- I. SƠ LƯỢC BƯỚC TRƯỞNG THÀNH CỦA NI GIỚI HỆ PHÁI KHẤT SĨ TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN 1981:
Ni giới HPKS được hình thành từ khi Ni trưởng Huỳnh Liên và ba vị Trưởng lão Ni xin xuất gia tu học với Đức Tổ sư Minh Đăng Quang năm 1947 tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho (nay là Tỉnh Tiền Giang). Ni trưởng Huỳnh Liên với cương vị trưởng tử Ni được giao trách nhiệm tiếp chúng độ Ni, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni giới Khất sĩ và việc tu học lúc bấy giờ đều do Đức Tổ sư giáo dưỡng.
Năm 1954, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thọ nạn và vắng bóng. Lúc bấy giờ Ni giới có tất cả 53 vị, Ni trưởng Huỳnh Liên kế tục sự nghiệp Tổ Thầy, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất sĩ. Phương pháp tu lấy Giới – Định – Tuệ làm căn bản, hành tứ y pháp và trì bình khất thực hóa duyên.
Ngày 11/01/1958, Ni giới HPKS được chính thức có tư cách pháp lý, pháp nhân qua nghị định số 7-BNV-NA-P5, được cho phép thành lập Giáo Hội do Tham lý Nội – an Vũ Tiến Huân ký, với danh xưng Giáo Hội Khất Sĩ Ni Giới Việt Nam (thường gọi là Giáo Hội Liên Hoa Khất Sĩ), trụ sở đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương, nay là Tổ đình Ngọc Phương, phường 1, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.
Rồi những chuyến du hành mở đạo ra miền Trung của quí Ni trưởng năm 1958 và 1959, nhiều ngôi Tịnh xá được mở mang, tiếp độ chúng Ni tu học và giảng dạy Phật pháp cho đông đảo Phật tử tín đồ.
Căn cứ theo bài thơ “Ba Mươi Năm Diễn Tiến” của Cố Ni trưởng Huỳnh Liên[1] ghi lại thì Ni giới HPKS từ 1945- 1975 như sau:
“Mười năm đầu du phương lưu động,
Khắp đó đây mở rộng niềm tin.
Ngày ngày thuyết pháp giảng kinh,
Ngày ngày khất thực trì bình hóa duyên.
Đạo khổ hạnh người hiền mến cảm,
Nghĩa kệ kinh đơn giản rõ ràng,
Chùa chiền dựng lập Trung Nam,
Xuất gia cư sĩ hàng hàng qui y….”
Như vậy, NGHPKS trong 10 năm đầu chuyên tu giải thoát, khất thực trì bình du hóa, giảng kinh.
Mười năm kế (1955- 1965) vì chiến tranh leo thang, bên cạnh việc hoằng dương giáo pháp, Ni trưởng thiên về từ thiện xã hội nhiều hơn như: ủy lạo nạn nhân chiến cuộc, lửa cháy nước trôi, nuôi trẻ mồ côi, tặng quà bệnh viện, giúp kẻ tản cư…
“Mười năm kế thêm chi từ thiện,
Ủy lạo chung bệnh viện khám đường.
Nạn nhân chiến cuộc đau thương,
Hỏa tai, lụt lội, hồi hương, ra tù.
Trẻ mồ côi nhận thâu nuôi dưỡng,
Khai học đường mở hướng văn minh.
Cửa Từ rộng đức hiếu sinh,
Lợi người lợi vật nhiệt tình nhiệt tâm….”
Mười năm kế tiếp (1965- 1975): “Chiến tranh nữa mười năm khốc liệt…”, vào cuối năm 1963 trở đi, Phật giáo gặp pháp nạn, Ni trưởng tham gia bảo vệ Phật giáo, tiếp tục đấu tranh. Đến cuối năm 1969 các phong trào đấu tranh tạm lắng xuống vì chính quyền đàn áp thẳng tay, chỉ còn giới phụ nữ kiên cường đấu tranh đòi chồng đòi con, chống bắt lính, đòi thả tù học sinh, sinh viên… Lúc này Ni trưởng kết hợp với bà Luật sư Ngô Bá Thành và giới Phật tử cùng Giáo hội tranh đấu và thành lập phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, phối hợp thành đoàn thể xúc tiến đấu tranh cho đất nước hòa bình.
