;
Phật tử thường sợ mất đi một người bạn nhậu, nên không giữ giới, chứ không sợ đọa vào ba đường ác. Phàm có rượu là có sát sanh. Càng phóng đãng, càng đọa lạc. Trong khi họ là những người kéo mình đi xuống chứ không phải quyến thuộc Bồ đề. Nên quyến thuộc ấy là oan gia nhiều kiếp. Là gốc của khổ đau sau này mà chúng ta lại sợ mất. Quả thật vô minh!
Hay nói cách khác, sở dĩ Phật tử bỏ tu là do sợ không còn được ăn chơi nữa. Mà Bồ tát nào, quyến thuộc nấy. Nếu nghiêm túc tu hành, chúng ta sẽ có quyến thuộc Bồ Đề là tăng thượng duyên trên đường giải thoát. Nên: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Như kinh A Di Đà nói:” Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ”. Đều do, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Hay như một triết gia từng nói:” Anh hãy cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ cho anh biết, anh là người thế nào?” Nếu chẳng lo tu sửa, thì làm sao quý vị có bạn đồng tu tốt? Đó là lỗi tại chúng ta chưa tốt, thiếu phước, kém duyên, nên kết giao toàn bạn bè bất hảo.
Do đó, phải biết tự thương mình mà lo tu, xây dựng chung quanh mình là quyến thuộc Bồ đề, bằng cách Phật hoá gia đình, tham dự đạo tràng cộng tu, qua lại với các bậc thiện hữu tri thức, thì mới an lạc, không bị duyên ngoài ràng rịt kéo lui vào sanh tử. Không những đời này, mà vô lượng đời sau, cho đến khi chúng ta thành Phật, thì quyến thuộc Bồ đề chính là thanh tịnh đại hải chúng Bồ tát.
Trái lại là quyến thuộc địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trong lục đạo luân hồi, mãi bị trầm luân sanh tử. Muốn như vậy, cần phải phát nguyện đời đời kiếp kiếp, nơi nơi chốn chốn đều là bạn đạo. Sở dĩ ngày nay, quý vị Phật tử gặp chướng duyên dở khóc, dở cười tu tại gia không được đều do thiếu định hướng này.
Khoan nói hãy lấy ma quân làm bạn đạo, vì chắc chắn khi chúng ta thành đạo, thì phiền não tức Bồ đề. Tuy nhiên, do hiện đời không thiết tha phát nguyện Phật hoá gia đình, nên tuy là Phật tử, lấy vợ hoặc chồng ngoại đạo, bị ái dục ràng buộc, không cảm hoá được họ, mà trái lại bị độ ngược lại đi theo tà kiến ngoại đạo. Hoặc sanh con ra là oan gia đến đòi nợ cũ, thì làm sao tránh được nạn “Phá gia chi tử”, đau khổ vô cùng!
Từ đó, suy ra tại sao không thể Phật hoá gia đình qua tang, môn, hôn, tế, hiếu, hỷ bằng việc làm chay đãi chay cho thuận với nhân quả. Cũng bởi vì quyến thuộc ấy là oan gia, đến ngăn cản sự tu hành của chúng ta, khiến đắm chìm mãi trong sát, đạo, dâm, vọng. Đó là quyến thuộc của ma vương.
Thành ra, chồng tu, vợ phá không cho tu; vợ đi chùa, bị chồng đánh, không cho đi; con cháu xuất gia, bị cả dòng họ ngăn cản; cha làm thầy, con đốt sách... Hỡi ôi, thiên hình vạn trạng. Rồi vợ hận chồng, chồng hận vợ; cha mẹ hận con cái, con cái hận cha mẹ; thầy hận trò, trò hận thầy; bằng hữu quyến thuộc mình chống lẫn nhau. Không chỉ một đời mà oan oan tương báo. Không chỉ với người thiếu tu, mà với người tu đắc lực khi qua đời, đáng lý vãng sanh tịnh độ, cũng vì con cháu sát sanh đãi khách mà lui sụt thánh vị. Thì đó chẳng phải oan gia là gì?
Do đó, muốn tạo quyến thuộc Bồ đề phải chí thành buông xả, không tạo thêm oán kết, chuyên tu hạnh sám hối, để trả nghiệp tiền khiên. Nếu đời này, không đủ duyên Phật hoá gia đình và vãng sanh tịnh độ, thì chí ít đời sau sanh ra trong gia đình chánh kiến, sùng tín tam bảo, thường kết giao với bạn lành, trì trai giữ giới, gặp được minh sư. Nếu không xuất gia, thì lập gia đình với người bạn đời tin sâu nhân quả, sanh ra con thảo cháu hiền, tiếp nối tâm nguyện Phật hoá nhân gian đến khi thành Phật. Cho nên, quý nhất ở chỗ phát nguyện, sanh ra nơi nào, cũng gặp chánh pháp, cùng gặp bạn lành hiển hưng chánh pháp, thì đảm bảo không bị chướng duyên chi phối.
