;
Như chúng ta đã biết, mục đích và ý nghĩa thiêng liêng về sự ra đời của Đức Phật là nhằm khai hóa ánh sáng trí tuệ và khơi nguồn đạo đức trong đời sống nhân gian, Thật vậy, chỉ có phát triển đời sống trí tuệ và đạo đức trong tâm hồn mỗi con người, thì chúng ta mới có thể mang lại nguồn an lạc và chân hạnh phúc trong đời sống. Nhìn lại trong suốt quá trình 30 năm hình thành và phát triển, thì mục đích hoằng hóa độ sanh vẫn luôn là mục đích tối thượng của GHPGVN, thể hiện sứ mạng thiêng liêng cao cả mà Đấng Từ Phụ đã từng chỉ dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Kể từ ngày GHPGVN được thành lập đến nay đã 30 năm, mặc dù Phật giáo đã phát triển lớn mạnh trên khắp mọi miền đất nước trong suốt thời gian gần một phần ba thế kỷ qua, tuy nhiên công tâm nhìn nhận thì giữa Phật giáo vùng đồng bằng với Phật giáo vùng miền núi, giữa Phật giáo miền ngược và Phật giáo miền xuôi vẫn còn sự chênh lệch khá xa trong việc thọ nhận nguồn văn hóa Phật giáo cũng như tiếp nhận ánh sáng giáo lý Phật Đà. Có thể nói rằng, đây là một sự thiệt thòi đáng tiếc của quần chúng Phật tử vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy mà việc truyền bá Phật pháp đến tận vùng sâu vùng xa cần phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu của sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, nhất là trong thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ như thời đại ngày nay.
Tính đặc thù của vùng sâu vùng xa:
Một khi nói đến vùng sâu vùng xa chúng ta liên tưởng ngay đến những địa bàn xa xôi cách trở, phương tiện giao thông đi lại chưa được thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn khiêm tốn, đời sống kinh tế người dân còn khó khăn, trình độ dân trí còn giới hạn. Đối với những vùng sâu vùng xa thuộc địa bàn miền núi, nơi tập trung đa phần đồng bào dân tộc thiểu số, thì những khó khăn như vậy có chiều hướng cao hơn.
Một điều đáng lưu ý là bà con vùng sâu vùng xa đa phần thiên về tín ngưỡng dân gian, trong đó phần đông bị ảnh hưởng những tập tục hủ lậu, mê tín dị đoan, mà gốc rễ vốn đã ăn sâu trong tiềm thức, lại được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Do trình độ dân trí chưa cao, thêm vào đó là điều kiện sinh hoạt văn hóa chưa được đáp ứng thỏa đáng, nên lúc nhàn rỗi, đa phần giới trẻ thường lao vào cờ bạc rượu chè, xem đây là thú vui tiêu khiển. Nếp sống lạc hậu và không có định hướng như vậy lâu ngày trở thành thói quen trong sinh hoạt thường ngày của một bộ phận thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa khi chưa có ánh sáng văn hóa Phật giáo soi rọi đến. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, do bản chất thật thà, nên rất dễ bị thành phần bất hảo lợi dụng vào những mục đích không lành mạnh. Điều này dẫn đến việc bất ổn an ninh trật tự chắc chắn là điều khó tránh khỏi.
Nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần tại vùng sâu vùng xa và giải pháp:
Do điều kiện và hoàn cảnh còn khó khăn, với một đời sống tinh thần còn khiêm tốn, nên sự khao khát được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng sâu vùng xa là nhu cầu chánh đáng cần được đáp ứng kịp thời.
Thật ra, với sự phát triển sâu rộng của Phật giáo trong thời đại ngày nay, thì hiện nay, tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa, kể cả những nơi được xem là tận cùng tổ quốc thì cũng đã có ngôi Tam Bảo, chẳng hạn như trên huyện đảo Trường Sa cũng đã có một vài ngôi chùa phục vụ đời sống tín ngưỡng tâm linh cho bà con. Chính vì vậy mà đối với những nơi vùng sâu vùng xa đã có chùa chiền tự viện, thì vị trụ trì những nơi đây cần phải dấn thân hòa nhập, tùy thuận nhân duyên để làm tốt công tác truyền bá Phật pháp.
