;
Thượng tọa Thích Tâm Thuần thuyết giảng tại Pháp Hội với pháp thoại chủ đề "Tinh thần giải khổ của Đạo Phật".
Như tin đã đưa, sáng ngày 01/10/2022 vừa qua, nhằm ngày 06/09/Nhâm Dần, tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã trang nghiêm khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ XVII diễn ra từ ngày 01/10 đến 07/10/2022 (tức ngày 06/09 đến ngày 13/09 âm lịch).
Trong những ngày diễn ra Pháp hội, đông đảo Phật tử đã vân tập về đàn tràng trang nghiêm nơi chùa Bằng, tinh tiến tu tập theo chương trình của Pháp hội với 3 thời khóa tụng kinh hàng ngày do Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự làm chủ lễ, và lắng nghe một thời pháp thoại vào các buổi sáng do chư Tôn đức Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc thuyết giảng.
Trong chương trình tu học trong Pháp hội, sáng ngày 02/10/2022, Đại đức Thích Huệ Lương đã thuyết giảng cho các Phật tử về "Phương pháp tu tập theo tinh thần Kinh Dược Sư".
Mở đầu bài giảng, Đại đức đã khái quát về Kinh Dược Sư cũng như những phương pháp giáo hóa của Đức Phật Dược Sư. Theo Đại đức, danh hiệu "Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai" chính là để chỉ Đức Phật vừa làm Phật, vừa làm vị vua, vừa làm người Thầy thuốc chữa bệnh Thân và bệnh Tâm cho chúng sinh. Ngài dùng những phương thuốc đặc biệt phù hợp với từng căn bệnh, như:
Ngoài những điều trên, để tu tập theo tinh thần kinh Dược Sư, mỗi Phật tử cần tinh tiến học, đọc tụng và thực hành Kinh Dược Sư. Việc nghe - niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư chính là để nhớ đến công hạnh cao dày cũng như tâm từ bi hỷ xả, sáng suốt, định tĩnh, trong lành của Ngài, để từ đó nguyện noi theo Ngài mà tu tập, khi tâm ta hòa vào với tâm Phật, mới có được sự cảm ứng của chư Phật.
Sau đó làm những việc cúng dàng Đức Dược Sư như chép kinh giúp định lực tăng trưởng và hiểu được thấu đáo lời Phật dạy trong kinh, sau đó chia sẻ với mọi người để hoằng pháp.
Ngoài ra cần thiết lập đàn tràng, phóng sinh tu phúc, dùng chỉ ngũ sắc kết thành tên của 12 vị Đại Tướng Dược Xoa...
Pháp cúng dàng theo đúng kinh điển ghi chính là lập tòa thanh tịnh rước Tôn tượng Đức Dược Sư lên, trang hoàng bằng đèn, tràng phan, xông hương, trang nghiêm cảnh Phật, cúng dàng công đức Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai bằng việc phát nguyện thụ trì bát quan trai giới trong 7 ngày 7 đêm, kết hợp với việc phóng sinh tu phúc, làm những việc thiện lành, giữ Thân Khẩu Ý thanh tịnh.
Có như vậy, việc tu tập mới có ý nghĩa và đạt được sự an vui giải thoát trong đời hiện tại.
Đại đức Thích Huệ Lương thuyết giảng cho các Phật tử về "Phương pháp tu tập theo tinh thần Kinh Dược Sư".
Ngày thứ ba của Pháp hội, đại chúng tiếp tục đón nghe thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức Thích Hạnh Viên, chia sẻ về "Tinh thần cầu nguyện trong Phật giáo".
Theo Đại đức, cầu nguyện là 1 hình thức thực hành nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng, với mong muốn những nguyện ước tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh. Đại đức đã giải thích cho hàng Phật tử hiểu rõ sự giống nhau và khác nhau giữa cầu nguyện trong tín ngưỡng Phật giáo và cầu nguyện thông thường.
