nguoiphattu.com Từ lâu, ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm đã là dịp để người dân tưởng nhớ công lao các vị vua Hùng, đồng thời nhắc nhở người trẻ những bài học về lòng yêu nước và tinh thần tự lập. Vì thế, tín ngưỡng Hùng Vương, nói cho cùng là một hệ ý thức đến với người dân trên đôi cánh của huyền thoại, nhằm chuyển tải ý thức về cuộc sống tự do, hạnh phúc, dân chủ và công bằng.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ - con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.
Từ đó, ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc. Hùng Vương là một mẫu mực người tròn đầy viên mãn cũng như cân đối một cách siêu việt.
Với tinh thần “Tri ân và báo ân” của người con Phật, ngày 06 tháng 04 năm 2017, nhằm ngày 10 tháng 03 năm Đinh Dậu, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) trang nghiêm tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự và sự tham dự của ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A.
Đặc biệt, buổi lễ này còn có sự hiện diện của đông đảo nhân dân đủ thế hệ già – trẻ - gái – trai, đó cũng chính là thể hiện sự thành kính, biết nhớ về nguồn cội của mỗi người con dân đất Việt với những người đã có công dựng nước và giữ nước.
Đại đức Thích Lệ Minh điều phối chương trình
Phát biểu khai mạc lễ Giỗ Quốc Tổ, Hòa thượng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày giỗ Tổ 10/3: “Mỗi người chúng ta đều phải biết uống nước nhớ nguồn, cây có cội nước có nguồn, người có tổ có tông, đặc biệt là dân tộc Việt Nam chúng ta là một trong những dân tộc trên thế giới biết bảo lưu sự thờ cúng cũng như những giá trị văn hóa về đạo hiếu mà rõ ràng nhất là qua nghi lễ thờ cúng Tổ tiên. Tại đất nước có bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, tại địa phương có bàn thờ Thành Hoàng, tại dòng họ có Từ Đường và tại gia đình có bàn thờ Tổ tiên. Như vậy là sự tiếp nối truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam chúng ta, trải qua các bậc tiên đế cho tới thế hệ ngày nay đều có một sự liên kết ảnh hưởng, qua lại qua sự thờ cúng của người Việt. Ngày giỗ Quốc Tổ đã được nhà nước quy định là ngày Quốc lễ để trở về nơi đất Tổ thiêng liêng, thắp hương tưởng nhớ Tổ tiên. Chúng tôi cũng thiết nghĩ rằng, đất Tổ linh thiêng nhưng cũng không thể cả triệu triệu con người Việt cùng trở về trong một ngày được, thứ nhất về đường xá giao thông, thứ hai địa điểm nơi thờ tự Đức Quốc Tổ cũng có hạn chế về không gian, thứ ba là điều kiện. Do đó mấy năm gần đây chúng tôi muốn trước hết là tưởng nhớ tới công lao sâu dày của Tổ tiên, thứ hai là muốn nhắc tới cho mọi người không quên ngày hôm nay, thứ ba là để mọi người bày tỏ tấm lòng thành của mình dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương, nhờ ơn Quốc Tổ mà có con Lạc cháu Hồng ngày hôm nay, vì vậy tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ. Trong đó có nghi lễ tế Tổ là một hình thức bày tỏ tấm lòng thành kính của con cháu với Tiên Tổ, chúng tôi muốn giữ lại nét đẹp về tế lễ như một nét văn hóa tâm linh tốt đẹp. Hôm nay, cũng là bắt đầu vào chuẩn bị kì thi chuyển cấp, chúng tôi cũng hướng cho tất cả các em trở về đây để thắp hương tưởng nhớ Tổ tiên, sau này noi gương Tổ tiên mà ôn thi thi cử đỗ đạt, học tập tốt để trở thành những người kế tiếp giữ gìn non sông gấm vóc của Tổ tiên”.
Tiếp theo là nghi thức tế Tổ, dâng lục cúng do đội văn tế của làng Bằng A thực hiện.
Sau nghi thức tế Tổ, ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A đã đọc văn tế Tổ trong sự thành kính nhất tâm hướng về Quốc Tổ Hùng Vương của toàn thể đại chúng.
Cuối cùng, chư tôn đức cùng đại diện chính quyền và nhân dân Phật tử đã dâng hương lễ Quốc Tổ Hùng Vương, nguyện cầu cho quốc thái dân an, Phật pháp hưng long.
Nhân dân thôn Sâm Hồ - Thường Tín dâng hương lễ Đức Quốc Tổ