Bằng hiện tại, đem hết công đức tu tập, để chuyển hoá gia đình theo Phật giáo, là Phật tử thuần thành thật là may mắn. Vì sao Đức Phật trải qua ba vô số kiếp hành Bồ tát đạo xuất gia dễ dàng? Vì đời nào, Bồ tát đều có sự trợ duyên của tiền thân công chúa Gia Du Đà La. Cũng như cha ngài thường là Vua Tịnh Phạn và mẹ ngài thường là Hoàng Hậu Ma Gia. Đó quyến thuộc Bồ đề. Cho đến Đề Bà Đạt Đa theo tinh thần kinh Pháp Hoa cũng không ngoại lệ. Đều trợ duyên cho công hạnh tinh tấn Ba La Mật của ngài bằng thuận hạnh hay nghịch hạnh.
Sau khi đức Phật về thăm quê cũ, ngài đã hết lời ca ngợi Da Du Đà La, đã hy sinh cho ngài, tìm ra chân lý. Không chỉ một đời này mà vô lượng kiếp trước, từ thuở hai người gặp nhau nơi hội Phật Nhiên Đăng. Tiền thân ngài là Bồ tát Thiện Huệ đã mua hoa sen từ một cô gái để cúng dường. Nhưng cô này không bán, đòi tặng ngài với điều kiện sẽ được làm vợ Bồ tát cho đến khi ngài thành Phật. Bồ tát Thiện Huệ lại ra điều kiện:” Nếu cô nguyện đời đời kiếp kiếp sẽ không cản trở sự phát tâm xuất gia của tôi, thì tôi sẽ sẵn sàng đồng ý”. Sau đó hai người cùng tung hoa lên cúng Phật, riêng Bồ tát trải tóc cho Thế tôn đi qua đoạn đường sình, được ngài thọ ký cho thành Phật Thích Ca. Từ đó, Da Du Đà La là quyến thuộc Bồ đề sanh theo ngài, đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hy sinh tất cả trợ duyên cho Bồ tát tu tập, đến khi thành Phật, cho đến kiếp cuối cùng vẫn một mực sắt son không thay đổi.
Dù có một kiếp để bổ sung công hạnh Bố thí Ba La Mật, Bồ tát là Thái tử Vessantara (Tu-đại-noa) từng bố thí luôn cả vợ con. Nên không có Da Du Đà La trợ duyên ngay từ đầu, thì Bồ tát sẽ không thành Phật. Nên chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của quyến thuộc Bồ đề, không nên tiếp tục tạo thêm oan trái, thắt chặt nội kết, mà phải phát tâm bình đẳng, xả bỏ oán thân, thiết lập quyến thuộc Bồ đề.
Nếu không có quyến thuộc Bồ đề, thì ta dù thành đạo, chỉ là Phật Độc Giác, mất lợi ích cho chúng sanh. Nên ngoài việc tạo duyên xây dựng quyến thuộc thiện hữu tri thức thượng tầng gồm thầy hiền, bạn tốt, gia đình thuần tín, cần phải rộng kết duyên lành với chúng sanh bằng việc phóng sanh, Bố thí, thí thực cho chư âm linh, để ngày sanh thành đạo còn có nhân duyên giáo hoá. Nếu tiền thân Đức Phật không hạ mình xả thân bố thí cho cọp ăn, thì đến khi thành Phật, không có nhân duyên gì để độ mẹ con nhà cọp trong kiếp cuối cùng thành A La Hán. Nên gọi là Phật hoá hữu duyên nhơn. Vô duyên chẳng thể độ là vậy.
Quy Sơn Cảnh Sách nói: “Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận. Hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến. Hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân. Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”. Nghĩa là:” Thân người thiện, như người đi trong sương, tuy không ướt áo, nhưng dần dần có thấm. Gần gũi và tập nhiễm người ác, tri kiến ác càng lớn. Sớm chiều tạo ác, bị quả báo ngay trước mắt và, sau khi mất phải bị trầm luân. Một khi mất thân này rồi. Muôn kiếp không trở lại được!”.
Kinh Pháp Cú nói: “Thà quyết sống một mình, Không bè bạn kẻ ngu.”
Ngay cả Đức Phật, còn có quyến thuộc Bồ đề, hạng phàm phu như chúng ta há xem thường ư? Gia đình hạnh phúc là gia đình chuẩn mực đều có vợ con hướng tâm về tam bảo, bỏ sát, đạo, dâm, vọng, chuyên tu giải thoát như Cư Sĩ Bàng Long Uẩn. Đó mới là hạnh phúc đích thực. Còn phàm nhân cư sĩ, nếu chưa được như thế, muốn trong ấm, ngoài êm, trên thuận dưới hoà, thì phải gia đình đó phải cùng nhau hướng thiện, vợ chồng cùng đi chùa, ăn chay, niệm Phật, giáo dục con cháu theo ngũ giới, bát chánh đạo, thập thiện bằng niềm tin sâu sắc về nhân quả nghiệp báo luân hồi.
Nên có đời sống bình an trong hiện tại, đã là hạnh phúc. Đó chính là cái nhân viên mãn, giải thoát cho đời sau. Cũng là tầm quan trọng của quyến thuộc Bồ đề, được nhắc trong tam kiết: “ Quy y Phật rồi, không quy trời, thần, quỷ vật; Quy y pháp rồi, không quy y ngoại đạo, tà giáo; Quy y tăng rồi, không quy y bạn dữ nhóm ác”. Là người Phật tử, phải lo tôn trọng, giữ gìn.