;
Thư mời tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Phật giáo vùng Mê kông - Lịch sử và phát triển
Tham dự hội thảo, về phía GHPGVN có sự hiện diện của HT. TS. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN, HT.TS. Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, HT.TS. Thích Thiện Tâm, HT. Thích Viên Minh – Thành viên HĐCM GHPGVN, HT.Thích Thiện Tánh - Phó Chủ tịch HĐTS, TT.Thích Đức Thiện - Tổng thư ký HĐTS, PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tôn giáo của Ủy ban TƯMTTQVN.
Về phía khách mời và các Học giả quốc tế có HT. Lama Lobzang – Tổng thư ký Liên minh Phật giáo Toàn cầu, IBC, Prof. S.R. Bhatt - Chủ tịch, Ủy Ban nghiên cứu Triết học Ấn Độ, Bộ Phát triển tiềm năng con người, chính phủ Ấn Độ, ICPR, GS.Mahesh Man Bajracharya - Hiệu trưởng Đại học Phật giáo Lumbini, Nepal và các học giả từ 12 quốc gia trên thế giới.
Về phía Ban tổ chức có TT.TS.Thích Nhật Từ, TT.TS. Thích Bửu Chánh, PGS. TS. Trương Văn Chung và PGS.TS. Nguyễn Công Lý. Các Học giả trong nước bao gồm các Tiến sĩ, Thạc sĩ là Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Sư cô và Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ trường đại học là các chủ tọa các diễn đàn và là các thuyết trình viên trong các tiểu ban.
Hội thảo sẽ được diễn ra trong hai ngày 13/11/2015 tại Trường đại học KHXH&NV TP.HCM và ngày 14/11/2015 tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Nội dung hội thảo: Trong số hơn 150 tham luận gửi về, có gần 70 tham luận của các học giả Việt Nam và hơn 40 tham luận của các học giả nước ngoài, xoay quanh 4 nhóm chủ đề chính: (i) Phật giáo vùng Mê-kông: Quá trình du nhập và phát triển, (ii) Giao lưu và hội nhập, (iii) Di sản và văn hóa, (iv) Bảo vệ môi trường và ứng xử môi trường.
Tại phiên khai mạc: HT.TS.Thích Trí Quảng Viện trưởng viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đọc diễn văn khai mạc. Viện trưởng đã gửi tới các chư Tôn đức Tăng Ni, các nhà Phật học, các nhà nghiên cứu tại Hội thảo quốc tế, “Phật giáo vùng Mê-kông: Lịch sử và phát triển” vạn sự an lành, pháp hỷ sung mãn.
Sau đó là sự quan tâm của Viện trưởng:" Theo tôi, ngoài những hợp tác chặt chẽ của chính phủ các nước tiểu vùng Mê-kông, các Giáo hội và cộng đồng Phật giáo trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ, góp phần duy trì hòa bình, bảo vệ môi trường, giữ gìn các di sản văn hóa, phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.”
Theo Hòa thượng: có quá ít các hội thảo khoa học về các hợp tác Phật giáo tại 5 nước vùng Mê-kông. Sự khởi xướng cầu nối về hợp tác toàn diện của các cộng đồng Phật giáo tiểu vùng Mê-kông sẽ góp phần gây tạo ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, nâng cao chất lượng sống cho các cộng đồng tiểu vùng Mê-kông. Sự thúc đẩy hợp tác giữa Phật giáo tiểu vùng Mê-kông một mặt cung ứng nền tảng lý luận về việc bảo vệ môi trường, sinh thái lưu vực sông Mê-kông trên nền tảng học thuyết duyên khởi, cộng tồn, còn đề xuất mô thức sống “hài lòng, biết đủ để giảm hưởng thụ cực đoan”, dẫn đến ý thức cam kết bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường sinh thái tại tiểu vùng Mê-kông.
PGS.TS. Võ Văn Sen đã đọc diễn văn khai mạc hội thảo, bài diễn văn có đoạn viết: "Hy vọng qua hơn 150 bài tham luận trong và ngoài nước của các nhà nghiên cứu được biên tập kỹ. Hội thảo khoa học lần này thuộc 5 chủ đề được báo cáo tại các tiểu ban tại các diễn đàn tiếng Việt và tiếng Anh… Chúng ta có dịp đi sâu nghiên cứu những tư tưởng minh triết của đức Phật để khẳng định Phật giáo mãi mãi là đạo Phật nhập thế, luôn đồng hành cùng nhân loại… "
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo,TT.TS. Thích Nhật Từ đã khái quát các nội dung chính của bốn nhóm chuyên đề chính trong nội dung hội thảo. Thượng tọa đã tin tưởng rằng: “Bằng trí tuệ tập thể và tiếng nói tập thể của cộng đồng các học giả quan tâm về các nước tiểu vùng Mê-kông, những nội dung được thảo luận trong các diễn đàn sẽ mở ra nền tảng lý thuyết cho các cơ hội hợp tác khu vực và quốc tế, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện tại khu vực sông Mê-kông”.
