;
Trong bài viết này, chúng tôi xin phép đề cập đến 5 vấn đề căn bản liên hệ:
- Ý thức tự thân.
- Thiết lập một nền tảng bền vững.
- Cần nhận ra, điều nhiếp những lý tưởng mong manh.
- Những tấm gương hoằng pháp của Đức Phật và chư vị Thánh Tăng…
- Thể hiện tinh thần hành giả hoằng pháp, sứ giả Như Lai…
Thứ nhất - Ý THỨC TỰ THÂN:
Ý thức tự thân là điều rất quan trọng trong bước đầu của vị giảng sư. Trong cuộc sống này, mỗi người khi được sinh ra và lớn lên ai cũng biết chọn cho mình một nghề nghiệp thích hợp với ý tưởng và khả năng thực tế của tự thân để làm ăn sinh sống. Người nào không có nghề nghiệp hoặc chọn không đúng sở thích, khả năng… đời sống thường hay gặp điều bất như ý và tất yếu là thường hay thay đổi nghề; do thay đổihoài nên nghề không tinh xảo, không điêu luyện, tính chuyên môn không cao… nên ít được tín nhiệm và dễ gặp chuyện buồn phiền, bất mãn, thất bại. Ở đây, chúng ta là người tu, là Tăng Ni xuất gia, buổi đầu chúng ta được thầy tổ truyền trao cho những bài học về kinh luật luận căn bản… chúng ta tiếp thọ, tu tập, chuyển hóa và tích tụ làm nên Giới-Định-Tuệ nơi tự thân. Khi có một phần đạo nghiệp Giới-Định-Tuệ nơi tự thân rồi thì chúng ta phải tự biết chọn cho mình một pháp môn tu tập và một công hạnh phù hợp tâm thức, sức khỏe của tự thân để hành trì tích tụ đạo nghiệp bền dài.
Như vậy, hai con đường Đời và Đạo cùng đi song song với nhau, có những điều tưởng chừng như rất giống nhau nên thường khiến cho phần đông con người dễ bị lầm nhận:
+ Ở đời lấy nghề nghiệp tinh xảo, điêu luyện làm nền tảng để mưu sinh, xây dựng cuộc sống. Ông bà ta từng nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Một người "cao tay nghề" thì dù đi đâu ở đâu cũng không có gì phải lo. Tiền tài, danh vọng, địa vị, sự nghiệp và cả hạnh phúc nữa… đều có sẵn trong tay mình, hễ mình có nghề nghiệp điêu luyện thì có tất cả.
+ Ngược lại, trong nhà đạo - tiền tài, danh vọng, địa vị… không phải là định hướng, mục tiêu của người tu. Định hướng và mục tiêu của người tu là sự an lạc và giải thoát trong quả vị thường tịnh Niết bàn. Do vậy, trong ý thức tự thân, chúng ta phải biết một cách chắc chắn - thiền sư, giảng sư, pháp sư, giáo thọ sư hay kinh sư…. không phải là một nghề tu để mưu sinh như các nghề nghiệp khác trong thế gian, mà đây là một công hạnh được các tu sĩ Phật giáo, các thầy Tỳ kheo chúng ta thực hiện nhằm để tích lũy, tăng trưởng đạo nghiệp, hoàn thiện tâm đức của chính mình trong quá trình tu tập đi đến thành tựu thân chứng.
