;
Nhưng bằng sự thận trọng của một người từng làm trong lĩnh vực y khoa, ông vẫn mong muốn các bộ ngành liên quan nghiên cứu bài thuốc dân gian này. Phóng viên đã tiếp cận trực tiếp vấn đề này.
Dù đã 91 tuổi nhưng trên bàn làm việc của GS Nguyễn Xuân Hiền trong căn nhà Khu tập thể Dệt Kim Hà Nội vẫn bề bộn sách vở. Ông không chỉ viết các chuyên đề nghiên cứu thuộc lĩnh vực của mình mà đi sâu nghiên cứu về lá đu đủ trị ung thư.
Ông tâm sự, từ khi nghỉ hưu ông sưu tầm nghiên cứu và hướng dẫn miễn phí cho các bệnh nhân ung thư có nhu cầu về bài thuốc này để giúp đỡ.
GS Nguyễn Xuân Hiền giới thiệu bài thuốc với phóng viên.
Mỗi ngày lấy 4 - 5 lá đu đủ cả cuống, già càng tốt (có tài liệu hướng dẫn là lá bánh tẻ), lấy dao cắt nhỏ cho vào nồi đổ 2 lít nước, nấu khoảng 2 tiếng, cô lại thành 1 lít để nguội cho vào tủ lạnh, uống thành 2 ngày, mỗi ngày 500ml chia làm 3 lần lúc no. Sau khi uống, uống thêm 1 - 2 thìa cà phê mật mía hoặc mật ong. Uống liên tục 3 tháng trở lên mới thấy có tác dụng. Những người chưa qua phẫu thuật khối u, chưa chạy tia, truyền hóa chất thì kết quả tốt và nhanh hơn. |
Thông tin những bệnh nhân được cứu sống từ lá đu đủ
Theo danh sách GS Nguyễn Xuân Hiền cung cấp, PV đã trực tiếp trao đổi với các bệnh nhân và đơn vị nghiên cứu lá đu đủ chữa ung thư tại Việt Nam để thông tin rõ vấn đề.
Những cái chết... hồi sinh?
Lần theo số điện thoại còn lưu lại của GS Nguyễn Xuân Hiền, chị Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi ở 36 đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, chị không rõ mình khỏi bệnh do nước lá đu đủ hay các loại thuốc mà chị đã uống.
Chị Hạnh kể, năm 2004, chị phát hiện bị ung thư buồng trứng và đã phẫu thuật cắt hết buồng trứng cùng cổ tử cung, sau đó truyền hóa chất và xạ trị. Ở bệnh viện về chị rất suy sụp và đã tìm đến bài thuốc uống nước sắc lá đu đủ của GS Nguyễn Xuân Hiền.
Thực tế, ngoài lá đu đủ chị còn uống nhiều loại thuốc từ thuốc ung thư đến phục hồi gan (hỏng gan do hóa chất)... được mua từ Mỹ về. Có thời điểm, riêng tiền thuốc của chị 1 ngày trị giá cả một cây vàng. Chị kiên trì điều trị như vậy rồi bệnh lui lúc nào không biết. Năm 2008 thì chị khỏi hẳn.
Riêng về lá đu đủ, theo chị rất cần các nhà khoa học nghiên cứu xem có chất gì bởi chị thấy: Nước sắc lá đu đủ nếu để bên ngoài, chỉ 1 vài tiếng là rất thối. Cho vào tủ lạnh ngày hôm trước đến hôm sau mà nước cũng biến đổi từ màu xanh đục sang trong veo.
Bác Nguyễn Trường Thế (68 tuổi ở số 10/8 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) đã uống bài thuốc của GS Nguyễn Xuân Hiền một năm thì khoẻ mạnh. Trao đổi với chúng tôi, vợ bác Thế cho biết, đầu năm 2010, chồng bác ăn không ngon, ngủ không yên, chiều đến thường xuất hiện những cơn đau tức ngực. Đi khám ở Bệnh viện Đống Đa cho kết luận có khối u ở phổi, bác Thế được chuyển đến Bệnh viện U bướu Hà Nội điều trị.
