;
Có lúc, tưởng chừng biểu tượng đó bị xóa vết sau khi bị đặt mìn giật sập bởi toán lính của linh mục Lê Hữu Từ và Hoàng Quỳnh vào ngày 10 tháng 9 năm 1954; (Nguyễn Mạnh Quang-sách hiếm),trước khi Pháp rút khỏi miền Bắc vào năm 1954.Sau đó, được sửa chữa lại năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.
Một biểu tượng tưởng chừng vĩ đại đã được lưu danh trong văn học sử, và cũng là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, nhưng sau khi đất nước thống nhất, người dân miền Nam có dịp thăm viếng, ngỡ ngàng đứng trước một hình ảnh tiều tụy, mất sức sống của một "ngôi miếu" từng hội tụ hồn thiêng sông núi. Hình ảnh "thất thời" khép nép đứng cạnh những kiến trúc đồ sộ đương đại chuẩn bị chìm vào lãng quên. Thậm chí, đã từng được báo chí kêu cứu khi "báu vật" đó không đủ tự mình vững chải với thời tiết. Các bảo tượng phải đội nón dưới những trận mưa dầm hoặc được che nilon trong những mùa rét đậm. Người ta đua nhau xây dựng cơ sở vật chất thời đại, quan tâm đến những phù phiếm trong cuộc sống, bỏ mặc những giá trị văn hóa tâm linh, mà từ đó, dân tộc được nuôi dưỡng và hiên ngang trước những cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Hiện chùa được ĐĐ Thích Tâm Kiên tọa chủ bảo dưỡng.
Sau cuộc di cư vĩ đại lúc đất nước chia đôi, hình ảnh chùa Một Cột lại được tái hiện tại trời Nam ở Thủ Đức, như là điểm tựa tình cảm và tâm linh cho đồng bào miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Năm 1958 Nam Thiên Nhất Trụ - chùa Một Cột được khai sơn ngày 8 tháng 4 bởi Hòa thượng Thích Trí Dũng và một đệ tử tục danh Đỗ Thị Vinh (pháp danh Đức Hiển nay đã xuất gia đầu Phật) đã yểm trợ tạo lập. Người khởi công trên vùng đất còn hoang sơ lúc bấy giờ tại Thủ Đức, phục dựng nguyên mẫu trở thành biểu tượng trời Nam một cõi để cân bằng biểu tượng văn hóa tâm linh cho hai miền.
Rồi sau khi nước nhà hòa bình, Bắc-Nam kết nối, một lần nữa, đất nước có thêm một biểu tượng "Sen nở đất Việt" tại miền Tây Nam bộ, trên vùng đất thật đặc biệt, đặc biệt hơn cả Củ Chi "Thành đồng đất thép", đó là Ấp Bắc, một địa danh đi vào chiến sử mở màng cho cuộc chiến trường kỳ 30 năm. Phải nói là không quá khi xem Ấp Bắc tại Tiền Giang - vùng đồng bằng Miền Tây Nam bộ trở thành nơi oanh tạc trắng suốt cuộc chiến máu lửa tương tàn. Đặc biệt nơi đây, không có một biểu tượng hay hiện diện của một tín ngưỡng, tôn giáo nào; dân quê chân đất sống với ruộng lúa, vui với hoa màu, quanh năm gửi gấm niềm tin với gió sương suốt thời chiến chinh.
Ngược lại thập niên 1930 của thế kỷ XX trở về trước, theo danh bạ của thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, chùa Linh Quang tọa lạc trên vùng Ấp Bắc đã có tên mà không có mặt, ngôi chùa quê nghèo nàn đơn điệu giữa bạt ngàn sông nước, đã bị xóa sổ hoàn toàn vào tháng 4 năm 1967 dưới trận mưa đạn bom. Thầy trụ trì Thích Quang Cơ (Nguyễn Văn Lơ, sinh 1904) mà người dân vẫn gọi là thầy Bảy Lơ cũng ra đi sau khi bị thương nặng. Và kể từ đó, những thế hệ sau nầy không ai còn biết nơi đây từng có một ngôi chùa.