Theo Thượng tọa, học hỏi các kinh nghiệm quá khứ, với cam kết tập thể trong hiện tại, các quốc gia, các cộng đồng và các cá nhân trong vùng Mê-kông cần tiến đến các hợp tác quốc tế một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, nhằm góp phần mang lại các giá trị tốt đẹp và phát triển bền vững.
Sau phiên khai mạc là phiên hội thảo toàn thể tại hội trường với ba thuyết trình của:
HT. Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN với đề tài “Phật giáo vùng Mê-kông: du nhập, phát triển và hội nhập”; Giáo sư S.R. Bhatt - Chủ tịch, Ủy Ban nghiên cứu Triết học Ấn Độ, Bộ Phát triển tiềm năng con người, chính phủ Ấn Độ, ICPR với đề tài “Indian Paradigm for New World Order” và thuyết trình của HT. Lama Lobzang - Tổng thư ký Liên minh Phật giáo Toàn cầu, IBC về đề tài “Buddhism in the Mekong Region”.
Ngày hội thảo thứ nhất được diễn ra với ba phiên, mỗi phiên đều có 4 diễn đàn gồm tiếng Anh và tiếng Việt. Mỗi diễn đàn đều có từ 4-5 học giả trình bày.
Tại Diễn đàn Du nhập và phát triển: Từ việc nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ, các nhà nghiên cứu phát hiện mối liên hệ Phật giáo các nước vùng Mê-kông. Các học giả trong và ngoài nước đều thấy rằng: Bằng sự tiếp biến văn hóa, các nước vùng Mê-kông không chỉ chia sẻ chung cơ tầng văn hóa bản địa, mà còn chứng kiến và tiếp nhận những biến động của lịch sử. Sự tiếp biến văn hóa giữa Ấn Độ và các quốc gia vùng Mê-kông đã tạo nên sự phong phú về văn hóa và đời sống tinh thần của các cộng đồng tiểu vùng Mê-kông. Điều này đã góp phần hình thành nên những giá trị bản sắc văn hóa vùng Mê-kông độc đáo từ ngàn xưa cho đến hôm nay…
Tại diễn đàn Văn hóa và di sản: Các học giả trong diễn đàn này cho rằng, về bản chất, minh triết Phật giáo là một di sản văn hóa tinh thần của nhân loại, từ thời cổ đại đến hiện đại. Trong dòng chảy của triết học, tôn giáo và văn hóa phương Đông, Phật giáo là nền minh triết đồng hành, hòa quyện với văn hóa bản địa như sữa và nước không thể tách ly. Nghiên cứu về tôn giáo địa phương với văn hóa địa phương cho phép chúng ta khẳng định rằng đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo đã được các cộng đồng dân cư trong vùng tiếp biến, nhằm làm phù hợp với điều kiện của các vùng đất mới được khai hóa…
Tại diễn đàn Môi trường và toàn cầu hóa: Đứng trước thực trạng sông Mê-kông bị thay đổi dòng chảy tự nhiên, dẫn đến sự ô nhiễm môi trường sống của động thực vật cũng như sự tuyệt chủng của một số chủng loại sinh vật quý hiếm, các nhà nghiên cứu đã phân tích môi trường qua học thuyết duyên khởi, đồng thời, đề nghị ứng dụng lời Phật dạy trong việc nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ môi trường ở khu vực sông Mê-kông và đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển lòng từ bi phổ quát, con người hiện đại sẽ ý thức về việc giảm tiêu thụ các nguồn điện năng, nâng cao thái độ hài lòng và biết đủ, thu gom chất thải ô nhiễm và độc hại, tái chế rác thải thành các năng lượng...
Thách thức về nạn ô nhiễm sông Mê-kông hiện nay không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên gồm hệ thực vật, động vật hoang dã, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của con người. Các nhà nghiên cứu đề nghị áp dụng các nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và năng lượng tái tạo nhằm hạn chế tối đa sự hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt…
Hội thảo kết thúc ngày làm việc thứ nhất vào 16h30 cùng ngày.
Ngày làm việc thứ hai của hội thảo được tiếp tục vào ngày 14/11/2015 tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Số 750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.
Niệm Phật cầu gia hộ
PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) phát biểu khai mạc.
HT.TS. Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam phát biểu.
TT.TS. Thích Nhật Từ đã khái quát các nội dung chính của bốn nhóm chuyên đề chính trong nội dung hội thảo.
HT. TS. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đọc tham luận.
HT. Lama Lobzang – Tổng thư ký Liên minh Phật giáo Toàn cầu, IBC trình bày tham luận.
Diễn đàn tiếng Anh tại hội trường chính.
hội thảo khoa học quốc tế phật giáo vùng mê kông hội thảo Phật giáo mê koong lịch sử ghpgvn tphcm