;
1. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ)
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Đây là một thiền viện thuộc hàng lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ, tính đến thời điểm năm 2014. Chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách nhà Trần.
Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách nhà Lý. Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Đáng chú ý, phần gỗ trong 4 hạng mục này đều là gỗ lim được nhập từ Nam Phi (tổng cộng khoảng 1.000 khối).
Bên trong chánh điện, ở giữa là tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3,5 tấn, tạc ở tư thế ngồi và tay cầm cành hoa (niêm hoa vi tiếu); hai bên là tượng Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Văn Thù. Bên trong Tổ điện là tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ.
Ngoài tượng Phật Thích Ca là được đúc bằng đồng, các tượng thờ khác ở đây đều được bằng tạc bằng gỗ du sam đá vôi có tuổi thọ khoảng 800 năm. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có các hạng mục khác như: Quan Âm điện, Di Lặc điện, chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược,..
2. Thiền viện Chơn Không (Vũng Tàu)
Thiền viện Chơn Không thật sự là thắng cảnh yên ắng đến tuyệt vời rất thích hợp cho Phật tử và du khách hành hương, tham quan và có dịp tìm hiểu về Thiền tông.
Qua cổng tam quan để theo con đường Tiêu Dao với hai hàng dương xanh non mượt mà dọc lối đi, tạo cảm giác êm ái cho du khách khi nâng bước chân lên dốc đến đồi Tự Tại.
Tiếp tục rẽ phải để lên Chánh điện lễ Phật, du khách có thể nhìn toàn cảnh thành phố Vũng Tàu có cảng, có sân bay, có đường ngang phố dọc, có biển vươn dài ngút ngàn đại dương,... và phía sau khuôn viên Thiền viện có đỉnh Hòn Sụp làm bình phong che chắn. Khi màn đêm buông xuống, thật thú vị cho du khách được ngắm một đô thị hoa đăng sáng rực của phố biển Vũng Tàu.
3. Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai)
Thường Chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; đoạn cây số 76 - 77, quốc lộ 51.
Ngày nay thiền viện Thường Chiếu là một điểm tham quan mà du khách thường ghé tới trên đường từ TPHCM đi Vũng Tàu. Thường Chiếu là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Từ ngoài vào, các công trình xây dựng chính của thiền viện được bố trí như sau: Qua cổng tam quan là ngôi chánh điện và tổ đường. Trước chánh điện có lầu chuông và lầu trống; hai bên và phía sau có các công trình: Tăng đường, thư viện, tông môn tàng thư, trai đường, nhà khách, tăng thất, khu thiền thất, bệnh xá...
4. Thiền viện Trúc Lâm (Lâm Đồng)
Thiền Viện Trúc Lâm là thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền viện cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km, nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng, mà còn là điểm tham quan và chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Từ trên chính điện nhìn xuống là hồ Tuyền Lâm, phong cảnh ở đây rất đẹp, hồ nước trong xanh in bóng rặng thông bên đồi Thanh Lương. Bên dưới lưng chừng đồi, gần hồ Tĩnh Tâm là nhà khách 2 tầng nằm gọn trên một ngọn đồi có khu vườn xanh mát.
Đây là nơi những phụ nữ đến xin tập tu ngắn hạn tại thiền viện. Phía trước nhà là rừng trúc xanh tươi. Đứng trước sân nhà có thể thấy đỉnh núi voi phục soi bóng xuống hồ Tuyền Lâm hùng vĩ.
5. Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ (Ninh Thuận)
Cách trung tâm TP. Phan Rang - Ninh Thuận chưa đầy 5km, Thiền viên Trúc Lâm Viên Ngộ sở hữu một vẻ đẹp hữu tình mà không phải địa danh nào cũng có được khi tọa lạc trên đồi cao và dựa lưng vào sườn núi.
Từ Thiền viện, du khách có thể phóng tầm mắt về các phía khác nhau, ngắm cảnh đẹp của TP. Phan Rang - Tháp Chàm vào những buổi chiều hoàng hôn hay đón những tia nắng ban mai khởi đầu một ngày mới tại vùng đất được xem là khắc nghiệt nhất Việt Nam này.
Gắn liền với thắng cảnh Đá Chồng và hình thành từ cuối năm 2008, đến đầu năm 2009, Thiền viện được khởi công xây dựng lại chánh điện dưới chân núi. Hy vọng, trong tương lai nơi đây sẽ là một điểm đến thú vị của du khách mỗi khi đặt chân lên Ninh Thuận đầy nắng, gió biển và góp phần phát triển nền kinh tế du lịch của tỉnh nhà.
Theo Phương Thảo/ Giadinhvietnam.com
*Tựa đề do BBT đặt lại.