Những năm trước đây, người viết có đề cập đến ngôi chùa "Một Cột" do một cán bộ thuế vụ tại TP HCM phát tâm thiết kế bằng gỗ quý, có đề nghị với BTS PG Tiền Giang để đặt tại hồ nước (mà người dân nơi đây gọi là giếng nước) ở Mỹ Tho, không được HT Huệ Minh trưởng BTS PG Tỉnh chấp nhận. Bẵng một thời gian, anh Nguyễn Trọng Hạnh, chủ nhân của ngôi chùa trên đây đọc được, thế là đích thân lặn lội trên 200 lần từ Nam ra Bắc, xin tái lập ngôi chùa Linh Quang từng có trong danh bạ tại Ấp Bắc.
Với sự kiên trì và tín tâm, anh đã thành công trong mọi thủ tục, thế nhưng, đất chùa đã bị sử dụng cho trường học, phần còn lại do người dân canh tác, vì thế, anh Hạnh cùng một số thân hữu đóng góp để mua lại số đất còn lại 3.400m2, cách nền chùa cũ 100m.
Cái duyên và cái tâm luôn theo nhau, sau thời gian xa quê, trôi dạt xứ người, một lần hồi hương thăm viếng xóm làng, anh Hạnh hồi tưởng lại thuở ấu thời từng lớn lên từ đất ruộng đồng xanh nơi đây, nhìn xóm làng mới mọc, nhìn trường học và thôn quê hồi sinh, anh chợt nhớ một vài di tích mà thuở bé anh từng nếm trải. Kìa, một đoạn tường cũ còn sót, nền gạch của hồ nước vẫn chưa mất dấu, và chiếc cầu có tên "cầu chùa" làm anh sực nhớ lại thời xa xưa từng tồn tại một ngôi chùa mà chỉ có những bô lão mới biết rõ. Anh tự hỏi:- Tại sao đi tứ xứ đóng góp cho khắp nơi mà quê mình lại bỏ quên?- Anh nảy sinh tái lập ngôi chùa cho quê hương mình.
Ai cũng biết, việc xin tu bổ một cơ sở tôn giáo đang hiện có đã là khó, xin tái lập một ngôi Tam Bảo không còn dấu vết của thời gian thì không thể hy vọng, thế mà, với tâm nguyện và sự hộ trì của chư Thiên, anh đã thành công, bắt tay xây dựng trên mảnh đất sình lầy không chân, phải đổ 12.000 tấn đất bồi để san lấp mặt bằng, và sau đó, để vững chắc cho một nền móng ngôi chùa một cột không thể nói đến phí tổn. Riêng chiếc cổng tam quan nét cổ toàn gỗ cũng đã ngốn gần tỷ bạc. Đứng nhìn công trình tuy chưa hoàn thiện toàn bộ, nhưng anh cũng đã mãn nguyện góp tay cho quê hương nghèo có một biểu tượng tâm linh mà kiểu dáng, kích thước, vật liệu đều không thua ngôi chùa gốc tại Hà Nội. Anh ra tận Hà Nội lấy sơ đồ gốc, từng nét họa tiết, từng góc cạnh, chu vi, chiều cao kể cả màu sắc để tái hiện. Thế nhưng chùa Một Cột tại ấp Bắc có phần lộng lẫy hơn cả Nam Thiên Nhất trụ về chất liệu cổ truyền. Nét chùa Một Cột tại Linh Quang ấp Bắc nầy đẹp hơn vì có cả một bầu trời thoáng đảng trên ruộng đồng mênh mông làm hiển lộ nét kiến trúc linh hồn dân tộc, xứng ngang tầm với danh xưng "Tây Thiên Nhất Trụ".
Thế là ba miền đều có chùa Một Cột, hình ảnh nầy cũng đã xuất hiện tại thủ đô Moskva của Nga được xây lắp tại Tổ hợp Trung tâm Văn Hóa - Thương mại và Khách Sạn "Hà Nội - Matxcova", là công trình lớn nhất của người Việt Nam tại nước ngoài hiện nay. Không rõ các quốc gia đang có người Việt sinh cơ lập nghiệp, đã xuất hiện hình ảnh linh thiêng như thế chưa nhưng chắc chắn hình ảnh chùa Một Cột vẫn khắc sâu trong tâm khảm người Việt cũng như người Phật tử có mặt khắp nơi trên thế giới. Đó là một nét văn hóa đáng vinh hạnh của ông cha ta để lại cho cháu con tự hào trước cường quốc vô đạo mà hàng ngàn năm văn hiến của họ vẫn thấp hơn ngôi chùa Một Cột giản dị mà giàu hồn thiêng.
22/8/2015