;
NGƯỜI VỢ:
Khuyên bảo phụ nữ về vai trò của họ trong đời sống lứa đôi, Đức Phật cho biết sự thật là an lạc và hòa thuận trong gia đình phần lớn là ở nơi người phụ nữ.
Lời khuyên của Ngài rất thực tế và khả thi khi Ngài giải thích một số các điểm đặc biệt mà người phụ nữ nên làm hay không nên làm. Vào nhiều dịp Đức Phật khuyên rằng một người vợ nên:
- Không nuôi dưỡng tư tưởng tội lỗi đối với người chồng
- Không độc ác, thô bạo hay lấn áp
- Không hoang phí, phải cần kiệm và sống trong khả năng kinh tế của mình
- Giữ gìn tài sản và tiết kiệm tiền bạc do người chồng nhọc nhằn kiếm được
- Luôn luôn có ý tứ và đoan trang
- Chung thủy và không có tư tưởng ngoại tình
- Thận trọng trong lời nói và lễ độ trong hành động
- Tử tế, cần cù và siêng năng
- Quan tâm và thương chồng
- Phải nhũn nhặn và tỏ vẻ tôn kính
- Điềm tĩnh, dịu dàng và hiểu biết
- Không những phục vụ chồng như một người vợ mà là một người bạn, một người cố vấn lúc cần thiết.
Theo lời Phật dạy, trong hôn nhân, người chồng mong ước người vợ có những Đức tính sau:
- Tình yêu: Một tình yêu sâu sắc, chân thành, chung thủy là tỏ bày cảm xúc tự nhiên về mong ước và tự làm bổn phận mà người chồng mong mỏi nơi người vợ. Thực vậy, đó là cơ sở của mối quan hệ qua lại mật thiết lâu dài và là những phương tiện sanh con đẻ cái mà vợ chồng thương yêu, trìu mến chúng khi còn sống. Nơi đây tình yêu không chỉ giới hạn vào sự gắn bó do luyến chấp (prema) mà đó là đức tính mong muốn hạnh phúc cho người chồng..
- Ân Cần: Bao giờ cũng chăm chú, lưu tâm, chuyên cần cũng như quan tâm không ngăn ngại tới nhu cầu của người chồng.
- Bổn phận trong gia đình: Ngoài bổn phận chu toàn nhiệm vụ và trách nhiệm trong gia đình, người vợ cũng phải trân trọng gia đình thân quyến bên chồng, coi gia đình bên chồng cũng như gia đình của chính cha mẹ mình.
- Chung thủy: Trung thành và quyết tâm kết hợp với sự trong trắng của người vợ. Điều nay cũng bao hàm lòng tin cẩn và người vợ luôn luôn tận tâm với người chồng.
- Săn sóc con cái: Tình mẫu tử là nền móng của tất cả tình yêu trên thế giới. Là một người mẹ tận tâm, người vợ do bản năng làm mẹ, không nề nguy hiểm để bảo vệ đứa con duy nhất c?a mình.
- Cần Kiệm: Được giao trọng trách quản lý gia đình, người vợ phải xem việc tiêu pha trong gia đình để bảo vệ ngân quỹ gia đình do người chồng kiếm được. Để làm tròn nhiệm vụ này, người vợ phải tiết kiệm chi tiêu và thực hành cần kiệm, thậm chí đến mức tần tiện.
- Chuẩn bị bữa ăn: Là người chủ trong gia đình, bổn phận người vợ là phải sửa soạn thức ăn bổ dưỡng cho gia đình. Bữa cơm hàng ngày trong gia đình rất quan trọng vì nó phát triển thiện chí và tình đoàn kết.
- Làm cho người chồng bình tĩnh khi nóng giận: Khi người chồng trở về gia đình trong tình trạng bị khích động, người vợ phải biết tỏ ra dịu dàng để đem an lạc, an ủi cho người chồng. Điều này sẽ làm dịu tình thế.
- Ngọt ngào trong mọi thứ: Ngoài việc chứng tỏ cảm nghĩ thân ái, dịu dàng của mình, người vợ nên có một tính tình duyên dáng, lúc nào cũng vui tươi, hớn hở và dễ thương.
NGƯỜI CHỒNG
Để trả lời môt bà nội trợ là người chồng phải chăm sóc vợ như thế nào, Đức Phật dạy là người chồng bao giờ cũng phải quý mến và tôn trọng người vợ, phải chung thủy, cho vợ đủ quyền hành để lo việc nhà, sắm cho vợ đồ nữ trang ưa thích. Lời dạy của Đức Phật đã trên 25 thế kỷ vẫn đứng vững và có giá trị đến ngày nay.