Đối với một vị trụ trì tháo vát, năng động, tâm huyết với sứ mạng độ sanh, thì việc kết hợp với chánh quyền hay đứng ra vận động tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật có nội dung giáo dục và giải trí lành mạnh, điều này sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu khát khao được thụ hưởng văn hóa tinh thần của bà con, hoạt động văn hóa văn nghệ trước mắt sẽ thay thế những thú vui tai hại và vô bổ. Sâu xa hơn, những hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ đối với bà con vùng sâu vùng xa, sẽ là nhịp cầu gần gũi giúp bà con đến với đạo Phật một cách tự nhiên thân thiện. Nếu thực hiện được điều này, chúng tôi tin tưởng rằng, chẳng những đời sống văn hóa tinh thần của người dân sẽ ngày càng khởi sắc, mà đời sống đạo đức tâm linh cũng sẽ trở nên thuần thục.
Trong vai trò đồng hành, tích cực đưa ánh sáng giác ngộ của Phật Đà đi vào đời sống, đồng thời phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm, các vị trụ trì tại vùng sâu vùng xa, cần tranh thủ tham gia các hoạt động công ích xã hội, tham gia các cuộc vận động do địa phương phát động vì lợi ích cộng đồng để tạo sự gắn bó hài hòa với bà con, qua đó góp phần phát huy được những giá trị tinh thần tốt đẹp, loại bỏ được những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo tồn được nét văn hóa truyền thống tiêu biểu.
Trên căn bản của nền móng từ bi trí tuệ và trên thực tiễn đời sống tu tập hành đạo của Tăng Ni Phật tử thì đạo Phật chính là một một nền giáo dục đạo đức nhân cách cho con người và khơi nguồn tuệ giác trong chốn nhân gian, góp phần vào sự nghiệp giáo dục đạo đức trong đời sống cộng đồng xã hội, góp phần không nhỏ vào việc ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương một cách lâu dài bền vững. Nói một cách cụ thể hơn, những vị trụ trì tại các vùng sâu vùng xa cần phải gương mẫu trong các công tác liên quan đến giáo dục, từ thiện xã hội, góp phần tăng cường mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, động viên và vận động hỗ trợ bà con tín đồ Phật tử xóa đói giảm nghèo, tăng cường tinh thần đoàn kết trong khu dân cư và xây dựng môi trường đạo đức văn hóa lành mạnh.
Thuận lợi trong công tác hoằng pháp tại vùng sâu vùng xa:
Như chúng tôi đã trình bày, đặc điểm tâm tánh của người dân vùng sâu vùng xa đa phần thật thà chất phác, tinh thần thoải mái cởi mở thân thiện. Họ rất dễ tin vào những hiện tượng thiêng liêng mầu nhiệm theo cảm tính chứ không cần động não hay phân tích sâu xa, đã vậy một khi họ đã tin vào điều gì thì niềm tin rất mãnh liệt. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để các nhà hoằng pháp tranh thủ gieo vào tâm thức họ hạt giống từ bi trí tuệ và đạo đức tâm linh.
Một điều nữa, dù nói là vùng sâu vùng xa, nhưng kỳ thật nơi nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta cũng có người nhân sĩ, cũng có người trí thức sinh sống. Họ có thể là một thầy cô giáo, một y tá, một cán bộ văn hóa thông tin, một bậc cao niên đã từng trải nghiệm đường đời hay những thanh niên có học vấn… dù thành phần này chỉ là số ít, tuy nhiên họ lại là lớp người được bà con tin cậy. Để công tác truyền bá Phật pháp thuận lợi, các nhà hoằng pháp cần để tâm nhiều đến họ, bởi thành phần này, một khi đã thâm nhập Phật pháp thì họ sẽ là những “hoằng pháp viên” nhiệt tình và thấu hiểu tâm lý cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con nhiều nhất. Có thể nói họ chính là cơ sở nòng cốt trợ lực rất nhiều cho ngành hoằng pháp.
Do đặc điểm và điều kiện sinh hoạt văn hóa của bà con vùng sâu vùng xa còn hạn chế, nên các hoạt động văn hoá nghệ thuật rất dễ thu hút người dân đến tham gia. Chính vì vậy, các nhà hoằng pháp trẻ nên quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ mang nội dung giáo dục đạo đức và chuyển tải thông điệp Phật pháp đến bà con. Đây cũng là một trong những thuận lợi để các nhà hoằng pháp trẻ phương tiện dẫn dắt bà con vào nghôi nhà Phật pháp.
Khó khăn trong công tác hoằng pháp tại vùng sâu vùng xa và giải pháp:
Như chúng ta đã biết, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc tiếp nhận ánh sáng Phật pháp của bà con vùng sâu vùng xa, đó là trình độ dân trí của người dân còn thấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thông hiểu giáo lý nhà Phật.
Mặc khác, bà con vùng sâu vùng xa, đa phần mang nặng tín ngưỡng thờ cúng dân gian, tư tưởng và giáo lý với những thuật ngữ Phật pháp rất khó lãnh hội và đối với họ hãy còn xa lạ, điều này dễ dẫn đến mặc cảm, thiếu tự tin khi bước vào nhà Phật, vì không thấu hiểu và sâu sát Phật pháp, nên dần dần họ xem đạo Phật như là tín ngưỡng dân gian, nếu có dịp đến một ngôi chùa nào đó, thường thì họ chỉ quan tâm đến việc cầu xin phước lộc, cúng sao, giải hạn chứ không quan tâm đến việc tìm hiểu, học hỏi giáo lý. Đây là một trong những khó khăn rất lớn đối với các nhà hoằng pháp.
Tuy nhiên, dù trình độ dân trí còn giới hạn, nhưng tâm hồn bà con cũng rất nhạy cảm và dễ dàng phân biệt đúng sai phải quấy, nhất là họ rất dễ phát sinh thiện tình thiện chí đối với tình cảm chân thật, họ cũng dễ dàng đón nhận những điều hay lẽ phải phù hợp với đạo đức truyền thống của tổ tiên và những nghĩa cử cao đẹp hiển bày trong đời sống hằng ngày. Nắm bắt được điều này, các nhà hoằng pháp chỉ cần có một nền tảng giới hạnh và thể hiện một đời sống gần gũi hòa đồng, tạo nhân duyên tiếp xúc thân thiện, chia sẻ giáo lý với bà con một cách cởi mở tự nhiên, có nội dung gần gũi dễ nghe dễ hiểu.
Tại những địa bàn vùng sâu vùng xa, đa phần hoàn cảnh đời sống người dân còn nghèo khó, nên bà con luôn phải tất bật với công việc mưu sinh, bên cạnh đó có nhiều nơi chưa thành lập cơ sở Phật giáo, chính vì vậy mà công tác hoằng pháp thường gặp nhiều khó khăn trở ngại. Do vậy, bước đầu của công tác hoằng pháp tại những vùng sâu vùng xa, chúng ta nên chú trọng đến công tác từ thiện xã hội, bởi xuất phát từ trải nghiệm thực tế trong công tác hoằng pháp đã cho chúng tôi thấy rằng, vị Tăng Ni nào hoạt động xã hội nhiều thì trong công tác hoằng pháp thường gặp thuận lợi hơn.
Một vài giải pháp cho công tác truyền bá Phật pháp đến vùng sâu vùng xa:
Căn cứ vào đặc điểm tình hình, điều kiện và hoàn cảnh sinh hoạt của đồng bào vùng sâu vùng xa, để công tác truyền bá Phật pháp có thể đến tận vùng sâu vùng xa của tổ quốc, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
1/ Đối với những vùng sâu vùng xa chưa có ngôi Tam Bảo, thì rất cần sự quan tâm sâu sắc của Giáo Hội nên kịp thời cắt cử những giảng sư có năng lực, tận tâm với sứ mạng hoằng pháp độ sanh đến những nơi này. Để công cuộc hoằng truyền Phật pháp đến tận vùng sâu vùng xa của tổ quốc mang lại hiệu quả thiết thực, thì trước mắt rất cần tinh thần dấn thân tự nguyện vì lợi ích tha nhân của các nhà hoằng pháp trẻ… Thiết nghĩ, việc xếp lịch ưu tiên và tăng cường các buổi thuyết giảng tại những vùng sâu vùng xa là việc cần thực hiện ngay, vì đây là giải pháp tối ưu và khả thi, nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng ra sức truyền bá Phật pháp đến tận vùng sâu vùng xa.
2/ Ngoài việc cắt cử những giảng sư có năng lực, tận tâm với sứ mạng hoằng pháp độ sanh đến những nơi vùng sâu vùng xa thuyết pháp, Giáo hội nên có quy hoạch phân công cụ thể mỗi địa bàn vùng sâu vùng xa từ một đến hai vị Tăng (Ni) đảm nhận công tác hoằng pháp định kỳ hằng tuần hoặc hàng tháng, từ đó tiến đến thành lập cơ sở hạ tầng Phật giáo (Chùa, Niệm Phật Đường), phân bổ những vị Tăng Ni có tâm huyết và năng lực đến đảm nhận trụ trì tiếp tục công tác truyền bá Phật pháp thường xuyên.
3/ Do đặc điểm của vùng sâu vùng xa hiện nay đa phần có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số anh em sinh sống, trình độ dân trí chưa cao và đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân còn rất khiêm tốn, đa phần ảnh hưởng mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, nên rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, do vậy chúng tôi đề nghị Giáo hội cần chủ động vận động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Phật giáo như các Niệm Phật đường hoặc những ngôi Tam Bảo có quy mô phù hợp với từng địa phương. Các Niệm Phật đường tại những nơi này sẽ vừa là ngôi Tam Bảo để Phật tử đến tụng kinh bái sám, vừa là nơi giao lưu văn hóa, cùng một lúc đáp ứng cả hai nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và nhu cầu giải trí văn hóa tinh thần.
4/ Văn hóa nghệ thuật là phương tiện chuyển tải thông điệp Phật pháp hữu hiệu nhất, là nhịp cầu thuận lợi giúp cho bà con dễ dàng đến với đạo Phật, nhất là đối với đồng bào vùng sâu vùng xa, khi mà đời sống văn hóa tinh thần còn thiếu thốn. Do vậy Giáo hội cần chú trọng việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật có nội dung giáo dục đạo đức và chuyển tải thông điệp Phật pháp. Nên có lịch trình thuyết giảng kết hợp hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp và định kỳ. Điều này sẽ tạo cho bà con tâm lý háo hức trông mong chờ đợi các nhà hoằng pháp đến và sẽ tạo nên không khí hưng phấn trong mỗi kỳ đi hoằng pháp và trong mỗi thời thuyết giảng.
5/ Vì mục đích hoằng pháp lợi sanh, Giáo hội nên vận động các vị trụ trì, thay vì thường tổ chức Phật tử hành hương đến những danh lam thắng cảnh, thì hướng Phật tử đến những vùng sâu vùng xa để hỗ trợ vật chất và ủy lạo tinh thần cho bà con còn thiếu thốn. Các vị trụ trì có thể vận động văn nghệ sĩ tham gia biểu diễn văn nghệ tạo tâm lý hứng khởi cho bà con trên tiến trình đến với đạo Phật.
6/ Giáo hội cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân sự phục vụ công tác hoằng pháp tại các vùng sâu vùng xa và đề ra phương án khả thi trong việc truyền bá Phật pháp đến những nơi này. Ban Hoằng pháp cần tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các Tăng sĩ đảm trách nhiệm vụ hoằng pháp và phát triển đội ngũ hoằng pháp viên tự nguyện. Theo đó, những Tăng sĩ đảm nhận vai trò hoằng pháp cần được phân công cụ thể đến những vùng sâu vùng xa và phải xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp tu hành của bản thân. Đối với những Tăng sĩ thường xuyên hoằng hóa ở những vùng sâu vùng xa, nhất là những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thì Giáo hội cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi.
Trong thời đại mới, thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, đất nước phải đối mặt với muôn vàn thách thức, trong vai trò đồng hành cùng dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc trong đời sống cộng đồng, thì những địa bàn vùng sâu vùng xa sẽ rất cần đến dấu chân của các nhà hoằng pháp có trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc.
TT. Thích Huệ Thông
UV. Hội đồng Trị sự GHPGVN
Trưởng Ban Trị sự THPG Bình Dương - GHPGVN.VN