;
“Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông” Hai câu thơ của Hòa Thượng Mãn Giác trong tác phẩm “Nhớ chùa” không những khắc họa hình ảnh ngôi chùa gắn với biết bao hình ảnh quê hương, đất nước và tâm hồn dân tộc Việt Nam mà còn gợi nhắc đến tình yêu thương và truyền thống đẹp đẽ của tổ tiên, ông bà người Việt với mái chùa, nơi đã trở thành điểm tựa vật chất và tinh thần vững chắc tự bao đời.
Từ lâu, mái chùa đã không còn mang ý nghĩa là nơi ở giành riêng cho những người xuất gia tu học mà đã trở thành nếp sống hằng ngày từ cách nghĩ, cách tư duy, đến cách nói cách làm,... trở nên thuần thục, thường xuyên, ăn sâu trong tư tưởng, tâm thức. Gắn với bổn phận và trách nhiệm của một người tu sĩ trên tinh thần dân tộc ấy, việc dấng thân vào sự nghiệp “Hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” đã trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi hành giả, sứ giả của Đức Như Lai, mà trước hết là tìm về nhưng miền đất mới để gây dựng ngôi già lam, từng bước mang tư tưởng, kiến thức Phật Giáo đến với những miền đất ấy để thêm vào đó từng dòng chảy nhẹ nhàng trong tâm thức của họ về “Tam Bảo trang nghiêm” và con đường hướng đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc chân thật theo tinh thần lời dạy của Đức Cha lành Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.
Tự hào về nguồn cội với vẻ đẹp xuất phát từ tinh thần bi, trí, dũng của đạo Phật có lẽ là điều mà con luôn hằng tâm niệm bởi lẽ đối với bản thân con, chỉ có hiểu trọn vẹn và khắc ghi những giá trị chân thật về “cội nguồn” mới có thể xứng đáng là một con người hiện hữu trong biển trời cao rộng và trở thành người tu sĩ chân chánh với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” như lời dạy của cha ông ta từ ngàn xưa. Khi luận bàn về việc kiến tạo, xây dựng chùa tháp trong lịch sử Phật Giáo, có thể khẳng định rằng ngôi già-lam đầu tiên được xây dựng từ sự phát tâm cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn của cư sĩ Cấp Cô Độc (Anāthapindika) bởi lẽ ông ý thức được rằng chỉ có sự gần gũi chư Tăng và thường xuyên đến chùa lễ Phật, nghe pháp thì mới có thể gội rửa những tập khí phiền não, nuôi dưỡng Bồ-đề tâm và trau dồi phước đức.
Sau khi quy Tam Bảo, Cư sĩ Cấp Cô Độc đã tìm mua được một mảnh đất ở phía nam thành Xá-vệ (Śrāvastī), thuộc quyền sở hữu của Thái tử Kỳ-đà (Jeta) bằng số vàng trải khắp mặt đất khu vườn ấy. Chính sự phát tâm dõng mãnh ấy đã làm Thái tử khởi tín tâm và xin cúng toàn bộ số cây trong khu rừng của mình cho Đức Phật.
Khi xây dựng xong, Tinh xá mang tên của cả hai người là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên (Jetavanānāthapiṇḍadasyārāma) đã trở thành ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo. Ngoài Tinh xá Kỳ viên, còn có Tinh xá Trúc Lâm (Veṇuvana-vihāra) do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) kiến tạo cúng dường, cũng là một ngôi chùa lớn và hình thành sớm nhất trong lịch sử phát triển chùa viện Phật giáo.
Khi tư tưởng Phật Giáo được hoằng truyền đến Việt Nam, theo sử liệu ghi chép, Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) là người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo - đã đến xứ Kinh Bắc vào tháng ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam: dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi và do vậy, Chùa Dâu – nơi Thiền sư đã hoằng pháp được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Từ đó về sau, các chùa, tự viện, tịnh xá ở Việt Nam được xây dựng ngày càng nhiều và trở thành điểm tựa tâm linh, nơi nuôi dưỡng niềm tin và tu học Phật pháp của đại chúng bởi lẽ nơi đâu có hình bóng chư Tăng đến hoằng pháp là ở đó Phật tử phát tâm xây dựng chùa tháp với mong ước được thân cận, gần gũi quý thầy để học hỏi, nghe pháp và tu tập theo con đường giác ngộ giải thoát.