Thứ hai - THIẾT LẬP MỘT NỀN TẢNG BỀN VỮNG:
Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni của chúng ta đã từng chỉ dạy: "Này chư Tỳ kheo, hãy du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và lòai người". Thời bấy giờ Đức Phật chỉ giáo như vậy, cho thấy Đức Phật hoàn toàn tin cậy vào hàng Tỳ kheo Thánh Tăng đệ tử của Ngài. Hễ làm thầy Tỳ kheo thì phải đầy đủ 3 đức tánh - Khất sĩ, bố ma và phá ác; ba nghiệp thân khẩu ý đều được thanh tịnh, dứt sạch các lậu hoặc phiền não và với tâm đức từ bi hỷ xả sung mãn… nên Đức Phật giáo huấn thầy Tỳ kheo thực hiện sứ mạng thiêng liêng của người tu, người đệ tử Phật là đem niềm hỷ lạc, niềm hạnh phúc mà mình có được đi du hành ban rải, chia sẻ trong nhân gian. Sở dĩ ngày xưa Đức Phật và chư vị Thánh Tăng đệ tử Đức Phật đi du hóa đến đâu là nhiếp phục hóa độ bá tánh nhân sanh thành tựu mọi hạnh lành đến đó, vì nơi thân tướng tâm tánh các Ngài hoàn toàn buông bỏ mọi nghiệp chướng, mọi ác quấy, mọi phiền não và an trú nơi Giới, Định và Tuệ… Đây chính là nền tảng bền vững của vị Tỳ kheo, vị Sa môn trong Chánh pháp trên đường hoằng hóa.
1.- Thân có giới chính là thân giáo:
Thân chúng ta tích tụ hành động xấu, quấy, ác từ vô lượng kiếp…. đến nay nó đã trở thành dư nghiệp; vì thế trong đời sống mỗi khi ý nghiệp hay khẩu nghiệp hiện khởi thì hành động xấu, quấy, ác thường hay dễ bị hiện khởi theo. Từ ngày chúng ta biết quy ngưỡng Phật pháp, thọ Tam quy trì Ngũ giới, tức chúng ta biết tập tu, biết nhận ra, biết dừng lại các ác nghiệp nơi thân khẩu ý và tu tập dần các thiện nghiệp; đến khi thiện nghiệp thân khẩu ý tăng trưởng, chúng ta tiến lên một bước là được xuất gia làm tăng ni biết thọ nhận và gìn giữ mười giới, rồi cụ túc giới… từ tại gia cư sĩ đến xuất gia làm Tăng Ni, hễ giới tăng lên thì ác nghiệp của hành động giảm và thiện nghiệp của hành động tăng… cho đến một ngày các dư nghiệp xấu, quấy ,ác bên trong được lắng sạch thì cũng chính là lúc mọi hành động bên ngoài được thuần tịnh, an vui. Như vậy, rất rõ ràng là nhờ giới hộ trì, giới giúp chúng ta thanh lọc tự thân, chẳng những chấm dứt hoàn toàn những hạnh nghiệp xấu ác quấy nhiều đời tồn tại nơi thân nay được đoạn sạch mà còn làm cho hành động trong đời sống hiện tại được an tịnh, thành tựu trang nghiêm.
Câu chuyện ngài Xá lợi Phất, một thanh niên thông thái của dòng Bà la môn khởi tâm đi xuất gia sau khi diện kiến hình ảnh thân tướng trang nghiêm của ngài Mã Thắng (Assaji) đi trì bình khất thực là bài học lớn, vô cùng sinh động về ý nghĩa và giá trị đặc sắc của thân giáo trong sự nghiệp hoằng pháp của đạo Phật. Nhận ra và làm được điều này, tức là chúng ta đã xây dựng được nền tảng bền vững thứ nhất trên bước đường hoằng pháp độ sanh trong thời đại chúng ta.