Năm 1980, Ni trưởng Huỳnh Liên là một thành viên trong đoàn đại biểu vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Và kết quả thành tựu viên mãn là vào ngày 07/11/ 1981, chín hệ phái Phật giáo trong đó có Hệ phái Khất sĩ (gồm Giáo Hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam) đã thống nhất trong ngôi nhà chung Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
II. NI GIỚI HỆ PHÁI KHẤT SĨ từ 1981 - 2011:
Giai đoạn đầu sau giải phóng 1975, hòa chung sự khó khăn về kinh tế của cả nước, Cố Ni trưởng Huỳnh Liên chủ trương cho chư Ni lao động sản xuất, làm kinh tế tự túc nhà chùa, để bảo đảm đời sống Ni chúng hằng ngày, tạo điều kiện cho chư ni an tâm theo học các cấp lớp thế học và Phật học tại Thành phố. Chủ trương ấy đến nay vẫn còn duy trì.
Ni trưởng rước Thầy giáo dạy chư Ni kèm Văn, Toán, khuyến khích tất cả chư Ni dều nâng cao thế học, làm cơ sở để tiếp thu kiến thức Phật học với ước mong đào tạo Tăng tài, đóng góp vào sự vững chắc cho ngôi nhà Giáo hội, hộ trì Tam Bảo.
Năm 1987, Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch, để lại trên trăm ngôi Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Ni chúng xuất gia nhiều trăm vị, với hàng ngàn Phật tử tại gia qui hướng.
Kế tục sự nghiệp và con đường của Tổ sư, của Ni trưởng đã vạch ra để lại, Ni giới HPKS dưới sự lãnh đạo của chư vị Ni trưởng hàng Giáo phẩm Hệ phái, cũng như sự hỗ trợ tinh thần của chư tôn đức Tăng trong hệ phái, đã khuyến tấn chư Ni nghiêm trì giới luật, lấy Giới –Định –Tuệ của chư Phật làm đầu, mỗi ngày ôn tập và thực hiện lời di huấn của Cố Ni trưởng:
“Ngày đã cận cần tu gấp rút,
Giới giữ sao trong sạch như xưa.
Định, Huệ không thiếu không thừa,
Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.”
Đến nay (2011), Ni giới Hệ phái Khất sĩ:
- Về mặt tổ chức[2]: Hiện có 203 ngôi Tự viện ( trong đó có 148 ngôi Tịnh xá, 33 Tịnh thất, 21 chùa, 01 NPĐ).
Ni chúng có 1073 vị gồm: 48 Ni trưởng, 134 Ni sư, 598 Sư cô, 123 Thức xoa, 170 Sa di Ni.
- Về mặt giáo dục: Hiện có 12 vị Tiến sĩ và 1 Thạc sĩ đã tốt nghiệp về nước phục vụ, trong đó 9 vị đã tham gia giảng dạy tại Học viện TPHCM hoặc các Trường Cao Trung Phật học ở Tỉnh, 20 vị đang du học ở các nước Ấn độ, Trung quốc, Miến điện, Đài Loan.
Đang học lớp Phật Pháp nâng cao sau Đại học tại TPHCM: 04 vị.
Chư Ni tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh qua các khóa (từ khóa 1- khóa 8): 146 vị.[3] Hiện đang học khóa 9 tại Học viện là: 24 vị.
Chư Ni Cao Đẳng Phật học đã tốt nghiệp: 65 vị.[4]
Chư Ni học Y khoa (Đông y và Tây y): 12 vị.
