;
Tìm hiểu một bài thơ xuân của Vương Duy
Nhìn những cánh hoa "xa lạ" ấy những kẻ xa quê sao tránh được một niềm nhớ nhung nào đó thoáng hiện trong lòng mình. Vì thế cũng xin mượn một bài thơ xưa của một thi nhân thời Đường, sống cách nay đã hơn mười ba thế kỷ để tặng những người "lưu lạc" hôm nay.
Bài thơ không có tựa, được tác giả xếp vào loại "tạp thi". Chữ tạp trong tiếng Hán có nghĩa tạp nhạp, hỗn tạp..., nói lên một cái gì đó không có giá trị nhiều. Thế nhưng chữ tạp cũng có nghĩa là phức tạp hay rắc rối, có nghĩa là khó nói ra. Có thể là vì lý do này mà Vương Duy không sao tìm được một cái tựa thích hợp cho bài thơ của mình, hoặc cũng có thể là tác giả đã cố tình không hé lộ ý nghĩa của bài thơ qua một cái tựa nào cả, mà cứ để cho người đọc tự tìm hiểu lấy? Vương Duy là một thi nhân vô cùng kín đáo, vậy nhân ngày đầu xuân chúng ta hãy thử tìm hiểu xem ông muốn gửi gấm điều gì trong bài "tạp thi" thật ngắn của ông.
Bài thơ như sau:
雜詩 Tạp Thi
君自故鄉來 Quân tự cố hương lai,
應知故鄉事 Ưng tri cố hương sự.
來日綺窗前 Lai nhật ỷ song tiền,
寒梅著花未 Hàn mai trước hoa vị.
Dịch nghĩa:
Tạp thi
Này người quân tử từ quê lên,
Ắt rõ chuyện quê nhà.
Hôm đi ngang chiếc cửa sổ che tấm màn the,
Có thấy gốc mai của những ngày đông giá đã trổ hoa chưa?
Bài thơ khá giản dị và cũng đã được nhiều người dịch. Chỉ xin đơn cử một vài bài tiêu biểu sau đây:
Tạp Thi
Ở quê anh mới tới đây,
Việc quê anh biết đổi thay thế nào.
Hôm đi, trước cửa buồng thêu,
Cây mai mùa lạnh nở nhiều hoa chưa?
Trần Trọng Kim dịch
Tạp Thi
Nghe tin bác ở quê ra,
Em sang hỏi chút chuyện nhà xem sao.
Nhà em mé cổng bước vào,
Gốc mai nay đã nụ nào hay chưa?
Thu Tứ dịch
Tạp Thi
Vừa hay Bác ở quê ra
Việc Quê hẳn Bác rành mà…” sáu câu”
Trước song ngày lại sắc màu ?...
Hàn mai đà nở ? ;đùa nhau;…mấy cành?
Lại Quang Nam dịch
Tất nhiên bài thơ này của Vương Duy cũng đã được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương, và chỉ xin trích ra đây hai bài bằng tiếng Anh:
Random Poem
You also come from my home town,
You must know all the home town news.
At dawn, before the silken window,
Is it too cold for plum blossom to show?
(Trích trong: The World's Poetry Archive, Classic Poetry Series, 2004, Wang Wei poems, tr. 38)
Lines
You who have come from my old country,
Tell me what has happened there ! –
Was the plum, when you passed my silken window,
Opening its first cold blossom?
Witter Bynner dịch
(xin lưu ý là các chữ in đậm không được trung thực lắm với ý nghĩa trong bài thơ gốc)
Trong số các bản tiếng Việt tham khảo thì có lẽ bản dịch của cụ Trần Trọng Kim là tương đối "khá gần" với ý tứ và xúc cảm trong bài thơ của Vương Duy. Dầu sao nếu dùng thể thơ lục bát để dịch thơ Đường thì thường là không được thích hợp lắm, bởi vì nhạc và vần của lục bát quá khác biệt với âm hưởng tạo ra bằng cách đối âm và đối chữ trong các thể thơ Đường, do đó rất khó để chuyển tải một cách trung thực xúc cảm trong các thể thơ này. Tuy nhiên hai câu thơ cuối cũng trên đây cũng đã được cụ Trần Trọng Kim dịch rất khéo, tuy không làm nổi bật được ý mà Vương Duy muốn nói lên.