2.- Khẩu có định chính là khẩu giáo:
Khẩu chúng ta cũng vậy, từ trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ…. khẩu chúng ta đã tích tụ vô vàn những lời nói xấu ác quấy. Đến nay, do dư nghiệp tồn tại quá nhiều, nên dù bíêt tu nhưng cũng rất ít người kềm chế được khẩu nghiệp. Buổi đầu mới vào đạo, thầy tổ chúng ta đã khéo dùng nhiều phương tiện để hướng dẫn giúp chúng ta tự cảm nhận sự nguy hại tai ương của khẩu nghiệp để dần dần tiến đến cõi đạo bằng cách như: - tập ăn chay từ ít ngày đến nhiều ngày, tập niệm Phật, tập tụng đọc kinh, tập trì chú, tập nói lới hiền thiện hoặc tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn v.v… tất cả đều nhằm giúp chúng ta hạn chế dần những lời nói xấu, quấy, ác… và tu tập dần những lời nói đạo đức hiền thiện; đến một ngày chúng ta thực sự nhận ra sự nguy hại tai ương của lời nói, khi đó chúng ta mới đủ sức, mạnh dạn buông bỏ những lời nói xấu, quấy, ác… từ trong lòng, không thích dung chứa nó trong lòng. Nhờ vậy, khi đối diện với mọi người… tự thể mình biết điều nào nên nói, không nên nói hay lúc nào nên nói và nói cái gì hoặc nín lặng. Người xưa có những lời khuyên nhủ liên hệ về khẩu nghiệp rất đặc sắc:
"Miệng không hay nói lời ra,
Buộc lòng mà nói phải là chơn ngôn"
Hay:
"Miệng người là cửa đền vua
Phải kiêng phải giữ kẻo mua tai nàn"
Hay:
"Trăm năm vật đổi người dời
Một câu quý giá muôn đời còn ghi
Mở lời trước phải xét suy
Rằng ta cất tiếng ích chi chăng là?
Bằng như lời ấy thốt ra
Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng.
Nói chi mắng nhiếc tưng bừng,
Miệng xây núi nghiệp biết chừng nào tan.
Nói chi chửi rủa kêu vang,
Lưỡi đào hố nghiệp biết đàng nào lên ?
Họa tai vì miệng mà nên,
Bệnh căn vì miệng mà rên phù trầm!
Ai ơi nghĩ lại kẻo lầm,
Đóng bưng cửa miệng chớ tầm quỷ ma.
Cũng thời tiếng nói thốt ra,
Của chư Phật Thánh diệu hòa biết bao!
Là câu nói pháp thanh tao…
Đưa người giữa biển sóng xao lên bờ.
Ôi! Lời nói quý không ngờ,
Đương phàm hóa Thánh một giờ đổi thay.
Ta nay học đạo Như Lai,
Hãy dùng lời nói mở bày pháp môn.
Ta nên cất tiếng ôn tồn,
Phá tan những giấc mộng hồn tối đen!
Miệng ta là cánh hoa sen,
Một khi hé nở, một phen thơm lừng.
Tiếng ta là gió mùa xuân…
Một cơn thổi nhẹ muôn dân mát lòng"
Hơn nữa, đối với một thầy Tỳ kheo, một giáo thọ sư hay một giảng sư… thì việc lắng sạch khẩu nghiệp của tự thân là rất quan trọng. Hằng ngày, là một vị giảng sư, mình được nơi này nơi kia mời đi giảng dạy, trước các hội chúng… mình trình bày kinh luật luận mạch lạc trôi chảy, thâm thúy… nhưng dư nghiệp của khẩu nghiệp tự thân chưa được lắng sạch thì từ trong vô hình sự tương ứng trong ngoài của lời nói sẽ không tiếp ứng nhau, sự giao cảm xúc tác của ngôn ngữ từ người nói đến người nghe sẽ không gặp nhau và hiệu quả của tinh thần hoằng pháp sẽ không đạt như yêu cầu mong muốn. Cho nên, chúng ta sẽ không lấy làm lạ - tại sao có vị giảng sư nói ít mà người nghe tiếp thụ nhiều, và cũng có vị giảng sư nói nhiều nhưng người nghe lại tiếp thụ ít! Trong Đại tạng kinh, kinh Trung A Hàm, tập 1, bài kinh Tiểu Duyên (tr.290) - Đức Phật dạy, này Bà Tất Tra, nếu có ai hỏi ông thuộc dòng họ nào, nên đáp với họ: "Ta là con Sa môn dòng họ Thích", cũng có thể tự xưng: "Ta là dòng Sa môn, đích thân từ miệng Phật sinh ra, từ pháp Phật hóa sinh, hiện tại thanh tịnh và về sau cũng thanh tịnh".