Qua nhiều thế kỷ, người đàn ông chi phối xã hội, đã làm sống mãi huyền thoại phái nam cao hơn phái nữ, nhưng Đức Phật đã làm một sự thay đổi khác thường và đã nâng cao địa vị phụ nữ bằng một đề nghị đơn giản là người chồng phải quý mến và kính trọng người vợ. Điều nhận xét trên đây có thể là bình thường ngày nay, nhưng chúng ta xét lời dạy này nói đến tại Ấn Độ 2500 năm qua, thì quả là cách mạng! Người chồng phải chung thủy với người vợ có nghĩa là người chồng phải làm tròn bổn phận đối với vợ để giữ gìn tín nhiệm cho đúng với tình nghĩa vợ chồng. .
Người chồng phải đi kiếm tiền nên thường phải xa nhà, vì vậy người chồng phải giao việc nội trợ cho người vợ, người vợ được coi như người quản gia, quản lý tài sản như một nhà hành chánh-kinh tế của gia đình.
Tặng các đồ nữ trang thích hợp cho người vợ tượng trưng tình yêu, sự chăm sóc và sự cảm kích của người chồng đối với vợ. Việc tượng trưng này đã thực hành từ hồi xa xưa trong các cộng đồng Phật Giáo. Bất hạnh thay, điều tốt đẹp này đang tàn lụi vì ảnh hưởng của lối sống hiện đại.
Người vợ mong mỏi nơi người chồng:
- Dịu dàng: Lịch thiệp và tôn trọng vợ trong vấn đề khi chăm lo những nhu cầu cần thiết của người vợ.
- Lịch sự: Lễ dộ, sốt sắng, lịch sự và nhũn nhặn trong những cuộc bàn luận và tham khảo với vợ.
- Thân mật: Luôn luôn vui vẻ, thân mật, cởi mở, hòa nhã với vợ trước mặt các bè bạn và khách đến thăm.
- An toàn: Mục đích chính của người vợ tìm trong hôn nhân là sự an ninh do người chồng đem lại.
Trong phương diện này, người chồng được mong mỏi là một tháp canh kiên cố có thể đứng vững trước bất cứ hình thái đe dọa từ bên ngoài vào gia đình, luôn luôn cung cấp cho gia đình đầy đủ sự che chở và an ninh bất cứ lúc nào.
- Công Bằng: Là người chồng có trách nhiệm phải biết tha thứ, từ bi và khoan dung cũng như phải nhân từ với những nguyên nhân chính đáng cần được sự giúp đỡ của mình. Là người cha, phải công bằng và biết suy xét về những đòi hỏi của đứa con khôn lớn.
- Chung Thủy: Là người chồng hiểu biết, phải chung thủy tuyệt đối với vợ, và bênh vực vợ dù khó khăn đến mấy trong bất cứ hoàn cảnh trái ngược mà gia đình gặp phải.
Người chồng luôn giữ vững nguyên tắc, là người mà người vợ tin tưởng hoàn toàn, nương tựa để đối phó với bất cứ biến chuyển gì xẩy ra cho gia đình.
- Thành Thật: Là người chồng trách nhiệm tính nết phải ngay thẳng,thành thật với vợ trong tất cả mọi vấn đề ảnh hưởng con cái. Người chồng không nên che đậy bất cứ bí mật nào đối với vợ vì việc này cuối cùng sẽ xói mòn lòng tín nhiệm và tin tưởng của người vợ vào chồng.
- Người Bạn Đường Tốt: Người chồng nên có một cá tính nhã nhặn để có thể hòa đồng với mọi tầng lớp xã hội. Người chồng nên có kiến thức để có thể đàm luận ở mọi trình độ xã hội, có thể giúp đỡ bất cứ ai cần đến mình giúp. Người chồng cũng nên có tính khôi hài để làm vui người nghe khi những người này muốn có bạn; và
- Sự ủng hộ tinh thần: Là người chồng trách nhiệm, phải vững vàng đứng bên cạnh vợ cho đến lúc cuối cùng để đối phó với bất cứ tình huống nào xẩy ra cho người vợ, ủng hộ tinh thần người vợ cần đến sự can đảm để vượt qua tình trạng khó khăn
CHỒNG VÀ VỢ
Người chồng được thừa nhận là người đứng đầu gia đình trừ phi người đó không đủ khả năng để thi hành những nhiệm vụ trên. Cả hai theo luật thông thường và dưới pháp chế hiện đại, người chồng chịu trách nhiệm nuôi nấng vợ và gia đình,dù trên thực tế người vợ có tài sản hay lợi tức đủ khả năng để tự nuôi mình.
Ngay cả bây giờ có nhiều bà vợ đi làm, sự nuôi nấng gia đình phải được cùng nhau chia sẻ. Người chồng không có lý do trốn tránh việc nhà giúp đỡ người vợ và dạy con cái, nhất là khi không có người làm để làm công việc ấy.
Ngoài phương diện xúc cảm và khoái cảm, vợ chồng phải lo lắng sinh kế hàng ngày, ngân quỹ gia đình và bổn phận xã hội.
Như vậy, sự tham khảo ý kiến lẫn nhau giữa người chồng và vợ trong tất cả mọi vấn đề trong gia đình sẽ tạo được bầu không khí tin tưởng, hiểu biết để giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể xẩy ra.