Về hình thức, hai sự cầu nguyện đều có điểm tương đồng về hình thức đối tượng lễ và chủ thể lễ. Nhưng sự khác nhau chính là về nội dung của việc hành lễ và sự cầu nguyện. Người ở thế gian vì vô minh che lấp, nên họ chỉ chọn những nơi đền chùa to lớn và thiêng liêng để lễ. Họ cầu nguyện với các bậc bề trên về những mong muốn giàu có, sung túc, hạnh phúc, thành công.v.v...
Và nếu như mong ước của họ không thành tựu, họ sẽ sinh tâm không hoan hỷ. Thậm chí, ở một số nơi vào những ngày hội, người dân đổ xô đi lễ đông đúc dẫn tới tình trạng chen lấn, xô đẩy, khấn vái to tiếng, tranh giành chỗ, buôn thần bán thánh..v.v....
Qua đây, Đại đức giảng sư chia sẻ "Là người Phật tử, cần phải nhớ chỉ quan sát và khuyên nhủ bản thân và những người thân xung quanh mình không rơi vào những điều thái quá như vậy.
Phải luôn tâm niệm rằng ta đi tới đình đền miếu phủ chùa chiền là để tưởng niệm học hỏi gương sáng của những vị Thần thánh, những vị Phật, những vị có công với đất nước, từ đó thêm tự hào về nền văn hoá dân tộc Việt Nam.
Học Phật chính là để hiểu rõ đi lễ là để cầu an lành, với ước nguyện và tâm hạnh rộng lớn cho hết thảy chúng sinh chứ không vì lợi ích của bản thân, bằng sự thành tâm cung kính tuyệt đối. Chúng ta phải có niềm tin tôn giáo với tinh thần bát chính đạo, dùng chính niệm soi sáng mọi sự việc bằng giáo lý Đức Phật.
Khi tới lễ ở bất cứ đâu, cần giữ thân đoan nghiêm, lễ năm vóc sát đất tôn kính, dụng tâm tu tập, lời lẽ cầu nguyện chuẩn mực, khi tâm linh tương ưng, tâm ta đồng nhất với tâm Phật thì sẽ có sự cảm ứng tới chư vị Thánh Thần Phật, từ đó nhờ thần lực các Ngài gia hộ, cộng với việc bản thân tu tập tinh tiến bỏ ác làm lành, ta sẽ chuyển được nghiệp. Người thế gian không biết đủ nên luôn thấy phiền não. Người tu tập sẽ biết thiểu dục tri túc nên ở đâu cũng sẽ thấy an lạc".
Đại đức Thích Hạnh Viên, chia sẻ về "Tinh thần cầu nguyện trong Phật giáo".
Bước sang ngày tu tập thứ tư, ngày 4/10/2022, Sư cô Thích Diệu Dẫn đã có thời pháp thoại với chủ đề "Đại nguyện của Đức Phật Dược Sư" tới toàn thể đại chúng về tham dự Pháp hội. Có thể hiểu, Đại nguyện của chư Phật là một tâm nguyện vô cùng to lớn, bao trùm khắp cả muôn loài, khắp pháp giới, đến vị lai.
Đại nguyện ấy thường được phát nguyện khi thực hành Bồ Tát Đạo, với hai hạnh nguyện lớn, đó là tu hành thành Phật, cứu khổ độ sinh. Không Đức Phật nào không có đại nguyện cứu khổ độ sinh. Đức Phật Dược Sư cũng đã phát ra 12 đại nguyện khi còn thực hành Bồ Tát Đạo.
Sau khi giảng giải cho hàng Phật tử hiểu về 12 nguyện lớn của Đức Phật Dược Sư, sư cô Giảng sư đã sách tấn đại chúng cần nuôi dưỡng tâm bồ đề kiên cố, có lòng tín kính Tam Bảo, tín kính cõi Cực lạc Phương Đông của Đức Phật Dược Sư.