Cho nên, đối với vị giảng sư tự biết lắng sạch khẩu nghiệp bên trong tự thân và gìn giữ an tịnh lời nói bên ngòai trong đời sống thường nhật cũng như trong lúc thuyết giảng là điều rất quan trọng. Đây chính là KHẨU ĐỊNH hay KHẨU GIÁO - nền tảng bền vững thứ hai mà vị giảng sư cần nên xây dựng trên đường hoằng dương Chánh pháp.
3.- Ý có Tuệ chính là Ý giáo:
Trong tập kinh Pháp Cú, phẩm Song yếu, ngay câu đầu tiên, Đức Phật đã dạy (bản dịch của HT.Thích Minh Châu):
"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo" (PC.01)
Trong vô lượng kiếp luân hồi, chúng ta bị cái ý phàm phu, vô minh, mê muội, ô nhiễm dẫn dắt mình đi hết cái khổ này đến cái khổ kia… do ý tưởng, lời nói, hành động xấu ác quấy tạo nên tương tợ như cái bánh xe cứ lăn theo dấu chân con bò. Đến khi mình biết tu, tức là mình biết nhận ra, tự mình điều phục cái ý vọng động, phóng túng của mình phải dừng lại, không cho nó tự do tham đắm, ô nhiễm lăn xoay theo dòng đời nữa. Câu chuyện chàng thanh niên Angulimala, hiện thân một con người tội lỗi ngút trời…. đang bị cái ý ô nhiễm vọng tưởng dẫn dắt, tự nghĩ rằng khi mình giết chết được nhiều người thì mình được hiển thánh; chính ý tưởng mê muội này khiến cho lời nói và hành động của Angulimala chỉ biết chạy theo sự giết hại… mà không thấy tội lỗi. Cho đến khi được gặp Đức Phật và được Ngài mở tấm lòng đại từ đại bi phương tiện tiếp độ thì Angulimala mới có thể bừng tỉnh. Trong khi Đức Phật đang từ từ đi, còn Angulimala thì lấy hết sức mình để đuổi theo giết Đức Phật cho chẵn một trăm người mà không thể nào theo kịp. Angulimala vừa rượt theo vừa gọi: - Ông Sa môn Cù Đàm, xin hãy dừng lại. Đức Phật quay lại, đáp : - Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi là người chưa dừng thôi.
Angulimala quá ngạc nhiên: - Ông Sa môn Cù Đàm đi nhanh đến nỗi ta lấy hết sức chạy đuổi theo vẫn không kịp, vậy mà ông lại nói rằng ông đã dừng lại từ lâu, chỉ có ta là người chưa dừng thôi là ý gì?
