;
Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN dâng hương tưởng niệm trước bảo tháp của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận
Ngài xuất gia năm 15 tuổi với Tổ Thích Thanh Nghĩa, dòng thiền Tào Động (chùa Đồng Đắc, Ninh Bình); 20 tuổi thọ giới Cụ túc. Sau đó là thời gian tu học nghiêm mật, tinh tấn giảng dạy Phật pháp, được thỉnh vào ngôi Giám luật cho Tăng Ni, dấn thân phụng sự trong tinh thần Bồ-tát đạo với nhiều vai trò quan trọng tại Hà Nội và các tỉnh ở miền Bắc.
Là một vị cao tăng cống hiến trọn đời cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã đóng góp nhiều công đức trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hoà hợp Phật giáo, góp phần đoàn kết và phụng sự dân tộc.
Vì vậy, cho dù 30 năm đã qua kể từ ngày Ngài viên tịch, hàng hậu học dù xuất gia hay tại gia đều nhớ tới ơn đức sâu dày và những giá trị to lớn mà Ngài đã để lại cho nền Phật giáo Việt Nam.
Chư tôn đức dâng hoa nhiễu quanh bảo tháp
Tối ngày 22/12, tức ngày 10/11/Quý Mão, tại Tổ đình Hoằng Ân - chùa Quảng Bá (p.Quảng An, q.Tây Hồ, Hà Nội), chư Tôn đức HĐCM, HĐTS và môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ thắp nến tri ân và khai mạc triển lãm “Đức đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Cuộc đời và Đạo nghiệp (1897-1993).
Quang lâm buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực HĐCM GHPGVN, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban văn hóa TƯ GHPGVN cùng chư Tôn đức HĐTS, chư Tôn đức môn đồ pháp quyến và sự hiện diện của đông đảo Phật tử xa gần.
Trong lời phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh: Triển lãm “Đức đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Cuộc đời và Đạo nghiệp (1897-1993) với gần 150 tài liệu, hình ảnh được chia làm 4 phần: Phần thứ nhất: Thân thế; Phần thứ hai: Thời kỳ xuất gia tu học; Phần thứ ba: Thời kỳ xây dựng giáo hội - hoằng dương Phật pháp - phụng sự dân tộc; Phần thứ tư: Tôn vinh và tri ân. Triển lãm khắc họa một cách khái quát nhất cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, và đêm thắp nến tri ân chính là lúc để hàng hậu học tưởng nhớ về người đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp độ sinh; nhiệt tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh Phật giáo và dân tộc Việt Nam; là tấm gương sáng trong tu thân, hành đạo.
Sau đó, đại chúng đã cùng lắng lòng xem lại những thước phim quý báu về cuộc đời của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Không ai quên được một người Thầy vĩ đại, đã hai lần từ chối ngôi vị Pháp chủ tại Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ vào chiều ngày 6/11/1981.
Đến lần thứ ba Ngài phát biểu chỉ chấp nhận khi Chính phủ cho phép Giáo hội được thực hiện 03 điều, trong đó có vấn đề trường Phật học: “Trường Phật học được thiết lập trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại Thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại Thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo.
Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tuỳ theo khả năng và nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được”. Ngoài ra còn có nguyện vọng mong cho Phật tử được tự do lễ bái, các chùa được tiếp tăng độ chúng tu học. Nguyện vọng của Đức Đệ Nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và được chấp nhận.
Trước năm 1981, Phật giáo ở Miền Bắc chỉ có một Trường Tu học Phật pháp Trung ương, thì đến nay, hệ thống cơ sở đào tạo Tăng tài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhờ tinh thần “truyền đăng tục diệm”, Đức Đệ nhất Pháp chủ đã nối tiếp trong thời kỳ lịch sử đặc biệt của Phật giáo Việt Nam mà mạng mạch Phật giáo được duy trì, Giáo hội trang nghiêm, tinh tấn, Phật tử được truyền giảng chính pháp. Đời sống của Phật giáo Việt Nam phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, hàng hậu học không thể quên công đầu đóng góp lớn lao của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận.
Giữa không gian tịch tĩnh nơi chốn Tổ đình Hoằng Ân, trong khói hương quyện tỏa, chư Tôn đức và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương, đỉnh lễ giác linh và thực hiện nghi thức truyền đăng, thể hiện tinh thần kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp mà Cố Trưởng lão Hòa thượng Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN đã để lại.
Nghi thức dâng lục cúng cúng dàng Giác linh
Khi nguồn ánh sáng ấm áp dần lan tỏa, lòng người như ấm lại giữa đêm đông u tịch. Ai nấy đều lắng đọng tâm tư, đón nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm xúc động ôn lại những kỷ niệm khi còn là học trò của Đức Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN tại Trường cao cấp Phật học Việt Nam khóa I ở chùa Quán Sứ (tiền thân là Trường tu học Phật pháp Trung ương).
Trong một lần chấp tác tại chùa Quảng Bá, cố Trưởng lão Hòa thượng Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN đã ân cần dạy học trò rằng "Để công việc đó, sẽ có người làm. Các vị vào đây tôi dạy cho mấy câu, nhân lúc tôi còn khỏe tôi dạy cho quý vị. Tôi thuê được người làm chứ tôi không thuê được người tu".
Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy, lại ẩn chứa biết bao ý nghĩa về sự chăm lo giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo. Cả cuộc đời của Ngài đã dành trọn cho Đạo Pháp, cho Dân tộc. Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội chia sẻ. Việc thực hiện nghi thức đón nhận ánh nến từ bàn thờ của Cố trưởng lão Hòa thượng Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN, truyền trao cho chư Tăng Ni và Phật tử, có thể thấy được ý nghĩa của sự tiếp nối tinh thần từ bi, trí tuệ, yêu thương và bình đẳng, ví như "Tổ tổ truyền trì, sư sư tương trụ" để chính pháp được cửu trụ, Phật pháp được dài lâu.
Vì vậy, Hòa thượng mong rằng toàn thể hàng hậu học "cần tự hào và biết ơn từ trong tâm khảm cho tới mỗi hành động cụ thể. Chúng con xin nguyện trước giác linh Đức Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN cùng chư Tôn đức HĐCM qua các thời kỳ, sẽ noi theo gương Thầy, noi theo gương các Ngài để đoàn kết hòa hợp, dấn thân phụng sự Đạo Pháp, phục vụ Dân tộc như Tôn giả A Nan đã phát nguyện trước Phật "tương thử thâm tâm phụng trần sái - Thị tắc danh vi báo Phật ân".
Sau lời chia sẻ thắm đượm nghĩa thầy trò của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, chư Tôn đức đã xướng kệ và nhiễu tháp tưởng niệm Ngài bằng tất cả tấm lòng thành kính nhất.
Khép lại buổi lễ, Chư tôn đức cùng quý Phật tử đã tham quan triển lãm về “cuộc đời và đạo nghiệp” Đức Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN để tưởng nhớ về một vị Thầy khả kính đã "khai sinh ra GHPGVN", từ đó nguyện noi theo gương sáng của Ngài trên con đường hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh.
Diệu Tường