;
Ngày nay, các quốc gia và tổ chức phi chính phủ trên thế giới không ngừng nỗ lực đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn nạn xã hội nói chung, ô nhiễm môi trường nói riêng. Thế nhưng, tại sao những giải pháp đó chưa thật sự đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo quan điểm của người viết, các giải pháp được đưa ra chỉ giải quyết vấn đề ngọn của vấn đề, mà chưa tác động đến căn nguyên, ở đây cụ thể là lòng tham con người.
Thiểu dục – tri túc là phương pháp tu tập lâu đời trong Phật giáo. Ngày nay, phương pháp này có thể xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường bởi nó giảm bớt ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ, giáo dục hạn chế lòng tham và nuôi dưỡng lòng biết ơn. Lòng tham là thứ đang thừa thãi và lòng biết ơn là thứ vô cùng thiếu trong xã hội hiện nay.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình thái của lòng tham: vì lòng tham mà con người tận diệt tài nguyên thiên nhiên, vì lòng tham lợi nhuận mà sẵn sàng để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường… thiếu đi lòng biết ơn nên con người không có cảm giác tri ân môi trường trong lành, tri ân hàng cây xanh, tri ân một nguồn nước sạch. Lòng tham là nguyên nhân nội tại dẫn đến sự bành trướng của chủ nghĩa tiêu thụ và ô nhiễm môi trường.
Trong bài viết này, người viết hy vọng chỉ rõ căn nguyên vấn đề và những phương pháp thực hành thiểu dục tri túc theo Kinh tạng Pāli. cùng cách nhìn mới để góp phần hạn chế tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ với những tác động xấu đến môi trường.
CÁC KHÁI NIỆM
Thiểu dục tri túc:
Thiểu dục và tri túc là hai từ riêng lẻ mang đầy đủ ý nghĩa riêng biệt. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này thường xuất hiện chung thành một cặp từ để bổ sung ý nghĩa, kiện toàn cho nhau.
Thiểu dục [P: Appiccha = appa + iccha; (appa: nhỏ, ít), (iccha: khao khát, điều ước, ham muốn)]. Appiccha: mong muốn ít hoặc không có mong muốn, dễ dàng hài lòng, khiêm tốn, bằng lòng [1]. Người ít dục là người được Đức Phật trình bày là người có tâm giống như biển lớn tham dục không thể thiêu đốt tâm họ, như người thợ giày với bào họ làm da thành lớp bọc bảo vệ bàn chân cũng vậy là tham dục không thể xâm hại được tâm người ít dục [2].
Tri túc [P: Santuṭṭhi = Saṁ + tuṭṭhi; (Saṁ: tiền tố nhấn mang ý nghĩa nhấn mạnh), (tuṭṭhi: niềm vui, sự thích thú, sự hài lòng)]. Santuṭṭhi mang ý nghĩa hài lòng, mãn nguyện, thấy đủ [3]. Người biết đủ, là người có con mắt trí tuệ có thể nhìn đúng sự thật, con mắt thấu hiểu, biết rõ bản thân thật sự cần gì và cái nào chỉ là mong muốn của lòng tham.
Phật giáo dạy nếp sống thiểu dục – tri túc tức là không phải con đường thiên về ép xác khổ hạnh và cũng không phải là con đường hướng đến đắm say, hưởng thọ các dục lạc; mà đây là con đường Trung đạo: không thiên về một bên, để tiến đến sự an tịnh, đưa đến trí tuệ, giác ngộ và Niết bàn hay con đường chấm dứt khổ đau.
Chủ nghĩa tiêu thụ
Thuật ngữ chủ nghĩa tiêu thụ hay chủ nghĩa tiêu dùng được cho là đã xuất hiện từ sau Thế chiến thứ hai, khi tiêu dùng được xem là then chốt của xã hội phương Tây và việc tiêu dùng là sự tái thiết sau thời gian chiến tranh kéo dài. Khuynh hướng này có nguồn gốc thế kỷ thứ XVIII, khi sự thịnh vượng và sự dịch chuyển xã hội làm tăng lên số người có thu nhập cao dành cho tiêu dùng. Sự thay đổi nay bao gồm việc quảng cáo hàng hóa cho cá nhân thay vì hộ gia đình, chức năng biểu tượng vị thế của hàng hóa thay vì chức năng sử dụng đơn thuần. Thế kỷ XX tiếp tục là một giai đoạn nối tiếp lịch sử của chủ nghĩa tiêu thụ, trong số đó phải kể đến người sáng lập công ty Ford Motor – Henry Ford (1836-1947), về dây chuyền sản xuất hàng loạt, trả tiền nhân công cao và hạ giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng – đã tạo thành thứ Fordism (chủ nghĩa Ford). Đây là bước ngoặt của chủ nghĩa tiêu dùng, từ tiêu dùng của tầng lớp quý tộc sang tiêu dùng hàng loạt.
