;
Tổ Lê Khánh Hòa với công cuộc chấn hưng Phật giáo
Tổ Khánh Hòa (1877-1947) là một trong những vị tổ khai sơn công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ.
Một trong những đóng góp lớn của ngài là nỗ lực “cất nhà thư xã thỉnh ba tạng kinh để làm tài liệu nghiên cứu, phiên dịch ra Việt văn để phổ biến ra thập phương bá tánh” (1).
Đóng góp này của Hòa thượng Khánh Hòa có ý nghĩa then chốt trong lý luận Chấn hưng Phật giáo. Hoạt động mà Hòa thượng Khánh Hòa đề ra, khởi xướng, thực hiện kiểu mẫu đến nay vẫn còn đang được tiếp tục và vẫn là một yêu cầu hết sức quan trọng để có được một Phật giáo Việt Nam hưng thịnh.
NHU CẦU VỀ TAM TẠNG MÀ TỔ KHÁNH HÒA ĐÃ NHẬN THỨC
Ở một tôn giáo phát triển, bao giờ, giáo lý của vị giáo chủ cũng được phổ biến sâu rộng đến tu sĩ và tín đồ, mà phương tiện là những bản kinh nền tảng, thường là được cho là sáng tác hay bản ghi lời nói của vị giáo chủ. Phật giáo không nằm ngoài vấn đề có tính quy luật, tất yếu, đương nhiên này.
Về mặt lý luận, các nhà lãnh đạo ở mọi tôn giáo đều nhận thức được điều này, đặc biệt là ở Phật giáo trong thời kỳ hưng thịnh.
Sự kiện Pháp sư Huyền Trang vượt nhiều ngàn ki lô mét đến Ấn Độ thỉnh Tam tạng kinh điển là một sự kiện lớn của Phật giáo toàn thế giới. Nó thể hiện bước phát triển tất yếu của Phật giáo Trung Quốc hưng thịnh, là một cột mốc đánh dấu đỉnh cao của Phật giáo Trung Quốc.
Những phát minh về kỹ thuật in ấn cũng đã được sử dụng để in kinh điển tôn giáo và điều đó diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Ở Trung Quốc, kỹ thuật in mộc bản khi sử dụng đầu tiên đã được dùng để nhân bản Kinh Kim Cương và Đại tạng. Còn ở châu Âu, máy in do Gutenberg phát minh đã thúc đẩy việc phát triển đạo Tin Lành với những bản in Kinh Thánh.
Tại Việt Nam, thời nhà Trần, trên đỉnh cao hưng thịnh của Phật giáo, Tam Tạng đời nhà Nguyên với khoảng 5000 quyển đã được khắc in (2). Tương tự như trường hợp ở Trung Quốc đời nhà Đường, việc khắc in, phổ biến rộng rãi Tam Tạng kinh điển ở Việt Nam gắn liền với cao điểm phát triển của Phật giáo.
Khi trình độ nhận thức tôn giáo được nâng cao, cộng đồng tôn giáo sẽ phát sinh nhu cầu tiếp nhận trọn vẹn giáo lý, thông qua toàn bộ kinh điển, thay vì chỉ tiếp nhận những mảnh vụn giáo lý, qua những mảng miếng kinh điển, qua giáo huấn cùa một số tu sĩ, mà chính những vị này cũng không được tiếp xúc với toàn bộ giáo lý, hoặc thay vì chỉ tin đạo mà không cần quan tâm đến giáo lý. Khi đó, tôn giáo xuống cấp, suy thoái, trở thành một thứ tín ngưỡng, mà ở đó, chỉ một số ít tín điều được biết đến, chứ không phải toàn bộ giáo lý.
Phật giáo Việt Nam trong hoàn cảnh suy thoái cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã rơi vào tình trạng như vậy. Phật giáo xuống cấp, trở thành một thứ tín ngưỡng. Ở đó, giáo lý Phật giáo, mà biểu hiện tập trung là Tam Tạng kinh điển trở thành mờ nhạt, xa cách. Tam Tạng, mà tạng chính là tạng kinh, trở thành một khái niệm Phật giáo chung chung, trừu tượng, chỉ được biết đến qua giai thoại Đường Tăng thỉnh kinh. Tam tạng không còn trong các chùa, như thế, tín đồ cũng lại càng không có. Giáo lý Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chỉ còn qua một số ít kinh tụng, như A Di Đà, Phổ Môn.
