trên 200 năm,từ thế kỷ 18, vào niên đại thứ 10 của vua Gia Long, được khai sơn vào tháng 2 năm Tân Mùi (1811) bởi chư vị tiền bối từ miền Trung trên bước đường hành đạo vào Nam. Chùa cách thành phố Phan Thiết 22km, trên vùng đất được xem là bán đảo nằm giữa ba mặt Đông-Tây-Nam giáp biển Đông. Chùa nằm trên dốc đá Thương Chánh, khu phố 9, phường Mũi Né ngày nay. Thiền sư Đăng Đệ, nguyên quán Phú Yên, trụ trì từ năm 1811 đến 1851.
Đến đời vua Tự Đức thứ hai, chùa xuống cấp nên di dời về đồi dốc Nghĩa Trũng, giếng ông Hổ hiện nay.Tương truyển, nơi giếng nầy, ông Hổ thường đến uống nước, lưu lại nhiều dấu vết.Chùa xây dựng vách bằng đá, lợp ngói âm dương, do ngài Giang đạo sĩ Thích Hoằng Quý, nguyên quán Phú Yên, thuộc giòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41 làm tọa chủ từ năm 1851, viên tịch năm 1888.
Năm Nhâm Tý 1888, Yết Ma Thích Hoằng Phúc, nguyên quán Phú Yên, thuộc dòng Lâm Tế chúc Thánh đời 41 kế thế trụ trì đến 1941.
Kế tục Bổn sư viên tịch năm 1941, Sa môn Thích Diệu Quả, nguyên quán Bình Thuận thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, trụ trì đến năm 1968, chùa bị gió biển thổi cát lấp chìm và hư hoại nhiều, được sự cộng tác và hỗ trợ bởi các mạnh thường quân và cư sĩ hộ trì Tam bảo tái thiết vào ngày 16-4 năm Mậu Thân (1968) mãi đến ngày 02/6/ Kỷ Dậu (1969) mới hoàn thành.
Năm 1948, chiến tranh bùng nổ, quân đội Pháp cũng chiếm chùa làm kho hậu cần;Trong buổi giao thời của đất nước năm 1977, Sa môn Diệu Quả đã bị lâm nạn lao lý. Nhờ quần chúng phản đối khi ngài bị đem ra đấu tố, vì vậy bị giam giữ mà không ra tòa, bốn năm sau, do sức khỏe suy kiệt, thân nhân xin đem về và viên tịch vào ngày 12/6/1982. Từ đó, chùa bị tịch thu, làm đồn Biên phòng, các tôn tượng đều di dời hoặc phá hủy, chốn thiền môn trở thành nơi ô tạp bất tịnh, sau đó, suốt thời gian 13 năm chùa bị quản lý, năm 2001, được giao lại cho Đại Đức T. Pháp Minh, nguyên quán Quảng Nam-Đà Nẵng thuộc dòng Liễu Quán đời thứ 45 tiếp tục trụ trì.
Từ lúc về tiếp nhận và trụ trì chùa Linh Long, ĐĐ Pháp Minh, tuy tuổi đã 75, đã từng bước cố gắng xây dựng từng hạn mục như tháp phổ đồng, vườn Lâm tỳ ni, vườn Lộc Uyển, tháp chư vị tiền hiền liệt tổ khai sơn. tái thiết chính điện, Đông lang Tây lang, và tôn tượng Quán Thế Âm.
Lễ lạc thành chùa Linh Long và an vị tôn tượng Quán Thế Âm cùng chung thất cố ni sư T.N.Diệu Hạnh, được Chư Tôn đức giáo phẩm, chức sắc giáo hội trong và ngoài tỉnh đến chứng minh, hiệp tâm chú nguyện. Chính quyền địa phương cũng có mặt.
Ứng phú đạo tràng, bạt độ chẩn tế do ban kinh sư Tuy Phong đảm nhiệm.
Để kết thúc, buổi lễ trọng đại, trai Tăng trên 50 vị cũng được thực hiện hầu tạo phước duyên cho quần chúng địa phương quanh năm sống với gió biển mưa nguồn mà con tôm con cá không đủ tạo cho cuộc sống nơi đây sung túc hơn.
Linh Long tuy sống giữa sự nghèo khó nhưng người dân luôn giàu đạo tâm. Linh Long tuy gian truân qua bao thời kỳ suốt 200 năm, nhưng nơi đây đã có những bậc tôn sư chân chánh đắc pháp. Kế thế trùng hưng ngôi chùa hiện nay của ĐĐ Pháp Minh và ban hộ tự là một thuận duyên để tiếp nối sự tồn tại và hưng phát cho phật pháp tại vùng biển Mũi Né. Lễ lạc thành và an vị đã chứng minh điều đó,
28/11/2016