Tiếp nối với truyền thống cao đẹp ấy, mái già lam thân thương mà chúng con có nhân duyên lớn được xuất gia, tu học cũng được kiến tạo nên từ lòng tin, từ tâm và đức hi sinh cao cả của Người - cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử: “Ngôi chùa Hoằng Pháp uy linh - Mái cong ngói đỏ đậm tình quê hương - Chuông chiều mõ sớm du dương - Lời kinh tiếng pháp chỉ đường tu thân”.
Để đáp ứng nhu cầu cho các khóa tu, Chùa Hoằng pháp đã mở rộng chi nhánh Chùa Hoằng Pháp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hòa vào tinh thần ấy, theo sự chỉ dạy của Sư phụ, con đã tìm được một vùng đất mới, một vùng đất đầy hy vọng về một tương lai cho sự nghiệp hoằng pháp mà ai trong chúng con đều mong đợi - Miền đất Hậu Giang sông nước thấm đượm nghĩa tình. Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long có thành phố Vị Thanh trung tâm tỉnh lị cách thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam; địa giới hành chính tiếp giáp 5 tỉnh: phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.
Hậu Giang có khí hậu điều hòa, ít bão, quanh năm nóng ẩm, có hai mùa (không có mùa lạnh) với ba tộc người cùng sinh sống là người Kinh, Khmer, Hoa có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động sáng tạo kiến thiết quê hương, đem đến sự da dạng về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán.
Ngoài 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 61 chạy qua, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu – 1 trong 2 nhánh sông lớn của sông Mê Kông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ. Được xem là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang được Chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch khu vực giao lộ giữa đường Bốn Tổng - Một Ngàn và tỉnh lộ 926 thành khu vực tập trung các công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, khu dân cư mới như trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, nhà văn hóa, Phòng khám đa khoa khu vực, trường học, khu trung tâm thể dục thể thao, chợ, công trình bưu chính viễn thông, bến xe, trạm cấp nước,… (theo tài liệu “Thuyết minh tổng hợp quy hoạch xây dựng xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2020.
Theo mô hình nông thôn mới của Chính phủ. Khu đất được Phật tử cúng dường để phục vụ cho công tác hoằng pháp nằm trên địa bàn ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, gần vị trí trung tâm giao lộ giữa đường đường Bốn Tổng - Một Ngàn và tỉnh lộ 926, giáp ranh địa giới hành chính giữa tỉnh Hậu Giang và tỉnh Cần Thơ nên có nhiều lợi thế phục vụ cho công cuộc hoằng pháp trên địa bàn. Có lẽ nhân duyên là một điều kỳ diệu, hiện hữu và có giá trị sâu sắc bởi lẽ trong thời điểm hiện tại, con thật sự hiểu và ý thức được trách nhiệm của mình khi hôm nay.
Miền đất mới tuy còn nhiều hoang sơ, người dân vẫn còn gắn bó với nghề nông thuần chất những con người thuần hậu, chất phát, thiệt thà,… đã khơi dậy niềm tin nơi con về một tương lai hoằng pháp nơi miền sông nước hữu tình này. Với những người đệ tử chúng con, có lẽ tư tưởng: “HOẰNG dương đại đạo chỉ bày nhân loại nhận ra chân thật tính, PHÁP Phật nhiệm màu khai thị chúng sinh ngộ được Bồ đề tâm” luôn được tâm niệm trong tâm thức và ước mong có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp hoằng pháp đã thấm nhuần qua từng lợi dạy của Người.
Tự hào về quá khứ với lịch sử, truyền thống cao đẹp như thế, ý thức ở hiện tại với điều kiện, tiềm năng vẫn chưa đủ để tạo nên sự thành tựu mà điều quan trọng là Tăng sĩ trẻ chúng con phải làm gì để hoàn thành sự mệnh ấy. Dẫu biết rằng đến với vùng đất mới là đương đầu với nhiều khó khăn, gian lao bởi lẽ không có việc gì là dễ dàng vượt qua, cuộc đời không phải bao giờ cũng chứa đựng đầy sắc hồng hạnh phúc mà ở đâu đó là những thử thách, nhưng đó sẽ chỉ là bước đệm để con người thật sự trưởng thành từ nhận thức.