Phật tử cần học, hành trì và thực hành tu tập theo Kinh Dược Sư, phát Bồ đề tâm giống chư Phật "Nguyện đời này và nhiều đời sau tinh tiến tu tập thành Phật Đạo; nguyện đời này và nhiều đời sau luôn thực hành Bồ Tát đạo với hạnh nguyện cứu khổ độ sinh".
Sư cô Thích Diệu Dẫn với thời pháp thoại chủ đề "Đại nguyện của Đức Phật Dược Sư"
Sáng ngày 5/10/2022, đại chúng đã cung đón sư cô Thích Viên An chia sẻ về "Chuyển hóa nghiệp chướng theo tinh thần Kinh Dược Sư". Theo sư cô, nghiệp chướng chính là những hành động xấu ác của bản thân tạo tác trong quá khứ hoặc hiện tại.
Nghiệp chướng này sẽ đưa đến những quả báo xấu cho mình trong tương lai. Đức Phật Dược Sư có hai hạnh nguyện căn bản đó là tu hành thành Phật và phổ độ quần sinh, bằng cách dùng tha lực gia hộ cho chúng sinh và dùng trí tuệ phương tiện chuyển hóa chúng sinh.
Vì vậy, sư cô giảng sư đã chia sẻ cho hàng Phật tử hai cách để chuyển hóa nghiệp chướng theo tinh thần Dược Sư. Đó là chuyển hóa bằng cách cảm ứng được với tha lực của Đức Phật Dược Sư qua việc tín kính Đức Phật Dược Sư, thiết lập đàn tràng, trì tụng danh hiệu Ngài, đọc tụng, suy nghiệm nghĩa lý Kinh Dược Sư và phổ biến diễn giảng kinh cho mọi người. Đây chính là cách hoằng pháp tốt nhất, cũng đem lại nhiều lợi lạc công đức cho bản thân và cho cộng đồng.
Ngoài ra còn cách chuyển hóa nghiệp chướng thứ hai, đó là tiếp nhận Trí tuệ của Đức Phật Dược Sư, bằng việc phát tâm bồ đề, thực hành Bồ tát đạo, cứu khổ độ sinh, chuyên tâm tu tập cho thân tâm thanh tịnh, nuôi dưỡng tinh thần Từ Bi Hỷ Xả. Sau cùng, sư cô mong rằng các Phật tử hãy tinh tiến tu tập, làm những việc thiện lành, để chuyển hóa dần ba độc Tham - Sân - Si, giúp cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Sư cô Thích Viên An chia sẻ về "Chuyển hóa nghiệp chướng theo tinh thần Kinh Dược Sư".
Sang ngày tu tập thứ sáu của Pháp hội, đại chúng tiếp tục đón nghe thời pháp thoại vô cùng ý nghĩa với chủ đề "Đức Phật Dược Sư - Bậc Đại y vương" của Sư cô Thích Minh Việt. Đức Phật Dược Sư là giáo chủ cõi cực lạc Phương Đông.
Đây là thế giới Tịnh Độ Dược Sư với cảnh giới vô cùng đẹp, chúng sinh ở đây không có phiền não, không có sinh tử. Ngài khi còn hành đạo Bồ Tát đã phát ra 12 lời đại nguyện, đều hướng đến mục tiêu mong chúng sinh được ấm no, hạnh phúc, an lạc giải thoát. Và 12 lời nguyện cũng thể hiện tinh thần và hạnh nguyện phổ độ chúng sinh của Đức Phật Dược Sư.
Ở đây, có thể hiểu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai nghĩa là Đức Phật - một bậc Thầy, một vị vua về y dược, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, hào quang chiếu khắp chúng sinh.