Bản dịch tiếng Anh thứ nhất trên đây dịch tựa là "Bài thơ ngẫu hứng" thật khéo. Thế nhưng hai câu thơ cuối thì lại hoàn toàn "lạc đề":
.........................................
Lúc hừng đông, trước cửa sổ màn the,
Phải chăng trời còn quá lạnh để gốc mận có thể đơm hoa?
Bản tiếng Anh thứ hai dịch tựa là "Vài hàng" và hai câu cuối là:
..........................................
Khi đi ngang cửa sổ che tấm màn the của nhà tôi,
Bạn có thấy gốc mận đã trổ những cánh hoa lạnh đầu mùa hay chưa?
Trong tất cả các bản dịch đã được tham khảo, tiêu biểu là các bản trên đây, đều cho thấy ý nghĩa của hai câu cuối không "thống nhất" với nhau, thế nhưng đấy lại là hai câu quan trọng nhất của cả bài thơ. Cũng xin nêu thêm một chi tiết nhỏ là cây mai ở đây có nghĩa là cây mơ hay cây mận (prunier / plum tree), bởi vì ở các vùng ôn đới không có cây mai vàng như ở miền
Trở lại với ý của toàn bài thơ thì thật ra cũng chẳng có gì là bí hiểm lắm. Hai chữ ỷ và songtrong câu 3 (Lai nhật ỷ song tiền) giúp chúng ta có thể đoán được ý mà Vương Duy muốn nêu lên. Chữ ỷ có nghĩa là vải the hay tấm lụa thêu, và cũng có nghĩa là đẹp. Chữ ỷ có nghĩa tương đương với chữ sa, là một loại lụa mỏng hay vải thưa. Chữ song có nghĩa là cửa sổ, trong Kiều có câu: "Gương nga chênh chếch dòm song" (câu 173). Nếu đem ghép hai chữ song và sa với nhau thì có nghĩa là chiếc cửa sổ che lụa mỏng hay the, tức là phòng của một người con gái. Trong Kiều có câu: "Song sa vò võ phương trời, Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng" (câu 1267 và 1268) nói lên sự mong chờ của Thuý Kiều. Hai chữ hàn mai có thể hiểu là gốc mai hay cành mai giữa mùa đông chưa đơm hoa trổ lá, thế nhưng theo nghĩa bóng thì cũng có thể hiểu cành mai lạnh là một cô bé ngây thơ và vô tư chưa biết rung cảm là gì. Đây là một cách so sánh mang tính cách ẩn dụ.
Cách phân tích ý nghĩa của từng chữ trên đây cho thấy thật hết sức rõ ràng là Vương Duy có ý hỏi người ở quê lên là "người con gái ấy nay thế nào, khi xưa lúc mình ra đi thì cô bé vẫn còn thơ dại, ngày nay đã dậy thì và trổ mã hay chưa?". Biết đâu Vương Duy cũng đã ghé vào tai hỏi nhỏ người quen ở quê lên để hỏi về chuyện này, vì thế nên bài thơ cũng chỉ thuộc vào loại "tạp thi".
Ngoài ra bài thơ của Vương Duy còn mang một ý nghĩa phụ nữa, đấy là người ra đi đã lâu ngày và chưa lần nào trở lại quê nhà. Thật vậy ngày xưa ra đi cũng khó, mỗi lần trở về cũng không phải dễ. Đường xá hiểm trở, phải đi bộ, dùng ngựa, thuyền, hay ghe, không những gian nan mà còn sợ cả tai nạn xảy ra và cả các bọn cướp đường. Ngày nay tuy phương tiện tân tiến hơn thế nhưng đôi khi cũng vì những lý do khác mà mình chưa có dịp trở về cố hương. Ngày xuân nơi quê người chợt nhớ đến kỷ niệm của những ngày xưa năm cũ, nên cứ hễ gặp được ai quen vừa từ quê sang chơi thì hay hỏi chuyện quê nhà. Chỉ tiếc rằng trong bài thơ không thấy Vương Duy hỏi han gì đến cha mẹ hay bạn bè, mà chỉ thắc mắc về cô bé hàng xóm bên cửa sổ sau chiếc màn the.
Sau đây cũng xin mạn phép tạm dịch bài "tạp thi" của Vương Duy như sau:
Ngẫu hứng
Này người khách đến, cố hương xa,
Đôi lời han hỏi chuyện quê nhà.
