;
Trong chuỗi hoạt động kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2561, tối ngày 7/5 (12/4 Đinh Dậu), tại chùa Đức Hòa – Văn phòng BTS GHPGVN thị xã Ninh Hòa, Thượng tọa Thích Thông Huệ, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Hoằng pháp tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ - Phan Rang, Ninh Thuận và Thiền tự Trúc Lâm Viên Giác - Nha Trang đã quang lâm và thuyết giảng đề tài “Ý nghĩa đản sanh”.
Thượng tọa giảng sư đã chia sẻ về cuộc đời của Đức Bổn Sư từ lúc đản sanh đến khi chứng ngộ:
Thái tử sanh ra là một đại hạnh, đại phúc cho tất cả chúng sanh. Là Hoàng tử, Ngài sống một cuộc đời vô cùng sung sướng trong cung điện nguy nga, nào biết gì đến cảnh thực ngoài đời. Nhưng ngày qua tháng lại lần lần trong tâm Ngài tự phát giác sự thật.
Khi Ngài giác ngộ được rằng vạn vật là vô thường, có rồi không, thành rồi bại, có sinh có tử, có già có bệnh. Bao nhiêu vinh hoa, phú quý, khoái lạc vật chất dẫy đầy trước mắt chẳng qua là một bã hư vô, Ngài mới nhất định xuất gia, bỏ hẳn thế sự, để đi tìm đâu là sự thật, đâu là tịnh lạc. Năm ấy được 29 tuổi, Ngài từ bỏ cung điện nguy nga và những xa hoa vật chất của một vị Hoàng tử, không phải vì thắc mắc băn khoăn riêng cho Ngài, mà chính vì cảnh đău khổ trầm luân của nhân loại.
Lần từ biệt ra đi của Ngài đã phủi sạch nợ trần, để đi tìm một con đường giải thoát cho nhân loại. Suốt sắu năm trời, Ngài hãm thân vào cuộc đời khổ hạnh, hy sinh, chịu đựng muôn ngàn đau khổ với một tấm lòng sắt đá, kiên trì, với một niềm tin vô biên và luôn luôn xả thân để phụng sự. Đây là cuộc đời phấn đấu mà sức phàm khó lòng chịu nổi.
Rồi một hôm tỉnh toạ trên mớ cỏ khô dưới cội bồ-đề, tại Bồ-Đề Đạo-Tràng (Buddhagaya), Ngài tự nguyện : “Ta dù thịt nát xương tan, quyết không rời khỏi chỗ này nếu không chứng được đạo quả Vô thượng Bồ-đề”.
Vào ngày rằm, tháng Vesak, Ngài đắc quả Chánh đẳng, Chánh giác. Là kết tinh cuối cùng của một lòng tự tin, tự lực, tự giác, chớ không phải nhờ ở một quyền lực siêu nhiên nào giúp đỡ. Ngài đã diệt được bao điều chi phối của nội tâm và ngoại cảnh đối với thân tâm để thanh tịnh chứng pháp, lãnh hội rõ ràng chân tánh của mọi sự vật : Ngài đã là Toàn Giác, Ngài đã thành Phật. Lúc bấy giờ Ngài 35 tuổi. Từ đây người ta gọi Ngài là Đức Phật Cồ Đàm (Gotama).
Ngày nay, tất cả chúng ta là đệ tử của Phật cần phải noi gương Ngài, giữ gìn giới luật, tu thiện hành thiện, trừ bỏ tham, sân, si. Trong cuộc sống, chúng ta phải biết san sẻ tinh thần và vật chất mà mình có được cho những người đang đau khổ thiếu thốn, yêu thương họ bằng tâm bình đẳng, mở lòng mình đón nhận và giúp đỡ người đau khổ. Có như vậy chúng ta sẽ nhận được niềm vui nhiều hơn và cảm thấy cuộc sống rất ý nghĩa.
Buổi pháp thoại đã hoàn mãn sau lời cảm tạ tri ân Thượng tọa giảng sư của Đại đức Thích Nhuận Trực, Trưởng ban Hoằng Pháp Phật giáo thị xã Ninh Hòa.