Ngài hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới bệnh thân và bệnh tâm của chúng sinh, và đưa ra những thang thuốc chữa dứt điểm những căn bệnh đó. Nhưng có hai loại thuốc cơ bản mà Sư cô giảng sư chia sẻ tới các Phật tử, đó là thang thuốc cảm ứng với tha lực của Đức Phật Dược Sư và thang thuốc trí tuệ. Hai thang thuốc này sẽ giúp chúng sinh xa lìa bể khổ sông mê, chóng lên bờ giác ngộ giải thoát an vui, chỉ cần chúng sinh luôn nhớ nghĩ đến công hạnh của chư Phật, áp dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày, tránh xa những điều xấu ác, tinh tiến tu học để chuyển hóa thân tâm.
Sư cô Thích Minh Việt với chủ đề "Đức Phật Dược Sư - Bậc Đại y vương"
Ngày tu tập thứ bảy, cũng là ngày cuối cùng của Pháp hội Dược Sư, Thượng tọa Thích Tâm Thuần - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương đã quang lâm và có thời pháp thoại tới toàn thể Phật tử tham dự Pháp hội về chủ đề "Tinh thần giải khổ của Đạo Phật". Thượng tọa đã giảng giải về tinh thần tứ diệu đế qua bốn lời nguyện "Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ - Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn - Pháp môn vô biên thệ nguyện học - Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành".
Thế nào là Khổ đế? Khổ là các thứ quả báo mà tất cả chúng sinh trong lục đạo đều phải gánh chịu. Bồ tát thấy thế liền phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát ly khổ quả. Tức là “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”.
Thế nào là Tập đế? Tập là những phiền não, vọng tưởng mà tất cả chúng sinh đã tích luỹ từ vô thỉ kiếp đến nay, chiêu cảm vô lượng quả khổ ở vị lai, xoay vần trong ba cõi, không hẹn ngày ra khỏi. Bồ tát thấy thế liền phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, bằng cách diệt trừ tất cả phiền não nghiệp cảm. Tức là “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”.
Thế nào là Diệt đế? Đây là Niết-bàn vắng lặng. Tất cả chúng sinh vì không biết tu hành theo chính pháp, nên không chứng được Niết-bàn vô sinh, bất diệt của Như Lai, của Chư Phật. Bồ tát thấy thế liền phát nguyện chóng thành Phật đạo để hoá độ chúng sinh. Tức là “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Thế nào là ĐẠO ĐẾ? Đây là con đường thoát khổ, là phương pháp tu nhân chân chính để được giải thoát. Tất cả chúng sinh vì không biết tu tập chính pháp cho nên phải trôi lăn trong sáu đường, không thể nào được an lạc, tự tại. Bồ tát thấy thế liền tuyên dương vô lượng pháp môn để giáo hoá chúng sinh tu học. Tức là “Pháp môn vô biên thệ nguyện học”.
Bốn chân lý cao quý mà Chư Phật tuyên thuyết “Khổ - Tập - Diệt - Đạo” là nơi nương tựa, là gốc gác của tứ hoằng thệ nguyện.
Qua đây, Thượng tọa giảng sư sách tấn hàng Phật tử "cần nhìn nhận rõ thân tứ đại là khổ, thân này là rừng cội, tâm này là nguồn ác, như thế mà quán sát được vô thường, vô ngã, dần dần xa lìa cái khổ của sinh lão bệnh tử.
Tâm Phật chính là tâm giải thoát, không bám chấp. Biết tâm chúng sinh là khổ nên chúng ta phải biết thoát khổ, không được đắm chấp vào những thành bại được mất thường tình nơi thế gian, phải nhận thức được cuộc đời là vô thường, tựa như giấc chiêm bao.
Các Phật tử cần nghe pháp bằng trí tuệ, tư duy về Pháp để sát chứng, sau đó áp dụng Pháp ngay hiện tại bằng trí tuệ. Người tu có trí tuệ nhìn chỗ nào cũng là Phật pháp. Bởi nhìn nhận rõ cái gì có tướng đều là vô thường không tồn tại mãi mãi, từ đó tâm sẽ luôn an định, trí tuệ sáng suốt, cuộc sống sẽ được an vui tự tại".