;
Hình mình họa.
Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á với nền văn minh lúa nước lâu đời. Sống quây quần trong những xóm làng ấm cúng. Người Việt cổ từ xa xưa đã hình thành đạo thờ cúng tổ tiên. Họ có lòng tin vào luân hồi, nghiệp báo và sống hướng thiện. Phật giáo với những giá trị tương đồng đã du nhập vào Việt Nam, trở thành một tôn giáo sâu sắc nhưng giản dị, dễ thẩm thấu và tiếp biến trong đời sống bình dân một cách uyển chuyển, và buổi bình minh của Phật giáo đã bắt đầu cách đây hơn 2.000 năm với nếp chùa đầu tiên.
Phật giáo Việt Nam có đặc biệt rất khác, trở về chúng ta thấy có triều đại Lý thì Ngài Lý Công Uẩn cũng là một chú tiểu trong chùa. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng là một vị vua anh minh, sau khi đã đánh tan giặc ngoại xâm rồi thì Ngài lên núi Yên Tử để tu tập, thành lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử rồi đi xuống thần dân dạy con người ta làm những việc thiện. “Tuy rằng, mình là những người tu hành nhưng mà làm thế nào để cho nhân dân đều có cuộc sống bình yên” - đấy là những tư tưởng nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Gắn bó từ trong nhân gian, thấu hiểu và coi trọng con người những vị thiền sư nổi tiếng đã góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam, phục vụ quốc gia hướng đến sự hưng thịnh và hạnh phúc của xã hội. Họ - những Tăng sư Phật giáo trực tiếp tham dự vào chính sự khi tiếng gọi dân tộc cất lên. Cũng chính họ đã nhận phần công việc dạy học, bốc thuốc trị bệnh, an ổn đời sống cho mọi người. Sau những tháng ngày nhập thế đóng góp cho đời, người tu hành lại lui về với nếp chùa của mình, an nhiên thoát tục, chuyên tâm tu đạo theo lời Phật dạy.
2.000 năm lịch sử, Phật giáo đi đến đâu cũng được nhân dân mến mộ xây dựng những ngôi chùa để thờ Phật. Khi mới sinh ra thì chúng ta cũng đến lễ Phật phù hộ cho con khỏe mạnh; khi cưới vợ, gả chồng thì chúng ta lại làm lễ hằng thuận; khi mất đi thì cũng đưa bố mẹ ông bà lên chùa lễ Phật để tiếp độ về thế giới Cực Lạc. Cả cuộc đời của chúng ta phải gắn liền với Đạo Phật, giữa dân tộc và Phật giáo luôn gắn liền với nhau. Cho nên văn hóa của Phật giáo là văn hóa của dân tộc, văn hóa của dân tộc là văn hóa của Phật giáo.
Mái chùa trở thành nơi vừa dân dã vừa trang nghiêm, là nơi mọi sinh hoạt của người dân diễn ra hàng ngày như một lẽ tự nhiên từ nhân sinh quan, thế giới quan, đạo lý thẩm mỹ cho đến lời ăn tiếng nói của quảng đại quần chúng ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo. Người Việt được nuôi dưỡng đức tin từ Phật giáo, được dạy điều hay lẽ phải, cách sống ở đời. Và không biết từ khi nào triết lý sống lương thiện, yêu thương của Phật giáo thấm đẫm vào từng lời ru dân gian nuôi dưỡng tinh thần biết bao thế hệ người Việt.
Phật giáo là tôn giáo phi biên giới, hài hòa và cởi mở, thích nghi với mọi công đồng xã hội, mọi phong tục văn hóa và hội nhập vào các quốc gia một cách tự nhiên.
Từ những ngôi chùa cổ kính của miền bắc như chùa Phật Tích, chùa Giám đến những ngôi chùa yên tĩnh nơi miền Trung. Những ngôi chùa Việt Nam qua hàng thế kỷ phủ đầy dấu ấn thời gian và những thăng trầm vẫn bền vững tồn tại ở đó như một minh chứng cho việc Phật giáo đã thực sự trở thành một phần đời sống của người Việt không thể tách rời. Và rồi chính người Việt cũng mang tâm hồn của mình gửi vào nếp chùa khiến cho trên khắp dải đất hình chữ S mỗi ngôi chùa đều mang nét đặc trưng riêng biệt không nơi nào có.
Các ngôi chùa lớn ở Miền Nam như chùa Xiêm Cán, Chùa Hang luôn có dáng vẻ và màu sắc của các dân tộc Chăm, Khmer với lối kiến trúc đền tháp uy nghi mà duyên dáng. Nếu không có sự hiện diện của Phật giáo ở Việt Nam thì chúng ta sẽ mất đi hơn nửa số di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia đáng tự hào. Và trong tâm thức truyền thống người Việt cũng không thể đầy lòng vị tha, đức bố thí, tâm hướng thiện và niềm tin mãnh liệt ở tương lai. Bởi vậy những ngôi chùa Việt Nam chính là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.