;
>>Chùa Trúc Lâm - nơi sưởi ấm lòng người xa xứ
NGANG NHIÊN LẤN CHIẾM ĐẤT CHÙA
Từ lâu, người dân sống tại khu Bàu Chuông (thuộc P2Q11) đã quá quen thuộc với những khung cảnh mang một vẻ đẹp tự nhiên, thoát tục trong không gian ồn ào, náo nhiệt giữa lòng TP của ngôi chùa Phụng Sơn (hay còn gọi là chùa Gò). Tọa lạc tại số 1408 đường Ba Tháng Hai (P2Q11), Phụng Sơn Tự được thiền sư Liễu Thông tạo lập vào năm 1802, dưới triều vua Gia Long, trên nền của một ngôi đền Khmer cổ. Đến hơn trăm năm sau, năm 1904, chùa được thiền sư Tuệ Minh cho xây cất lại. Chùa Gò còn lại như ngày nay được xây dựng vào năm 1909, trên một ngọn đồi nhỏ, bao quanh là ao Bàu Chuông và được đại trùng tu vào năm 1960 cho đến nay. Theo tài liệu của Bảo tàng TP, vào những năm 1988 và 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm được tại đây những mặt người bằng đất nung, đồ gốm... thuộc nền văn hóa Óc Eo đã biến mất từ khoảng thế kỷ thứ bảy. Hiện nay, chùa còn lưu giữ khoảng 40 pho tượng thờ được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ 20, trong đó có rất nhiều pho tượng quý. Năm 1986, chùa đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh tình trạng đất chùa bị hàng trăm hộ dân xây dựng lấn chiếm khiến diện tích đang ngày càng bị thu hẹp, việc bê-tông hóa khuôn viên chùa cũng đã làm mất đi phần nào vẻ đẹp tự nhiên và không khí tĩnh lặng vốn có của một tự viện danh tiếng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay phía trước cổng chùa đã bị một số hộ tận dụng để bày bàn ghế buôn bán, dọc theo hai bên cổng là những gian hàng bán cây kiểng. Phía bên trong khuôn viên chùa cũng đã trở thành bãi đậu xe dành cho các xe tải, xe ba bánh gắn máy. Trong khi đó, nhiều khu vực đất trống xung quanh chùa đã bị biến thành nơi đổ xà bần, rác thải... bên cạnh những ngôi nhà tạm bợ đã mọc lên từ trước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan và làm mất đi phần nào vẻ tôn nghiêm của một ngôi chùa cấp quốc gia. Hòa thượng Thích Trí Định - trụ trì chùa cho biết: “Trước đây có 21 hộ dân đã về chùa lấn đất để xây nhà. Thấy hoàn cảnh của những hộ này khó khăn nên phía nhà chùa không ngăn cản. Tuy nhiên, càng về sau, số lượng hộ dân lấn chiếm đất ngày càng nhiều, nên đến năm 1993, nhà chùa đã cho rào lưới toàn bộ khuôn viên chùa để cách ly không cho các hộ khác tiếp tục lấn đất.
Cổng chùa đã bị người dân lấn chiếm
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Văn Lợi - Phó chủ tịch UBND phường 2 quận 11, cho biết: “Tình trạng đất của chùa Gò bị các hộ dân lấn chiếm đã có từ nhiều năm trước đây, nhưng cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn chưa thể giải quyết được! Theo thống kê, hiện nay có 106 hộ dân đang sinh sống lấn chiếm trong khuôn viên hoặc một phần diện tích đất của chùa. Năm 2008, di tích này đã được TP đưa vào công trình trùng tu và giao quận 11 thực hiện việc giải phóng mặt bằng, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm di tích. Trong hai năm 2009 và 2010, UBND quận 11 và phường 2 đã kết hợp tiến hành cắm mốc đất, đồng thời lập danh sách các hộ di dời, nhưng đến nay do số lượng các hộ dân quá lớn, cũng như việc chưa thể thống nhất phương án bồi thường nên không thể thực hiện công tác giải tỏa, di dời được!”.
KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NAY CÒN ĐÂU?!
Dọc theo những con hẻm ngoằn nghoèo trên đường Lạc Long Quân (P3Q11), chúng tôi tìm đến một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia có lịch sử hình thành gắn liền với di tích chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), đồng thời cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP - chùa Giác Viên. Tương truyền rằng, năm 1798, khi các hòa thượng tiến hành xây dựng chùa Giác Lâm đã đưa gỗ về bến Hố Đất (chùa Giác Viên hiện nay) để cất giữ. Các hòa thượng đã cất một cái am nhỏ tại đây để tiện cho việc tu hành và giữ gỗ, gọi là “Quan Âm Các”. Năm 1850, chùa Giác Viên mới được xây dựng lại trên nền “Quan Âm Các”. Trải qua hàng trăm năm và nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ kính với bộ khung cột gỗ và những nét chạm trổ tinh tế từng được xem là điển hình bậc nhất của nghệ thuật chạm lộng gỗ ở vùng Sài Gòn - Gia Định. Đến nay, chùa còn lưu giữ 153 tượng tròn làm bằng chất liệu gỗ cùng nhiều hiện vật quý giá khác, trong đó, đạt giá trị nghệ thuật cao nhất là hơn 60 bức bao lam (hay còn gọi là cửa võng) được trang trí khắp nơi trong chùa. Năm 1993, chùa đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Hình ảnh chùa Giác Viên chỉ còn trong sách vở
Tuy nhiên hiện nay, ngoài tình trạng đất chùa bị lấn chiếm bởi một số hộ dân sống xung quanh, di tích chùa Giác Viên cũng đang bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Khu vực xuống cấp nặng nhất chính là khu nhà trù (nhà bếp). Cách đây hơn một năm, sau một cơn mưa, một mảng ngói lớn đã bị sập xuống khiến nhiều người lo ngại về tính an toàn cho tính mạng các vị sư đang trú tại đây. Theo thời gian, nhiều cột gỗ trong chùa đã dần mục nát do bị mối mọt ăn, nền gạch đã bung vỡ nhiều nơi, mái ngói cũng bị dột nhiều chỗ. Mỗi khi mưa xuống, mọi người trong chùa phải dùng thau để hứng nước nhằm tránh không cho nước mưa làm hư hại đến những cổ vật. Hiện nay, để bảo vệ an toàn cho mọi người, nhà chùa đã cho đóng cửa khu nhà trù nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, khu bảo tháp phía ngoài sân chùa là một quần thể kiến trúc khá độc đáo, nhưng nay đã trở nên hoang tàn vì bị người dân sống xung quanh dùng làm nơi để tập kết rác thải, xà bần. Sân chùa giờ đây cỏ mọc um tùm và đầy rác. Vào những ngày rằm hoặc các dịp cúng lễ, trong khi nhiều ngôi chùa khác tấp nập khách đến viếng, thì chùa Giác Viên lại vắng lạnh bóng người, khiến không ít người phải chạnh lòng khi nghĩ về ngôi chùa từng một thời vang bóng vùng Gia Định xưa. Hòa thượng Thích Huệ Thạnh cho biết, đây là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nên nhà chùa cũng không thể làm gì hơn ngoài việc chờ vào sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước!
Thời gian đã không ngừng bào mòn các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP, nên việc bảo tồn, tu bổ các di tích là một việc làm cần thiết nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp bảo vệ cũng như trùng tu hai chùa Giác Viên và Phụng Sơn thì nhiều khả năng trong tương lai, hai di tích này có lẽ cũng sẽ chỉ còn lại trong sách vở và trong... ký ức mà thôi!
Theo CATPHCM