;
Một số quan điểm triết lý nhập thế của các vị thiền sư góp phần xây dựng dân tộc trong giai đoạn triều đại nhà Lý
Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế - mở đầu cho sự hình thành và phát triển một thời đại thịnh vượng của dân tộc. Theo lịch sử, nhà Lý là một trong những triều đại văn minh, thịnh vượng nhất của nước ta, như Nguyễn Đăng Thục nhận định “Một triều đại đã thực hiện một đại quy mô quốc gia cho dân tộc độc lập, hùng cường đầu tiên ở cõi Đông Nam Á”[1,III,tr.307]. Nhà Lý đã xây dựng một nền độc lập, tự chủ, mạnh về quân sự và phát triển về kinh tế từ thế XI đến đầu thế kỷ XII. Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, đã để lại những bài học lịch sử về dựng nước và giữ nước cho các triều đại sau.
Đạo Phật là tôn giáo luôn đề cao hòa hợp, đoàn kết trên tinh thần giải thoát và giác ngộ của con người, nên khi truyền đến dân tộc nào cũng tùy thuận để thích nghi với văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc đó. Đấy là tính dung hợp, uyển chuyển, năng động của Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn nhà Lý đã thể hiện rõ nét nhất tính dân tộc. Bên cạnh đó, chịu ảnh hưởng của giáo lý Đại thừa, nhất là Thiền tông và Mật tông, nên Phật giáo Việt Nam vừa mang tính siêu nhiên, vừa mang tính hiện thực.
Thời Lý, Mật tông và Thiền tông là nhân tố chính của Phật giáo. Mật tông đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ nền độc lập, nhưng trong suốt tiền trình lịch sử thì Thiền tông mới là yếu tố chủ đạo, mang tính bao trùm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hoạt động của Phật giáo thời đó.
Mật tông là một tông phái của Phật giáo, sử dụng thần chú trong quá trình thực nghiệm tâm linh. Hai bộ kinh Tinh Xã Đầu Voi và Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì là cơ sở quan trọng của Mật tông với phương pháp tu luyện là sáu thời sám hối. Theo Lê Mạnh Thát “ Ngày đêm sáu thời sám hối các trọng tội do các nghiệp Thân – Miệng – Ý gây ra. Kinh đồng thời cũng xác định đây cũng là phương pháp do chính đức Thế Tôn đã thực hiện. Phương pháp này về sau đã có những tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của tư tưởng Thiền học Việt Nam”[2II,tr.82]. Pháp môn này được Thiền sư Pháp Thuận(925 - 990) viết Bồ Tát Hiện Sám Hối Văn mà Thiền Uyển Tập Anh đã ghi lại, và Thiền sư Trần Nhân Tông (1218 - 1277) viết Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi. Điều này minh chứng từ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Pháp Hiền không chỉ xuất phát và truyền thừa phương pháp sám hối mà còn phát triển Mật tông. Thiền Uyển Tập Anh viết rằng “Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền đọc tụng chú Đà La Ni là tu luyện pháp môn tam muội, khi Thiền sư Ma Ha đến cầu pháp Thiền sư Pháp Thuận, Sư chuyên việc sám hối và trì tụng Đại Bi Tâm chú, trải ba năm chưa từng một chút biếng trễ … Tổng trì tam muội và ảo thuật, người đời không lường nổi”[3,tr.263]. Yếu tố Mật tông này được Thiền sư Đại Hạnh (? - 1117) duy trì và phát triển.
Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều vị Thiền sư dùng Mật tông trong việc cứu đời như sư Vạn Hạnh (? - 1025) “chuyên tập pháp môn tổng trì Tam Ma Địa, Viên Chiếu (999 - 1090) sâu rõ ngôn ngữ tam muội giảng thuyết lưu loát Tổng trì Tam Ma Địa cũng có tên khác là Đà La Ni tam muội”[2, tr.84]. Điều này được Nguyễn Duy Hinh khẳng định “rõ ràng tư tưởng Mật giáo cực thịnh trong khoảng thế kỷ XI – XII, trong các nhà sư Sơn Môn Kiến Sơ cũng như Môn Dâu”[4,tr.43]. Các vị Thiền sư đã sử dụng một loại ngôn ngữ huyền bí(thần chú) đã thể nghiệm tâm thức và khơi dậy tuệ giác vốn có của con người, bằng phương thức đó, họ phục vụ cho cộng đồng.
Trong khi đó, Thiền có vai trò rất quan trọng với Phật giáo trong giai đoạn này. Theo Tự Điển Phật Học Hán Việt: Thiền là “Thiền na nghĩa tịch tĩnh thẫm lự là để tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, lấy tịch tĩnh để thấu tỏ tư duy, đạt tới trạng thái Định – Tuệ quân bình”[5, tr.1271]. Theo định nghĩa trên, có thể thấy Thiền là phương pháp để đi đến giác ngộ. Thực tập Thiền là một công đoạn, một phương tiện, là điều kiện ban đầu để nhận chân thật tánh. Bản chất của Thiền là giác ngộ, là thực nghiệm tâm linh, là “dĩ tâm truyền tâm” nên Thiền phải được chứng nghiệm bằng trực giác và bằng sự ổn định của tâm thức “chính tinh thần ấy là nguồn động lực của vũ trụ, mà cũng là dòng hoạt dụng của tâm linh”[6, I, tr.84]. Như vậy, hiểu và sống được Thiền là nhìn thấy sự vật hiện tượng một cách như thật qua các phạm trù Vô Thường – Vô Ngã – Vô Trụ - Chân Như v.v… Khi các vị Thiền sư đạt đến trình độ ấy, họ không còn bị ràng buộc tư duy hữu ngã, mà đã trở về cội nguồn vốn có trong tâm thức, thấy được Phật tính, tức là giác ngộ,“Thiền khai phóng tất cả năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi,đến không vùng thoát đâu được”[6,I, tr.9]. Thiền đứng trên nguyên tắc “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Chính vì “Bất lập văn tự” nên chúng ta không thể dùng phương pháp quy nạp, diễn dịch hay logich ngôn ngữ để xác định rõ về nội tại của người cứng ngộ. Dưới cái nhìn của vị Thiền sư, bản thể tuyệt đối của các sự vật hiện tượng là phi khái niệm. Cho nên, sự nhận thức bản thể ấy chỉ có thể bằng trực giác, bằng chiêm nghiệm khai mở chân tâm của con người.
Vì vậy, Thiền chỉ thực sự tồn tại khi có người biết tiếp cận vận dụng trong cuộc sống. Nếu không có con người sống Thiền chỉ là vỏ bọc của lý thuyết suông, giáo điều. Sức sống của Thiền chính là sự khoan dung – lợi lạc – vị tha. Sau khi chứng ngộ, người tu hành không những sống trọn vẹn với bản thể Chân như của mình mà còn tích cực phụng sự chúng sanh, không còn xem nặng cái ta vị kỷ mà hành động cho mọi người. Sống Thiền là vừa tròn trách nhiệm của một người công dân của đất nước, vừa khéo sống với “con người thật” của chính mình. Người chứng ngộ Thiền là thể nhập vào hơi thở của cuộc sống cộng đồng. Điều này, thời Lý đã được các Thiền sư thể nghiệm, đem lại lợi ích cho dân tộc và phát triển Phật giáo, như Suzki viết: “ Nếu Phật giáo là một tòa nhà xây dựng trên căn bản của lý giác ngộ do Phật tự chứng và đã hoàn tất con người của Phật, thì dĩ nhiên Thiền là cột trụ trung ương chống đỡ toàn cơ cấu. Thiền là trực hệ của truyền thống Phật giáo thừa tiếp giác tâm của Phật”[6,I,tr.67]. Vì vậy, Phật giáo dưới thời Lý vừa mang những nét chung của Phật giáo vừa có những đặc trưng của Thiền tông. Đó cũng là đặc điểm của Thiền tông Việt Nam nói chung.
Nhiệm vụ của Phật giáo trong giai đoạn này là vừa đưa tinh thần giải thoát giác ngộ vào xã hội, vừa phát huy khả năng nội tại của con người, từ đơn vị cá nhân tiến vào cộng đồng. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của Thiền là khai phóng năng lực vốn có trong thực tại. Đấy“Chính là uy lực của trực giác sở hữu của tâm, có khả năng phóng chiếu vào thực tại của tâm linh”[6,I,tr.82]. Về mặt quốc gia, Phật giáo góp sức xây dựng hào khí dân tộc và khẳng định địa vị làm chủ đất nước của dân ta.
Vào giai đoạn thời Lý, các vị Thiền sử dụng phương pháp Mật tông dung hợp vào tín ngưỡng bản địa thông qua sấm vĩ để giúp đời. Đồng thời, vận dụng phương pháp Thiền Công án trong quá trình tu hành.