Đặc biệt trước năm 1975, Tịnh xá Ngọc Phương là nơi thể hiện ý chí bất khuất của Ni giới Khất sĩ đã đứng lên đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Ngày nay trong thời đại hòa bình, Tổ đình Ngọc Phương là nơi chăm lo đời sống tu học cho Ni chúng. Nhất là hằng năm đều có tổ chức khóa An Cư Kiết Hạ để chư Ni các miền Tịnh xá tập trung về thọ học Kinh, Luật và Luận, thúc liễm thân tâm trau giồi giới đức. Ngoài ra, quí Ni trưởng, Ni sư trong Hệ phái đang cố gắng luân phiên tổ chức các khóa thiền tập ngắn hạn, mỗi năm sẽ cố gắng tổ chức 4 khóa, mỗi khóa một tuần lễ. Từ sau Hạ đến nay, Ni trưởng Chiêu Liên đã liên tục tổ chức các khóa tu thiền hằng tháng, mỗi khóa một tuần tại Tịnh xá Ngọc Khánh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Thiền sinh tham dự gồm chư Ni tại một vài trú xứ lân cận tập trung về Tịnh xá tu tập.
Hiện nay, Ni giới Khất sĩ được sự cho phép của Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Quận hội Phật giáo Gò Vấp đã thành lập được một phân hiệu Sơ cấp Phật học trực thuộc lớp Sơ cấp Phật học quận Gò Vấp, từ năm 2004 đến nay (2011) là 4 khóa. Từ khóa 1 đến khóa 3 có 74 Ni sinh đã hoàn tất chương trình Sơ cấp Phật học theo học các lớp trên, hiện có 25 Ni sinh đang học khóa 4 Sơ cấp Phật học tại Tịnh xá Ngọc Phương.
- Về Hoằng Pháp: Ni giới Khất sĩ có 34 Hoằng pháp viên có thể giảng trong các đạo tràng và lớp giáo lý. Bên cạnh có một số Ni trẻ cũng có khả năng thuyết giảng, và các vị hiện đang trụ trì bận Phật sự ở trú xứ, chỉ có thể giảng tại trú xứ của mình, tất cả khoảng 30 vị. Chư Ni đã học lớp Cao Cấp Giảng sư: 12; Chư Ni lớp Trung cấp Giảng sư: 6; Chư ni học lớp Bồi dưỡng Giảng sư: 19 vị.
- Về Hướng dẫn nam nữ Phật tử:
- Chỉ tổ chức cúng Hội: 2 đơn vị, tổ chức 1tháng 2 lần.
- Tổ chức khóa tu niệm Phật: 4 đơn vị ( một tháng 1 ngày hoặc 3 ngày; hoặc hai tháng 7 ngày).
- Cúng Hội kết hợp với tu Bát Quan Trai: 2 đơn vị, tổ chức 1tháng 1 lần.
- Tổ chức cúng Hội và khóa Niệm Phật : 3 đơn vị (tổ chức 1tháng từ 3- 6 lần).
- Tổ chức cúng Hội và BQT : 1 đơn vị, tổ chức 1tháng 6 lần.
- Tổ chức BQT+ Niệm Phật: 2 đơn vị, 1tháng 4 lần.
- Tổ chức BQT+ Niệm Phật+ Lớp Giáo lý: 1 đơn vị,
- Hiện đang có 14 Tịnh xá có tổ chức Bát quan trai mỗi tháng một lần;
- Sáu đơn vị tổ chức Bát quan trai cho Phật tử tu tập mỗi tháng hai lần.
Như vậy tổng số có 35 / 203 đơn vị tự viện có tổ chức đạo tràng cho Phật tử tu tập.[5]
Một số Tịnh xá, sau thời sám hối hằng nửa tháng có thuyết giảng giáo lý cho Phật tử nghe để phát triển văn tuệ.
Về Từ thiện xã hội: Noi theo gương của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, luôn gắn liền Đạo pháp và Dân tộc như lời di huấn của Ngài: song song với việc tu Giới –Định- Tuệ còn phải làm “ lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng”, Ni giới Khất sĩ tham gia các mặt công tác từ thiện xã hội, tương thân tương trợ, giúp người nghèo khó, thiên tai, lũ lụt, bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, xây nhà tình nghĩa, tình thương… Qua các mặt phong trào sơ kết 12 năm gần đây (từ năm 2000 – 2011) Tịnh xá Ngọc Phương ủy lạo với số tiền 6.893.659.500 đồng.