Tình trạng như thế là một vấn đề. Nhưng vấn đề sau đây mới là hệ trọng. Chùa không có Tam Tạng kinh điển là một tầng nấc của khủng hoảng Phật giáo. Nó phát triển đến một tầng nấc cao hơn, là tăng ni Phật tử không có nhu cầu sở hữu, tiếp nhận Tam tạng kinh điển. Đây là một biểu hiện rất trầm trọng cho việc suy thoái của Phật giáo. Chẳng những không có Tam Tạng, tu sĩ tín đồ Phật giáo không cần đến Tam Tạng, và như vậy, ắt sẽ không bao giờ có được Tam Tạng. Tình trạng này kéo dài một cách nặng nề cho đến khi Tổ Khánh Hòa đề xướng việc thỉnh, lưu trữ, phiên dịch Tam Tạng.
Tăng ni Phật tử Việt Nam cuối thế kỷ XIX cách ly với Tam Tạng kinh điển, tức là toàn bộ giáo lý, không chỉ vì không sở hữu Tam tạng, không có nhu cầu tiếp nhận giáo lý toàn diện từ Tam Tạng, mà còn là vì ngăn cách ngôn ngữ Hán Việt.
Dưới sự cai trị của người Pháp, chữ Quốc ngữ ngày càng phổ biến, chữ Hán ngày càng thu hẹp phạm vi sử dụng. Ngày càng có ít tăng ni Phật tử đọc hiểu được chữ Hán. Tổ Khánh Hòa đã nhận thức hết sức sâu sắc về vấn đề này. Cho dù có sưu tập, lưu trữ được Tam Tạng, mà bản lưu hành bản duy nhất lúc bấy giờ Hán văn, thì cũng bằng như vô ích, quá trình tiếp nhận giáo lý sẽ vẫn không được thực nhiện.
Do đó, nhận thức về vấn đề phổ biến giáo lý Phật giáo một cách toàn diện nơi Tổ Khánh Hòa không phải là một hoạt động đơn lẻ, mà là một quy trình, với bốn giai đoạn đối với Tam tạng kinh: sưu tập, lưu trữ, phiên dịch, phổ biến, trong đó gồm việc thành lập thư xã, tức là thư viện.
Ngày nay, chúng ta có thể cho rằng nhận thức của Tổ Khánh Hòa cũng bình thường, đơn giản, dĩ nhiên. Tuy vậy, nếu đặt tư duy của Tổ Khánh Hòa vào bối cảnh Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ, thì bước tiến của tư duy đó là hết sức lớn lao.
Ý NGHĨA CỦA TƯ DUY TIẾP NHẬN GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT TOÀN DIỆN CỦA TỔ KHÁNH HÒA
Chúng ta đã khái quát quy trình mà Tổ Khánh Hòa đã nêu ra đối với Tam Tạng kinh điển: sưu tập, lưu trữ, phiên dịch, phổ biến. Có vẻ đây chỉ là quy trình xuất bản ấn phẩm nước ngoài? Ý nghĩa như vậy của tư duy Tổ Khánh Hòa phải chăng chỉ đi theo sự phát triển của học thuật?
Thực ra, tầm vóc tư duy của Tổ Khánh Hòa là hết sức lớn lao, là bước đột phá then chốt trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo.
Chấn hưng Phật giáo yêu cầu Phật giáo Việt Nam phải có tư duy tiếp nhận toàn diện về giáo lý, mà then chốt là việc tiếp nhận Tam Tạng. Trước khi có Chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Việt Nam chỉ là một tôn giáo không cần giáo lý, nếu có biết thì chỉ là một vài khái niệm, như luân hồi, đầu thai, cứu khổ, vãng sinh…
Lý luận tôn giáo học ngày nay cho phép chúng ta phân biệt giữa tôn giáo và tín ngưỡng, nhưng 100 năm trước thì không thể. Nhưng Tổ Khánh Hòa đã phân biệt được tôn giáo không giáo lý, hoặc chỉ có một phần giáo lý với tôn giáo có hệ thống giáo lý đầy đủ, toàn diện (mà đối với đạo Phật, điều đó nằm ở Tam tạng kinh điển).