Về phương pháp Công án xuất hiện lần đầu ở Việt Nam, được thể hiện khi Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi gặp Pháp Hiền ở chùa Pháp Vân. Thiền sư nhìn thẳng vào Pháp Hiền hỏi rằng: “ ‘Ngươi họ gì?’,
Sư đáp: ‘Hòa Thượng họ gì?’
Thiền sư hỏi ‘Ngươi không có họ sao?’
Sư đáp: ‘Họ thì chẳng không, Hòa thượng làm sao biết được?’
Thiền sư hỏi: ‘Biết để làm gì?’.
Sư bỗng nhiên tự tĩnh, liền sụp xuống lạy. Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi ấn chứng, từ đấy về sau Sư luôn luôn theo hầu tổ” [7,tr.19]. Đây chưa phải là loại công án điển hình như những công án “truyền thống” của Thiền tông Trung Hoa nhưng cũng thể hiện được sự ảnh hưởng của phương pháp “dĩ tâm truyền tâm” đặc thù của Thiền tông Trung Hoa trước thời Huệ Năng. Đến thời Viên Chiếu (990 -1090) hầu hết Thiền sư chuyên tụng kinh Viên Giác và thực hành phương pháp này mà tỏ ngộ. Đây cũng là giai đoạn mà Thiền công án được hành thành rõ nét nhất. Thí dụ như:
“ Có Tăng hỏi: ‘Phật và Thánh, nghĩa ấy thế nào?’
Sư đáp: ‘Cúc trùng dương dưới dậu, oanh thục khí đầu cảnh’.
Lại hỏi: ‘Cảm ơn, nhưng người học này không hiểu, xin thầy dạy lại.’
Sư đáp: ‘Ngày thì ác vàng dọi, đêm đến thỏ bạc soi.’”[3,tr.186]. Điểm đặc thù của công án là chỉ người trong cuộc mới hiểu rốt ráo, vì một công án thường chỉ có tác dụng với một đối tượng cụ thể, trong khi với những người khác nó hoàn toàn vô nghĩa, có khi là vớ vẩn. Bởi vì, muốn nhập vào công án, thì người hỏi phải đặt vấn đề họ nghi ngờ, suy nghĩ, mục đích tạo ra điều kiện để trả lời có hiệu quả về nắm bắt bản chất thực của sự vật, nghĩa là cái bất động trong cái động. Vì vậy, Thiền sư có nhiệm vụ dẫn dắt các Thiền sinh vào đạo là phụ thuộc vào điều kiện, tâm lý, phong tục hay kiến thức để khai mở cội nguồn chân thật của con người. Nhưng phương pháp công án của các Thiền sư Việt Nam thông qua Ngữ Lục của Thiền tông Trung Quốc mô phỏng lại, đưa phương pháp đó vào đời sống của nhà Thiền.
Tóm lại, phương pháp công án thời Lý mới xuất hiện sơ khai, nhưng đến thời Trần phát triển đi vào cao trào. Tuy nhiên, lối công án chỉ dành riêng cho người có trình độ tri thức cao mới thực hiện, nghĩa là chỉ phù hợp với hàng thượng căn thượng trí. Từ đó, Thiền có rất nhiều phương pháp tu luyện mang tính đại chúng hơn.
Về phương pháp Bái sám.
Bái sám là hình thức cầu nguyện theo nghi lễ Mật tông. Ý nghĩa của bái sám là mượn hình ảnh của đức Phật bên ngoài để trở về với vị Phật bên trong của mỗi người “từ Phật cho ta đến Phật tự ta”. Nhưng khi phương pháp này hòa nhập vào tín ngưỡng bản địa, thì ý nghĩa đó không còn được giữ nguyên mà vị Phật “bên ngoài” đã trở thành một đấng quyền năng. Do vậy, Bái sám trở thành phương pháp cầu nguyện có hai mục đích. Một là, hành vi và suy nghĩ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Hai là, ước nguyện sự thành tựu ở tương lai, nghĩa là nương nhờ sự phù hộ, giúp đỡ những việc mà mình chưa đạt được kết quả. Như vậy, việc cầu nguyện là phù hợp với tín ngưỡng bình dân. Trong khi đó, Thiền căn cứ vào khả năng của chính mình, kết quả đạt được là ngay trong thực tại. Thế nhưng, trong tinh thần nhập thế, Thiền không thể tồn tại và phát triển nếu không chấp nhận những yếu tố tín ngưỡng trước đó. Vì vậy, Thiền trong đời sống dân gian mang những đặc trưng của tín ngưỡng bình dân là một điều dễ hiểu. Đây cũng là nét đặc thù của Thiền tông Việt Nam.
