nguoiphattu.com Chiều 21/11 (4-10-Đinh Dậu), trong khuôn khổ chương trình Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được trọng thể tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã điều hành buổi tham gia đóng góp tham luận cho Đại hội.
Mở đầu, HT.Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS đã trình bày tham luận với chủ đề "Những điều cốt lõi của Giáo dục Phật giáo". Theo đó, nền giáo dục Phật học nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của hạnh phúc là giáo dục đạo đức, giáo dục thiền định và giáo dục trí tuệ. Qua giáo dục đạo đức, người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha, sống tôn trọng luật pháp và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và người.
Bằng giáo dục thiền định, người học Phật ý thức sâu sắc về sự hiện hữu của bản thân, làm chủ cảm xúc, thái độm tâm tư, nhận thức, hành vi và ứng sử, trong các hành vi đi, đứng, nằm, ngồi, v.v.. Thực tập thiền định mỗi ngày giúp cho con người tiếp xúc thực tại hiền tiền với hạnh phúc sâu lắng, trở nên điềm tĩnh, sáng suốt, phát minh sáng kiến, sáng tạo.
Tiếp đó, HT.Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN trình bày tham luận "Thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đẩy mạnh công tác truyền bá chính pháp trong giai đoạn hiện nay". Theo Hòa thượng, đạo Phật xuất hiện trên thế gian đã hơn 2500 năm và du nhập vào Việt Nam cũng hơn 2000 năm lịch sử, trải qua mỗi thời đại với sự phát triển về xã hội và khoa học, bằng tính "khế lý" và "khế cơ", Phật giáo đã biết vẫn dụng những thành tựu đó để xiển dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh.
Đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, những vị "sứ giả Như Lai" muốn đạt được kết quả tốt đẹp trong việc hoằng truyền Phật pháp thì cần biết ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá chính pháp, nhằm góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh, mặt khác ở thời đại công nghệ thông tin, việc xuất hiện thông tin trái chiều dễ sảy ra nên Phật giáo Việt Nam cũng cần có phương pháp, biện pháp ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin gây bất lợi về hình ảnh tổ chức hoặc liên quan đến các cá nhân tu hành trên mạng Internet.
Với chủ đề "Hoằng Pháp Là Sứ Mệnh", HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng Pháp T.Ư GHPGVN nhấn mạnh, Hoằng pháp là một trong những Ban được hình thành sớm kể từ khi GHPGVN thành lập, Ban Hoằng Pháp đóng vai trò là một Ban chuyên trách đem ánh sáng từ bi, trí tuệ của đạo Phật đến tất cả quần chúng, nói cách khác đem đạo vào đời một cách hữu hiệu nhất.
Có thể nói, công tác hoằng pháp được xem là một nghệ thuật xuất phát từ Từ tâm và Bi tâm của một vị giảng sư, nói một cách quen thuộc đó là tâm huyết của người làm công tác giáo dục, là kỹ sư xây dựng tâm hồn, là công việc của con tim, tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh, tùy theo căn cơ và trình độ mà truyền dẫn nguồn sống tuệ giác, tùy sự nhiệt huyết và rung động trong tâm hồn nhà hoằng pháp đến tâm hồn của người học Phật.
Đức Phật sau khi hành đạo, thành lập Tăng đoàn cũng không ngoài chủ đích là hoằng pháp. Trước khi chư Tăng lên đường hoằng pháp, Ngài nhắn nhủ: "Hãy ra đi, các Tỳ Kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự".
Đại diện Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, HT.Thích Hải Ấn - Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN có bài tham luận với chủ đề "Cần có hướng quản lý mới trong việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo". Hòa thượng cho biết, với hai ngàn năm lịch sử kể từ khi Phật giáo du nhập và hòa vào lòng dân tộc, Phật giáo đã dung hợp với tín ngưỡng bản địa cùng các tư tưởng khác, tham dự vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, theo đó góp phần hình thành một nền văn hóa phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta có thể thấy qua thực tế, trong các di sản văn hóa của quốc gia được công nhận trong thời gian qua có rất nhiều hạng mục là chùa chiền, tượng tháp, văn khắc kinh điển, mộc bản kinh văn Phật giáo, v.v.. chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách hợp lý.
Bảo tồn văn hóa Phật giáo là một vấn đề cần nhận diện và nhận thức đúng, bởi đó không chỉ là di sản của Phật giáo, mà là một thành tố trong chỉnh thể văn hóa dân tộc. Bảo tồn văn hóa Phật giáo cũng có nghĩa là bảo tồn di sản dân tộc, do vậy rất cần có sự chung tay, phối hợp giữa GHPGVN với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, cụ thể là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Cần phải nhìn lại thực trạng và cùng tìm giải pháp hiệu quả hơn trước khi di sản ngày càng bị biến dạng, hoặc mai một đi, nói cách khác là trước khi đã quá mộn.
Phát biểu đúc kết, HT.Thích Bảo Nghiêm đánh giá cao nội dung 20 bài tham luận vừa trình bầy tại Đại hội. Các bài tham luận đã làm sáng rõ mục tiêu của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.
Xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh đã ghi nhận được: