;
Chư tôn Trưởng lão lãnh đạo GHPGVN cử hành lễ tưởng niệm 19 năm ngày Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch viên tịch
Tham dự Lễ tưởng niệm 19 năm ngày Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, cùng với Đức Đệ tứ Pháp chủ, có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; nhị vị Phó Pháp chủ: Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang (Huế), Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh (TP.HCM).
Hiện diện tại buổi lễ còn có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự cùng chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh; chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Quảng Hà, Thượng tọa Thích Thanh Phong; Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng I, lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội và các tỉnh thành.
Sau khi chư tôn Trưởng lão đã quang lâm bảo tháp Đức Đệ nhị Pháp chủ trong khuôn viên chùa Bồ Đề dâng hương, hoa cúng dường; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội cùng chư Tăng Ni môn đồ pháp quyến bái chào, khải bạch về chương trình buổi lễ và cung thỉnh chư tôn đức quang lâm lễ đường.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, trước Tổ đường, Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN đã có lời cảm nghĩ về Đức Đệ nhị Pháp chủ - cố Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch.
Theo đó, ngài hồi tưởng lại thời kỳ ban đầu từ miền Nam ra đất Bắc hoằng pháp, đã được hạnh ngộ các bậc tôn túc, trong đó có Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch và được cố Đại lão Hòa thượng chia sẻ những kinh nghiệm hoằng pháp quý giá.
“Hoàn cảnh có đổi thay, nhưng phải giữ tâm Bồ-đề thật kiên cố. Nếu có tâm Bồ-đề kiên cố thì chúng ta có thể thích nghi được trong mọi hoàn cảnh, tồn tại và phát triển”. Đó là lời dạy của Đức Đệ nhị Pháp chủ được đúc kết từ kinh nghiệm sống, hành đạo trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước.
“Nhờ giữ được tâm Bồ-đề đó, không buồn, không giận, không lo, cũng không sợ; sống thì chúng ta hành đạo vì chúng sanh, mà chết thì chúng ta về với Đức Phật. Với tâm niệm đó mà ngài vượt qua tất cả những khó khăn trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước.”, Đức Đệ tứ Pháp chủ nhớ lại lời dạy và tấm gương của Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN.
“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, giữ được tâm Bồ-đề kiên cố, giới hạnh trang nghiêm, thì hoàn cảnh có khó khăn như thế nào chúng ta cũng vượt qua được, thành tựu được tất cả các Phật sự. Đó là lời dạy của Đức Đệ nhị Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch mà tôi muốn nhắc lại để chúng ta cùng suy ngẫm.”, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh.
Trước Giác linh đài, chư tôn Trưởng lão, giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tăng Ni đã thành kính dâng hương tưởng niệm, đồng tụng Tâm kinh Bát-nhã và Tứ hoằng thệ nguyện, hồi hướng tưởng niệm Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN nhân 19 năm ngày ngài viên tịch, cùng chư vị Tổ sư qua các thời kỳ.
Cùng ngày, Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế sám chủ, cùng chư vị Ban Kinh sư cử hành nghi lễ cúng ngọ theo truyền thống nghi lễ cố đô.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trrưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cùng chư Tăng cử hành nghi thức cung tiến Giác linh theo nghi thức miền Nam.
Đức Đệ nhị Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, thế danh Nguyễn Đình Khuê, pháp hiệu Như Sơn, sinh năm Ất Mão (1915) tại Yên Bái. Với tấm lòng đầy ngưỡng mộ đạo Phật, năm 16 tuổi, ngài đã lặng lẽ từ biệt gia đình tìm đường xuất gia cầu đạo.
Danh đức của Tổ Vĩnh Nghiêm - Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh đã tác động mạnh mẽ, thôi thúc ngài đến chiêm bái tổ đình Quán Sứ, đảnh lễ Tam bảo, bái kiến Tổ Vĩnh Nghiêm.
Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, được Tổ giáo huấn đôi điều diệu lý, tâm thức tỏ rạng, ngài quyết một lòng thỉnh cầu Tổ chứng minh cho được xuất gia làm Tăng. Tổ nhận lời, giao cho Hòa thượng Thích Thái Hòa đưa về tỉnh Hà Nam, đảnh lễ Đệ tứ Tổ Tế Xuyên - Bảo Khám Thích Doãn Hài và được Hòa thượng Thiện Bản, trụ trì chùa Cao Đà, xã Nhân Mỹ, H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam làm nghiệp sư thế phát, quy y.
Khi tuổi đời vừa tròn 21, ngài được thụ giới Sa-di do Hòa thượng Thích Doãn Hài làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau thời gian tiến tu đạo hạnh, ngài được Hòa thượng nghiệp sư cho đi nhập chúng cầu học Kinh, Luật, Luận với Tổ Tuệ Tạng - Đức Thượng thủ Tăng-già toàn quốc tại chùa Quán Sứ, khởi đầu cho một thời kỳ dài tu tập, hóa đạo trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Năm 1939, chùa Quán Sứ khai mở Đại giới đàn do Hòa thượng Thích Thanh Ất (Tổ Trung Hậu) làm Hòa thượng Đàn đầu - Giới đàn quy mô nhất của Phật giáo Bắc kỳ bấy giờ, giới tử phải nhập chúng lễ sám hối 21 ngày, sau đó trải qua thời kỳ khảo hạch để xếp thứ tự, ngài được chọn đứng đầu hàng giới tử Sa-di cầu thụ Cụ túc giới.
Với 25 tuổi đời, ngài chính thức được dự vào hàng Tăng bảo. Từ đó, ngài được thiện duyên theo hầu Tổ Tuệ Tạng và tham học Phật pháp tại các trường Phật học: Quán Sứ, Bồ Đề, Cao Phong… Trong học chúng và các khóa hạ bấy giờ, ngài luôn được cử giữ chức Chánh Duy-na, nêu gương và hộ trì kỷ cương, giới đức, phạm hạnh cho đại chúng Tăng-già noi gương lập chí tu hành.
Sau 14 năm cần mẫn tu học, hành trì phạm hạnh, tích lũy tâm đức của một Tỷ-khiêu, ngài được chư tôn đức đương thời thỉnh làm Giới sư rồi làm Hòa thượng Đàn đầu… truyền trao giới pháp cho các thế hệ hậu học.
Với đạo nghiệp sâu dày, ngài đã từng được sơn môn, pháp phái thỉnh cử và Giáo hội Trung ương chỉ định trụ trì các chốn Tổ già lam như tùng lâm Quán Sứ, chùa Cao Đà - Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tổ đình Bồ Đề - Gia Lâm - Hà Nội, tổ đình Tế Xuyên - Bảo Khám, Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Đức Đệ nhị Pháp chủ đã thực hiện trách nhiệm Phật sự liên tục từ khi tuổi đời còn trung niên cho đến cao niên trưởng lão; chẳng những kham nhẫn các trọng trách trong Đạo pháp mà còn cho Dân tộc và xã hội:
- Năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, ngài được suy cử làm Ủy viên Trung ương, đồng thời làm Ủy viên Ủy ban MTTQVN TP.Hà Nội (1958-1980).
- Từ năm 1976 đến 1981, là Ủy viên Thường trực Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
- Năm 1984, Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên chỉ ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Cũng năm này, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội đã cung thỉnh ngài làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự cho đến tháng 9-2002.
- Tháng 11-1992, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, ngài được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
- Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1997-2002) cũng như Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2002-2007), tại Hà Nội, đã suy tôn ngài lên Pháp chủ, giữ ngôi vị “Tùng lâm thạch trụ” của GHPGVN.
Công đức hóa duyên viên mãn, Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN đã viên tịch vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 6-3-2005 (nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Ất Dậu); trụ thế 91 năm, trì Đại giới 66 năm.
Chư Tôn đức dâng hương tưởng niệm trước bảo tháp của Đức đệ nhị Pháp chủ trong khuôn viên chùa Bồ Đề
Đức Đệ tứ Pháp chủ dâng hoa cúng dường tại bảo tháp
Chư Tôn đức chứng minh dâng hương tưởng niệm trước giác linh đài Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN
Đức Văn - Diệu Tường