Nhìn chung, các vị Thiền sư lúc này phải hội tụ đủ hai yếu tố là tri thức để hướng dẫn tầng lớp thượng lưu và sự dụng quyền năng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng quần chúng. Như vậy, họ vừa thể hiện lý tưởng giác ngộ, vừa phụng sự dân tộc. Nói cách khác, Phật giáo trong giai đoạn này, vừa giữ vai trò hướng dẫn tầng lớp thượng lưu bằng triết lý đại thừa vừa sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo trong quần chúng nhân dân. Hơn nữa, Phật giáo không những đóng vai trò góp phần thiết lập niềm tin tâm linh trong cộng đồng mà còn đóng góp xây dựng cơ sở lý luận trong quá trình xây dựng chủ quyền quốc gia.
Về Vô Trụ
Theo từ điển Phật học Hán Việt: Vô trụ là “pháp không tự có dự tính. Do không dự tính, cho nên không bám víu vào đâu, tùy theo duyên mà nổi lên, cho nên gọi là vô trụ. Bởi vì vô trụ là gốc của vạn hữu”[5,tr.1542]. Tư tưởng Vô trụ bắt nguồn từ câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh Kim Cương. Sau khi được các Thiền sư của hai dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông kế thừa và vận dụng vào đời sống tu tập cũng như phục vụ dân tộc. Từ quan niệm tất cả các pháp đều không có tự tánh, nên không chấp trước, tùy theo điều kiện (nhân duyên) mà tồn tại hoặc tan biến nên gọi là Vô trụ. Các sự vật hiện tượng tuy có về hình tướng nhưng hình tướng vốn không thực, phải thấy rõ bản chất của các sự vật mới nhận thức được chân lý. Chúng ta có thể tiếp cận Vô trụ theo hai góc độ.
Một là, về nhận thức,là nhìn nhận bản chất sự vật không sinh, không diệt. Như Quốc sư Thông Biện quan niệm: “Thường trụ thế gian, không sinh không diệt thì gọi là Phật. Hiểu rõ tâm tông của Phật, làm và hiểu hợp nhau thì gọi là Tổ. Phật Tổ là như vậy”[8,III,tr.218]. Thể tánh Chân như thường tịch trong trạng thái giải thoát giác ngộ. Chúng ta thấy quan điểm Vô trụ của Thiền sư Vạn Hạnh ít nhiều chịu ảnh hưởng từ kinh Kim Cương:
“Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn bèo bọt
Như sương cũng như chớp
Nên hãy nhìn như vậy”[2.II,tr.611].
Vũ trụ là quá trình vận động và biến dịch không ngừng của các sự vật hiện tượng, nhưng bản chất bên trong thì bất biến. Bản thể của sự vật không có thời gian, đấy là điểm phi thời gian, luôn luôn hiện hữu ở cội nguồn “Vạn vật đồng nhất thể” như quan niệm truyền thống của người phương Đông. Trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Quán chúng sinh, sự đối thoại Bồ Tát Văn Thù và Duy Ma Cật:
“NgàiVăn Thù hỏi: Tư tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?.
Duy Ma Cật trả lời: Không trụ là gốc.
Ngài Văn Thù hỏi : Không trụ lấy gì làm gốc ?.
Duy Ma Cật trả lời : Không trụ thì không gốc, thưa ngài Văn Thù Su Lợi, ở nơi gốc không trụ mà lập nên tất cả các pháp”[9,tr.72]. Như Trí Thiền là thầy của Thái úy Tô Hiến Thành có chủ trương rằng:“Trong lòng không phân chia ‘Người’ và ‘ta’. Đã dứt hẳn sự mờ tối. Ngày đêm lên xuống, không có hình để trú ngụ. Như cái bóng, như tiếng vang, không có vết tích để đi theo”[10,I,tr.307]. Tư tưởng này thể hiện phong thái “nhạn lướt tầng không không vết dấu”, qua lại trong đời nhưng không bị ràng buộc bởi sự suy thịnh của dòng đời.