Chủ nghĩa tiêu thụ là lý thuyết cho rằng: một quốc gia tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ với số lượng lớn sẽ có lợi cho nền kinh tế. Bên cạnh sự khuyến khích kinh tế phát triển nhanh chóng, đôi khi, chủ nghĩa tiêu thụ được gọi là một chính sách khuyến khích lòng tham vì nó thường ủng hộ việc mua các sản phẩm mới nhất mà không để ý quá nhiều đến nhu cầu sử dụng của bản thân và đây cũng là mặt tiêu cực của chủ nghĩa tiêu thụ.
ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA CHỦ NGHĨA TIÊU THỤ ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Trong những năm gần đây, môi trường luôn là đề tài tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần tái tạo môi trường tự nhiên… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng biến đổi khí hậu phần lớn xuất phát từ cách con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên và do đó cách giải quyết vấn đề này là giải quyết vấn nạn chủ nghĩa tiêu thụ. Đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại, chủ nghĩa tiêu thụ thường mang ý nghĩa tiêu cực, gây ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống và tạo ra gánh nặng lên môi trường.
Ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên phải kể thông qua khái niệm Earth overshoot day (Ngày Trái Đất quá tải) [4]. Trong hàng triệu năm tiến hóa của nhân loại, chúng ta là thế hệ đầu tiên chứng kiến thời điểm mà lượng tài nguyên Trái Đất tạo ra hằng năm không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của con người hay được gọi là: Earth overshoot day (Ngày Trái Đất quá tải). Ngày này được tính là ngày con người sử dụng hết tài nguyên Trái Đất có thể tái tạo trong một năm. Năm 1971, ngày overshoot đầu tiên rơi vào ngày 25 tháng 12 và năm 2021, ngày này rơi vào ngày 29 tháng 7. Với tốc độ tiêu thụ như hiện tại, chúng ta cần tới 1,75 Trái Đất để duy trì lối sống của nhân loại.
Kế đến là ảnh hưởng của công nghệ sản xuất lên môi trường. Trong nền kinh tế mà năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt… chính là xương sống, việc sản xuất một lượng lớn hàng hóa tương đương với sự phát thải nhiều khí carbon, bởi khí carbon xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp. Nguồn năng lượng duy trì vận hành nền kinh tế vô cùng to lớn. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, phần lớn nguồn năng lượng sản xuất bắt nguồn từ nguyên liệu hóa thạch mà khi đốt sẽ thải ra khí carbon dioxide. Ước tính vào năm 2019, có tới 76% lượng khí nhà kính xuất phát từ lĩnh vực sử dụng năng lượng [5]. Trong đó, thời trang nhanh là ví dụ điển hình. Ước tính việc sản xuất một chiếc áo t-shirt làm từ polyester tương đương với phát thải ra 5.5 kg khí CO2, hay tương đương với khí thải 0,6 gallon khí gas, hay khí thải khi đốt 5,9 pound than, hay khí thải khi di chuyển 13 dặm Anh của một xe ô tô [6].
Ảnh hưởng thứ ba là trình trạng lãng phí thực phẩm. Không chỉ thời trang mà thói quen ăn uống vô độ cũng là một gánh nặng lên môi trường. Mức lãng phí lương thực trung bình đầu người trong khâu sản xuất ở châu Âu và Bắc Mỹ là 280 -300kg/năm. Ở Nam Phi và Đông Nam Á con số này là 120 -170kg/năm. Lượng lương thực bình quân đầu người bị lãng phí bởi người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ là 95-115kg/năm, trong khi đó con số này ở Bắc Phi và Đông Nam Á chỉ là 6 – 11kg/năm [7].
ỨNG DỤNG TRIẾT LÝ THIỂU DỤC TRI TÚC TRONG VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Theo Phật giáo, những nguyên nhân của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sai lầm, các hành động của con người chịu trách nhiệm cho việc này. Ba nguyên nhân sâu xa đó là: tham (lobha), sân (dosha) và si/ thờ ơ (moha), từ đó nổi lên vô số các nhánh và biến thể của chúng: giận dữ và tàn ác, ghê tởm và ghen tị, tự phụ và kiêu ngạo, phù phiếm, và vô số quan điểm sai lầm khác [8]. Hành động sai này có thể thay thế bằng hành động khéo léo hơn để sử dụng đúng nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn. Gốc rễ của hành động khéo léo là: không tham, không sân, không si.
