;
Rau diếp cá còn có chứa chất decanoyl acetaldehyde, là một hoạt chất có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Không phải tự nhiên rau diếp cá được mệnh danh thần dược bổ phổi. Trên thực tế, chữa viêm phổi bằng rau diếp cá được đánh giá là phương pháp an toàn, lành tính.
Rau diếp cá – vị thuốc quý
Rau diếp cá có nơi gọi là rau giấp cá, không chỉ là rau gia vị mà còn là vị thuốc quý. Theo Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông Y Hà Nội, rau diếp cá có vị chua, cay, tính mát, có tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, giảm phù thũng, sát khuẩn, chống viêm. Ngoài ra, rau diếp cá chữa sốt nóng trẻ em, trị mụn nhọt sưng đỏ... Đặc biệt là bài thuốc an toàn trong chữa viêm phổi.
Trong đông y, diếp cá được xếp vào nhóm lương huyết tiêu độc giúp làm giảm nhanh các triệu chứng ho, khó thở do các căn bệnh viêm đường hô hấp gây ra.
Còn tây y, rau diếp cá chữa viêm phổi hiệu quả. Vị thảo dược này mang đến nhiều công dụng, như: Kháng viêm hiệu quả, giúp cải thiện nhanh các triệu chứng bệnh viêm phổi; có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, virus gây viêm phổi. Vì vậy, đây được coi là vị thảo dược giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả các triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi, sốt...; tăng cường khả năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng phòng ngừa bệnh tái phát.
Không những thế, nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong rau diếp cá có chứng một số thành phần như alkaloid, flavonoid. Đây là những chất đem đến khả năng vượt trội trong điều trị viêm phổi. Cụ thể: Kìm hãm, ngăn ngừa sự phát triển, lây lan của virus gây bệnh; giúp ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn gây ra bệnh lý về viêm phế quản như trực khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng…
Đặc biệt trong diếp cá còn có chứa chất decanoyl acetaldehyde, là một hoạt chất có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Một số bài thuốc dân gian từ rau diếp cá
Chữa sởi: Rau riếp cá 16g, rau dệu 16g, đậu chiều 12g, cam thảo đất 12g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước, còn 100 ml. Uống làm 2 lần trong ngày, có công dụng thúc sởi phát ra ngoài.
Điều trị sỏi thận (khi sỏi còn nhỏ): Rau diếp cá 20g, cam thảo đất 15g, rau dệu 15g. Sắc uống liên tục 20-30 ngày.
Chữa viêm phổi: Chuẩn bị 1 lượng muối ăn vừa đủ, 1 nắm rau diếp cá. Lấy rau diếp cá đem đi rửa sạch rồi để thật ráo nước. Tiếp theo đó, lấy rau diếp cá ép nhuyễn ra cùng với muối ăn và nước. Sau đó bỏ đi phần xác và chỉ giữ lại nước để uống. Người bệnh nên uống 2 lần mỗi ngày và nên uống đều đặn trong thời gian 1 tuần.
Dùng mật ong và rau diếp cá chữa viêm phổi: Chuẩn bị 1 muỗng mật ong, 50g lá rau diếp cá. Đem rau diếp cá rửa sạch rồi vớt ra, để thật ráo nước, sau đó ép rau diếp cá để lấy nước cốt. Cho 1 muỗng mật ong vào nước cốt vắt ra từ rau diếp cá rồi khuấy đều lên để sử dụng. Dùng hỗn hợp này mỗi tuần từ 2 - 3 lần để bệnh nhanh chóng khỏi.
Ngoài ra có thể kết hợp rau diếp cá với kim ngân hoa, lô căn, liên kiều, mỗi vị 20g; thạch cao 40g; hạnh nhân, hoàng liên, hoàng cầm, mỗi vị 12g; ma hoàng 8g, cam thảo 5g. Thạch cao sắc trước 15 phút; hoàng liên giã dập, cho các vị thuốc vào sắc uống trong ngày.