Đức Phật liền nói: - Những hành động sát hại… Như Lai đã dừng lại từ lâu, chỉ có ngươi là chưa dừng lại những hành động sát hại đầy tội lỗi. Lời dạy của Đức Phật đánh mạnh vào tiềm thức của Angulimala. Chàng thanh niên quỳ sụp xuống đảnh lễ Đức Phật và thưa, theo Ngài thì tội ác giết hại vô vàn của tôi có thể dừng lại được sao? Đức Phật đáp lời: - Có thể được, với điều kiện là ngươi phải thực sự biết nhận ra mọi tội lỗi của mình và quyết tâm dừng lại, từ bỏ mọi ý niệm ác, lời nói ác và hành động ác thì ác nghiệp có thể chấm dứt. Sau đó, Angulimala xin phép và được Đức Phật thế độ xuất gia. Trên đường đi hành hóa, trì bình khất thực, có nhiều người còn nhận ra thân tướng hung ác tội lỗi của Angulimala, họ lấy đá chọi và chửi ngài… đến đỗi có hôm thân mình bị trầy trụa, rướm máu… ngài vẫn một lòng kham nhẫn, chịu đựng, không thối chuyển tâm. Có một lần, trên đường đi khất thực về ngang qua nhà một người thiếu phụ đang chuyển bụng sanh, nhưng sanh không được, nhờ người nhà mời ngài vào nhà và thỉnh ngài chú nguyện cho được dễ sanh. Ngài lúng túng, không biết phải làm sao, bèn trở về tịnh xá thỉnh cầu Đức Phật chỉ giáo. Đức Phật dạy ngài hãy trở lại nhà người phụ nữ khó sanh, đem tâm từ bi và giới đức thanh tịnh của người xuất gia chú nguyện, nhất định sẽ được "mẹ tròn con vuông". Ngài y lời Đức Phật dạy và thành tựu như ý. Từ đó về sau, ngài nhận ra một quy luật tất yếu - "Tội do tự mình làm ra, thì tội cũng phải tự do mình đoạn trừ chấm dứt, không ai có thể làm thay cho mình được". Angulimala một lòng tinh tấn, vượt qua mọi thử thách của nghiệp quả… cho đến khi an trú Thánh quả trong giáo pháp.
Câu chuyện của ngài Angulimala cho chúng ta một bài học lớn về nghị lực vượt qua những nghịch duyên nghiệp báo khổ đau nơi chính mình. Đối với vị Tỳ kheo, vị giảng sư thì cả thuận duyên, lẫn nghịch duyên… đều là những bước, những nấc thang mà người tu phải vượt qua. Chính vì vậy, bài kinh Pháp Cú số 2 (bản dịch của HT.Thích Minh Châu), cho chúng ta thấy lời kinh chẳng những hướng đạo cho cư sĩ tại gia, Tăng Ni xuất gia bước đầu nắm vững định hướng tu hành; mà ngay cả thành phần giảng sư hoằng pháp của chúng ta vẫn mãi mãi là nền tảng bền vững cần được nương tựa hành trì và soi sáng:
"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình" (PC.02)
Lại nữa, Đức Phật chúng ta cũng từng dạy: "Tất cả các pháp đều có nguyên nhân sanh khởi", tức là tất cả các pháp đều có nhân và quả của chính nó. Hiểu và nghĩ được như vậy, nên tâm ý của vị giảng sư lúc nào, ở đâu cũng nhẹ nhàng, thông thoáng, từ bi hỷ xả… không câu nệ, không vướng bận. Vì tuệ của ý, hay ý giáo… cho chúng ta biết chắc chắn rằng - tất cả các pháp, các sự kiện tan hợp, thành hoại đều có nhơn duyên, không thể tự mình chấp thủ theo ý tư riêng của mình mà thành tựu được.
Tóm lại, nếu chúng ta thiết lập được một nền tảng vững chắc - thân khẩu ý của chính mình được trang nghiêm đầy đủ Giới Định Tuệ… qua giáo pháp Kinh Luật Luận của Đức Phật dạy thì nhất định con đường hoằng pháp phía trước sẽ luôn rộng mở.
Thứ ba - CẦN NHẬN RA VÀ ĐIỀU NHIẾP NHỮNG LÝ TƯỞNG MONG MANH:
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Thánh Hạnh, có ghi lại sự duyên - Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Thế Tôn! Bồ tát chưa trụ đặng bực bất động, lúc trì tịnh giới, có nhơn duyên gì đặng phá giới chăng?".
" Này thiện nam tử! Bồ tát chưa đặng trụ bậc bất động, vì có nhơn duyên thời có thể đặng phá giới.
- Bạch Thế Tôn! Nhơn duyên như thế nào?
- Nầy thiện nam tử! Bồ tát biết rằng do nhơn duyên phá giới, thời có thể làm cho người ưa thích thọ trì kinh điển Đại thừa, lại có thể làm cho người đọc tụng thông thuộc, biên chép, giảng thuyết rộng ra, chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Chánh giác. Vì cớ như vậy nên đặng phá giới".