Nếu quan niệm chấn hưng Phật giáo là khôi phục ở đạo Phật những giá trị bị đánh mất, bị lãng quên, bị vùi lấp, thì một trong những giá trị đó nằm ở Tam Tạng kinh điển, bị xa cách, bị quên lãng. Sưu tập, lưu trữ, phiên dịch, phổ biến Tam tạng kinh điển không chỉ có ý nghĩa là phổ biến kinh Phật, mà trong hoàn cảnh Phật giáo Việt Nam 100 năm trước, đó là kế hoạch khôi phục những giá trị của Phật giáo bị che lấp, lãng quên, bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Quy trình sưu tập, lưu trữ, phiên dịch, phổ biến Tam tạng kinh điển của Tổ Khánh Hòa có thể nhìn nhận là quá trình tái tôn giáo hóa Phật giáo Việt Nam, quá trình nâng cấp Phật giáo Việt Nam từ cấp độ tín ngưỡng (tin và thờ cúng không cần biết đến giáo lý)trở lại lên cấp độ tôn giáo (lĩnh hội giáo lý toàn diện, triệt để, sâu sắc).
Giáo lý Phật giáo hết sức phong phú, sâu sắc, đa dạng. Tổ Khánh Hòa đã nhận thức rằng Phật giáo chỉ được chấn hưng khi giáo lý được khôi phục đầy đủ. Để làm điều đó thì dứt khoát phải thực hiện quy trình 4 bước mà Tổ Khánh Hòa đã đề ra.
Có tiếp nhận đọc hiểu Tam tạng kinh điển, người tu Phật mới tiếp xúc được giáo lý đạo Phật trực tiếp, đích thực, chân truyền, không qua khúc xạ gián tiếp của diễn giải cá nhân (lãnh hội giáo lý Phật giáo qua những công trình nghiên học thuật, qua thuyết giảng của các tu sĩ, cư sĩ), qua những dạng sơ lược, tóm tắt kinh điển, qua xu hướng tín ngưỡng với dạng tín điều truyền miệng v.v…
Ngày nay, chúng ta có thể đặt những câu hỏi về quy trình phổ biến Tam tạng kinh điển mà Tổ Khánh Hòa đã đặt ra, như vì sao trong quy trình đó không có việc phát hành Tam tạng kinh điển đã phiên dịch, quy trình không đi kèm với cơ sở lý luận mà chỉ liệt kê công việc…?
Cần đặt quy trình mà Tổ Khánh Hòa đề xướng trong hoàn cảnh không phải của chỉ Phật giáo Việt Nam mà là của cả xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Khi đó, việc in sách còn rất khó khăn và Tam tạng là một bộ sách vài chục tập dày, nhiều chục ngàn trang, chưa thể là sở hữu cá nhân. Vì vậy, trong việc phổ biến, chưa đề cập đến công đoạn phát hành Tam tạng đã phiên dịch, tức là chưa tính đến sở hữu cá nhân, mà chỉ đề cập đến sưu tập, lưu trữ và phổ biến công cộng, là phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ. Nếu có phát hành Tam tạng kinh điển, thì việc thỉnh sẽ vượt quá khả năng của mỗi người hay mỗi gia đình.
Phương thức quảng bá ấn phẩm bằng thư viện là phương pháp phù hợp với những ấn phẩm đồ sộ, đắt tiền. Phương thức này phổ biến trên thế giới. Tổ Khánh Hòa là người có hiểu biết sâu rộng nên đã đề xuất phương thức này với Phật giáo Việt Nam.
“Thư xã”, tức thư viện, mà Tổ Khánh Hòa nêu ra là thư viện công cộng của từng chùa (không nên hiểu là Phật giáo toàn miền hay toàn quốc chỉ có một thư xã), nên đây là một kế hoạch có tầm nhìn quảng đại, thâm sâu.
Trong hoàn cảnh chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, việc nêu mục tiêu với những bước triển khai cụ thể như Tổ Khánh Hòa đã là một bước tiến lớn. Vấn đề nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đến nay vẫn còn hết sức sơ sài, huống nữa là vào hoàn cảnh 100 năm trước.
Hơn nữa mục tiêu và các bước triển khai như Tổ Khánh Hòa đã nêu có sự thuyết phục hiển nhiên, không cần lý luận dài dòng. Lý luận như chúng ta đang nghiên cứu hôm nay chỉ cần thiết khi đối với sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo đã có một khoảng cách nhất định.
VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM PHỔ BIẾN TAM TẠNG KINH ĐIỂN CỦA TỔ KHÁNH HÒA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ý tưởng mà Tổ Khánh Hòa nêu ra trong giai đoạn đầu của chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã được thực hiện trong suốt nửa thế kỷ Chấn hưng Phật giáo và liên tục cho đến hôm nay.
Hàng loạt các bộ kinh, luật, luận trong Tam tạng kinh điển đã được phiên dịch (tất nhiên đã qua giai đoạn sưu tập), bản dịch một phần Tam tạng kinh điển đã được phổ biến rộng rãi bằng nhiều phương thức, trong đó có bổ sung phương thức phát hành có thu tiền. Số lượng ấn bản những tác phẩm Phật giáo thuộc về Tam tạng có thể coi là khá. Ý thức phổ biến kinh Phật toàn diện đã có trong một số tăng ni Phật tử.
Tuy nhiên, đã gần 100 năm sau khi khởi đầu Chấn hưng Phật giáo và hiện nay, khi giới Phật giáo dường như đã coi Chấn hưng Phật giáo kết thúc, việc nhắc đến Chấn hưng Phật giáo chỉ còn là cá biệt, lẻ loi, thì vẫn có thể kết luận rằng mục tiêu và quy trình Tổ Khánh Hòa nêu ra vẫn chưa được hoàn thành.
Một trong những nội dung lớn của chấn hưng Phật giáo Việt Nam vận động theo xu hướng mà Tổ Khánh Hòa đã vạch ra, kết quả có nhưng còn hạn chế. Tuy ở một bộ phận tăng ni Phật tử đã có được quan điểm như Tổ Khánh Hòa nêu ra, tiếp nhận giáo lý Phật giáo một cách toàn diện và trực tiếp qua Đại tạng, nhưng một số đa số lớn hơn nhiều vẫn không biết đến giáo lý Phật giáo, hoặc chỉ biết một phần nhỏ, sơ sài và gián tiếp. Hiện vẫn tồn tại một bộ phận lớn chỉ ở mức Phật giáo tín ngưỡng, không quan tâm đến việc học hỏi giáo lý một cách toàn diện, chỉ biết thờ cúng, hương khói.
Mục tiêu phiên dịch, xuất bản Đại tạng đã được Phật giáo Việt Nam đề ra rõ ràng, cụ thể với quyết tâm cao, trong những năm 1960, 1970, nhưng chỉ mới thực hiện từng phần, đến thập niên 1990 mới được đẩy mạnh, và mãi đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Quan điểm nói chung về kinh điển Phật giáo, tuy không còn chỉ là Di Đà, Phổ Môn, nhưng chưa đạt đến mức hoàn thiện đầy đủ ở mức tổng quát, “Tam Tạng”. Không ít tăng ni Phật tử chưa tiếp xúc được với các bộ A Hàm, các bộ kinh tạng Nam truyền. Tức là không như quan điểm tiếp nhận giáo lý toàn diện, đầy đủ, hoàn chỉnh, trực tiếp, từ Tam Tạng, của Tổ Khánh Hòa.
Số lượng phát hành nhiều bộ kinh trong Tam tạng là khá, như kinh Địa tạng, kinh Pháp Hoa…, trong đó nhiều bộ được ấn tống thường xuyên, thế nhưng số ấn bản không phải là tương xứng với số lượng tín đồ Phật giáo và số lượng giữa những tựa kinh không đồng đều. Do đó, Tam tạng tiếng Việt hình thành không đồng bộ. Một số kinh, thậm chí là Bắc tông, có phần ít được in ấn.
Những tựa kinh ấn hành trong khuôn khổ Đại tạng có số ấn bản chưa là vào đâu so với số lượng chùa toàn quốc, chứ chưa nói đến số lượng tăng ni.
Do đó, mục tiêu, quy trình mà Tổ Khánh Hòa nêu ra vẫn cần được tiếp tục. Lời dạy của Tổ Khánh Hòa vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Chấn hưng Phật giáo, do đó, cần được xác định là phải tiếp tục và cần đẩy mạnh hơn nữa.
