;
Rau mùi là loại gia vị rất phổ biến tại Việt Nam
1. Một số thông tin chung về rau mùi
Rau mùi xuất hiện rất thường xuyên trong các bữa cơm gia đình, nhưng ít ai biết được những công dụng đặc biệt của loại rau thơm này.
Đặc điểm
Rau mùi còn có tên khác là ngò rí, mùi ta. Cách gọi tùy thuộc từng địa phương. Là cây thân cỏ, rễ cọc, thân nhỏ, cao chừng 30 - 60cm. Cây cao lớn hay thấp tùy thuộc chất đất và cách chăm sóc của người trồng. Quả rau mùi có hình cầu, khi non có màu xanh, già có màu nâu đen, mùi hắc và khó ngửi. Đây là loại gia vị được dùng từ rất lâu đời có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, về sau được phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng được dùng để ăn ghém rau sống hoặc làm gia vị cho nhiều món ăn quen thuộc.
Thành phần
Trong rau mùi có chứa hàm lượng lớn tinh dầu với nhiều thành phần đa dạng: chất béo, chất protein, xenlulozo, chất không nitơ, axit béo omega 3 và omega 6, chất chống oxy hóa, các vitamin (vitamin A, B1, B2, C,…) cùng rất nhiều thành phần khác. Rau mùi được sử dụng cả rễ, thân và lá khi còn tươi. Có thể phơi dùng để làm dược liệu. Quả phơi khô cũng được sử dụng rất phổ biến trong dân gian làm thuốc chữa bộ số bệnh thông thường.
2. Những công dụng của rau mùi
Rau có tính ấm, cay và nóng, có tác dụng rất tốt đối với hô hấp, nhất là vùng phổi và cả tiêu hóa. Loại cây này có rất nhiều công dụng, điển hình như:
Kích thích sởi ra nhanh
Trong dân gian, rau mùi là loại thảo dược có tác dụng vô cùng lớn đối với bệnh sởi. Nhờ tính nóng ấm, loại thảo dược này có thể giúp kích thích sởi ra nhanh và mau khỏi ở trẻ nhỏ. Bài thuốc này rất hữu hiệu với những trường hợp trẻ lên sởi nhưng gặp gió bị lạnh khiến sởi không mọc được tiếp. Sắc rau mùi lấy nước cho trẻ uống sẽ giúp sởi mọc nhanh hơn và mau lành.
Hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về tiêu hóa
Một số chứng bệnh về tiêu hóa như: khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, đau bụng khó chịu,… người ta cũng dùng rau mùi làm thuốc kèm với vỏ quýt sắc nước uống. Nhờ tính ấm sẽ khiến người bệnh ấm bụng, đỡ dần cảm giác đau, khó chịu và chữa đầy hơi hiệu quả.
Rau mùi có nhiều tác dụng đối với sức khỏe
Chữa bệnh về răng miệng
Trong rau mùi có chứa thành phần Citronellol và một số chất có tính chất kháng khuẩn mạnh. Nhờ thế, loại thảo dược này còn có dược tính là khử mùi hôi tốt, chữa sâu răng, viêm lợi, cải thiện tốt các tình trạng viêm nhiễm răng miệng. Nước cốt rau mùi dùng để ngậm, súc miệng là cách để hỗ trợ cải thiện các vấn đề này.
Hỗ trợ cải thiện thị lực
Trong rau mùi có chứa vitamin A, C cùng một số chất chống lão hóa. Đây là những thành phần quan trọng giúp cải thiện thị lực, đặc biệt là có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi. Đây có thể coi là loại rau tốt cho những ai thường xuyên phải làm việc nhiều với máy tính, rất ảnh hưởng đến mắt.
Chữa bệnh trĩ
Trong dân gian, rau mùi là một trong những loại thảo mộc có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, lòi dom. Quả mùi mang đi đốt rồi hun khói vùng hậu môn, dưới tác động của hơi nóng và thành phần trong quả mùi, búi trĩ sẽ bớt sưng và thu dần vào trong hậu môn.
Chữa viêm da, trị mụn
Rau mùi đã được nghiên cứu là có nhiều thành phần kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt. Dân gian cũng đã áp dụng rất hiệu quả đặc tính này trong chữa viêm da, nhất là mụn nhọt. Nước cốt của rau dùng để bôi trực tiếp lên vết viêm hoặc vết mụn sẽ cho thấy rõ hiệu quả nhanh chóng.
Đây còn là loại gia vị phổ biến trong bữa ăn gia đình Việt
Giúp ổn định đường huyết
Nhiều thử nghiệm đã cho thấy, thành phần trong rau mùi cũng có tác dụng tốt đối với việc ổn định huyết áp, nhất là với những người huyết áp cao. Chiết xuất từ hạt rau mùi có tác dụng làm giảm huyết áp khá hiệu quả khi sử dụng đúng cách.
Một số tác dụng khác
Ngoài ra, rau mùi còn có rất nhiều tác dụng khác đối với sức khỏe. Trong đó phải kể đến, các thành phần quý giá trong loại thảo mộc này có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ làm giảm cholesterol, phòng tránh xơ vữa mạch máu, bảo vệ tim mạch, chống đột quỵ. Các chất chống oxy hóa trong rau mùi cũng có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Dịch chiết từ rau mùi ta cũng có tác dụng tốt với việc làm giảm căng thẳng, giảm lo âu, chống stress. Bên cạnh đó, rau mùi cũng được cho là có nhiều tác dụng trong kích thích ham muốn về tình dục, chữa rối loạn kinh nguyệt, trị giun sán,…
Rau mùi vừa là cây gia vị quen thuộc vừa là bài thuốc dân gian có nhiều tác dụng
3. Những lưu ý khi chế biến, sử dụng rau mùi
Có thể thấy, ngò rí có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh và được sử dụng rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng rau mùi quá nhiều, lạm dụng trong điều trị bệnh không đúng cách có thể dẫn tới những hậu quả không tốt. Nếu lạm dụng có thể gây tổn thương gan, tụt huyết áp, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, hô hấp, không tốt cho thai nhi,… Do vậy, việc sử dụng rau mùi cần lưu ý những điều sau đây:
- Không dùng với những người mẫn cảm với tính nóng, cay của loại rau này.
- Không nên uống nước ép rau mùi nếu có bệnh dạ dày. Người bình thường cũng không nên uống quá 200ml trong ngày sẽ gây buồn nôn, đau dạ dày,…
- Những người đang gặp các vấn đề về gan thì không nên sử dụng rau mùi.
- Rau mùi ăn sống phải được rửa sạch kỹ trước khi dùng.
Trên đây là một số thông tin cần biết về những tác dụng của rau mùi và cách sử dụng loại rau này trong hỗ trợ điều trị bệnh. Những bài thuốc dân gian này chỉ mang tính chất tham khảo. Việc áp dụng thực tế không nên tùy tiện mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nguồn:https://medlatec.vn/tin-tuc/nhung-tac-dung-khong-ngo-cua-rau-mui-doi-voi-suc-khoe-s51-n30747