;
Đã tìm ra những kẻ 'giết' chùa
Những 'tập tục' làm lệch hướng tôn chỉ của Phật giáo
XU THẾ BIẾN NHỮNG ĐỐI TƯỢNG THAY VÌ ĐỂ NOI THEO HỌC HỎI TU TRÌ TRỞ THÀNH ĐỐI TƯỢNG ĐỂ CẦU XIN KHẤN VÁI
Tính thiết thực của Đạo Phật là giá trị tự tịnh hóa bản thân và tịnh hóa mọi người( tự giác giác tha), tinh thần này luôn được đề cao trong nền giáo lý đạo Phật. Nếu xét về bình diện phổ quát( chiều rộng) đó là Bát Chánh Đạo, về chiều sâu chính là Tam Học( Giới -
Định - Tuệ) đi vào cụ thể hóa đó chính là Văn - Tư - Tu. Theo đó, hình tượng của Bậc Đại Giác được tôn trí khắp nơi chính là tấm gương cao tột và thuyết phục nhứt để tín chúng gần xa khi đối diện, khởi lên tâm thành kính để từ đó phát nguyện hành trì Gíao Pháp hầu thành tựu trên lộ trình tu tập. Tất nhiên không thể bỏ qua những khóa lễ, nghi thức đặc trưng tôn giáo nhưng nên nhớ đó là những hình thức phương tiện, chẳng cần nên sa đà mà bỏ quên cái cốt lõi.
Xét về tính xã hội, xu thế cầu xin khấn vái do tâm lý bất an nảy sinh từ những rối rắm, những nguy cơ hay bất trắc trong cuộc sống của không ít người khi đến chùa đã góp phần hình thành hành vi tâm lý dựa dẫm, phó thác vận mệnh cho Chư Phật Bồ tát( đặc biệt là Đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm). Hãy tâm sự cùng những người đang đốt hương lễ lạy tôn tượng Đức Quán Âm, số đông sẽ trả lời đang cầu nguyện Ngài phổ độ tai qua nạn khỏi, con cái chăm ngoan, tình duyên đơm hoa kết trái, sự nghiệp công danh hanh thông,...Nếu ai hỏi về Nhĩ căn viên thông, Lục độ, Thập độ, Tứ Vô Lượng tâm,...( các công hạnh Bồ tát) thì chuyện họ tròn xoe mắt ngạc nhiên là điều chắc chắn. Nếu một nhà nghiên cứu tôn giáo đem Phật giáo xếp vào danh mục các tôn giáo thần quyền( dựa trên hiện tượng phổ biến) thì cũng không có gì khó hiểu.
XU THẾ CHUỘNG HÌNH THỨC BỎ QUÊN NHỮNG GIÁ TRỊ THẬT CỦA PHẬT PHÁP
Chưa bao giờ lễ hội trong giới Phật giáo khởi sắc như hiện tại. Từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Xuân Hạ Thu Đông đến Bát tiết Tứ thời,...người người đua chen, nhà nhà trẩy hội. Có ai đó lại mang tâm hoan hỷ mà nhận định: Phật Pháp hiện tại quả xương minh. Đúng, những ngôi đại tự đã được xây dựng, đang xây dựng và sẽ xây dựng với chi phí hàng tỷ, hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, công trình sau hoành tráng nguy nga hơn hẳn các công trình trước đó. Những pho tượng bề thế vượt khỏi quy chuẩn truyền thống của Phật giáo Việt nam xưa, những kỷ lục Phật giáo tầm quốc gia thậm chí khu vực ngày càng nhiều,...thì nhận định trên là điều dễ hiểu. Nhưng xin thưa, đó là những dạng công trình, Pháp khí, xét về mặt nào đó cũng là vật chất thuần túy. Những khối vật chất vô tri kia không thể thay thế những bậc chân tu hoằng truyền Gíao Pháp ba đời Chư Phật. Lễ hội tưng bừng, lầu các nguy nga, ấy vậy mà những cõi tâm thức của hàng triệu người mang danh con Phật kia vẫn còn như mảnh đất hoang chưa ươm mầm xanh lá những giống cây Phật Pháp, không ít người chỉ biết tôn thờ Đức Từ Phụ Như Lai như một vị thần đáp ứng những lúc họ cầu xin khẩn thiết. Sự mất cân đối giữa hình thức và thật chất đã đến mức thảm hại.