Chữa viêm xoang: Diếp cá 20g, thạch cao 40g, kim ngân hoa 16g; tân di, hoàng cầm, chi tử, tri mẫu, mạch môn mỗi vị 12g. Thạch cao sắc trước 15 phút, sau đó cho các vị thuốc vào, sắc uống. Nếu sốt, nhức đầu, sợ lạnh thì bỏ hoàng cầm, mạch môn; gia ngưu bàng 12g, bạc hà 12g.
--------------------------------------------------------------
Loại rau bổ phổi, mọc dại nhiều nơi ở Việt Nam
Diếp cá là loại rau ăn sống phổ biến trong bữa cơm người Việt, nó còn được dùng để điều trị viêm phổi do nhiễm virus và nhiều vấn đề sức khỏe.
Diếp cá là loại rau mọc dại ở Việt Nam trong môi trường đất ẩm, ven suối, bờ mương. Những năm gần đây, cây được người dân trồng nhiều để lấy lá ăn rau sống, nhúng lẩu, ép lấy nước uống do có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt.
Ngoài làm rau ăn, rau diếp cá còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Dưới đây là những tác dụng tuyệt vời của rau diếp cá đối với sức khoẻ.
Báo VietNamNet dẫn nguồn bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho biết, cây diếp cá còn có tên là dấp cá, ngư tinh thảo, tên khoa học là Houttuynia cordata. Diếp cá có vị chua, tính mát.
Về thành phần hóa học, toàn cây diếp cá chứa tinh dầu, chủ yếu là aldehyd và dẫn xuất nhóm ceton như methyl-n-nonyl ceton, l-decanal, l-dodecanal (những chất không có tác dụng kháng khuẩn), 3-oxo dodecanal (chất có tác dụng kháng khuẩn).
Ngoài ra, loại cây này còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acid hexadecanoid, acid decanoic, acid palmetic, lipid và vitamin K.
Theo bác sĩ Vũ, rau diếp cá tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Cây được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều.
Ở Trung Quốc, diếp cá dùng trong trường hợp bị viêm mủ màng phổi, trong thử nghiệm điều trị ung thư phổi hoặc đắp ngoài chữa dị ứng, mẩn ngứa, mề đay, chữa khó tiêu… Cao chiết của rễ diếp cá có tác dụng lợi tiểu do tác dụng của quercitrin và các muối vô cơ.
Ở Nepal, diếp cá được dùng trong một số chế phẩm chữa bệnh cho phụ nữ. Toàn bộ cây được coi như thuốc làm mát, tiêu độc. Lá được dùng trong chữa bệnh lỵ, bệnh lậu, bệnh về da và mắt.
Ngoài ra, Báo điện tử VTV News dẫn lời các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cho biết, rau diếp cá còn có tác dụng chữa rối loạn kinh nguyệt rất tốt.
Đây là một trong những tác dụng của rau diếp cá với phụ nữ được nhiều người biết đến. Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng thường gặp ở những bạn trẻ bước vào tuổi dậy thì hay phụ nữ tiền mãn kinh. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần kết hợp rau diếp cá với ngải cứu.
Cách làm: Rửa sạch 2 loại lá này rồi giã nhỏ, sau đó lọc bằng nước sôi để nguội rồi uống, chia làm 2 lần uống trong ngày. Bạn nên uống trước kỳ kinh 10 ngày. Uống liên tục trong 5 ngày thì chứng rối loạn kinh nguyệt sẽ được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, để đối phó với những nốt mụn cứng đầu, bạn chỉ cần lấy thân và lá diếp cá tươi giã nát với một vài hạt muối rồi đắp vào nốt mụn. Sau một vài ngày nốt mụn sẽ nhỏ lại. Để tăng thêm hiệu quả, bạn có thể uống thêm nước rau diếp cá.
Khi sử dụng chữa bệnh, lá diếp cá có thể dùng ăn sống, giã nát để đắp, hãm uống như nước trà, lọc lấy nước cốt... tùy theo từng loại bệnh và đối tượng khác nhau.
Diếp cá là loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Chính vì thế, đừng vì mùi tanh của loại rau này mà bỏ qua những lợi ích tuyệt vời mà loại rau này mang lại nhé.
Thanh Thanh/VTC News
Tổng hợp