Như vậy, nhơn duyên đưa đến có thể phá giới… không phải do lười biếng giải đãi mà do siêng năng tinh tấn, thường làm lợi ích cho số đông… Chính do duyên đó mà nhiều người quý kính, thương mến, gần gũi thân cận, cúng dường… mà khiến cho bị phá giới. Và một điều nữa do Ca Diếp Bồ tát nêu ra là - do chưa đặng trụ bậc bất động nên mới bị phá giới.
Đoạn kinh này là tiếng chuông tỉnh thức đối với các vị giảng sư, các hành giả hoằng pháp các thế hệ thanh niên và trung niên cần nên cẩn trọng trên đường hoằng pháp để không phải "bán đồ nhi phế". Thông thường, người muốn đi đường dài thì cần phải có lương thực dự trữ. Cũng vậy, một hành giả hoằng pháp, một sứ giả Như Lai phải có nguồn năng lượng Giới Định Tuệ sung mãn để làm tư lương, vượt mọi chướng ma trên đường phụng sự lợi ích nhân sinh. Biết tự nhận ra và kịp thời điều chỉnh những điều kém khuyết về năng lực và lý tưởng thì đây cũng là điều cần vun đắp cho nền tảng bền vững trong sự nghiệp hoằng pháp ở thế hệ chúng ta.
Thứ tư - NHỮNG TẤM GƯƠNG HOẰNG PHÁP ĐẶC SẮC CỦA ĐỨC PHẬT & CHƯ VỊ THÁNH TĂNG ĐỆ TỬ
Như trên đã nói, hoằng pháp không phải là một nghề nghiệp theo ý nghĩa "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" mà hoằng pháp là thiên chức của người xuất gia. Mặt khác, hoằng pháp không phải là nghề ‘nói hay’ mà hoằng pháp là nội dung hành hoạt có sức cảm hóa hay có sức thuyết phục của người tu. Như vậy thì đức tính hay hạnh lành nào có sức thuyết phục, làm cho người ta hướng thượng, đi theo con đường từ bi, trí tuệ và giải thoát của đạo Phật hay quy ngưỡng theo Phật giáo thì đều là hoằng pháp.
Mỗi sáng Đức Phật mặc y, cầm bát, vào thành khất thực là hoằng pháp mặc dầu Đức Phật không nói gì ngoài vài lời cảm ơn chúc lành cho người thí chủ để bát cúng dường. Cả cuộc đời Đức Phật là một bài pháp vĩ đại. Đức Phật đã thuyết pháp từ lúc sơ sinh, lúc vượt thành xuất gia, lúc khổ hạnh cùng cực; Đức Phật thuyết pháp từ lúc nhận bát cháo sữa từ nàng Sujata, chứ không phải chờ đến khi thành đạo, đến vườn Nai, rồi mới bắt đầu ‘chuyển pháp luân’, thuyết pháp như thường được trình bày.
Mười vị đệ tử, mỗi vị đều có cách thuyết pháp riêng của mình theo như trên đã trình bày: ‘đức tính hay hạnh lành nào có sức thuyết phục, làm cho người ta hướng thượng, đi theo con đường từ bi, trí tuệ và giải thoát của đạo Phật hay quy ngưỡng theo Phật giáo thì đều là hoằng pháp’. Nơi đây, người viết chỉ xin nêu một số vị và một số hạnh lành đặc biệt theo cách nhìn của mình.
Ngài Xá Lợi Phất đã hướng về vị Tỷ kheo vu cáo mình để sám hối là một bài thuyết pháp về hạnh nhu thuận, nhẫn nhục tuyệt vời. Ngài nói: ‘Bạch Thế Tôn, cây chổi dùng để quét bụi, khi quét dọn không chọn lựa tốt xấu, tâm con hôm nay thật không hề khởi phân biệt tốt xấu... Nếu như con có lỗi, con xin hướng về vị Tỷ kheo ấy sám hối để tâm con khỏi cắn rứt’.
