;
Không ai bảo ai, cứ đến ngày 14 hàng tháng, Phật tử trong thị xã đều rủ nhau về Tổ Đình Thiên Bửu (Thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) để tu tập một ngày "thảnh thơi" trong khuôn khổ và hành trì "Tám phép Quan Trai Giới". Đây là hoạt động hoằng pháp thường xuyên của Tổ Đình Thiên Bửu được tổ chức cho Phật tử gần xa về đây tu tập đã nhiều năm qua. Khóa tu nhằm trợ duyên cho Phật tử tại gia gieo nhân lành với duyên quả xuất thế hầu tiến xa hơn nữa trên lộ trình giải thoát.
Sáng ngày 6-11 (14-9 nhuần Giáp Ngọ) Phật tử các nơi vân tập về Tổ đình Thiên Bửu tu tập Bát Quan Trai Giới. Đại đức Thích Nhuận Tôn, tăng chúng Tổ đình Thiên Bửu đã truyền trao giới pháp cho các Phật tử. Đại đức giới sư nhắc nhở đại chúng: “Thọ Bát Quan Trai là tu tập trong 24 giờ, cũng như tu sĩ đã xuất gia, mà xuất gia thì có nghĩa là cắt ái ly gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia ( cắt đứt sự thương mến gia đình, ra khỏi các sự phiền não, ra khỏi cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới ), cho nên trong khi Thọ Bát Quan Trai, chúng ta chỉ chuyên tâm tu tập, không bận bịu lo nghĩ việc gia đình, công ăn việc làm, bán buôn và nhất là những chuyện chính trị, thời sự mọi chuyện đó đều phải bỏ lại bên ngoài cổng chùa thì tốt nhất, tu tập sẽ được thành tựu viên mãn.”
Khóa lễ lạy sám hối và tụng sám do đại đức Thích Nhuận Duy, tăng chúng Tổ đình hướng dẫn. Đại đức Thích Nhuận Hương hướng dẫn Phật tử cúng ngọ và thực hành thọ trai trong chánh niệm.
Buổi chiều, sau 30 phút tỉnh tọa, đại chúng được nghe pháp thoại “Lục hòa” do đại đức Thích Nhuận Trực, trụ trì chùa Phước Lễ (xã Ninh Thân) thuyết giảng. Nội dung của lục hòa gồm có:
1. Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung): ở chung với nhau, sống hoà thuận, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau, gánh vác trách nhiệm công việc cho nhau.
2. Khẩu hòa vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi): sống không cãi nhau, không nói với nhau những lời chia rẽ,... mà phải nói những lời dịu dàng, hòa nhã, từ ái.
3. Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui): tâm ý luôn hoan hỷ, biết thông cảm và nghĩ những điều tốt đẹp cho nhau, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, mặc cảm với người khác.
4. Giới hòa đồng tu (giới hòa cùng tu tập): sống tôn trọng và thực hành những giới pháp đã lãnh thọ, tuân thủ nội quy chung.
5. Kiến hòa đồng giải (thấy biết cùng giải bày): cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, đóng góp xây dựng cho nhau về quan điểm, cách nghĩ, cách làm… tất cả đều đặt trên cơ sở chánh kiến.
6. Lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia): phân chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ,… không lạm dụng của chung.
Sáu điều dạy trên đây, nếu chúng ta thực hiện một cách triệt để thì trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, anh em đều hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày một thịnh đạt; quốc gia được hùng cường thịnh trị, thế giới được hòa bình, an lạc. Riêng về trong giới Phật tử chúng ta, nếu áp dụng đúng đắn pháp “Lục hòa”, thì sự tu học của chúng ta mau được tiến bộ, con đường giải thoát được gần hơn, và cảnh giới Cực lạc không phải chỉ là một ước vọng.
Hiểu được phóng sinh chẳng những tiêu trừ được túc nghiệp mà trong quá trình phóng sinh lại càng nuôi dưỡng được tấm lòng từ bi, thể hội được chân lý: Vạn vật chúng sinh bình đẳng nhất như, đều có đầy đủ tánh Phật, đều có thể thành Phật. Sự chuyển biến của loại tâm từ bi này chẳng phải hạng người chỉ biết phê phán, chỉ trích kia có thể lãnh hội được trong muôn một nên trong mỗi kỳ thọ bát, Phật tử còn hùn phước để phóng sanh.