Sau một thời gian nằm viện, bác Thế được trả về. Vô tình nghe người ta mách uống nước lá đu đủ chữa khỏi bệnh, bác tìm đến GS Nguyễn Xuân Hiền và uống cho đến giờ. Hiện, sức khoẻ của bác Thế đã dần được hồi phục. Hằng ngày, bác vẫn đưa đón cháu đi học, phụ giúp vợ con việc nhà.
GS Nguyễn Xuân Hiền đang tư vấn bài thuốc chữa ung thư bằng lá đu đủ cho bệnh nhân qua điện thoại.
Khỏi ung thư phổi nhưng chết vì di căn xương
Trao đổi với gia đình bệnh nhân Lê Văn Sang (71 tuổi ở Linh Đàm, Hà Nội), bị ung thư phổi sau 5 tháng kiểm tra lại khối u xơ hóa hết, chị Thu con gái bệnh nhân cho biết, ông đã kéo dài được gần chục năm và mất do di căn xương.
Theo chị Thu, bố chị bị ung thư phổi giai đoạn muộn không thể phẫu thuật, tia xạ 40 lần kiểm tra lại khối u vẫn không bé đi. Gia đình đã cho cụ uống lá đu đủ theo hướng dẫn của GS Nguyễn Xuân Hiền cùng với tam thất sống. Kết quả kiểm tra lại khối u teo đi, chỉ còn lại một đốm mờ nhưng cụ lại rất đau xương, bệnh viện kết luận di căn ung thư xương và cụ mất vì bệnh này.
Chị Nghiêm Thị Lanh (48 tuổi ở khu 10 xã Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, chị bị đau tức ngực và âm ỉ khắp nơi, đi khám bác sĩ kết luận u vú và chuyển Bệnh viện K xét nghiệm kết luận ung thư. Chị sợ ung thư động dao kéo nhanh chết nên về nhà và được họ hàng mách cho ở xã bên có người bị ung thư não uống nước lá đu đủ tới nay khỏi bệnh.
Chị đến hỏi và biết được do GS Nguyễn Xuân Hiền hướng dẫn nên gọi điện để xin bài thuốc. Uống hơn 10 ngày thấy đỡ, chị tìm đến tận nhà GS hỏi kỹ hơn. Cho đến nay, sau khi uống thuốc được 1 tháng 12 ngày, chị cho biết bệnh đại tràng mạn tính của chị không còn, cũng không còn cảm giác đau râm ran khắp người, chỉ còn tức ngực. Khối u của chị nhỏ nên chị vẫn không thấy. Chị cho biết, chị sẽ uống hết 3 tháng rồi đi xét nghiệm mới biết lá đu đủ có tác dụng chữa được ung thư hay không. Trước mắt uống nước lá đu đủ chị thấy mình khoẻ mạnh và giảm rất nhiều đau nhức.
Khảo sát hoạt tính chống ung thư của nước lá đu đủ
"Dù kết quả nghiên cứu cho thấy lá đu đủ có hoạt tính ức chế tế bào ung thư nhưng khi bị ung thư vẫn nên đến Tây y điều trị, chỉ nên dùng lá đu đủ để hỗ trợ".
PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên |
Theo giới thiệu của GS Nguyễn Xuân Hiền, chúng tôi đã gặp và trao đổi với PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - người đang cùng một số đồng nghiệp và học viên, sinh viên nghiên cứu về hoạt tính chống oxy hóa, hoạt tính chống ung thư của dịch chiết nước lá đu đủ.
PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên cho biết, lý do nhóm nghiên cứu tiến hành các đề tài này là vì tình trạng ung thư ngày càng nhiều, Tây y chữa trị có nhiều tác dụng phụ khiến có nhiều bệnh nhân không chịu đựng được. Đông y có thế mạnh khai thác dược thảo, lấy các hợp chất từ thiên nhiên để điều trị. Đặc biệt, thế giới có nhiều công bố về tác dụng của lá đu đủ chữa khỏi ung thư nên nhóm muốn nghiên cứu các hoạt chất sinh học và thử nghiệm xem có tác dụng thực sự hay không.
Hơn nữa, ngoài công bố về bài thuốc chữa bệnh ung thư từ lá đu đủ đã được ông Stan Sheldon ở vùng Gold Cost, Australia sử dụng để chữa lành bệnh ung thư phổi cho chính bản thân ông và 16 người khác, các bác sĩ Australia đã thử nghiệm và công nhận công hiệu của lá đu đủ trong điều trị ung thư.
Gần đây, một số nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm lâm sàng thuộc Trung tâm Ung thư, Đại học Florida, Mỹ và Đại học Tokyo, Nhật Bản đã hợp tác với nhau để nghiên cứu về khả năng phòng chống ung thư của lá đu đủ. Kết quả nghiên cứu của họ công bố vào đầu năm 2010 đã chỉ ra rằng, dịch chiết nước của lá đu đủ có khả năng ức chế sự phát triển của 10 loại tế bào ung thư thử nghiệm, gồm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến tuỵ... Khi cho 10 loại tế bào ung thư khác nhau tiếp xúc với dịch chiết trên, 24 giờ sau có thể thấy tốc độ phát triển của tế bào chậm hẳn lại và nếu nồng độ chất chiết xuất càng cao, hiệu quả kháng tế bào ung thư, thậm chí giết chết nó càng rõ rệt.
Trong một thí nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học còn phát hiện ra các hoạt chất chiết xuất từ lá đu đủ có khả năng thúc đẩy sự sản sinh ra tế bào lympho Th1 - tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của người. Kết quả này gợi mở khả năng điều trị và ngăn chặn bệnh ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn dị ứng ở người của các hoạt chất chiết xuất từ lá đu đủ, cũng như khả năng sử dụng chúng như là chất hỗ trợ miễn dịch. Cũng trong nghiên cứu này, các tác giả đã công bố rằng, những hoạt chất chiết xuất từ lá đu đủ có tác dụng kháng ung thư, nhưng không gây độc đối với các tế bào lành tính khác. Hiện các nhà khoa học đang đẩy mạnh nghiên cứu để thử nghiệm trên động vật và người.
“Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học về tác dụng chống ung thư của lá đu đủ, kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các mẫu thí nghiệm đều có hoạt tính chống oxy hóa cao gấp nhiều lần so với vitamin C ở cùng một nồng độ thử nghiệm và đều có hoạt tính ức chế một số dòng tế bào ung thư mà chúng tôi đã khảo sát", PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên thông báo.
Theo các nhà nghiên cứu, lá đu đủ có chứa các alcaloid như carpaine, pseudocarpaine, dehydrocarpaine và choline. Ngoài ra, trong lá đu đủ còn có saponin, carposide, myrosin, rutin, resin, tannins, flavonols, benzylglucosinolate, linalool, malic acid, methyl salicylate, enzym papain và chymopapain, calci, sắt, magne, mangan, photpho, kali, kẽm, beta-caroten, các vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin E và vitamin C (trong lá cao hơn trong quả). Năm 2007, một nhóm nhà khoa học ở Italia đã công bố rằng, trong dịch chiết methanol của lá đu đủ có chứa các phenolic acid như caffeic acid (0,25mg/g lá khô), coumaric acid (0,33mg/g), protocatechuic acid (0,11mg/g), kaempferol (0,03mg/g), quercetin (0,04mg/g), 5,7-dimethoxycoumarin (0,14mg/g). |
Theo Thúy Nga - KTO