Nếu gọi xu hướng nghiêng về hình thức của đa số Phật tử như là một thị hiếu thì không ít những vị trụ trì( trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai mạng) lại chiều theo thị hiếu đó, thay vì uốn nắn, chỉnh đốn. Phật tử đến chùa vốn đã không theo một thiết chế quy luật nào( tu Phật là tùy tâm, tự giác mà(!), lập luận này xem ra phổ biến và mặc nhiên được chấp nhận). Cho nên ai muốn đi thì đi, ai nghỉ thì nghỉ, chùa nào đáp ứng như yêu cầu thì đến, không thì kiếm chùa khác vậy. Có vị trụ trì tâm sự:" Nếu chúng tôi bỏ không cúng sao đầu năm thì Phật tử bỏ qua chùa khác hết.". Vậy mới có chuyện để thu hút nhiều Phật tử, để chùa đông đảo bớt quạnh hiu thì phải" tùy thuận" chúng sanh. Và khi tùy thuận thái quá thì đã chuyển qua một nghĩa khá: chiều lòng. Thật đáng ái ngại! Thế là các hệ lụy phát sanh: cầu đảo, đốt vàng mã, chữa bệnh tâm linh, cầu hồn,...xuất hiện đâu đó làm ảnh hưởng đến nét thanh tịnh chốn thiền môn.
XU THẾ VĂN BẰNG HÓA TRONG GIỚI TU SĨ VÀ NHỮNG HỆ LỤY
Việt nam là một nước phong kiến trải hàng ngàn năm, theo đó tinh thần "cửa Khổng sân Trình" chuộng bằng cấp khoa bảng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt. Ngay hiện tại, nhìn ra xã hội hiện trạng thừa thầy( cử nhân, thạc sĩ,...) thiếu thợ( trung cấp chuyên nghiệp,...) đang khiến sự phân bố phân công lao động mất thăng bằng một cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung. Thế nhưng tâm lý lập thân bằng cách lao vào cánh cửa đại học với bất cứ giá nào lại rơi vào đa số phụ huynh và các sĩ tử ứng thí. Tất nhiên, tâm lý này cũng ảnh hưởng cả trong giới Phật giáo. Một nam Phật tử đã hoãn lại thôi xuất gia thọ Pháp chỉ vì một lý do: " Con ráng học lấy xong bằng thạc sĩ rồi tu luôn thể". Hỏi vì sao, anh ta trả lời: " Dạ, bởi vì con thấy đi tu mà không có bằng cấp không làm gì được, mấy thầy mấy cô giờ đua nhau học thạc sĩ tiến sĩ, ngành gì cũng được, khi vô đó mới được trọng dụng." Tôi nói với em rằng tu học là chính, cái bằng là phụ thôi, nó chỉ như một sự đánh dấu khả năng và để mình có phương tiện phục vụ quần chúng, Gíáo hội cho hiệu quả vậy mà.
Xem ra, điều đáng nói ở đây không phải là ngăn cản hoặc khuyến cáo Tăng Ni đừng theo đuổi học vị mà là chấn chỉnh thái độ của họ đối với lĩnh vực này.Hãy giúp Tăng Ni trẻ cân đối giữa học hỏi và hành trì vì một khi bằng cấp học vị được đề cao thái quá đến mức tôn sùng, việc hành trì rơi vào hàng thứ yếu thì đó là nguy cơ cho Đạo Pháp nếu không nói là thảm họa. Hãy đừng để Phật giáo Viêt nam tương lai chỉ toàn học giả lại vắng bóng những hành giả_ những nhân tố cần thiết nhất cho mạng mạch Phật Pháp trường tồn.
Ngày trước, đã từng có vị tôn túc đưa ra những trường phái tu tập hợp với căn cơ và chí nguyện từng cá nhân. Nhóm dành cho các tu sĩ có khuynh hướng phụng sự về mặt tổ chức, đối ngoại, dấn thân vào cuộc sống (Tiếp hiện) và nhóm dành cho các vị chuyên hành trì miên mật, nỗ lực chuyển hóa, khai phát trí tuệ( Thể nhập). Hiện tại, vì điều kiện nên một số Tăng sĩ nhất là các vị nhiều chức vụ, quỹ thời gian đa phần dành cho công tác tổ chức điều hành( tiếp hiện) tất yếu thời khắc hành trì bị thu hẹp( thể nhập). Họa chăng chỉ có Thánh Tăng dùng năng lực vị chúng sanh phổ độ mới không bị ảnh hưởng .Đã vậy, một bộ phận Phật tử trở nên bối rối khi tiếp cận những Tăng sĩ mà đáng tiếc nhất là quan niệm đã trở nên phổ biến là bất cứ ai học giỏi bằng cấp cao thì đó là minh sư, thậm chí là bậc chân tu(!), cái tiếp theo là hội chứng đám đông tạo ra những sự quá tải không cần thiết ở một số đạo tràng, tự viện.
Nếu nhìn khách quan, Phật giáo nước nhà hiện tại có nhiều điểm đáng mừng cũng không ít chuyện đáng lo. Mong sao tinh hoa ngàn năm của Phật giáo nước Việt Nam vẫn được duy trì để nền Đạo mãi là nguồn tịnh lạc trải đến muôn dân.
Giảng viên khóa đào tạo cao trung cấp giảng sư, Tp HCM