Có thấy màn the bên song cửa,
Mai lạnh ngày xưa đã trổ hoa?
30.01.14
Trên đây chỉ là vài lời phỏng đoán ý nghĩa của vài dòng "tạp thi" của một thi nhân thời Đường, nhằm gửi tặng những người "lưu lạc". Thế nhưng riêng đối với những người tu tập Phật Giáo thì có nên rung đùi bên tách trà thơm mà hồi tưởng lại những chuyện quá khứ đại loại như thế hay không?
Thật vậy cũng có những người biết nhìn thẳng vào hiện thực dưới một góc cạnh khác hơn. Người con gái ngày xưa biết đâu hôm nay đang tay bồng tay dắt, đầu tắt mặt tối, Tết nhất đến nơi, lu bu mua sắm cho ba ngày Tết. Thế nhưng cũng biết đâu: đứa thì khóc, đứa thì la, ngược xuôi chạy nợ... Nếu nhìn bao quát hơn thì chúng ta tất sẽ thấy vô thường không những chỉ vận hành trong bối cảnh bên ngoài như trên đây mà còn tác động trên thân xác và cả bên trong tâm thức của mỗi con người chúng ta nữa. Người con gái e thẹn ngày xưa và cả chính mình trước đây không còn nữa. Mỗi con người đều liên tục biến đổi tùy thuộc vào nghiệp và bản năng thúc đẩy mình. Nếu ngồi mơ màng tưỏng nhớ đến bóng dáng một cô bé thấp thoáng sau tấm màn thưa thì đấy chỉ là cách cho thấy mình rơi ra bên ngoài hiện thực.
Tuy nhiên cũng có một số người có thể quán thấy xa hơn thế nữa, họ vượt lên cả những biểu hiện của vô thường để nhìn thấy bản chất đích thật của mọi hiện tượng. Chỉ cần giới hạn trong lãnh vực văn chương cũng đủ để thấy rằng thi phú cũng chỉ là ngôn từ, và ngôn từ thì cũng chỉ là quy ước. Một bài thơ gồm một số ngôn từ sắp xếp theo một quy luật nào đó cũng chỉ nhằm gợi lên một số xúc cảm để tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác. Chẳng phải là rung đùi để thưởng thức bài thơ trên đây cũng chỉ là một cách tự tách rời mình ra bên ngoài hiện thực hay sao?
Tuy nhiên thi phú dưới một khía cạnh nào đó cũng có thể xem như một phương tiện hay một công cụ tận dụng sức mạnh của xúc cảm để hướng tư duy theo một chiều hướng mà mình mong muốn. Nếu là người tu tập, và dù mình là người làm thơ hay thưởng thức thơ, thì cũng nên ý thức điều này để không rơi ra bên ngoài con đường mà mình đang bước đi.
Vương Duy làm quan dưới triều vua Đường Huyền Tông, thế nhưng sau khi An Lộc Sơn đánh chiếm Trường An thì ông không bỏ trốn theo Đường Huyền Tông. An Lộc Sơn bắt ép ông trở ra làm quan, và chỉ được một thời gian sau thì ông xin rút lui vì bất mãn. Khi Đường Huyền Tông khôi phục lại ngai vàng thì đáng lý ra ông phải tội phản, thế nhưng nhờ người em là Vương Tấn làm quan to nên xin tha cho ông và sau đó lại được làm quan trở lại. Người ta cho rằng đến lúc tuổi già thì ông bắt đầu chán ngán lợi danh nên đã tu thiền.
Ngoài ra cũng xin kể thêm trường hợp của nhà thơ Tô Đông Pha (1037-1101). Người ta thường ca ngợi các bài "thơ thiền" thật tuyệt vời của ông. Thế nhưng ông cũng chỉ là một người thất chí, bị vua Thần Tông giáng chức và cử đi làm tri huyện Hàng Châu, một thị trấn bé xíu vào thời bấy giờ. Một hôm ông gửi một bài cho thiền sư Phật Ấn xem và cứ đinh ninh vị sư này tất sẽ phải khen mình. Thế nhưng Phật Ấn phê ngay một câu là "đồ đánh rắm" (độc giả có thể xem giai thoại này trong một bài viết ngắn mang tựa là Tám mối lo toan thế tục trên Thư Viện Hoa Sen).
