;
>Đại học phật giáo việt nam đang ở đâu?
Trong khi chúng tôi tăng cường viết bài về giáo dục xã hội Phật giáo, nhưng không hề được chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo cũng như bạn đọc tăng ni Phật tử quan tâm chú ý (mọi phản hồi trên web, blog, email, facebook đều thiên về những đề tài khác), thì tin Giáo hội Ca tô La Mã Việt Nam sắp mở đại học tư thục lan nhanh trên truyền thông, từ các trang tin của đạo này cho đến đài phát thanh RFA.
Trang “Giáo phận Thái Bình”, giaophanthaibinh.org, đã dẫn lại trang tin “Vatican Insider” đồng thời đưa tin thêm như sau: “Việc thành lập đại học mới đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại đất nước cộng sản này và là một bước tiến tới quyền tự do giáo dục trọn vẹn.
Trang Vatican Insider đưa tin: “Đại học Công giáo đầu tiên của Việt Nam không còn là một ảo tưởng nữa. Nó sắp trở thành một thực tại. Theo Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Sài Gòn, cơ cấu có thể sẵn sàng trong vòng một năm tới. Nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, dấu của một sử trở lại quyền tự do giáo dục, mà chính quyền cộng sản đã từ chối trong 60 năm qua”.
Vatican Insider cho biết: Đức cha Phaolô đã giải thích rằng “lối tiếp cận đối thoại với chính quyền đang đem lại kết quả”. Khi mối quan hệ song phương dần dần dễ chịu, các Giám mục đã chỉ ra rằng càng ngày các trường đại học và các trường tư, được điều hành bởi các đại học và tổ chức ở nước ngoài thuộc Á Châu, Úc Châu và Âu Châu, đang mọc lên trong thập niên vừa qua. Trường đầu tiên được thành lập vào năm 2001. “Vậy tại sao Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lại bị tước đi quyền này? Đặc biệt dựa vào những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục quốc gia, vốn hiển nhiên từ những con số về nền giáo dục Việt Nam”. Giáo Hội Công Giáo có thể mang lại triết lý và kinh nghiệm giáo dục của mình để giáo dục người ta trở nên những con người có trách nhiệm, vì lợi ích của toàn thể xã hội,” Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam khẳng định.
Cũng theo Vatican Insider, trong nhiều thập niên bị đứng ngoài hệ thống giáo dục độc quyền của Nhà Nước, các Giám mục đã khai triển kế hoạch và hành động một khi các ngài thấy một lỗ hỗng nơi các trường học. Các ngài xem xét thành lập đối tác với Đại học Công Giáo Paris và đi đến ý tưởng thiết lập một Học viện Thần Học tại Sài Gòn. Đồng thời, các ngài tìm kiếm quy chế cho Học Viện mới từ Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh. Theo Vatican Insider, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc nói điều này sẽ được cho phép “rất sớm”.
Vatican Insider trích dẫn lời Đức Cha Phaolô: “ Chúng tôi tin chắc. Nó sẽ đánh dấu một bước tiến triển quan trọng vì ích chung của đất nước, một dấu hy vọng to lớn cho một tương lai tươi sáng hơn đối với Việt Nam”. “Giáo dục là chìa khóa và đối với Giáo Hội, sự tự do giáo dục là một phương tiện quan trọng thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cho xã hội hôm nay”. Các Giám mục sẽ thảo luận những bước cụ thể để thiết lập học viện mới này, vào cuộc họp sắp tới, sẽ diễn ra vào ngày 27-30/10/2014, tại Nha Trang.
Ý tưởng mở một đại học Công giáo hình thành cách đây hơn 3 năm. Trong Thư mục vụ năm 2010, có tựa đề “ Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, Giáo Hội Việt Nam đã tuyên bố rằng Giáo Hội sẵn sàng đóng góp vào việc phát triển đất nước trong lãnh vực giáo dục, một lãnh vực quan trọng để uốn nắn giới trẻ và lương tâm của họ. Bức thư đã chính thức yêu cầu chính quyền “mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường”
Điều chúng tôi dự báo và coi đó là điều các nhà lãnh đạo Phật giáo phải lưu ý trong tầm nhìn về tổ chức giáo dục xã hội Phật giáo đã sắp diễn ra. Đây không phải là tin đồn hay suy diễn chủ quan của tác giả Minh Thạnh, mà đã là tin từ báo mạng của Vatican. Trang web đài RFA có chụp lại cả bản tin này từ “Vatican Insider”.
Như vậy, bối cảnh hoạt động giáo dục tôn giáo tại Việt Nam từ đây sẽ hoàn toàn khác trước và bối cảnh đó thay đổi hoàn toàn vị trí của các tôn giáo trong giáo dục xã hội. Trước đây, các tôn giáo khác chỉ có trường đào tạo tu sĩ. Đạo Ca tô La Mã có thêm hệ thống giáo dục mầm non khá phát triển, trong khi Phật giáo có một vài lớp. Nhưng cả hai tôn giáo đều không có giáo dục đại học. Bây giờ, đạo Ca tô La Mã sẽ có đại học tư thục, còn Phật giáo vẫn không.
Đại học tư thục của đạo Ca tô La Mã sẽ đặt cơ sở ở đâu? Điều này chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn họ đã chuẩn bị kỹ càng. Đã có hoạt động xây dựng lớn trong khu Trung tâm Mục vụ TPHCM, ngay giữa trung tâm Sài Gòn, gần cơ sở của Chính phủ, chứ không phải xã Lê Minh Xuân huyện ngoại thành Bình Chánh như trường của Phật giáo.