Hai là, về mặt thể nghiệm vào cuộc sống hiện thực. Đây là tinh thần nhập thế của lý tưởng Bồ Tát Đạo: không trụ vào sinh tử cũng không vướng vào Niết Bàn. Theo Thiền sư Vạn Trì Bát Như:“ có chết ắt có sinh, có sinh ắt có chết. Chết thì người đời buồn, sinh thì người đời vui. Buồn, vui, hai cái đều vô cùng, xoay vần từ cái nọ đến cái kia. Bao giờ đối với chuyện sinh và chết mà không quan tâm đến, thì Úm tô rô, úm tô rô thăng nhập”[10,I,tr.42]. Cũng với tâm hồn ấy, Vạn Hạnh không vướng bận gì về việc sẽ đi đâu về đâu. Cho nên tự tại, thản nhiên, Ngài nói với đệ tự khóc thương: “Các con muốn đi đâu?Ta không lấy chỗ trụ để trụ, không nương vào chỗ không trụ mà trụ, nói xong giây lát thì mất”[2,II,tr.526]. Thiền sư Vạn Hạnh đã chứng nhập Vô trụ, việc sống – chết Ngài tự tại và biết đến lúc nào cơ thể này tuân theo quy luật tự nhiên.
Nói đến Vô trụ là không trụ sinh tử, cũng không trụ niết bàn. Đó là tinh thần khai phóng, không bám víu vào bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh nào. Tinh thần này được các vị Thiền sư xây dựng trong ý thức cộng đồng là phải sống với thái độ bao dung, phù hợp với thực tiễn xã hội để xác định những gì có thể đem đến lợi ích cho dân tộc. Điều đó được thể hiện qua việc Thiền sư Vạn Hạnh không những tiên đoán về khả năng lên ngôi của Lý Công Uẩn, mà còn vận động quần chúng nhân dân chọn hướng đi thích hợp đà tiến hóa của lịch sử. Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi lại bài Sấm – Vĩ của Vạn Hạnh :
“Thụ căn diễu diễu – Mộc biểu thanh thanh
Hoa đào mộc lạc – Thập bát tử thành
Đông A nhập địa – Dị mộc tái sanh
Chân cung kiến nhật – Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian – Thiên hạ thái bình.
Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng, trong câu (Thụ căn diễu diễu) chữ căn là Gốc, gốc tức vua, chữ diễu đồng âm với chữ yểu, thế là nhà vua (Lê Long Đỉnh) chết yểu. Trong câu (mộc biểu thanh thanh) chữ biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thịnh, thế là một người trong số quần thần (Lý Công Uẩn) sẽ lên nắm chính quyền. Ba chữ (hoa đào góp lại theo chữ Hán tự) là chữ Lê, lạc là rớt, tức là nhà Lê rớt. Ba chữ (thập bát tử) góp lại là chữ Lý, thập bát tử thành tức là Lý lên. Cây (Đông A nhập địa) chữ Đông và chữ A họp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương bắc vào cướp. Câu (dị mộc tái sanh) tức là họ Lê khác (Lê Lợi) lại nổi lên. Trong câu (chấn cung kiến nhật) thì chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật là Thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông. Trong câu (đoài cung ẩn tinh) thì đoài là phương Tây, ẩn là lặn tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình”.[11,I,tr.237]
Xét theo góc độ dân tộc, đó là tinh thần Vô trụ. Bởi vì, quá trình phát triển lịch sử dân tộc không bám víu vào một triều đại nhất định nào. Khi nắm giữ vận mệnh của đất nước, mỗi triều đại chỉ có thể tồn tại khi đáp ứng được yêu cầu phát triển dân tộc. Ngược lại, khi đất nước phát triển thì triều đại cũng phải thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển đó. Nếu triều đại không đáp ứng được điều đó, tất nhiên sẽ có sự thay thế triều đại. Như Vạn Hạnh, người góp công phá Tống – bình Chiêm và giúp cho vua Lê Đại Hành giành độc lập. Nhưng sau đó, do Lê Long Đỉnh là một hôn quân, chỉ biết hoang dâm vô độ mà không lo trị nước, nên Ngài cũng đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động phế Lê Long Đỉnh để lập nên nhà Lý. Cần phải hiểu rằng dù hành động theo lập trường nào thì lợi ích của dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, không nên nhìn nhận “Vô trụ” qua lăng kính “Trung quân” của Khổng Tử và càng không nên cho rằng những hoạt động của các Thiền sư chỉ là “gió thổi chiều nào nghiên theo chiều ấy” vì quan điểm của Phật giáo vốn “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Cho nên thế giới quan Vô Trụ ở đây mang tích khách quan, tích cực trong sứ mệnh phục vụ dân tộc.