Sự kiện nêu lên vài nét về cuộc đời của các thi nhân lừng danh trên đây không hề có ý chê trách mà chỉ để nói lên một sự tương phản nào đó nơi mỗi con người, một sự giằng co giữa bản năng và những xúc cảm thanh cao và thoát tục trong lòng mình. Vương Duy không phải chỉ viết các bài tạp thi đại loại như trên đây mà còn trước tác nhiều vần thơ thật sâu sắc, chẳng hạn như trong bài sau đây:
酬張少府 Thù Trương thiếu phủ
晚年惟好靜, Vãn niên duy hiếu tĩnh,
萬事不關心。 Vạn sự bất quan tâm.
自顧無長策, Tự cố vô trường sách,
空知返舊林。 Không tri phản cựu lâm.
松風吹解帶, Tùng phong xuy giải đới,
山月照彈琴。 Sơn nguyệt chiếu đàn cầm.
君問窮通理, Quân vấn cùng thông lý,
漁歌入浦深。 Ngư ca nhập phố thâm.
Xin tạm dịch nghĩa như dưới đây:
Mời rượu vị quan phủ trẻ họ Trương
Về già chỉ muốn được yên thân,
Không còn quan tâm đến bất cứ gì nữa cả.
Xưa nay cũng chẳng giỏi giang gì,
Nay cũng không biết làm gì hơn ngoài việc quay về với khu rừng cũ.
Gió xuyên qua các cành tùng làm tung bay dải thắt lưng.
Trăng trên núi rọi xuống chiếc đàn cầm.
Nếu ai đấy có hỏi cái lý lẽ cuối cùng là gì?
Thì có nghe chăng tiếng hát của người câu cá xa tít trên bến sông?
Tất nhiên là bài thơ này cũng có nhiều bàn dịch sang tiếng Việt và cả các ngôn ngữ Tây Phương. Xin trích dẫn dưới đây một vài bản dịch tiêu biểu: một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Pháp và hai bằng tiếng Anh, nhằm nêu lên vài quan điểm và cách dịch khác nhau, hầu giúp chúng ta tìm hiểu cặn kẽ hơn về bài thơ gốc của Vương Duy:
Bản dịch tiếng Việt của Trần nhất Lang:
Mời rượu huyện uý họ Trương
Chuỗi ngày còn lại sống âm thầm,
Mọi việc trên đời chẳng để tâm.
Đã biết tập bầy mưu chẳng có,
Thà về trở lại núi xưa thăm.
Gió thông phất phới bay tà áo,
Trăng núi lung linh rọi phím cầm.
Cái lẽ "Cùng Thông" người mới hỏi,
Hãy nghe chài hát vọng bên đầm.
Bản dịch tiếng Pháp của Sophie Annah:
Sur le tard, je n’aime que la quiétude
Sur le tard, je n’aime que la quiétude.
Loin de mon esprit la vanité des choses.
Dénué de ressources, il me reste la joie
De hanter encore ma forêt ancienne.
La brise des pins me dénoue la ceinture;
La lune caresse les sons de ma cithare.
Quelle est, demandez-vous, l’ultime vérité?
Chant de pêcheur, dans les roseaux, qui s’éloigne
Không thấy dịch giả dịch tựa của bài thơ mà chỉ mượn câu thơ thứ nhất để làm tựa. Thật vậy tựa của bài thơ của Vương Duy khá rắc rối, không thấy bản dịch nào dịch thật sát nghĩa: chữthiếu phủ có nghĩa là vị quan phủ trẻ tuổi, không có nghĩa là vị phó phủ hay uý phủ. Tựa bài thơ cho thấy Vương Duy mượn ý trong bài thơ này để tâm sự với một vị quan còn trẻ trước khi rút lui vào nơi ẩn dật.
Bản dịch tiếng Anh thứ nhất:
To The Honorable Magistrate Zhang
As of late, all I like
is quiet.
Far from my mind
the vanity of things.
Stripped of all resources,
what I have left is the joy
Of hanging around again
in my old forest.
The breeze in the pines
undoes my sash;
The moon caresses the sounds
of my dulcimer.
What is, you ask,
the ultimate truth?
Song of the fisherman
in the reeds, fading into the distance….
Grace Gravelle dịch
Bản dịch tiếng Anh thứ hai dưới đây không thấy dịch tựa bài thơ:
Life at dusk, in careless quiet.
The tasks are done, my mind turned free:
No more career to plan for,
Only the hills have work for me.