Ngài Mục Kiền Liên để cho bọn vô loại hành hung đến chết là bài thuyết pháp về hạnh tùy thuận theo nhân duyên nghiệp quả.
Ngài Phú Lâu Na dấn thân vào chỗ biên địa nguy hiểm, tương đương với ‘vùng sâu vùng xa’ ngày nay là một bài thuyết pháp về ‘cái Dũng của Phật giáo’ lợi tha, xả kỷ, không từ gian khó, không ngại hiểm nguy.
Ngài Tu Bồ Đề vừa an trú tánh không, vừa hiện tướng bệnh tật để làm phương tiện triển khai giáo nghĩa là bài thuyết pháp về triết lý thậm thâm nhưng vẫn đầy đủ ngôn ngữ diệu dụng ứng hợp với căn cơ cao thấp của đối tượng hoằng pháp.
Tôn giả Ca Chiên Diên với cách lĩnh hội và phát triển những ý pháp mà Đức Phật nói một cách vắn tắt rồi triển khai chi tiết làm sáng tỏ nghĩa lý là một bài thuyết pháp về ‘thừa tự Pháp bảo chớ không thừa tự tài vật’ của Thế Tôn.
Ngài Đại Ca Diếp với hạnh đầu đà đệ nhất và đời sống bản thân là một bài pháp sống động về hạnh thanh bần đơn giản.
Ngài A Na Luật là vị Tôn giả bị mù mà cuộc đời là một bài thuyết pháp về vượt khó: ngay nơi khuyết điểm của đôi mắt bị mù mà vận dụng để thành tựu năng lực tâm linh phi thường "thiên nhãn đệ nhất".
Cuộc đời ngài Ưu Ba Li là một bài pháp về cách vượt qua số phận thấp kém của người thợ cạo để sáng chói với bài pháp về ‘nghiêm trì giới luật’.
Ngoài ra còn nhiều vị Tăng Ni khác thời Phật, mỗi vị đều có cách thuyết pháp riêng và đều đạt được hiệu quả sâu sắc lâu bền. Mỗi vị một hạnh mà hạnh nào cũng đầy tính cảm hóa, đầy tính thuyết phục; hạnh nào cũng là những bài thuyết pháp mà ‘âm thanh’ vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay.
Thứ năm - THỂ HIỆN TINH THẦN HÀNH GIẢ HOẰNG PHÁP, SỨ GIẢ NHƯ LAI TRONG MỌI THỜI DUYÊN
Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn minh, khoa học và tâm linh. Là hành giả hoằng pháp, là sứ giả Như Lai, chúng ta cần thể hiện chí nguyện tốt đẹp nhất mà Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy để phụng sự nhân sinh và chúng sinh trong thời đại chúng ta.
Nền tảng độc đáo và đặc sắc của đạo Phật chính là Giới Định Tuệ. Có Giới Định Tuệ là có an lạc, thanh tịnh, giải thoát và Niết bàn. Đức Phật Tổ của chúng ta và chư vị Thánh Tăng ngày xưa đem đạo vào đời và được đời đón nhận trọn vẹn bằng niềm tịnh tín thiêng liêng. Cho nên, dù có thăng trầm theo thời duyên… nhưng giáo pháp Đức Phật luôn thường trụ trong nhân gian.
Mong rằng hành giả hoằng pháp và sứ giả Như Lai thế hệ chúng ta nhận lãnh trách nhiệm trên vai, kế thừa công hạnh chư Phật, nối chí lịch đại Tổ sư tiền hiền, ngân vang tiếng rống pháp âm sư tử… làm cho giáo pháp Ánh Đạo Vàng luôn được lưu trụ trong đời, tỏa rạng thiên thu.
TP.HCM,