Tinh thần nhập thế tích cực Phật giáo được thể hiện qua khái niệm “Vô ngã” và “Vị tha”, đó là sự thể nhập trọn vẹn, quên mình để cống hiến cho tha nhân theo phương châm “phụng sự chúng sinh tức cúng dàng chư Phật”. Vô ngã là không còn cái Tôi cá nhân, vị kỷ mà sống bằng tâm vô phân biệt, an nhiên, tự tại trong cuộc đời. Cho nên, tâm “Vô ngã – Vị tha” là một trong những đặc thù của Phật giáo. Nó là mục đích đồng thời cũng là nguyên nhân, là phương tiện chi phối mọi hoạt động. Vô ngã và Vị tha là hai yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tùy thuộc vào nhau. Không có “Vô ngã” thì “Vị tha” không trọn vẹn và ngược lại.
Tinh thần “Vô ngã – Vị tha” của các vị Thiền sư đã tác động đến các vua anh minh, như Thiền sư Vạn Hạnh với Lý Thái Tổ, Thiền sư Huệ Chi với Lý Thánh Tông ; Thiền sư Viên Thông với ba đời vua Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông v.v... Do vậy, “Vô ngã – Vị tha” là điều kiện tiên quyết để trọn vẹn nhập thế. Khi có ngoại xâm thì các vị Thiền sử đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Hành động đó xuất phát từ tinh thần “Vô ngã – Vị tha” của những người chứng đạo. Điều này được Kiều Bảo Tịnh (1100 - 1176) khẳng định: “Đời đời kiếp kiếp, chẳng bao giờ làm mờ tối ý chỉ của Phật. Mình tự giác ngộ để giác ngộ cho người. Không phân biệt kẻ này, người khác. Sẳn sàng dìu dắt [để họ] cùng đi vào một con đường lối chung”[10,I,tr.304].
Tóm lại, trí tuệ của đạo Phật Việt được thể hiện qua vấn đề như: Chân như ; Sắc – Không ; Vô trụ ; Vô ngã – Vị tha, là những biểu hiện đặc trưng trong một giai đoạn cực thịnh của Phật giáo nước nhà thông qua những đại biểu là những Thiền sư đạt đạo. Bằng sự giác ngộ và tài năng xuất chúng, họ đã có những cống hiến lớn lao trong việc phát triển Phật giáo nói riêng và cho nền độc lập dân tộc nói chung. Nơi họ không còn chỗ cho cái ta vị kỷ mà chỉ có tấm lòng phụng sự trọn vẹn cho tha nhân, mọi hành động của họ hoàn toàn vì dân, vì nước. Điều này được minh chứng qua triều đại Lý –Trần. Chủ trương của đạo Phật là luôn thể nhập vào cộng đồng xã hội để cùng xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc. Đồng thời, các vị Thiền sư cũng mang hương vị giải thoát khai mở nhân tâm hướng thiện. Trên con đường đó, trí tuệ của đạo Phật và ý thức dân tộc cùng hội tụ một thể thống nhất đó là “Đạo Pháp – Dân Tộc” qua việc xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc Đại Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đăng Thục(1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam(trọn bộ), Nxb.Tp Hồ Chí Minh.
2. Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2, từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054). Nxb Tp Hồ Chí Minh.
3. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.
5. Viện nghiên cứu Phật học (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học
6. D.T Suzuki (2001), Thiền Luận, quyển thượng, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
7. Thích Thanh Từ (PL.2535 - 1992), Thiền sư Việt Nam, Nxb Hồ Chí Minh.
8. Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 3, từ Lý Thánh Tông (1054) đến Trần Nhân Tông (1278), Nxb. Tp Hồ Chí Minh.
9. Thích Huệ Hưng (dịch giả), (1951, PL 2509), Kinh Duy Cật, nhà in Phan Thanh Giản, đường Võ Tánh, Sài Gòn.
10. Viện Triết học (2002), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Văn tuyển tập I (Tư tưởng Việt Nam từ đầu công nguyên đến cuối thời Lý), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. VKHXHVN (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb Khoa học xã hội – Hà Nội.
(Hội thảo Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long)
Trường ĐHKHXH&NV – Khoa Văn học và Ngôn Ngữ
Tác giả: Đỗ Ngây (Thích Thông Thức)
NCS tại Viện Nghiên Cứu Tôn giáo, thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
Nguồn:Trường KHXH&NV