Tiêu dùng đúng là sử dụng các dịch vụ tự nhiên và các sản phẩm liên quan đáp ứng nhu cầu cơ bản, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đồng thời giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, vật liệu độc hại cũng như phát thải chất thải và chất gây ô nhiễm trong vòng đời của dịch vụ sản phẩm (để không gây nguy hiểm cho nhu cầu của các thế hệ tương lai) [9].
Chủ nghĩa tiêu thụ đang truyền bá tư tưởng mọi người phải mua sắm không ngừng, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy như: làm việc kiệt sức, khai thác tận diệt tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bành trướng của chủ nghĩa thiệu thụ là người tiêu dùng không xác định rõ được cái cần và điều mong muốn.
Theo tháp nhu cầu Maslow [10], nhu cầu là những thứ thật sự cần thiết cho sự tồn tại như: thức ăn, nước uống, chỗ ở, không khí… Đạo Phật hướng đến sử dụng hết những thứ mình đang có, tận dụng hết khả năng của chúng mà không để lãng phí; lãng phí nhu yếu phẩm luôn là điều cấm kỵ trong Tăng đoàn thông qua việc hành trì giới luật.
Phật giáo hướng những sự mong muốn đó vào hạnh nguyện cho người khác được hạnh phúc, bình an. Hạnh tùy hỷ là hạnh cần phải được nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi người đệ tử Phật. Chủ trương của Phật giáo là tối thiểu hóa tiêu thụ và tối đa hóa hạnh phúc; quan điểm này đi ngược lại hoàn toàn với các nhà kinh tế học hiện đại. Việc phân biệt rõ đâu là cần và muốn là việc hết sức cần thiết. Những nhu cầu cần thiết cơ bản cho cuộc sống, sự tồn tại nếu vượt qua để thỏa mãn ham muốn hay lòng tham, dục vọng thì các vấn đề khác sẽ phát sinh – muốn. Muốn là có nhu cầu sở hữu những thứ những thứ thái quá hơn, tốt hơn, nhiều hơn nhu cầu cần.
Nếu chúng ta không sở hữu quá những thứ chúng ta cần để thỏa mãn tham dục thì những vật chất đó sẽ đến được với những người thật sự cần nó cho sự sống, tồn tại của họ.
KẾT LUẬN
Nhìn một cách tích cực, chủ nghĩa tiêu dùng xuất phát từ việc kinh tế, khoa học và công nghệ phát triển dẫn đến giá thành các loại sản phẩm hạ xuống và việc tiếp cận càng mặt hàng cũng trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, cơ chế định giá đó không được tính hoặc không bao gồm chi phí của các thảm họa môi trường có thế diễn ra sau quá trình sản xuất, sử dụng, tái chế…
Do đó, mỗi khi đứng trước quyết định mua sắm một sản phẩm, hãy tự xem xét liệu có cần thiết hay không và liệu có thể đưa ra giải pháp thay thế bền vững hơn không. Đó là một trong những cách người tiêu dùng có góp phần cho xã hội phát triển bền vững và để cho thế hệ kế tiếp tươi sáng hơn.
Thiểu dục tri túc là phương pháp giáo dục tinh thần cũng như là một nếp sống mà Phật giáo đã xây dựng và thực hành trong hàng ngàn năm qua. Thông qua việc giáo dục về lòng tham cùng lòng biết ơn mà ở đó người con Phật thực hành trừ bỏ lòng tham, nuôi dưỡng biết ơn với những gì mình có, tận dụng và sử dụng chúng hợp lý. Nhân rộng ra, đời sống hiện nay của nhân loại, lòng tham là căn nguyên dẫn đến sự bành trướng của chủ nghĩa tiêu thụ và là nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường.
Lòng tham lợi nhuận là vô hạn, thế nhưng tài nguyên thiên nhiên và môi trường là hữu hạn và chúng đã đến gần với giới hạn. Hãy có trách nhiệm với những gì mình mua, tối đa hóa giá trị sử dụng đồ dùng của bạn. Liệu có đáng để chúng ta chú ý đến những niềm vui lâu bền hơn, có ý nghĩa hơn thay vì sự hưng phấn nhất thời của việc mua sắm, liệu có xứng đáng để quan tâm đến môi trường và mọi người xung quanh mình hay không?
Thích Nhuận Sơn