;
Nhị vị hòa thượng tại phương trượng thiền viện Thường Chiếu
Cùng đi có Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; quý vị Ban Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ: Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Giác Dũng, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ và Thượng tọa Thích Tắc Bạch.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm tác bạch chào mừng, bày tỏ niềm vinh dự được cung đón Đức Pháp chủ quang lâm thăm hỏi sức khỏe Hòa thượng Tôn sư - Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ những dấu ấn trước đây và suy nghĩ của ngài về Thiền sư Thích Thanh Từ trong buổi thăm sáng 28-6-2023 tại thiền viện Thường Chiếu
Hòa thượng Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm cho biết, dịp này, đại diện các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm ở ba miền đều hiện diện để cung đón Đức Pháp chủ.
Đức Pháp chủ cho biết nhân mùa An cư, ngài thay mặt GHPGVN đến vấn an sức khỏe quý Hòa thượng Trưởng lão đang khiếm an và niên cao lạp trưởng.
“Mặc dù ít khi ra thiền viện thăm Hòa thượng, nhưng trong lòng tôi luôn nhớ tới ngài, trong tinh thần đồng môn tại Phật học đường Nam Việt trước đây, là học trò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa, bậc Thầy tôn kính của chúng ta”, ngài chia sẻ.
Đức Pháp chủ GHPGVN nói về công hạnh đặc biệt của Thiền sư Thích Thanh Từ
Nhắc lại thời ở Phật học đường Nam Việt, ngài cho biết có hai gương mặt giảng sư nổi tiếng lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Huyền Vi và Hòa thượng Thích Thanh Từ, đi khắp các tỉnh thành ở miền Nam để hoằng pháp.
Đức Pháp chủ nhấn mạnh cốt cách người tu trong Hòa thượng Thích Thanh Từ từ khi ngài còn trẻ, với chiều sâu trong việc thâm nhập nghĩa lý và thực hành giáo pháp của Đức Phật để có đời sống tỉnh thức, nhờ đó “vượt qua tất cả khó khăn để trưởng thành từng bước trên đường đạo”, ngài nói.
Đức Pháp chủ GHPGVN cúng dường khánh tuế đến Thiền sư Thích Thanh Từ
Trưởng lão Hòa thượng cũng chia sẻ về những lần gặp gỡ Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ sau khi du học trở về nước (1973), ý chí và quyết tâm của ngài cùng bài học kinh nghiệm mà ngài có được, đó là giá trị của chánh niệm và sự tỉnh thức. “Trong lòng tôi luôn nghĩ tới Hòa thượng Trúc Lâm. Nghĩ tới Hòa thượng Trúc Lâm thì tôi nghĩ tới Đức Điều Ngự Giác Hoàng, đây là mạch sống của Đạo. Ra thăm Hòa thượng lần này, tôi kỳ vọng tinh thần của Trúc Lâm sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời đại hôm nay và trong tương lai”, Đức Pháp chủ gửi gắm.
Với lời thỉnh cầu của chư Tăng Ni hiện diện, Đức Pháp chủ GHPGVN có lời huấn thị cho toàn thể Tăng Ni thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Ngài một lần nữa chia sẻ về gương sáng của Thiền sư Thích Thanh Từ, đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề cốt lõi của sự tu tập trong bất cứ pháp môn nào, đó là phải chứng ngộ, thể nhập được vào dòng thánh.
Đức Pháp chủ GHPGVN có lời chia sẻ, sách tấn đối với Tăng Ni thuộc Thiền phái Trúc Lâm
Ngài sách tấn Tăng Ni, Phật tử hiện diện nỗ lực theo gương của Hòa thượng Tôn sư, tinh tấn thực hành giáo pháp của Đức Phật, để xứng đáng với sự tiếp nối con đường mà Thầy của mình đã làm, đã xây dựng và giảng dạy, hướng dẫn suốt gần 4 thập niên qua, để có được hệ thống Thiền phái Trúc Lâm như hiện nay.
Trước đó, Đức Pháp chủ đã đến thăm Đại lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó Pháp chủ GHPGVN, năm nay đang ở tuổi 103, tại chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM).
Thiền sư Thích Thanh Từ sinh năm 1924, tại làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Ngài tu học với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa và từng giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Phật học vụ, sau đó là Vụ trưởng Phật học vụ; Quản viện kiêm giáo sư Phật học viện Huệ Nghiêm; Giảng sư các Phật học đường Dược Sư, Từ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh.
Tháng 11-2017, Đại hội đại biểu GHPGVN toàn quốc lần thứ VIII suy tôn ngài vào ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Ngài là vị đã phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, thành lập nhiều thiền viện trong nước và ngoài nước. Được biết, Thiền phái Trúc Lâm hiện có hơn 200 thiền viện lớn nhỏ với hơn 5.000 Tăng Ni và hơn 100.000 Phật tử quy y.