Vùng đất mới, con người mới, điều kiện, hoàn cảnh mới,… sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, lo toan mà con cần phải làm quen, phải dấng thân nhưng chỉ cần nhớ đến lời dạy, đức hi sinh và từ bi tâm của Người Thầy đáng kính, con như được tiếp thêm sức mạnh và động lực cho công việc phải làm và sẽ làm trong thời gian sắp đến. Một điều đơn giản rằng ngoài trọng trách “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”, Tăng sĩ trẻ chúng con phải luôn chú ý đến quá trình tu tập giới, định, tuệ để trang bị cho mình đức hạnh trang nghiêm, một tính cách cao đẹp, không hề bị chi phối, biến hoại dù thời gian vô cùng, không gian vô tận, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, từ đó mới có thể tạo được niềm tin chân chính của quý Phật tử nơi miền đất mới bởi lẽ: “Hương các loại hoa thơm - Không ngược bay chiều gió - Nhưng hương người đức hạnh - Ngược gió khắp tung bay - Chỉ có bậc chân nhân - Tỏa khắp mọi phương trời” (Kinh Pháp cú, Phẩm Hoa, Câu số 54). Ấy thế vẫn chưa đủ, với con, không chỉ là sự rèn luyện, tu tập cho bản thân mà còn phải tu dưỡng đạo đức, nhân phẩm của mình.
Như đại thi hào Nguyễn Du từng viết hai câu thơ để kết thúc tác phẩm Truyện Kiều: “Thiện căn kia bởi lòng ta - Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, bản thân con luôn tự nhủ rằng mình không tài giỏi, thao lược cả về Phật học, thế học và các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật đời sống như những huynh đệ khác có thể nhanh chóng thích nghi và hoàn thành các nhiệm vụ được chư Tăng giao phó trong quá trình kiến tạo chùa chiền, tự viện, thế nên con luôn ý thức mình phải cố gắng thật nhiều, lấy cần cù, siêng năng và ý chí nhẫn nại để ứng dụng vào trong công việc của mình.
Bên cạnh đó, con luôn tự nhủ với lòng mình rằng mặc dù xây chùa là nhiệm vụ quan trọng nhưng việc ấy là tùy duyên, là phương tiện để thân tâm đều nhẹ nhàng, an vui và tự tại chứ không phải chỉ chăm lo xây chùa mà không lo tu tập, đấy chẳng khác nào như người vào rừng đốn gỗ chỉ lấy được vỏ cây mà quên mất lõi cây; và lại càng không phải xây chùa chỉ vì danh tiếng, lợi dưỡng rồi chấp thủ, bị trói buộc vào những thành quả của mình để trở nên ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn thì thật tai hại vô ngần.
Cái tài tuy quan trọng nhưng cần phải có “chánh tâm” dẫn dắt ngõ hầu mới mong sớm được thành tựu, chớ chẳng phải vừa được trên Sư phụ cùng Chư Tăng giao phó lo việc kiến lập chùa chiền liền sanh “tà tâm”, làm tổn thất tài sản của Tam Bảo, sử dụng vào việc riêng hoặc khoe khoang, khoác lác với chư huynh đệ đồng môn, thậm chí phản bội Thầy mình, bỏ đi biệt tâm biệt tích mà không một chút hồi tâm hoài tư niệm về những gì mà Thầy đã làm cho mình, cho đại chúng,… thì quả là những tấm gương xấu, không xứng đáng với đạo pháp và tư cách bậc tu sĩ hiền nhân. Để kiến tạo nên ngôi già lam không phải thành tựu được chỉ trong ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình phấn đấu, hòa nhập và hi sinh.
Minh chứng hiện hữu nhất là quá trình hình thành và phát triển của ngôi Già lam Hoằng Pháp, hơn 60 năm với sự gắn bó, từng trải của cuộc đời Thầy là vậy. Thế nên, kiến tạo ngôi già lam đã khó nhưng giữ gìn được vững chãi lâu bền lại càng khó hơn, nhưng dù đường xa vạn dặm, nếu chúng con không tự bước đi thì sẽ không bao giờ đến đích và đạt được chí nguyện xuất gia của mình. Trên chặng đường này, bên cạnh việc cố gắng của chính mình, bản thân chúng con cũng cần đến sự bảo bọc, che chở, chị dạy của Sư phụ, quý Thầy; sự chia sẽ, đỡ đần của các chư huynh đệ đồng tu; sự ủng hộ, tùy hỷ của quý Phật tử gần xa để có thể thành tựu trên con đường mình đã chọn.
Dẫu biết rằng trong thời gian sắp đến sẽ còn rất nhiều công việc, phận sự phải lo toan nhưng y cứ nơi lý nhân quả mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, chắc chắn rằng những việc Thầy và chúng con đang làm sẽ góp một phần sức nhỏ vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh và mang lại cho cuộc sống và con người nơi miền đất mới trở nên hạnh phúc, an lạc, tự tại trong ánh sáng đạo pháp của Đấng Phật Đà.
Thích Tâm Nhuận