;
Chiều 03/12/2023 tại chùa Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Bình đã tổ chức Lễ công bố Quyết định kỷ luật tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra (chùa Đại Thọ).
Hội đồng Yết ma kết luận về vụ việc của tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra chiều 3/12.
Quang lâm tham dự có sự hiện diện của Chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long; Ban Trị sự PG huyện Tam Bình; Chư Tôn đức Trụ trì và Ban Quản trị 13 cơ sở Phật giáo Nam tông Khmer và đông đảo người dân đồng bào tham dự.
Dấu hiệu vi phạm Giới luật và pháp luật
Được biết, tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra hiện đang sinh hoạt tại chùa Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến Giới luật, Giáo luật, Hiến chương Giáo hội và Pháp luật Nhà nước. Theo đó, tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra lợi dụng hình ảnh tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer đã lôi kéo, dẫn dụ một số đối tượng khác để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo; chiếm dụng chùa trái phép bằng hình thức ép buộc Sư Thạch Xươl giao quyền Trụ trì chùa Đại Thọ trực tiếp, tiếp nhận các đối tượng vào sinh hoạt trong chùa trái phép và tự ý xây dựng ngôi giảng đường trái phép để tổ chức các hoạt động bất hợp pháp.
Các hoạt động đã diễn biến một thời gian dài và sau nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra vẫn không hợp tác và tiếp tục có những hoạt động nhằm gây kích động dư luận, chia rẽ dân tộc.
Phật tử, dân chúng đến nghe Hội đồng Yết ma công bố quyết định chiều 3/12.
Đỉnh điểm sự việc xảy ra vào ngày 22/11/2023, tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra đã treo 03 tấm vải hình chữ nhật có 03 màu “lam, vàng, đỏ”, không phải cờ Phật giáo trên đoạn đường công cộng trước cổng chính chùa Đại Thọ và sau khi được Tổ công tác của chính quyền huyện Tam Bình đến xác minh tìm hiểu sự việc, tuyên truyền, vận động tháo gỡ thì bị tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra đã chỉ đạo các tu sĩ trong chùa đóng cổng, đánh trống chùa, đồng thời cùng Dương Khải, Thạch Qui Lây (02 vị này do tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra tổ chức cho nhập tu trái phép tại chùa) có phát ngôn mang tính kích động, xúc phạm, đe dọa Tổ công tác và hai Phật tử đi cùng.
Theo kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cá nhân tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra được cho là liên tục kích động các tu sĩ và Phật tử gây mất an ninh trật tự, thách thức chính quyền, không nghe các thành viên Tổ công tác giải thích, đồng thời chỉ đạo các tu sĩ đóng cổng chùa và bắt giữ các thành viên Tổ công tác và có hành vi đe dọa và trực tiếp dùng tay, gậy đánh thành viên Tổ công tác gây thương tích, sau đó khống chế Tổ công tác đưa vào trong chánh điện chùa, khóa cửa không cho ra ngoài.
Đông đảo Phật tử tại buổi lễ công bố quyết định đối với tu sĩ Thạch Chanh Ra Đa.
Tẩn xuất khỏi Tăng đoàn
Từ tình hình diễn biến phức tạp trên, Hội đồng Trị sự, Văn phòng 2 TƯ, Ban Trị sự và các cơ quan năng tỉnh tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức các buổi họp để thảo luận và thống nhất biện pháp giải quyết theo tinh thần Hiến chương, Giới luật và Pháp luật.
Để duy trì sự ổn định và uy tín của Giáo hội, căn cứ các sai phạm của tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra, Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Nam Tông Khmer và tất cả các tự viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Ban Trị sự tỉnh và thảo luận lấy ý kiến thống nhất thành lập Hội đồng Yết ma gồm 20 vị là chư tôn đức giáo phẩm và chư đại đức trụ trì các tự viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại tỉnh Vĩnh Long cử hành nghi thức Yết ma theo truyền thống hệ phái Nam tông để cử tội Tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra theo Luật Phật vào ngày 24/11/2023 và kết luận của Hội đồng Yết ma là Tẩn xuất (khai trừ) khỏi Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam .
Tẩn xuất là gì
(Kiến thức cho Phật tử).
Còn gọi là Diệt tẩn, Khu Tẩn, Tẩn Phạt, Khu Xuất, Khu Di, Tẩn Trị, hoặc chỉ đơn giản là Tẩn, là một trong những phương pháp xử phạt hàng tỳ-kheo hoặc Sa-di phạm giới, tức là gạt bỏ người đó ra ngoài đoàn thể Tăng già đang cùng ở, không cho cùng ở với Tăng chúng.
Theo Thập Tụng Luật, quyển 21, người phạm Ba La Di Giới chẳng được thọ Cụ Túc Giới của người xuất gia. Nếu cho thọ thì người truyền giới cũng bị tẩn xuất. Theo Tứ Phần Luật, quyển 17, điều “Tùy Tẩn Sa Di Giới” thì Sa Di bị chúng Tăng trách tội vẫn không sửa lỗi, sẽ bị tẩn xuất. Thiện Kiến Tỳ Bà Sa Luật cũng chép tương tự.
Người bị tẩn xuất không được truyền giới cho người khác, không được làm y chỉ sư, không được nhận đồ đệ, không được nhận các vật phẩm cúng dường như y bát, ngọa cụ, tọa cụ, nước rửa chân…
Theo Tỳ Ni Mẫu Kinh, quyển 2: “Tẩn Xuất có hai loại Yết Ma: Một là vĩnh tẩn (khai trừ vĩnh viễn), hai là do điều phục nên tẩn xuất. Điều phục nghĩa là trong khi chưa sám hối thì mọi thứ ăn ở, nói năng, hết thảy pháp sự của Tăng chúng đều không được tham dự…
Nếu kẻ đó vẫn ương ngạnh không thay đổi, hối hận, thì suốt đời chẳng được tham dự Tăng sự”. Ngoài ra, còn có một hình thức trừng phạt gọi là Mặc tẩn (brahma-danda), nghĩa là không trò chuyện, không hỏi han đến người bị trừng phạt, coi như người ấy không tồn tại trong Tăng chúng.
Tin: Tâm Phúc /Ảnh: Ban TTTT