;
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
-------------------------------
THÔNG ĐIỆP
CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Gửi Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử nhân Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính gửi: Chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư,
Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
Trong niềm hoan hỷ vô biên của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Tôi gửi tới chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài lời chúc mừng đại hoan hỷ, đại đoàn kết hòa hợp, đại thành tựu trong sứ mệnh phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam!
Ngày 07/11/1981 là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là kết quả của nguyện vọng thống nhất Phật giáo cả nước của nhiều thế hệ trong lịch sử mà tiêu biểu là Giáo hội Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với tinh thần nhập thế, kế thừa tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, mọi Phật sự của Giáo hội đều định hướng theo phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội.
Chặng đường 35 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, làm cho Đạo Phật xương minh trong lòng dân tộc. Chư tôn đức lãnh đạo Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự đã làm tròn trách nhiệm của mình trong điều hành Phật sự thực hiện di huấn của Đức đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni đã được trụ trì ở tất cả các cơ sở tự viện từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi xa xôi tới hải đảo biên cương, và khắp năm châu hải ngoại. Giáo dục Phật giáo cho Tăng Ni đã hoàn thiện từ cấp cơ sở, trung cấp Phật học, đến bậc đại học Phật giáo với 04 Học viện và các khung chương trình đào tạo cao học, tiến sĩ Phật học tạo nguồn lực Tăng Ni hùng hậu có đủ đạo hạnh và trí tuệ để Giáo hội Phật giáo Việt Nam bước những bước đi vững chắc làm tốt đạo, đẹp đời, xiển dương sự nghiệp hoằng pháp đem ánh sáng giáo lý phục vụ đời sống nhân sinh, và đồng bào Phật tử, cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta vui mừng sau 35 năm, tổ chức Giáo hội đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, ở vùng sâu, vùng xa, và hải ngoại. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng Phật giáo thế giới, tích cực chủ động hội nhập và có đầy đủ năng lực trong hội nhập quốc tế, chúng ta đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008, đặc biệt là Vesak năm 2014 và Thượng đỉnh Phật giáo ASEAN 2016 tại ngôi chùa quy mô mới được xây dựng sánh vai cùng thế giới là minh chứng cho sự trưởng thành và lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đạt được những thành tựu này, chúng ta thành kính tri ân công đức của Chư vị lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam và của Chư tôn đức lãnh đạo tiền bối Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã dày công vun đắp.
Trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đổi mới, xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng với thời cơ vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi mà tình hình trên thế giới, và trong khu vực thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp khó lường đưa đến nguy cơ của chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố bạo loạn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là sự tranh chấp chủ quyền biển đảo ngày càng gia tăng ở Biển Đông đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Giáo hội chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tôi tha thiết mong muốn các cấp Giáo hội, các Ban, Viện ở trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Hơn lúc nào hết, Tăng Ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một Tỷ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của Đạo Phật trong thời đại ngày nay.
Cũng nhân Đại lễ này, thay mặt các cấp Giáo hội, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam, Tôi bày tỏ tình cảm sâu sắc và tri ân đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế, các tầng lớp nhân dân đã và đang quan tâm giúp đỡ, động viên chia sẻ các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong suốt 35 năm qua. Giáo hội coi đây là nguồn động viên khích lệ to lớn để Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp hoàn thành tốt mọi Phật sự ích đạo lợi đời, cùng cả nước xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc, trọn vẹn niềm hoan hỷ vô biên, và thành tựu mọi Phật sự!
ĐỨC PHÁP CHỦ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ
Thich Minh Thanh
Kính bạch Đức Pháp Chủ. Con có là kẻ hậu sinh, hiểu về Phật Pháp cũng chưa được bao nhiêu. Con chỉ xin Đức Pháp Chủ hoan hỷ cho Con góp một ý kiến nhỏ. Đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên có một địa chỉ hòm thư công khai ở đài truyền hình xin tiếp nhận những ý kiến đóng góp của đồng bào nhân dân Phật tử trong cả nước góp ý kiến về đạo đức của các Chư Tôn đức Tăng Ni. Để Giáo Hội kịp thời nắm bắt được sự hành đạo và tu tập của các thành viên trong toàn thể Giáo Hội.Giả sử như có thành viên nào bị sai phạm về Giới hạnh mà nhân dân Phật tử góp ý về Giáo Hội thì nhất định Giáo Hội sẽ có phương pháp chỉnh sửa và uốn nắn kịp thời. Nếu như vậy con thiết nghĩ mới có thể tạo nên một Giáo Hội hoàn toàn trang nghiêm và thanh tịnh.
Thích Trả lời 11/6/2016 7:18:14 PM