Pine-winds blow on my loosened sash,
Moon lights upon my lute-plucking hand.
You asked about duty. All I know:
A fisherman’s tune drifts up from the river.
David Warren dịch
Tất nhiên là các bản dịch trên đây, nhất là các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương, cho thấy có nhiều chỗ không đúng hoặc hiểu sai. Chúng ta sẽ không phân tích toàn bộ các bản dịch trên đây, mà chỉ chú trọng đến hai câu thơ cuối cùng là câu 7 và câu 8 mà thôi, và đấy cũng là hai câu sâu sắc nhất trong toàn bài thơ.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu các chữ quan trọng nhất trong hai câu này. Trong câu 7 (Quân vấn cùng thông lý): chữ thông có nghĩa là thông suốt không có gì cản trở; chữ cùng có nghĩa là tột cùng; chữ lý gốc từ chữ lý học là một triết thuyết thuộc lãnh vực luận lý. Tóm lại ba chữcùng thông lý có nghĩa là "cái lý thông suốt tột cùng" hay là "cái nguyên lý tối thượng" của hiện thực. Bản dịch tiếng Việt giữ nguyên tiếng Hán là "Cùng Thông" khiến người đọc khó hiểu ý nghĩa là gì. Bản tiếng Pháp và bản tiếng Anh thứ nhất dịch là "sự thật tột cùng" hay "tối thượng" (vérité ultime / ultimate truth) rất hay và rất đúng. Bản tiếng Anh thứ hai dịch là nghĩa vụ hay trách nhiệm (devoir / duty) là hoàn toàn sai.
Trong câu 8 (Ngư ca nhập phổ thâm): chữ phổ có nghĩa là bến sông, bờ sông hay ven sông. Chữ này khiến liên tưởng đến hai câu tuyệt tác của Bà Huyện Thanh Quan:
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Viễn phố có nghĩa là bến sông xa. Hình ảnh của một buổi hoàng hôn đang buông xuống với những tia nắng thấp cuối cùng, một lão già câu cá ghé vào một bến sông xa tít và một cậu bé chăn trâu gõ sừng để thúc trâu quay về một thôn ấp hẻo lánh, biết đâu cũng đã mở ra một bầu không gian mênh mông và gợi lên sự quay về một nơi nào đó thật êm ả và sâu kín trong lòng mỗi người trong chúng ta?
Bản tiếng Pháp dịch hai câu thơ thứ 7 và 8 là:
Nếu bạn hỏi tôi sự thật tối hậu là gì?
[Thì cứ hãy lắng nghe] tiếng hát của gã đi câu xa dần trong những bờ lau sậy.
Bà Huyện Thanh Quan là một thi nhân và một nhà Hán học, tất bà cũng đã từng đọc hai câu thơ trên đây của Vương Duy.
Bản tiếng Anh thứ nhất dịch haì câu này là:
Bạn muốn biết sự thật tối hậu là gì à?
Đấy là tiếng hát của gã đi câu xa dần trong những bờ lau sậy.
Bản tiếng Anh thứ hai dịch là:
Bạn muốn hiểu trách nhiệm là gì à? Những gì tôi hiểu:
Đấy là tiếng hát của gã đi câu vang xa trên dòng sông.
Hai câu thơ của Vương Duy không những tuyệt vời trên phương diện thi pháp mà còn nói lên cả một quan điểm vô cùng sâu sắc trong Phật Giáo: đó là tính cách vô nghĩa trong tất cả các sự thắc mắc của con người. Ngôn từ cũng chỉ là các quy ước giả tạo và hạn hẹp. Một trong các phương pháp trong giáo lý nhà Phật giúp đánh thức con người và đưa họ ra khỏi những sự vướng mắc quy ước và khái niệm, là cách đánh lạc hướng tâm thức họ và cắt đứt dòng tư duy vô minh đang khuấy động họ, bằng một sự yên lặng tuyệt đối hoặc bằng cách bất ngờ chuyển tâm thức họ và dòng tư duy của họ sang một thứ gì đó thật phi lý. Đấy là cách giải đáp và đồng thời cũng không giải đáp những thắc mắc đang bùng lên trong đầu họ. Hai câu thơ trên đây của Vương Duy xứng đáng là một công án Thiền Học với tất cả ý nghĩa của nó.
Bures-Sur-Yvette, 31.01.14
(mùng một Tết Giáp Ngọ)