Họ giải quyết các vấn đề về luật pháp như thế nào để mở lại hệ thống giáo dục tư thục Ca tô La Mã? Tôi nghĩ là các chuyên gia luật học của họ đã hoàn tất các bước đi cần thiết, thì “Vatican Insider” mới loan tin rộng rãi, mà không sợ trở ngại. Hơn nữa, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo đang trong quá trình sửa đổi theo hướng cởi mở hơn. Còn các chuyên gia luật học đạo Ca tô La Mã chắc cũng sẽ có một cách diễn giải sao đó để xin phép thì mới có tin với giọng điệu lạc quan, có phần ngạo mạn như thế.
Bản tin dẫn trên nói đến một “học viện thần học”, tức có thể là một dạng vẫn là trường tôn giáo. Nhưng sẽ khác với chủng viện, vì sẽ tuyển sinh rộng rãi như những trường đại học khác. Như vậy, đã không còn là giáo dục tu sĩ mà là giáo dục xã hội. Chúng ta chú ý, đó là giáo dục xã hội, như là hệ thống đạo Ca tô La Mã đã có trước năm 1975 ở miền Nam, chỉ có khác là còn giới hạn về ngành đào tạo.
Vì thế, nên bản tin gọi “việc thành lập đại học mới đánh dấu một bước ngoặt lịch sử với Giáo hội Công giáo Việt Nam tại đất nước này và là một bước tiến tới quyền tự do giáo dục trọn vẹn”.
Nếu chỉ là giáo dục tu sĩ mở rộng thì sao mà nội dung bản tin bộc lộ vui mừng đến vậy. Dù là trường thần học, nhưng sẽ có đại học tư thục (không phải đại chủng viện, một loại như học viện Phật giáo), có ban giám hiệu là linh mục, giám mục, có trường lớp treo bảng “Công giáo” (đạo Công, đạo phổ quát, cho tất cả, ngược với đạo “tư”).
Chúng tôi dự đoán họ sẽ phát triển theo các kịch bản như sau:
- Treo bảng “thần học”, cấp bằng thần học, nhưng dạy cả triết học tây phương cấp chứng chỉ phụ, một ngành học rất quý tộc, thời thượng, lịch sự, là ngành khoa học xã hội được không ít người giàu có ưa chuộng. Hiện nay giảng viên triết học các trường đại học trong nước am hiểu về triết học phương Tây chắc chắn không bằng các linh mục. Vì các linh mục du học ở Tây Âu và Bắc Mỹ, còn giảng viên triết học nếu có du học trước đây, thì chỉ học ở Nga hay Đông Âu, không thể so sánh với các linh mục trong việc dạy triết học phương Tây.
- Các môn hỗ trợ như truyền thông, tâm lý học, giáo dục học, xã hội học… sẽ được chú trọng. Nên người tốt nghiệp dù cầm bằng thần học, nhưng sẽ có thể có năng lực ở nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quản lý con người. Khi đó, bảo chứng không phải là ngành học, mà văn bằng do đại học tư thục Công giáo… cấp, cũng với chứng chỉ phụ.
- Các môn hỗ trợ như tin học, ngoại ngữ được chú trọng đặc biệt, nên người tốt nghiệp dù là thần học vẫn có năng lực trong các bộ môn này và có thể tìm việc theo hướng kể trên.
- Các doanh nghiệp chủ nhân theo đạo Ca tô La Mã sẽ được giáo hội khuyến khích nhận những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ “thần học”, nhưng được đào tạo rất kỹ về tin học, ngoại ngữ, các ngành khoa học xã hội.
- Thần học có thể chỉ là môn học để truyền đạo, cải đạo. Nó có thể được ghép với một ngành đào tạo phụ, nhưng thực chất là ngành chính (như có trường hợp khoa Nga văn đào tạo phối hợp Nga Anh, Nga Văn chỉ là lý do để khoa tồn tại, còn sinh viên chú trọng trau giồi Anh văn để tìm việc).
Dù theo kịch bản nào thì rõ ràng đây không còn là giáo dục tu sĩ, mà là giáo dục xã hội. Điều này chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các nhà lãnh đạo Phật giáo, rằng nên thay tên Ban Giáo dục Tăng ni thành Ban Giáo dục, mở rộng phạm vi đối tượng đào tạo và quan tâm đến giáo dục xã hội.
Bản tin nói đến giáo dục xã hội như một mục tiêu lớn trong nội dung Thư Mục vụ năm 2010, chính thức yêu cầu “mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường”. Họ nói rất khéo là “các tôn giáo”, nhưng thực ra chỉ có đạo Ca tô La Mã là chuẩn bị đầy đủ về mặt nhận thức, nhân sự và phương tiện. Còn phía Phật giáo thì mới chỉ nêu ý tưởng thì đã bị bài xích là “thế pháp”.
Nếu sự việc diễn ra theo lộ trình nêu trên bản tin, thì chỉ khoảng 1 năm nữa thôi, Phật giáo Việt Nam sẽ ngơ ngác đứng bên lề hoạt động giáo dục xã hội tôn giáo, rơi vào tình thế suy sụp chiến lược, tự cô lập chỉ trong hoạt động cúng bái.
Thông tin, thảo luận riêng: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.