Các nơi Tịnh xá đóng góp cho Ngọc Phương còn đóng góp cho địa phương nơi trú xứ của mình. Thống kê số liệu 58/203 ngôi Tịnh xá, Tịnh Thất của Ni giới HPKS làm từ thiện chỉ riêng năm 2010 là 19.712.000.000 đ (mười chín tỷ bảy trăm mười hai triệu Việt Nam đồng). Thống kê số liệu 43/203 ngôi năm 2011 là 6.4 37.746.000 đồng.
Tóm lại, Ni giới HPKS trong sự nghiệp xây dựng Đạo pháp và Dân tộc:
-Về Đạo pháp, Ni giới HPKS nói riêng hay Hệ phái Khất sĩ nói chung đã có những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng Đạo pháp như sau:
+ Đào tạo nhiều Tăng Ni, Tăng tài làm Tăng bảo thêm vững mạnh.
+ Xây dựng thêm nhiều Tịnh xá, tự viện làm nơi tu dưỡng đạo đức con người.
+ Hoằng truyền Phật pháp rộng sâu qua thuyết giảng giáo lý, hướng dẫn Phật tử tu học, làm chánh pháp cữu trụ thế gian.
+ Tham gia trong Ban Vận động để thống nhất PGVN.
+ Tham gia vào các Ban nghành của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Nhiệt tình ủng hộ và chấp hành chủ trương đường lối của GHPGVN.
- Về Dân tộc:
+ Ni giới HPKS tham gia giảng dạy giáo lý của Phật góp phần hoàn thiện con người về đạo đức, giúp an bình xã hội, cá nhân và gia đình hạnh phúc.
+ Trong thời chiến có Ni trưởng TN Huỳnh Liên cùng chư Ni Khất sĩ tham gia đấu tranh cho Hòa bình - Độc lập dân tộc qua các mặt phong trào.
+ Tham gia vào các Đoàn thể, Mặt trận của nhà nước. Luôn chấp hành tốt mọi chủ trương chánh sách của Đảng và Nhà nước.
+ Tham gia vận động đóng góp các mặt từ thiện xã hội từ trước đến nay.
Năm 1994, Tịnh xá Ngọc Phương được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là “Di tích Lịch Sử Cấp Quốc Gia”.
Kính Đề Nghị:
Để tạo điều kiện cho chư Ni trẻ được thuận tiện hơn trong việc học tập giáo lý, đồng thời cũng tạo môi trường cho chư Ni Khất sĩ sau khi học xong trong nước cũng như ở hải ngoại về có điều kiện phát huy sở học, nghiên cứu và kỷ năng giảng dạy; có môi trường giảng dạy quyển Chơn lý và Luật Nghi Khất sĩ của Đức Tổ sư khai sáng Hệ phái;
Trình độ chư Ni trẻ hiện nay đa số lớp 12/12, thích học Trung cấp hơn là phải mất hai năm cho Sơ cấp. Do đó sĩ số Ni sinh lớp Sơ cấp Phật học của Ngọc Phương hiện tại rất giao động, thường có nguy cơ tan rã khi trường Trung cấp các nơi chiêu sinh, hoặc Học viện chiêu sinh.
Vì tất cả lý do trên, chúng con - Ni giới HPKS xin được mở một Phân hiệu Trung Cấp Phật học của Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Tổ đình Ngọc Phương, trực thuộc trường Trung Cấp Phật học Tp. Hồ Chí Minh.
Kính mong được sự quan tâm cứu xét và giúp đỡ của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Nhà nước. Chúng con đồng thành kính tri ân.
Chú thích:
(1) THƠ, NTHL, NXBTPHCM 1995, tr. 163
(2) Theo số liệu Rằm tháng Bảy 2011
(3) Các vị tốt nghiệp tại Học viện Huế và Hà Nội chưa thống kê được.
(4) Số liệu của khóa 1996-2002; 2006- ; 2008 - .
(5) Số liệu thống kê của các tự viện chưa đầy đủ.
NT. Thích nữ Ngoạt Liên
Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN
Thường trực Ni giới HPKS