;
Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp 5 xã Hậu Lộc tự hào nói “…chúng tôi rất vui vì quê hương mình có thêm một thắng cảnh đẹp mang ý nghĩa tâm linh với quy mô rất hoành tráng thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa đến thưởng ngoạn…”.
Tổ sư Minh Đăng Quang là người lập ra hệ phái Khất sĩ của Việt Nam. Ông tân thật là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm 1923, mất năm 1954 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình).
Không biết hư thực ra sao nhưng đến nay các tín đồ của ông đều kể rằng: mẹ ông thụ thai đến 12 tháng mới ra ông (?). Lúc nhỏ ông rất chững chạc, phương phi, đỉnh đạc trong tướng mạo, đi lại, ăn nói nên được mọi người rất yêu mến. Song thân ông vốn xuất thân trong gia đình gia giáo, nề nếp. Lúc nhỏ ông vốn nổi tiếng thông minh, ngoan hiền, hiếu thảo, chăm chỉ học hành.
Đặc biệt ông rất chú tâm nghiên cứu nhiều tài liệu về Phật giáo và nhiều đạo giáo khác như: đạo Khổng, Lão, Nho…sau đó ông xuất gia theo con đường Phật pháp tại Vương quốc Campuchia năm 1938. Năm 1939 ông trở về Việt Nam tu tập tại: Hà Tiên Phú Quốc, Mũi Nai (tỉnh Kiên Giang); Thất Sơn (An Giang)… Năm 1946, do nạn chiến tranh tàn phá núi rừng. ông về làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho để tu tập và truyền bá chính pháp và sáng lập đạo phái Khất sĩ và được truyền giữ đến hôm nay.
Hiện nay, có rất nhiều giai thoại về sự mất tích khá bí ẩn của ông nhưng nhiều người cho rằng ông mất năm 1955 trên đường hành hương từ Sa Đéc (Đồng Tháp) đến Cái Vồn (nay thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Đến nay vẫn chưa ai tìm được hài cốt hay tin tức khác gì về ông. Để tưởng nhớ công đức sáng lập hệ phái Phật giáo Khất sĩ, nhiều địa phương trong đó có huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (quê hương ông) đã xây dựng rất nhiều tổ đình để thờ cúng ông và để các phật tử tu tập, các tín đồ đến hành lễ.
Tổ đình Minh Đăng Quang tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình có diện tích trên 10 ha, được xây dựng năm 2014 và đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục cơ bản như: Điện thờ Phật tổ; điện thờ Tổ sư Minh Đăng Quang; nhà tiếp khách, nhà hành lễ, nhà tu, khu sinh thái và nhiều công trình phụ khác…
Đến đây du khách sẽ bắt gặp nét kiến trúc rất nho nhã nhưng không kém phần uy thiêng với lối bố trí rất hài hòa. Nhiều du khách rất thích thú khi tận mắt chứng kiến những bộ cột bằng gỗ quý được thiết kế công phu cao gần 15 mét tại các điện thờ; những thiết chế văn hóa kiến trúc được thể hiện rất rõ ở các bộ bàn ghế, bàn thờ, bát hương, chân đèn, tranh ảnh nghệ thuật quý hiếm. Cạnh đó du khách sẽ nghe lòng thanh thản hơn khi tham quan vườn sinh thái rất nho nhã trong không khí thật trong lành của miền quê Tam Bình, nghe kể nhiều câu chuyện lạ lùng, kỳ bí, tâm linh về Tổ sư Minh Đăng Quang.
Bà Ung Thị Kha Nam, phật tử đến từ Tp.HCM cho biết "…tôi và nhiều phật tử khác rất thường xuyên đến đây, vì đây là quê hương của Tổ sư, cạnh đó tổ đình này là một thắng cảnh rất đẹp, hoành tráng và uy thiêng của miền Tây nói chung, Tam Bình nói riêng…"
Hiện nay, ngày giỗ chính thức của Tổ sư Minh Đăng Quang được tổ chức vào ngày 01/02 (Âm lịch) hàng năm trên khắp các tổ đình cả nước (ngày ông vắng bóng) thu hút rất nhiều phật tử tham gia.
Trương Thanh Liêm