Thời Tổ Khánh Hòa, việc tiếp nhận giáo lý Phật giáo không toàn diện, không đầy đủ, không trực tiếp là vì hoàn cảnh khách quan không có được Tam tạng, mà Tổ Khánh Hòa đã chỉ ra giải pháp.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp nhận kinh điển Phật giáo không toàn diện, không đầy đủ, không trực tiếp còn vì những nguyên nhân chủ quan, mà thời Tổ Khánh Hòa chưa có.
Những xu hướng tiếp nhận giáo lý Phật giáo phức tạp mới phát sinh có tác động đáng lo ngại đối với cục diện tiếp nhận giáo lý Phật giáo, trái với hướng mà Tổ Khánh Hòa đã vạch ra.
Đối với Phật giáo Việt Nam, cùng được coi là trong Tam tạng, nhưng đã nổi lên xu hướng xem cá biệt một bộ kinh là “vua của các kinh” (đối với Kinh Pháp Hoa), còn bộ kinh khác chỉ là chuyện cổ tích (như đối với Tiểu Bộ kinh). Tất nhiên, như vậy, ngay trong tạng kinh, việc tiếp nhận đã trở nên phiến diện, lệch lạc. Tam tạng, với toàn bô như Tổ Khánh Hòa muốn phổ biến, không còn được tiếp nhận một cách khách quan, trọn vẹn, mà có sự chủ quan, thiên lệch.
Tình trạng nghi ngờ một số kinh không phải kinh Phật thật sự cũng xuất hiện đâu đó trong Phật giáo Việt Nam. Tình trạng này chia cắt Tam tạng, với tâm trạng nghi vấn, hoang mang, phủ nhận.
Thời Tổ Khánh Hòa, tăng ni Phật tử có thể chỉ biết kinh Phật chỉ qua Di Đà, Phổ Môn… Sau gần 100 năm, tình trạng đó có cải thiện, nhưng lại phát sinh có nhóm Phật tử chỉ biết hơn một chút, như chỉ biết kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa…
Trong khi Tổ Khánh Hòa hướng tới việc tiếp nhận kinh Phật toàn diện, trực tiếp, Tam tạng, thì nay có xu hướng viết rút ngắn tóm tắt lại kinh Phật. Như vậy, đến với Tăng ni Phật tử không phải Tam tạng, như ý Tổ Khánh Hòa, mà ngay trong từng bộ kinh cũng không thể đầy đủ, trọn vẹn.
Hiện tượng tự cho rằng đã am hiểu giáo lý Phật giáo, nhưng không đọc trực tiếp kinh Phật, dù chỉ một vài kinh, không phải là Tam tạng, mà chỉ tiếp nhận qua lời giảng của những vị thầy, thậm chí có thể là cư sĩ với âm thanh và có thể luôn hình ảnh ghi trên băng, trên dĩa, phổ biến qua internet, cũng là một vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Có người nói rằng họ tiếp xúc giáo lý Phật giáo 24/24, khi hỏi đến thì bật điện thoại cho nghe file Mp3 của một cư sĩ nào đó từ nước ngoài, khi hỏi Tam tạng” thì lầm sang nhân vật Đường Tăng trong phim…
Phật giáo Việt Nam đang đối mặt với những tình huống suy thoái mới. Toàn bộ kinh Phật, tuy đồ sộ, nhưng vẫn có thể trở thành giáo lý nền tảng Phật giáo một cách trực tiếp, trung thực như Kinh Thánh với Ky tô giáo, kinh Coran với Hồi giáo. Tiếc rằng, sau gần 100 năm chấn hưng Phật giáo, mục tiêu đó vẫn chưa thực hiện được.
Lời dạy của Tổ Khánh Hòa vẫn là mục tiêu, thử thách, giải pháp đối với Phật giáo Việt Nam.
Minh Thạnh - Nguyễn Mạnh Cường
(1) Trần Cao Lộc: Tổ Khánh Hòa, trang web Chùa Xá Lợi.
(2) Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nxb Tổng hợp TPHCM, 2006, trang 12.
- Minh Thạnh. Địa chỉ: 153/1 Võ Văn Tần, P6, Q3, TPHCM. Điện thoại: 091.555.36.10
- Nguyễn Mạnh Cường. Địa chỉ: Chùa Vạn Bửu, 272 Gia Phú, P1, Q6, TPHCM. Điện thoại: 01237922959.